Trần Hoàng Blog

Các nhân sĩ, trí thức và cựu cán bộ cao cấp ở Hà Nội lại bị Bộ Ngoại Giao không tiếp và bị gạt gẫm 2 lần…

Posted by hoangtran204 trên 13/07/2011

Một chính quyền mà chỉ chuyên gạt gẩm và lừa dối, tìm đủ thứ các mánh khóe nhỏ nhặt nhất để dối gạt. Lần nầy, họ lừa đảo ngay cả những công dân có trách nhiệm, muốn biết sự thật về chuyện gì đã xẩy ra trong cuộc đàm phán giữa TQ và  VN liên quan tới chủ quyền của quần đảo  Hoàng Sa và Trường  Sa

Loạt bài và tin tức dưới đây gồm 5 bài, diễn ra từ ngày 2-7 đến 13 tháng 7, cho ta thấy rõ sự trí trá của những người tự xưng là chính quyền!  Tóm tắt, loạt bài nầy có nội dung như sau;.

_18 người viết đơn yêu cầu bộ Ngoại Giao cung cấp tin tức về cuộc gặp gỡ đàm phán hôm 25-6-2011 giữa ông Thứ  Trưởng Hồ Xuân Sơn và phía  TQ liên quan về chủ quyền của các đảo Hoàng  Sa và Trường  Sa …

_Bộ Ngoại  Giao nhận đơn và hứa hẹn bằng điện thoại rằng họ sẽ liên lạc và đồng ý tiếp nhóm 18 người ở văn phòng Bộ Ngoại  Giao vào ngày 8-7…Nhưng đến hẹn, thì họ thay đổi ngày hẹn, và hẹn tới tuần sau là ngày 13-7…Suốt thời gian nầy, được hỏi tại sao không gởi thư mời cho có tính chính danh, bộ trả lời là: vì cấp bách, gởi thư e không đủ thời gian! Về sau, nhóm người nầy còn phát hiện là Bộ Ngoại  Giao chỉ gọi phone mời 4 người, chứ không mời cả nhóm 18 người như đã hứa…trong điện thoại.

_Đến kỳ hẹn, Bộ Ngoại  Giao thực hiện các điều tráo trở khác. Trong khi 8 trong nhóm 18 người tưởng là Bộ Ngoại Giao giữ đúng lời hứa, nên họ đã ngồi chờ mỏi mòn ngoài quán cafe  (ngay trước cổng bộ ngoại giao) từ lúc 7- 8:30 sáng, để hy vọng được vào gặp ông  thứ trưởng  Hồ Xuân  Sơn như bộ ngoại giao đã hứa hẹn. Tuy nhiên, vào buổi sáng 13-8, Bộ Ngoại  Giao  cho biết người giải đáp các yêu cầu trong bản Kiến nghị lại là một Phó ban Biên giới, ông Trần Duy Hải,  chứ không phải ông Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn. Và nhân viên Bộ Ngoại Giao cũng không bước qua đường mời nhóm 8 người đang ngồi chờ trong quán cafe ngay trước cổng B.N.G.
Rút cuộc, cuộc hẹn đã không xảy ra, các nhân sĩ rời khỏi quán cafe ra về…

Đối với các nhân sĩ, trí thức, cựu cố vấn của Thủ Tướng, cựu đại sứ, và các cán bộ cấp tướng, cấp tá đã về hưu, có tuổi đời từ 60-90, mà chính quyền Hà  Nội còn tìm cách gạt gẫm, hứa hẹn, rồi lật lọng 2-3 lần; đến ngày hẹn, lại tìm cách thay người khác ra tiếp, và còn hạ nhục cả nhóm người nầy bằng cách không cho một nhân viên thư ký sang quán cafe mời cả nhóm 8 người vào gặp, thì ai mà dám vào, với cách làm đó, B.N.G. đã coi khinh cả nhóm 18 người nầy như những đứa con nít, thì chắc chắn chính quyền nầy coi dân chúng của họ cũng chẳng ra gì.

Kết luận: Nên đổi tên Bộ Ngoại Giao thành Bộ Giảo Hoạt mới xứng. Ngẫm nghĩ lại, lời nói nổi tiếng nhất của cựu TT Ng. Văn  Thiệu cách đây hơn 40 năm vẫn luôn luôn đúng.

Chi tiết như sau:

—-

Chúng tôi đi gặp Bộ Ngoại giao

Nguyễn Huệ Chi

Sau khi bản Kiến nghị yêu cầu Bộ Ngoại giao cung cấp thông tin liên quan đến quan hệ với Trung Quốc đề ngày 2-7-2011 do 18 người ký tên được LS Trần Vũ Hải trực tiếp đưa đến Bộ Ngoại giao ngày 4-7-2011 và nhận được chữ ký của người tiếp nhận là ông Nguyễn Văn Vượng, Phó phòng tiếp nhận công văn hành chính của Bộ, hết thảy những người đã ký vào Kiến nghị đều trong tâm trạng chờ đợi, hy vọng một sự đáp ứng chân thành, nghiêm túc của Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Tối ngày 12-7-2011 tôi đang làm việc thì nhận được một cú điện thoại từ Bộ Ngoại giao gọi đến, xưng danh đầu dây bên kia là một phụ nữ tên Loan trao đổi với tôi. Chị Loan cho biết Bộ có lời mời tôi, một trong những người ký tên vào Kiến nghị đúng 9 giờ sáng mai, 13-7-2011 đến Bộ để được nghe giải đáp về những gì bản Kiến nghị đề xuất. Tôi hỏi lại : “ Tại sao Bộ không gửi giấy mời đến từng người mà dùng hình thức gọi điện ? ” Trả lời : “ Thời gian eo hẹp không gửi giấy kịp khắp tất cả, cho nên đành phải gọi điện cho nhanh ”. Hỏi tiếp : “ Người tiếp chúng tôi trong cuôc họp sẽ là ai ? ”. Trả lời : “ Theo cháu biết thì có một lãnh đạo Bộ ra tiếp và trả lời các bác ”. “ Cũng được ” – tôi nghĩ vậy và cám ơn người gọi rồi ngưng máy.

Xong cuộc gọi điện ấy khoảng 15 phút tôi lại nhận được cú điện thứ hai của một thành viên trong số người ký tên là LS Trần Vũ Hải. Anh báo tin : anh em muốn rằng sáng mai, chúng ta có mặt tại 36 Điện biên Phủ lúc 7 giờ 30 sáng để trao đổi xem ta nên đề nghị vị lãnh đạo Bộ cho ta biết những gì, cốt hướng người giải đáp vào mục tiêu cần hỏi của chúng ta, làm cho cuộc gặp thêm phần hiệu quả.

Lời anh Hải quả hợp ý tôi. Tôi bèn lướt vội các trang mạng Trung Quốc để tìm thêm một số tin mà các trang mạng chính thống Trung Quốc đã đưa về cuộc họp giữa ông Hồ Xuân Sơn với các đồng nhiệm Trung Quốc trong ngày 25-6-2011. Hóa ra tìm được nhiều vô số, trang nào cũng nói những ý tương tự như văn bản tiếng Anh cúa Tân Hoa xã mà Kiến nghị đã lược trích. Rõ ràng là bên họ có sự “ chúng khẩu đồng từ ”, còn bên ta thì lời lẽ xem ra … tránh né và lúng túng. Tìm xong, tôi in sẵn một loạt đề mục chính làm bằng cứ rồi mới yên tâm lên giường nằm ngủ, bấy giờ đã 1 giờ sáng.

Đúng 6 giờ, còn chưa tỉnh giấc thì đã có một cú điện dựng dậy : điện thoại của nhà cách mạng lão thành Nguyễn Trọng Vĩnh. Cụ cho biết tối hôm qua cụ cũng nhận được điện từ Bộ Ngoại giao. Bộ còn có nhã ý đưa xe đến đón cụ, ưu tiên người cựu lãnh đạo cao niên của bộ. Cũng vì thế, cụ đổi ý là sẽ lên xe đi thẳng đến Bộ luôn cho tiện, còn anh em chờ nhau tại Café Trung Nguyên thì cứ có mặt ở đấy, đến giờ tất cả cùng vào. Nghe điện cụ xong, không ngủ nán được nữa, tôi trở dậy chuẩn bị làm vệ sinh cá nhân và uống tạm một cốc sữa đậu nành rồi lên đường lúc 7 giờ.

Đến 36 Điện Biên Phủ rất mừng là anh chị em có mặt đã khá đông. Gặp lại các anh Phạm Duy Hiển, Nguyễn Quang A, Phạm Xuân Nguyên, Trần Nhương, Nguyễn Xuân Diện, Nguyễn quang Thạch, và em Nguyễn Văn Phương, người đọc bản tuyên cáo tại Nhà Hát Lớn trong ngày biểu tình hôm 3-7-2011… Ai nấy đều rất vui. Cảm động nhất là sự hiện diện của GS Hoàng Tụy, người đang có những nỗi buồn riêng trong gia đình thế mà vẫn đến rất đúng giờ.

hca

Từ trái sang : Nguyễn Huệ Chi, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Quang A, Trần Nhương, Nguyễn Văn Phương, người đứng là Trần Vũ Hải

Chuyện trò một lúc chúng tôi xoay vào yêu cầu chính mà bản Kiến nghị đã đề xuất : Rất cần bộ Ngoại giao cho biết nội dung bản thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Trung Quốc gồm những điểm gì ; ngoại trừ những vấn đề thuộc phạm vi bí mật Nhà nước ra còn thì cần được bạch hóa tất cả mọi điều khoản đã ký kết, và càng cần được bạch hoá bản ký kết cuối cùng, ít nhất cũng là trích yếu các điều khoản đó.

Vì đây là vấn đề thiêng liêng thuộc phạm vi lãnh thổ lãnh hải muôn đời của Tổ quốc, Chính phủ muốn ký kết bất cứ nội dung gì đều phải trưng cầu ý dân, ký xong phải thông báo cho dân được rõ. Đây cũng là dịp tìm hiểu xem người đóng vai “ đặc sứ ” của ta (cách gọi ông Hồ Xuân Sơn trong các bản tin Trung Quốc) có rút kinh nghiệm đối phó với con cáo già phương Bắc hay không hay là vẫn cứ dẫm phải vết chân người đi trước, hớ hênh này tiếp theo hớ hênh nọ, mắc mưu người mà cứ tưởng mình “ ăn ” được người (“ Dại rồi còn biết khôn làm sao đây ”).

Ngoài ra, có một đề tài vẫn luôn luôn được Trung Quốc vin vào để biện hộ cho hành vi lấn chiếm biển đảo, trắng trợn bắn giết bộ đội và ngư dân chúng ta trong hàng mấy chục năm nay, đó là bức Công hàm gửi ông Chu Ân Lại của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng; Bộ Ngoại giao cần cho biết quan điểm chính thức của Nhà nước ta đối với bức công hàm này cũng như những luận cứ Nhà nước đã dùng để trả lời Trung Quốc về bức công hàm này – điều đáng nói là tại sao cho đến nay Nhà nước vẫn chưa công khai hóa quan điểm của Nhà nước về bức công hàm không có giá trị pháp lý đó trước toàn dân ? v.v…

hvb
GS Hoàng Tụy ngồi giữa, bên trái là GS Phạm Duy Hiển, bên phải là tác giả, đang trao đổi về những vấn đề sẽ nêu lên trong cuộc gặp gỡ sắp diễn ra với vị Thứ trưởng

Tuy vậy, khi hỏi nhau rằng ai nhận được điện của Bộ Ngoại giao vào tối hôm qua thì mới biết, chỉ có 4 người : Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nhà văn Nguyên Ngọc, GS Phạm Duy Hiển và GS Nguyễn Huệ Chi.

Sao lại như vậy chứ? 4 người trên con số 18 nói lên điều gì? 4 người có đại diện được cho cả 18 người cùng ký vào Kiến nghị không? Vì lẽ gì đến một công dân đáng kính như Giáo sư Hoàng Tụy cũng không nhận được điện mời của Bộ ? Chúng tôi loay hoay mãi mà không tìm ra lời giải cho mấy câu hỏi đầy băn khoăn ám ảnh đó. Ai cũng cảm thấy buổi gặp mặt do Bộ Ngoại giao bố trí có điều gì hơi bất thường, nếu không thì cũng là quá vội vàng, cốt làm cho xong, thiếu một sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Anh Phạm Duy Hiển cho biết nhà văn Nguyên Ngọc cũng đã gọi điện báo tin anh sẵn sàng từ Đà Nẵng bay ra ngay Hà Nội để dự cuộc gặp sáng hôm nay nếu như trong tay anh có một mảnh giấy của Bộ Ngoại giao đến đúng lúc… Những tín hiệu trước cuộc “ hội ngộ ” như thế quả thực gợi lên nhiều nan đề khó mà tự giải đáp với nhau.

Cuối cùng, đành tìm ra một phương án tạm thời như sau : mọi người hãy ngồi lại để LS Trần Vũ Hải và TS Nguyễn Quang A sang trước xem xét tình hình và đề đạt một thỉnh cầu đầy thiện chí : Bộ Ngoại giao đã muốn gặp cả 18 người ký Kiến nghị thì mời Bộ cử một phái viên sang quán café Trung Nguyên nói một lời mời chính thức để anh chị em yên tâm cùng nhau sang, nếu không, người được mời và người không được mời đều rất khó xử. Hai người tức tốc ra đi.

Một chốc sau anh Nguyễn Quang A trở về cho biết, trước cổng bộ Ngoại giao là cô Loan cùng với hai cán bộ nữa đang đợi chúng ta. Nhưng cô Loan từ chối sang quán café nói lời mời với đoàn, vì theo cô, nơi đấy là một tụ điểm ăn sáng, sang mời không tiện (Hay nhỉ, gửi giấy mời cho tất cả không tiện, gọi điện cho tất cả không tiện, khi anh chị em đến đông đủ, cần một lời mời chính thức cũng không tiện nốt, thế thì phải thế nào mới tiện đây?).

Anh Nguyễn Quang A còn cho biết thêm, xe đón Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh đã đến, Thiếu tướng đang có ý chờ anh em mình. LS Trần Vũ Hải đã vào theo cụ. Tuy nhiên người giải đáp các yêu cầu trong bản Kiến nghị lại là một Phó ban Biên giới, ông Trần Duy Hải,  chứ không phải ông Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn.

Tất cả đều ồ lên một tiếng như một tiếng đáp đồng thanh : Thế thì còn nói gì nữa. Người ta mong là mong nghe những điều đang làm lòng dân xôn xao và nóng hết mọi cái đầu yêu nước, xoay quanh những bản thông cáo báo chí chèo nhau giữa ta và Trung Quốc hơn mười ngày qua, chứ vấn đề biên giới thì các vị đã ký từ đời tám hoánh nào rồi, đâu phải là nhu cầu bức thiết phải giải đáp vào lúc này.

Không cần chờ đợi lâu, đã có ngay một quyết định dứt khoát, dù không ai bàn với ai : TS Nguyễn Xuân Diện thay mặt mọi người sang trả lời với quý Bộ rằng cả 17 người sẽ không sang nếu Bộ không có một lời mời chính thức, vì chúng tôi không cầu mong đến nghe thông tin của Bộ Ngoại giao về biên giới mà theo luật, Bộ Ngoại giao có nhiệm vụ trả lời nghiêm chỉnh Kiến nghị của công dân.

Mặt khác, nội dung bản Kiến nghị liên quan đến những vấn đề hệ trọng vượt ra ngoài quyền hạn một Phó ban Biên giới của Bộ, vì thế nếu không có ông Hồ Xuân Sơn đứng ra giải đáp các thắc mắc của nhân sĩ trí thức nhằm làm sáng tỏ những điều vẫn được đồn đại trong dân chúng về việc “ đi đêm ” giữa ta và Trung Quốc quanh chủ quyền biển đảo, thì cuộc gặp gỡ này hoàn toàn không cần thiết.

Anh Diện nhận lời đóng vai “ ngoại giao ” cho đoàn và chỉ mười phút sau anh trở lại thông báo nhiệm vụ đã được hoàn thành xuất sắc : anh đã nói lên điều cần thiết có tính chính danh là một lời mời của Bộ, còn không thì đoàn Kiến nghị trước sau cũng có cách để lấy được bản thỏa ước giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, đó là quyền lợi chính đáng của cả dân tộc chứ không phải là một trái núi Făng-si-păng để bày ra thách đố, trong khi, hiện không ít báo chí nước ngoài đang chờ đợi cuộc gặp để hỏi ý kiến về kết quả cũng như tinh thần trao đổi của Đoàn.

Nghe anh Diện nói xong, lần lượt GS Hoàng Tụy, GS Phạm Duy Hiển rồi Trần Nhương, Phạm Xuân Nguyên… mọi người đứng lên, nhìn nhau cười một cái –  nụ cười trầm ngâm nhiều ý nghĩa – và nhẹ nhàng chia tay.

Còn câu chuyện ở trong Bộ Ngoại giao, theo lời cụ Nguyễn Trọng Vĩnh kể lại thì diễn ra theo kịch bản sau : cụ và Trần Vũ Hải đi vào, phòng họp đã có đại diện các ban phòng vụ viện đủ cả. Ông Trần Duy Hải Phó ban Biên giới nói rằng sở dĩ ông được giao đứng ra tiếp đoàn vì ông ta đích thân đi theo Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn nên nắm được đầy đủ diễn biến các cuộc gặp gỡ giữa ta và Trung Quốc. Ông cũng cho hay Bộ Ngoại giao đã quyết định mở cổng chính để mời Đoàn sang, nhưng cử một người đi sang đó mời thì không thể làm được. Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh đáp lời ông : “ Bên ấy hiện có những trí thức nổi tiếng, là chuyên gia hàng đầu trong nhiều ngành nhiều lĩnh vực, các Giáo sư thứ thiệt chứ không phải loại dỏm, cho nên sự tự trọng đối với họ là biểu hiện nhân cách, không có một lời mời thì họ sang sao được ”. LS Trần Vũ Hải tiếp lời cụ Vĩnh : “ Nếu các ông quyết định không sang mời các vị nhân sĩ trí thức thì hay là ông làm văn bản trả lời chúng tôi có được không ? ” Ông Phó ban Biên giới lắc đầu : “ Có cụ Nguyễn Trọng Vĩnh đây là người biết rõ, trong nguyên tắc ngoại giao, nhiều điều nói được mà viết ra không được. Hay là thôi, cụ Vĩnh đã có mặt đây rồi, coi như cụ là Trưởng đoàn, tôi cứ xin báo cáo, cụ đại diện cho cả Đoàn nghe vậy ”. Cụ Vĩnh xua tay ngay : “ Không được đâu. Nếu anh coi tôi là người cũ của Bộ, dẫn tôi sang một phòng riêng, kể cho tôi nghe tình hình cuộc gặp gỡ giữa ta và Trung Quốc thì nghe cũng chẳng sao, nhưng còn ngồi ở đây để anh báo cáo thì đâu có được, vì tôi chỉ là một cá nhân ký vào Kiến nghị, tôi làm sao mà thay mặt được cho cả Đoàn, tôi cũng có thì giờ đâu đi báo cáo lại với từng người một. Xin nói lại, những bậc trí thức không sang vì không nhận được lời mời chứng tỏ họ là người coi sự tự trọng là một phẩm chất. Vậy thôi, cuộc họp không thành, xin dừng lại ở đây ”. Thế là cụ và LS Trần Vũ Hải bắt tay quý vị trong bộ Ngoại giao và lên xe ra về.

N.H.C.

—-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

******

Hà Nội, ngày 2  tháng 7 năm 2011

 

KIẾN NGHỊ

 YÊU CẦU BỘ NGOẠI GIAO CUNG CẤP THÔNG TIN

 LIÊN QUAN ĐẾN QUAN HỆ VỚI TRUNG QUỐC

 

Kính gửi:  Bộ Ngoại giao Việt Nam         

1.          Theo các thông tin báo chí, chúng tôi được biết ngày 25/6/2011, ông Hồ Xuân Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, đã có buổi gặp gỡ và làm việc với Ông Trương Chí Quân, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Ông Đới Bỉnh Quốc, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc.

2.           Ngày 28/6/2011, trên bản tin tiếng Anh của Tân Hoa Xã, đã có bài China urges consensus with Vietnam on South China Sea issue về cuộc gặp gỡ  này trong đó có những thông tin:

(i) Both countries are opposed to external forces getting involved in the dispute between China and Vietnam and vow to actively guide public opinion and guard against remarks or actions that undermine the friendship and trust between the people of the two countries, Hong said.”, tạm dịch như sau:

“Cả hai nước đều phản đối những thế lực bên ngoài can dự vào tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam và nguyện sẽ tích cực hướng dẫn công luận và ngăn ngừa những lời bình luận hoặc hành động làm tổn hại tới tình hữu nghị và sự tin cậy giữa nhân dân hai nước, theo ông Hồng Lỗi” ( Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc)

(ii)Chinese historical records show that in 1958, the Chinese government claimed the islands in the South China Sea as part of China’s sovereign territory, and then Vietnamese Premier Pham Van Dong expressed agreement in his diplomatic note to then Premier Zhou Enlai.”,  tạm dịch như sau:

“Những hồ sơ lịch sử của Trung Quốc đã cho thấy rằng năm 1958, chính phủ Trung Quốc đã khẳng định các hòn đảo trên Biển Hoa Nam như là bộ phận thuộc lãnh thổ quốc gia của Trung Quốc, và kế đó Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng đã bày tỏ sự tán đồng trong bức thư ngoại giao ngắn của mình gửi tới Thủ tướng khi đó là ông Chu Ân Lai.”

Những thông tin trên chúng tôi không thấy đăng trên báo chí của Việt Nam.

3.           Chúng tôi, những công dân Việt Nam ký tên dưới đây, căn cứ vào Điều 53- Hiến pháp của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam 1992 (HP 1992) “Công dân có quyền … tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan Nhà nước,…”, và Điều 69 – HP 1992 “Công dân …có quyền được thông tin;…”,  kiến nghị Bộ Ngoại giao Việt Nam như sau:

a.) Yêu cầu ông Hồ Xuân Sơn cho biết thông tin do Tân Hoa Xã đưa như đã trích  mục 2 (i) nêu trên có đúng sự thật không ?

Trong trường hợp những thông tin trên của Trung Quốc không chính xác, yêu cầu phía Trung Quốc phải cải chính và xin lỗi.

b.) Cho biết quan điểm của Việt Nam về bức thư  ngoại giao của Ông Phạm Văn Đồng năm 1958 nêu trong mục 2 (ii) trên đây ?

c.) Thông tin chi tiết (toàn văn) thỏa thuận đã đạt được (nếu có) giữa Ông Hồ Xuân Sơn và đại diện Trung Quốc trong buổi gặp đó.

Chúng tôi rất mong Bộ Ngoại giao sớm trả lời kiến nghị của công dân, thể hiện tôn trọng các quyền của công dân đã được ghi trong Hiến pháp.

Trân trọng,

Những người ký tên vào Bản kiến nghị này:

– Nguyễn Trọng Vĩnh
– Nguyễn Huệ Chi
– Hoàng Tụy
– Chu Hảo
– Phạm Duy Hiển
– Lê Hiếu Đằng
– Nguyên Ngọc
– Nguyễn Quang A
– Ngô Đức Thọ
– Trần Nhương
– Nguyễn Xuân Diện
– Phạm Xuân Nguyên
– Nguyễn Quang Thạch
– Cao Thị Vũ Hương
– Trần Vũ Hải
– Trần Kim Anh
– Hoàng Hồng Cẩm
– Nguyễn Văn Phương



Ghi chú: Bản Kiến nghị này đã được gửi tới Bộ Ngoại giao sáng nay, 4-7-2011.  Bản DPF: Ban kien nghi.  Tham khảo thêm bản tiếng Anh do độc giả dịch bên trang Nguyễn Xuân Diện.  Mời đọc thêm: 141. Trung Quốc thúc giục sự đồng thuận với Việt Nam trên vấn đề Biển Hoa Nam


———-

Thư của LS Trần Vũ Hải Gửi Bộ Ngoại về bản  Kiến Nghị 2/7/2011

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh Phúc

*****

Hà nội, ngày 11/7/2011

Kính gửi Bộ Ngoại giao Việt Nam

V/v: Buổi làm việc giữa đại diện Bộ Ngoại giao và những người ký tên Kiến nghị 2/7/2011.

Tôi – công dân Trần Vũ Hải, đang hành nghề luật sư, người chuyển Kiến nghị của 18 công dân Việt Nam yêu cầu Bộ Ngoại giao Việt Nam cung cấp thông tin về quan hệ với Trung Quốc (dưới đây viết tắt là Kiến nghị 2/7/2011) – được biết ngày 8/7/2011 đại diện Bộ Ngoại giao (ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban biên giới quốc gia thuộc Bộ Ngoại giao) đã trao đổi với trợ lý của Luật sư Trần Vũ Hải (LS TVH) để xác định thời gian làm việc giữa đại diện Bộ Ngoại giao và 18 vị ký tên vào Kiến nghị trên. Ông Trần Duy Hải (TDH) đã đề nghị LS TVH thông tin cho các vị trên rằng 9 giờ sáng 13/7/2011, đại diện Bộ Ngoại giao (Ủy ban biên giới quốc gia) sẽ tiếp các công dân ký tên vào Kiến nghị tại trụ sở Bộ Ngoại giao (số 1 Tôn Thất Đàm). Trước đó, ông TDH đã liên lạc qua điện thoại với ông Chu Hảo, một vị ký tên Kiến nghị 2/7/2011, để mời 18 vị ký Kiến nghị này gặp đại diện Bộ Ngoại giao vào ngày 8/7/2011, và ngay sau đó, trợ lý của LS TVH đã liên lạc với ông TDH đề nghị Bộ Ngoại giao chuyển giấy mời riêng hoặc giấy mời chung thông qua văn phòng LS TVH để chuyển đến 18 vị trên

Tôi đã thông tin nội dung trên cho các vị ký tên Kiến nghị 2/7/2011. Hầu hết các vị hoan nghênh tinh thần cầu thị của Bộ Ngoại giao,  cho biết sẵn sàng tham dự buổi làm việc giữa đại diện Bộ Ngoại giao và những người ký tên vào Kiến nghị. Các vị này cho rằng, đây sẽ là buổi làm việc chính thức, nghiêm túc, công khai giữa một Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền với công dân, nên Bộ Ngoại giao cần có xác nhận bằng văn bản về buổi làm việc này, trong đó nêu rõ thời gian, địa điểm Buổi Làm việc, tên lãnh đạo Bộ Ngoại giao tham dự Buổi Làm việc, tên những người ký Kiến nghị 2/7/2011 được mời.  Tôi kính đề nghị Bộ Ngoại giao gửi văn bản với những nội dung trên tới Văn Phòng Luật sư Trần Vũ Hải, 81 Chùa Láng, Đống Đa, Hà nội, hoặc theo số fax: 3835.2455 để chúng tôi chuyển đến các vị ký Kiến nghị trên.

Chúc Buổi Làm việc giữa đại diện Bộ Ngoại giao và những người ký tên Kiến nghị 2/7/2011 sẽ diễn ra.

Nơi nhận:                                                                                                                                Trân Trọng

-Như trên.

-Các vị ký tên vào Kiến nghị 2/7/2011                                                                                Ký Tên

———-

Ngày 6-7-2011

Nguồn

“Lãnh đạo Bộ (Ngoại  Giao) phân công ông liên lạc với các vị tham gia ký tên vào bản Kiến nghị để thông báo mời các vị đến Bộ Ngoại giao vào thứ Sáu tuần này để gặp và trao đổi…”

Hồi 18h50′, thứ Tư, 6/7/11, – Chiều nay, một cán bộ cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao đã gọi điện cho một trong các vị nhân sĩ tham gia ký tên trong bản Kiến nghị (BS xin không nêu tên cả hai người) và cho biết:

Lãnh đạo Bộ phân công ông liên lạc với các vị tham gia ký tên vào bản Kiến nghị để thông báo mời các vị đến Bộ Ngoại giao vào thứ Sáu tuần này để gặp và trao đổi. Khi được vị nhân sĩ cho biết ông đang đi công tác, đề nghị Bộ liên lạc với những người cùng ký tên, ông cán bộ BNG cho biết mình chỉ có số điện thoại của vị nhân sĩ này thôi.

    Theo quan điểm riêng của một số vị nhân sĩ, trí thức cùng ký tên vào bản Kiến nghị:

1- Hoan nghênh quyết định trên của BNG.

2- Bộ Ngoại giao đã biết rõ những người tham gia ký tên, nhưng nếu cần thiết, có thể liên lạc với Văn phòng Luật sư Trần Vũ Hải (nơi đã trực tiếp chuyển bản Kiến nghị tới BNG) để thông báo việc này.

3- Để thể hiện tinh thần nghiêm túc, trọng thị và minh bạch trước việc làm cao cả của các nhân sĩ trí thức về một sự việc trọng đại của đất nước, Bộ Ngoại giao cần có giấy mời cho từng vị ký tên trong bản Kiến nghị.

———-

Ngày 7-7-2011

Nguồn

TIN MỚI NHẤT TỪ VĂN PHÒNG LUẬT SƯ TRẦN VŨ HẢI

Văn phòng Luật sư Trần Vũ Hải vừa cho biết. 9h sáng nay, Văn phòng (VP LS TVH) đã liên lạc được với Bộ Ngoại giao (BNG). Nội dung như sau:

– VP LS TVH hỏi về việc phúc đáp và mời họp của Bộ Ngoại giao;

– Cán bộ BNG nói đã liên hệ bằng điện thoại với Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh – Lão thành Cách mạng, Nguyên Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Trung Quốc và Giáo sư Chu Hảo. BNG chỉ có số ĐT của 02 vị này. Nhưng hiện nay cả hai vị đều không đang ở Hà Nội. Vì vậy có thể chuyển sang Thứ Ba hoặc Thứ Tư tuần tới (12 hoặc 13 tháng 07) được không?

– VP LS TVH trả lời, việc đó VP không thể trả lời được. Và cuộc gặp không nhất thiết phải đủ 18 người đã ký Kiến nghị. Nhưng xin cung cấp đầy đủ địa chỉ, số điện thoại, số fax để BNG liên hệ gửi thư mời và VP sẽ chuyển đến tận tay 18 vị ký Kiến nghị. (Nếu thư gửi chung thì trong thư mời cần ghi rõ đầy đủ họ tên các vị đó, để VP làm bản sao gửi đi).

– Cán bộ BNG nói: Vậy thì sẽ xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên và sẽ thông báo sau.

Như vậy, ngày mai, Thứ Sáu ngày 8 tháng 07 năm 2011, chưa có cuộc tiếp xúc giữa đại diện Bộ Ngoại giao với 18 người ký Kiến nghị “Yêu cầu Bộ Ngoại giao cung cấp thông tin liên quan đến quan hệ với Trung Quốc“.
Theo tôi được biết, có rất nhiều người dân và các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước quan tâm đến việc này. Đây là một việc hoàn toàn công khai. Vì vậy, mọi người và các cơ quan báo chí, các blogger có thể liên hệ với Ông Trần Duy Hải, Phó Ban Biên giới của Bộ Ngoại giao, là người được giao việc liên hệ với chúng tôi để xin đăng ký tham dự, chứng kiến cuộc gặp gỡ, làm việc giữa Bộ Ngoại giao và 18 nhân sĩ, trí thức đã ký tên trong bản Kiến nghị.

Nguyễn Xuân Diện-Blog kính báo

—————

Thứ tư, 13 tháng 7, 2011

tin của BBC

Cuộc gặp với Bộ Ngoại giao  ‘bất thành’

Biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội

Cuộc gặp giữa nhóm nhân sỹ trí thức yêu cầu cung cấp thông tin về quan hệ với Trung Quốc và Bộ Ngoại giao Việt Nam, dự tính diễn ra vào lúc 9 giờ sáng thứ Tư 13/07, đã không thành.

Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, một trong số 18 nhân sỹ trí thức hàng đầu Việt Nam ký tên trong kiến nghị yêu cầu ‘cung cấp thông tin liên quan đến quan hệ với Trung Quốc’, nói với BBC từ Hà Nội rằng chỉ có một mình ông có mặt trong cuộc gặp, “nên tôi không nghe và ra về”.

Đáp lại kiến nghị của các nhân sỹ trí thức về thông tin cuộc gặp giữa Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn và đồng nhiệm Trung Quốc hôm 25/06, Bộ Ngoại giao đã sắp xếp cuộc gặp vào sáng thứ Tư.

Tuy nhiên, chỉ có ông Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu đại sứ Việt Nam ở Bắc Kinh, là nhận được lời mời qua điện thoại và được Bộ Ngoại giao điều xe tới nhà riêng đón vào lúc 8:30 sáng.

Những người còn lại được chuyển lời hẹn gặp qua đại diện nhóm là luật sư Trần Vũ Hải.

Tiến sỹ Nguyễn Quang A cho hay ông cùng 7-8 người khác đã có mặt tại một quán cà phê đối diện Bộ Ngoại Giao trên phố Tôn Thất Đàm từ đầu giờ sáng để chờ lời mời sang làm việc.

“Thế nhưng họ không mời một cách đàng hoàng, nên tất cả đã quyết định bỏ về.”

Trong số các nhân sỹ chờ đợi trong quán cà phê, ngoài Luật sư Hải và Tiến sỹ Quang A, có Giáo sư Hoàng Tụy, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, Giáo sư Phạm Duy Hiển, Nhà văn Trần Nhương, Nhà văn Phạm Xuân Nguyên và Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện.

‘Công dân có quyền chất vấn’

Kiến nghị yêu cầu cung cấp thông tin của các nhân sỹ trí thức được ký ngày 02/07 và được chuyển tới Bộ Ngoại giao hôm 04/07.

Cũng những người này một tuần trước đó đã ký tên vào bản Tuyên cáo về ‘các hành động gây hấn của Trung Quốc’ ở Biển Đông, hiện được hàng nghìn người hưởng ứng.

Nói về cuộc gặp bất thành sáng 13/07, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh giải thích: “Tôi ra về, vì không thể nghe thay cho cả 17 vị kia được”.

Ý nguyện của các vị nhân sỹ trí thức là được tiếp xúc với bản thân Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn, người đã có tiếp xúc và hội đàm trong tư cách đặc phái viên của lãnh đạo cao cấp Việt Nam với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc và Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Chí Quân về vấn đề Biển Đông tại Bắc Kinh.

Ông Nguyễn Trọng VĩnhÔng Nguyễn Trọng Vĩnh nói dân có quyền chất vấn chính quyền

Nhưng người được Bộ Ngoại giao phân công tiếp họ vào sáng thứ Tư là ông Trần Duy Hải, Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới.

Tướng Vĩnh cho hay yêu cầu của các nhân sỹ ký tên trong kiến nghị rất đơn giản: “Thứ nhất là họ có thể trả lời bằng văn bản”.

“Thứ hai, nếu họ muốn mời gặp, thì mời tất cả chúng tôi. Còn thứ ba, họ có thể không trả lời.”

Theo ông Nguyễn Trọng Vĩnh, công dân hoàn toàn “có quyền chất vấn chính quyền, có quyền kiến nghị cơ quan nhà nước”, bởi vậy yêu cầu của các nhân sỹ trí thức là “chuyện hoàn toàn bình thường”.

Hiện chưa rõ nhóm nhân sỹ trí thức có tiếp tục theo đuổi kiến nghị của mình hay không.

Công khai minh bạch

Hôm 25/06, trong cuộc gặp với phía Trung Quốc của Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn, hai bên đã thống nhất đẩy nhanh tiến độ đàm phán để sớm ký kết “Thỏa thuận về các Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc”.

Kiến nghị của các trí thức viết “theo các thông tin báo chí, chúng tôi được biết” về các cuộc gặp trên, cũng như tường thuật của Tân Hoa Xã (Trung Quốc) về hai cuộc gặp.

“Những thông tin trên chúng tôi không thấy đăng trên báo chí của Việt Nam.”

Họ yêu cầu Bộ Ngoại giao xác nhận tính chính xác của thông tin mà Tân Hoa Xã đưa ra, nếu không đúng “yêu cầu phía Trung Quốc phải cải chính và xin lỗi”.

Họ cũng kiến nghị bộ này giải thích quan điểm của Việt Nam về bức thư ngoại giao của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi người đồng nhiệm Trung Quốc năm 1958 về chủ quyền ở Biển Đông.

Bản kiến nghị còn yêu cầu cung cấp “thông tin chi tiết (toàn văn) thỏa thuận đã đạt được (nếu có) giữa ông Hồ Xuân Sơn và đại diện Trung Quốc” hôm 25/06.

Bạn cứ phịa ra một email hoặc tên nào đó để viết ý kiến. Comment của tất cả các bạn đọc sẽ được hiện ra.

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.