Trần Hoàng Blog

Archive for Tháng Tư, 2015

►Cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trả lời phỏng vấn của Spiegel 1979

Posted by hoangtran204 trên 30/04/2015

Cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trả lời phỏng vấn của Spiegel 1979     

29-4-2015

  • Phạm Thị Hoài dịch

    Nguyễn Văn Thiệu và Henry Kissinger

    SpiegelThưa ông Thiệu, từ 1968 đến 1973 Hoa Kỳ đã nỗ lực thương lượng hòa bình cho Việt Nam. Trong cuốn hồi ký của mình, ông Henry Kissinger, trưởng phái đoàn đàm phán Hoa Kỳ đã dùng nhiều trang để miêu tả việc ông, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, đã chống lại những nỗ lực nhằm đem lại hòa bình cho một cuộc chiến đã kéo dài nhiều năm, với hàng triệu nạn nhân và dường như là một cuộc chiến để “bóp nát trái tim Hoa Kỳ”. Vì sao ông lại cản trở như vậy?

    Nguyễn Văn Thiệu: Nói thế là tuyệt đối vô nghĩa. Nếu tôi cản trở thì đã không có Hiệp định Hòa bình năm 1973 – mặc dù, như ai cũng biết, đó không phải là một nền hòa bình tốt đẹp; hậu quả của nó ở Việt Nam là chứng chỉ rõ ràng nhất. Kissinger đại diện cho chính sách và lợi ích của chính phủ Mỹ. Là Tổng thống Nam Việt Nam, bổn phận của tôi là bảo vệ những lợi ích sống còn của đất nước tôi.

    Tôi đã nhiều lần chỉ ra cho Tổng thống Nixon và TS Kissinger rằng, đối với một cường quốc như Hoa Kỳ thì việc từ bỏ một số vị trí không mấy quan trọng ở một quốc gia bé nhỏ như Nam Việt Nam không có gì đáng kể. Nhưng với chúng tôi, đó là vấn đề sinh tử của cả một dân tộc.

    SpiegelKissinger không phủ nhận rằng cuối cùng ông cũng đồng ý. Nhưng ông ấy cũng nói rằng phải đàm phán lâu như vậy vì ông cản trở nhiều, rằng ông đồng ý với các đề xuất của Mỹ chỉ vì ông chắc mẩm rằng đằng nào thì Hà Nội cũng sẽ bác bỏ.

    Nguyễn Văn Thiệu: Không đúng như vậy. Để chấm dứt một cuộc chiến tranh đã kéo dài gần 30 năm, người ta cần nhiều thời gian hơn là hai, ba ngày hay hai, ba tháng. Tôi hiểu rõ rằng đối với người Mỹ đã đến giúp chúng tôi, đây là cuộc chiến dài nhất trong lịch sử của họ. Có lẽ vì thế mà họ vội vã như vậy. Nhưng điều chúng tôi cần là một nền hòa bình lâu dài.

    SpiegelKissinger có ý cho rằng ông không thực sự muốn ký kết một thỏa thuận về hòa bình, đúng ra ông ngầm mong phía miền Bắc cũng sẽ cứng đầu như ông. Kissinger viết rằng ông đồng ý với nhiều đề xuất từ phía Mỹ – trong tinh thần sẵn sàng không tuân thủ, chỉ vì trong thâm tâm ông không tin rằng hòa bình sẽ được ký kết. Có phải là trong khi đàm phán, ông đã bịp, với hy vọng là sẽ không bao giờ phải ngửa bài lên?

    Nguyễn Văn Thiệu: Không. Sao lại có thể nói là một dân tộc đã chịu đựng bao nhiêu đau khổ suốt 30 năm lại muốn kéo dài cuộc chiến? Kissinger muốn xúc tiến thật nhanh mọi việc để Mỹ có thể rút quân và tù binh Mỹ được thả. Mà có lẽ mục đích của chính phủ Mỹ cũng là cao chạy xa bay. Họ thì có thể bỏ chạy. Nhưng chúng tôi thì phải ở lại Nam Việt Nam.

    Chúng tôi có quyền chính đáng để đòi hỏi một hiệp định hòa bình toàn diện. Không phải là vài ba năm hòa bình, rồi sau đó lại 30 năm chiến tranh.

    Nguyễn Văn Thiệu và Richard Nixon tại cuộc họp ở Midway 1969

    SpiegelVậy tại sao ông lại đi trước cả người Mỹ và tự đề nghị Hoa Kỳ rút quân trong cuộc họp tại đảo Midway ở Thái Bình Dương tháng Sáu 1969, theo tường thuật của Kissinger?

    Nguyễn Văn Thiệu: Trước khi họp ở Midway, việc chính phủ Mỹ dự định rút quân đã không còn là điều bí mật. Cho phép tôi nhắc để các ông nhớ lại, tin tức về việc Mỹ sẽ rút một số quân đã loan khắp thế giới, trước cuộc họp ở Midway. Vì sao? Theo tôi, chính phủ Mỹ muốn thả bóng thăm dò, tiết lộ thông tin trước cho báo chí và đẩy chúng tôi vào sự đã rồi.

    Spiegel: Tức là ông đã nắm được tình hình?

    Nguyễn Văn Thiệu: Đúng thế. Cuộc họp ở Midway nhằm hai mục đích. Thứ nhất, cho hai vị tân tổng thống cơ hội làm quen và bàn về đề tài Việt Nam. Điểm thứ hai đã vạch rất rõ là bàn về việc rút những toán quân Mỹ đầu tiên. Tôi đã không hình dung sai điều gì và đã làm chủ tình thế. Không có gì phải lo lắng, và tôi đã rất vững tâm.

    SpiegelKhi đề xuất Mỹ rút quân, ông có thật sự tin rằng Nam Việt Nam có thể chiến đấu một mình và cuối cùng sẽ chiến thắng trong một cuộc chiến mà hơn 540.000 lính Mỹ cùng toàn bộ guồng máy quân sự khổng lồ của Hoa Kỳ không thắng nổi không? Chuyện đó khó tin lắm.

    Nguyễn Văn Thiệu: Không, đề xuất đó không phải của tôi. Tôi chỉ chấp thuận. Tôi chấp thuận đợt rút quân đầu tiên của Mỹ, vì Tổng thống Nixon bảo tôi là ông ấy gặp khó khăn trong đối nội và việc rút quân chỉ mang tính tượng trưng. Ông ấy cần sự ủng hộ của dư luận và của Quốc hội. Nhưng tôi cũng bảo ông ấy rằng: Ông phải chắc chắn rằng Hà Nội không coi việc bắt đầu rút quân đó là dấu hiệu suy yếu của Hoa Kỳ.

    SpiegelVà ông không nghĩ đó là khởi đầu của việc rút quân toàn bộ?

    Nguyễn Văn Thiệu: Không. Tôi đã hình dung được rằng, đó là bước đầu tiên để cắt giảm quân số. Nhưng không bao giờ tôi có thể nghĩ Mỹ sẽ rút hẳn và bỏ rơi Nam Việt Nam. Tôi đã trình bày với Tổng thống Nixon rằng việc cắt giảm quân số sẽ phải tiến hành từng bước, như khả năng chiến đấu và việc tiếp tục củng cố Quân lực Việt Nam Cộng hòa cho phép – tương ứng với những viện trợ quân sự và kinh tế có thể giúp Nam Việt Nam tự đứng trên đôi chân của mình.

    Quan trọng hơn, tôi đã bảo ông ấy phải yêu cầu Hà Nội có một hành động tương ứng đáp lại. Phía Mỹ đồng ý với tôi ở mọi điểm; về một sự rút quân từng bước và của cả hai phía…

    Spiegel… và mang tính tượng trưng?

    Nguyễn Văn Thiệu: Tôi hiểu rõ rằng cuộc chiến ở Việt Nam cũng là một vấn đề đối nội của Hoa Kỳ. Và Tổng thống Nixon giải thích rằng ông ấy cần một cử chỉ tượng trưng để giải quyết vấn đề đó. Trước đó một tuần tôi đến Seoul và Đài Loan, tôi đã nói với Tổng thống Park Chung Hee và Tổng thống Tưởng Giới Thạch rằng tôi hy vọng việc rút quân sắp bàn với Tổng thống Nixon ở Midway chỉ là một sự cắt giảm quân số mang tính tượng trưng. Song tôi cũng lưu ý rằng nếu Hoa Kỳ muốn rút hẳn thì chúng tôi cũng không thể ngăn cản. Vậy thì đề nghị họ rút quân từng bước, đồng thời viện trợ để củng cố một quân đội Nam Việt Nam hùng mạnh và hiện đại, có thể thay thế người Mỹ, sẽ là hợp lý hơn. Không bao giờ tôi đặt giả thiết là lính Mỹ sẽ ở lại Việt Nam vĩnh viễn.

    SpiegelMỹ vẫn đóng quân ở Hàn Quốc và Tây Đức mà.

    Nguyễn Văn Thiệu: Nhưng chúng tôi là một dân tộc rất kiêu hãnh. Chúng tôi bảo họ rằng, chúng tôi cần vũ khí và viện trợ, nhưng nhiệt huyết và tính mạng thì chúng tôi không thiếu.

    SpiegelÔng đánh giá thế nào về tình thế của ông khi ấy? Vài tháng trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Melvin Laird vừa đưa ra một khái niệm mới: “Việt Nam hóa chiến tranh”. Trước đây người Mỹ chỉ nói đến việc “phi Mỹ hóa” cuộc chiến. Cái khái niệm mới ấy đã thể hiện rõ dự định rút khá nhanh của người Mỹ rồi, đúng không?

    Nguyễn Văn Thiệu: Khi đến Sài Gòn vào tháng Bảy 1969, ông Nixon đã nhắc lại rằng ông ấy cần được sự hậu thuẫn của dư luận trong nước Mỹ. Tôi hiểu ông ấy. Nhưng ông ấy không hề tuyên bố rằng việc rút quân là một lịch trình mang tính hệ thống do sáng kiến của Mỹ. Ông ấy chỉ nói với tôi về những khó khăn trong nước, ở Mỹ, và đề nghị tôi giúp. Ông ấy bảo: “Hãy giúp chúng tôi giúp ông.” Tôi đáp: “Tôi giúp ông giúp chúng tôi.” Trong lần họp mặt đó, chúng tôi lại tiếp tục bàn về việc rút quân từng bước.

    SpiegelNhưng không đưa ra một lịch trình cụ thể?

    Nguyễn Văn Thiệu: Không. Và ông Nixon lại hứa rằng việc rút quân của Mỹ sẽ phải đi đôi với những hành động tương ứng của Bắc Việt và phải phù hợp với khả năng phòng thủ của Nam Việt Nam cũng như phải phù hợp với việc Mỹ tiếp tục viện trợ quân sự và kinh tế cho Nam Việt Nam.

    SpiegelỞ thời điểm đó ông có nhận ra rằng nếu thấy cần thì Mỹ cũng sẽ sẵn sàng đơn phương rút quân không?

    Nguyễn Văn Thiệu: Có, tôi đã ngờ. Nhưng lúc đó tôi vẫn rất vững tâm và tin tưởng vào đồng minh lớn của chúng tôi.

    SpiegelCó lẽ ông tin thế là phải. Cuốn hồi ký của Kissinger cho thấy khá rõ rằng chính phủ Nixon không thể dễ dàng “đình chỉ một dự án liên quan đến hai chính phủ, năm quốc gia đồng minh và đã khiến 31,000 người Mỹ phải bỏ mạng, như thể ta đơn giản chuyển sang một kênh TV khác.”

    Rõ ràng là người Mỹ muốn thoát khỏi Việt Nam bằng con đường đàm phán. Chỉ trong trường hợp cần thiết họ mới muốn đơn phương rút quân. Ông có đưa ra yêu sách nào liên quan đến những cuộc thương lượng giữa Washington và Hà Nội không?

    Nguyễn Văn Thiệu: Chúng tôi đã chán ngấy chiến tranh và quyết tâm chấm dứt nó qua đàm phán. Chúng tôi yêu cầu những kẻ xâm lăng đã tràn vào đất nước của chúng tôi phải rút đi. Tất cả chỉ có vậy.

    Spiegel: Ông đã oán trách rằng sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam năm 1975 chủ yếu là do sau Hiệp định Paris, miền Bắc vẫn được phép đóng quân tại miền Nam. Ông khẳng định rằng mình chỉ chấp nhận sự hiện diện đó của miền Bắc trong quá trình đàm phán, còn sau khi ký kết thì Hà Nội phải rút quân.

    Nhưng Kissinger lại khẳng định trong hồi ký rằng ông thừa biết việc Hà Nội sẽ tiếp tục trụ lại ở miền Nam, và cho đến tận tháng Mười 1972 ông cũng không hề phản đối những đề xuất của phía Mỹ liên quan đến điểm này.

    Nguyễn Văn Thiệu: Đó là một lời nói dối hết sức vô giáo dục của Kissinger, rằng tôi chấp thuận cho quân đội Bắc Việt ở lại miền Nam. Nếu ngay từ đầu tôi đã chấp thuận như Kissinger nói thì lúc ông ấy cho tôi xem bản dự thảo, trong đó không có điều khoản nào về việc rút quân của Bắc Việt, tôi đã chẳng phản đối quyết liệt như thế.

    Điểm then chốt nhất mà tôi dốc sức bảo vệ, từ đầu cho đến khi kết thúc đàm phán, chính là yêu cầu Hà Nội phải rút quân. Tôi đã tuyên bố rõ với Kissinger là nếu không đạt được điều đó thì không có ký kết.

    Sau nhiều ngày tranh luận gay gắt, cuối cùng ông ta bảo: “Thưa Tổng thống, điều đó là không thể được. Nếu được thì tôi đã làm rồi. Vấn đề này đã đặt ra ba năm trước, nhưng phía Liên Xô không chấp nhận.” Tôi hiểu ra rằng chính phủ Mỹ đã nhượng bộ trước yêu sách của Liên Xô, và đó là nỗi thất vọng lớn nhất của tôi.

    SpiegelCó lẽ Liên Xô không thể làm khác, vì Hà Nội không chấp nhận coi Nam Việt Nam là một quốc gia khác, và một thời gian dài họ còn phủ nhận việc họ đã đưa quân đội chính quy vào miền Nam.

    Nguyễn Văn Thiệu: Chúng tôi đã chiến đấu hơn 20 năm và học được rằng, đừng bao giờ tin lời Nga Xô và Hà Nội. Bắc Việt đóng quân ở cả Lào, Campuchia và Nam Việt Nam, tôi tin rằng một người mù cũng nhìn ra điều đó. Muốn chấm dứt chiến tranh thì chúng ta phải nhìn vào hiện thực chứ không thể chỉ nghe lời kẻ địch.

    SpiegelÔng có lập luận như thế với Kissinger không?

    Nguyễn Văn Thiệu: Tất nhiên, và với cả Tướng Haig nữa. Tôi bảo ông ấy thế này: “Ông Haig, ông là tướng, tôi là tướng. Ông có biết một hiệp định hòa bình nào trong lịch sử lại cho phép kẻ xâm lăng tiếp tục đóng quân tại lãnh thổ mà nó xâm lược không? Ông có cho phép Liên Xô vào Hoa Kỳ đóng quân rồi tuyên bố rằng ông đã ký kết thành công một hiệp định hòa bình với Liên Xô không?”

    SpiegelÔng ấy trả lời sao?

    Nguyễn Văn Thiệu: Ông ấy không trả lời được. Mà trả lời thế nào cơ chứ, chuyện đó hoàn toàn vô lý. Còn gì mà nói nữa.

    SpiegelNhưng Kissinger thì có câu trả lời trong hồi ký. Ông ấy viết rằng khó mà bắt Hà Nội rút quân, vì họ hoàn toàn không sẵn sàng từ bỏ trên bàn đàm phán những thứ mà họ không mất trên chiến trường. Nhưng ông ấy cũng nói rằng trong Hiệp định Paris có một điều khoản không cho phép xâm lấn. Ông ấy đi đến kết luận rằng “lực lượng miền Bắc sẽ tự nhiên tiêu hao sinh lực và dần dần biến mất.”

    Nguyễn Văn Thiệu: Tôi thấy chính phủ Mỹ và đặc biệt là TS Kissinger không hề rút ra được bài học nào khi phải đàm phán với cộng sản, sau những kinh nghiệm đau thương năm 1954 giữa Pháp và cộng sản Việt Nam và từ Chiến tranh Triều Tiên. Họ cũng không học được gì từ những cuộc đàm phán về Lào và Campuchia và cũng không nắm bắt được là nên xử sự thế nào với cộng sản và cần phải hiểu chiến lược và chiến thuật của cộng sản ra sao.

    Tức là ta lại phải trở về với vấn đề rằng, vì sao TS Kissinger, người đại diện cho một quốc gia lớn và tự cho mình là nhà thương thuyết giỏi giang nhất, lại có thể tin rằng quân Bắc Việt đóng tại miền Nam sẽ không xâm lấn. Sao ông ấy có thể tin như vậy cơ chứ?

    Ông ấy đủ sức kiểm soát từng tấc đất trên biên giới của Campuchia, và của Lào, và của Nam Việt Nam à? Dù có cả triệu nhân viên quốc tế giám sát, chúng tôi cũng không bao giờ có thể khẳng định là đã có đủ bằng chứng rằng không có xâm lấn. Sao ông ấy lại có thể tin những gì Bắc Việt nói. Ông ấy có thể tin lời cộng sản, nhưng chúng tôi thì không. Vì thế mà tôi đã cương quyết đòi Bắc Việt phải rút quân. Nếu họ thực sự muốn hòa bình thì họ ở lại miền Nam làm gì?

    SpiegelVậy Kissinger nói sao?

    Nguyễn Văn Thiệu: Còn nói gì được nữa? Ông ấy và chính phủ Mỹ chỉ muốn chính xác có một điều: rút khỏi Việt Nam càng sớm càng tốt và đảm bảo việc trao trả tù binh Mỹ. Họ bảo chúng tôi là họ mong muốn một giải pháp trong danh dự, nhưng sự thực thì họ chỉ muốn bỏ của chạy lấy người. Nhưng họ lại không muốn bị người Việt và cả thế giới kết tội là đã bỏ rơi chúng tôi. Đó là thế kẹt của họ.

    SpiegelKissinger viết rằng, ngay sau Chiến dịch Xuân-Hè 1972 của Hà Nội, các bên dường như đã đổi vai. Hà Nội đột nhiên muốn đàm phán trở lại, còn Sài Gòn thì muốn đánh cho đến khi giành toàn thắng.

    Nguyễn Văn Thiệu: Hoàn toàn vô nghĩa! Ông TS Kissinger hiểu thế nào là chiến thắng? Bắc Việt đã đem chiến tranh vào miền Nam. Chúng tôi yêu cầu họ phải rút quân. Thế là chiến thắng hay sao? Tôi chưa bao giờ yêu cầu Bắc Việt tự coi mình là tù binh của miền Nam. Tôi chưa bao giờ yêu cầu Bắc Việt bồi thường cho tổn thất chiến tranh. Tôi chưa bao giờ đòi hỏi Bắc Việt giao nộp lãnh thổ. Tôi chưa bao giờ đòi có chân trong chính phủ ở Hà Nội. Vậy ông Kissinger hiểu thế nào về chiến thắng và toàn thắng?

    SpiegelVề vấn đề rút quân của miền Bắc, 31 tháng Năm 1971 là một ngày quan trọng. Kissinger cho biết là khi đó, trong các cuộc họp kín, Mỹ đã đưa ra yêu cầu hai bên cùng rút quân. Trong hồi ký, ít nhất ba lần TS Kissinger viết rằng không những ông được thông báo trước, mà ông còn chấp thuận.

    Nguyễn Văn Thiệu: Tôi không bao giờ chấp thuận việc rút quân đơn phương. Từ cuộc họp ở Midway, tôi luôn luôn yêu cầu rút quân từng bước và cả hai bên cùng rút. Hoa Kỳ đã thay đổi lập trường và tìm cách ép chúng tôi, với những chiến thuật mà họ thường sử dụng, bằng cách huơ thanh gươm Damocles trên đầu tôi, chẳng hạn họ đem công luận Mỹ ra đe tôi, họ bảo: “Hình ảnh của ông tại Hoa Kỳ hiện nay rất tồi tệ!” Hoặc: “Quốc hội muốn cắt giảm viện trợ.” Vân vân. Họ áp dụng đúng những chiến thuật đã biết, tiết lộ thông tin cho báo giới và đặt tôi trước sự đã rồi.

    Nếu tôi từ chối, công luận sẽ quay ra chống tôi: “Ông ta đòi quá nhiều, ông ta sẽ không bao giờ cho Mỹ được rút, ông ta sẽ không bao giờ cho tù binh Mỹ được trở về.” Thế là tôi luôn phải chấp thuận. Không phải tự nguyện, mà miễn cưỡng. Tôi phản đối làm sao được, khi lần nào họ cũng bảo rằng: “Ông mà chống thì sẽ bị cắt viện trợ.”

    Spiegel: Kissinger viết rằng trước bất kỳ một quyết định dù dưới hình thức nào, phía Mỹ cũng hỏi ý kiến ông trước.

    Nguyễn Văn Thiệu: Vâng, họ hỏi ý kiến tôi, nhưng chắc chắn không phải là để nghe tôi nói “Không”, nếu đó là những quyết định phục vụ cho lợi ích của Hoa Kỳ. Họ ưa gây sức ép hơn, và đạt được gần như mọi thứ bằng cách đó.

    SpiegelBây giờ Kissinger cay đắng chỉ trích về Chiến dịch Hạ Lào năm 1971. Ông ấy viết rằng, ông đã đồng ý rằng chiến dịch này nhất định phải thực hiện trong mùa khô. Vậy ý tưởng đó ban đầu là của ai?

    Nguyễn Văn Thiệu: Của người Mỹ. Trước đó khá lâu, chúng tôi từng có ý định thực hiện, nhưng không đủ khả năng tiến hành một mình. Đến khi phía Mỹ đề xuất thì chúng tôi sẵn sàng đồng ý, để sớm chấm dứt chiến tranh. Chiến dịch đó do liên quân Việt-Mỹ thực hiện và được vạch ra rất rõ ràng: Chúng tôi tác chiến tại Lào, còn phía Mỹ thì hỗ trợ tiếp vận từ Việt Nam và từ biên giới.

    SpiegelVì sao? Vì Quốc hội Mỹ có luật cấm quân đội Mỹ xâm nhập lãnh thổ Lào?

    Nguyễn Văn Thiệu: Vâng, tôi tin là vậy. Nhưng cũng vì chúng tôi không có đủ phương tiện để tiếp tế cho binh lính, và nhất là để cứu thương binh ra ngoài. Việc đó chỉ có thề thực hiện bằng trực thăng, và chỉ phía Mỹ mới có đủ trực thăng. Không có họ thì không đời nào chúng tôi đồng ý thực hiện chiến dịch tại Lào.

    SpiegelKissinger viết rằng quân của ông gặp khó khăn khi yêu cầu không quân hỗ trợ, vì gần như không có báo vụ viên nói được tiếng Anh.

    Nguyễn Văn Thiệu: Hoàn toàn không có vấn đề gì với việc hỗ trợ của không quân. Đôi khi không có thì chúng tôi cũng không lo lắng; chúng tôi có thể dùng pháo binh. Vấn đề là: trong ba ngày mở đầu chiến dịch, phía Mỹ đã mất rất nhiều phi công trực thăng. Vì thế mà họ chần chừ, không bay đúng thời điểm và ở quy mô cần thiết. Điều đó thành ra một vấn đề lớn với quân lực Nam Việt Nam.

    SpiegelTinh thần binh lính bị suy sụp?

    Nguyễn Văn Thiệu: Chúng tôi không đem được binh lính tử trận và thương binh ra ngoài. Không phải chỉ tinh thần binh lính, mà cả tiến độ của chiến dịch cũng bị ảnh hưởng.

    SpiegelKissinger nêu ra một lý do khác. Rằng ông đã lệnh cho các sĩ quan chỉ huy phải thận trọng khi tiến về hướng Tây và ngừng chiến dịch nếu quân số tổn thất lên tới 3000. Kissinger viết rằng nếu phía Mỹ biết trước điều đó thì không đời nào họ đồng ý tham gia chiến dịch này.

    Nguyễn Văn Thiệu: Đối với một quân nhân, định trước một tổn thất về quân số là điều phi lý. Nếu TS Kissinger nói thế thì ông ấy thật giàu trí tưởng tượng. Chúng tôi chỉ có thể tiến về phía Tây trong giới hạn mà trực thăng cứu viện có thể bay đến. Kissinger bảo là chúng tôi đã rút quân mà không báo cho phía Mỹ. Làm sao chúng tôi có thể triệt thoái trên 10,000 quân mà họ không hay biết gì?

    SpiegelTức là ông đã thông báo cho họ?

    Nguyễn Văn Thiệu: Ồ, tất nhiên. Để tôi kể cho ông nghe một câu chuyện. Hồi đó tờ Time hay tờ Newsweek có đăng bức hình một người lính Nam Việt Nam đang bám vào càng một chiếc trực thăng cứu viện. Bên dưới đề: “Nhát như cáy”. Tôi chỉ cười. Tôi thấy nó tệ. Không thể ngăn một người lính lẻ loi hành động như vậy được. Nhưng báo chí lại kết tội lính Nam Việt Nam là hèn nhát và đồng thời giấu biến sự thật về tinh thần chiến đấu sút kém của phi công trực thăng Mỹ trong chiến dịch này.

    SpiegelMột điểm gây rất nhiều tranh cãi giữa Hoa Kỳ và Nam Việt Nam là vấn đề ngưng bắn. Theo cuốn hồi ký của Kissinger thì ngay từ mùa Hè 1970 chính phủ Mỹ đã thống nhất về việc sẽ đề xuất một thỏa thuận ngưng bắn tại các chiến tuyến hiện có. Kissinger khẳng định rằng ông không chỉ chấp thuận mà còn ủng hộ đề xuất này.

    Nguyễn Văn Thiệu: Đúng như vậy, tôi cũng cho rằng ngưng bắn phải là bước đầu tiên để đáp ứng một hiệp định hòa bình. Nhưng ngưng bắn ngay lập tức – và tôi xin nhắc lại: ngay lập tức – thì tôi không bao giờ đồng ý với Kissinger. Tôi bảo, chúng ta phải cân nhắc hết sức kỹ lưỡng việc này. Không thể thực hiện ngưng bắn trước khi tính kỹ việc ai sẽ giám sát việc ngưng bắn, nếu ai vi phạm thì hậu quả sẽ thế nào, hai bên sẽ đóng quân ở đâu, vân vân.

    SpiegelKissinger viết: “Khi đó chúng tôi vẫn tưởng rằng chúng tôi và Thiệu cùng đồng hành hợp tác.” Phía Mỹ đã không hiểu rằng ông đem những “chiến thuật né tránh” mà “người Việt thường áp dụng với người ngoại quốc” ra dùng.

    Nguyễn Văn Thiệu: Chúng tôi là một nước nhỏ, gần như mọi thứ đều nhờ ở một đồng minh lớn và vẫn tiếp tục phải xin viện trợ dài hạn của đồng minh đó, không bao giờ chúng tôi lại cho phép mình dùng những thủ đoạn nào đó.

    SpiegelKhi Mỹ đã rút, còn Hà Nội thì được phép tiếp tục đóng quân ở miền Nam, chắc ông phải thấy là ông đã thua trong cuộc chiến này?

    Nguyễn Văn Thiệu: Không hẳn, nếu chúng tôi tiếp tục được sự trợ giúp cần thiết từ phía Mỹ, như chính phủ Mỹ đã hứa khi chúng tôi đặt bút ký hiệp định. Ngay cả khi ký, tôi đã coi đó là một nền hòa bình tráo trở.

    Nhưng chúng tôi vẫn tin rằng có thể chống lại bất kỳ sự xâm lăng nào của Bắc Việt. Vì hai lý do: Chúng tôi có lời hứa chắc chắn bằng văn bản của Tổng thống Nixon rằng Hoa Kỳ sẽ phản ứng quyết liệt, nếu Bắc Việt vi phạm hiệp định.

    SpiegelMặc dù ông ấy không hề cho biết sẽ phản ứng bằng cách nào.

    Nguyễn Văn Thiệu: Thứ hai, chúng tôi được đảm bảo là sẽ có đủ viện trợ quân sự và kinh tế cần thiết để chống Bắc Việt xâm lược. Nếu chính phủ Mỹ thực lòng giữ lời hứa thì chiến tranh có thể kéo dài, nhưng miền Nam sẽ không bị Bắc Việt thôn tính.

    SpiegelVề điều này thì ông và Kissinger ít nhiều đồng quan điểm. Ông ấy viết rằng chiến lược toàn cục có thể sẽ thành công, nếu Mỹ đủ khả năng hành động trước bất kỳ một vi phạm nào của Hà Nội và tiếp tục viện trợ đầy đủ cho miền Nam. Nhưng chuyện gì đã xảy ra? Kissinger quy lỗi cho vụ Watergate, vì sau đó Tổng thống Mỹ không còn đủ uy tín. Ông có nghĩ rằng vụ Watergate thực sự chịu trách nhiệm, khiến tất cả sụp đổ không?

    Nguyễn Văn Thiệu: Rất tiếc, nhưng tôi không phải là người Mỹ. Tôi không muốn quét rác trước cửa nhà người Mỹ. Nhưng nếu người Mỹ giữ lời hứa thì đó là sự cảnh báo tốt nhất, khiến Bắc Việt không tiếp tục xâm lăng, và chiến tranh có thể sẽ dần chấm dứt.

    SpiegelNếu Hoa Kỳ giữ lời thì theo ông, hiệp định hoàn toàn có thể thành công?

    Nguyễn Văn Thiệu: Tôi cho là như vậy.

    Spiegel: Như vậy về tổng thể, Hiệp định Paris không đến nỗi tồi?

    Nguyễn Văn Thiệu: Đó chắc chắn không phải là một hiệp định có lợi cho chúng tôi. Nó tráo trở. Nhưng đó là lối thoát cuối cùng. Ông phải hiểu rằng chúng tôi đã ký kết, vì chúng tôi không chỉ có lời hứa của chính phủ Mỹ như tôi đã nói, mà hiệp định đó còn được mười hai quốc gia và Liên Hiệp Quốc đảm bảo.

    SpiegelTrong cuốn hồi ký, TS Kissinger có những bình luận rát mặt về khá nhiều chính khách đầu đàn. Nhưng riêng ông thì bị ông ấy dành cho những lời hạ nhục nhất. Tuy đánh giá cao “trí tuệ”, “sự can đảm”, “nền tảng văn hóa” của ông, nhưng ông ấy vẫn chú tâm vào “thái độ vô liêm sỉ”, “xấc xược”, “tính vị kỷ chà đạp” và “chiến thuật khủng khiếp, gần như bị ám ảnh điên cuồng” trong cách ứng xử với người Mỹ của ông. Vì thế, cuối cùng Kissinger nhận ra “sự phẫn nộ bất lực mà người Việt thường dùng để hành hạ những đối thủ mạnh hơn về thể lực”. Ý kiến của ông về những khắc họa đó thế nào?

    Nguyễn Văn Thiệu: Tôi không muốn đáp lại ông ấy. Tôi không muốn nhận xét gì về ông ấy. Ông ấy có thể đánh giá tôi, tốt hay xấu, thế nào cũng được. Tôi muốn nói về những điều đã xảy ra giữa Hoa Kỳ và Nam Việt Nam hơn.

    SpiegelHay ông đã làm gì khiến ông ấy có cái cớ để viết về ông với giọng coi thường như thế?

    Nguyễn Văn Thiệu: Có thể ông ấy đã ngạc nhiên vì gặp những người quá thông minh và mẫn cán. Có thể cũng do cái phức cảm tự tôn của một người đàn ông hết sức huênh hoang. Có thể ông ấy không tin nổi là người Việt đối thoại với ông ta lại địch được một người tự coi mình là vô cùng quan trọng.

    Để tôi kể thêm một câu chuyện nữa: Ở đảo Midway tôi thấy buồn cười, vì thật chẳng bao giờ tôi có thể hình dung là những người như vậy lại tệ đến thế. Chúng tôi, gồm ông Nixon, ông Kissinger, phụ tá của tôi và tôi, gặp nhau ở nhà một sĩ quan chỉ huy hải quân ở Midway. Ở đó có ba chiếc ghế thấp và một chiếc ghế cao. Ông Nixon ngồi trên chiếc ghế cao.

    SpiegelNhư trong phim Nhà độc tài vĩ đại của Chaplin? Hitler cũng ngồi trên một chiếc ghế cao để có thể nhìn xuống Mussolini, ngồi trên một chiếc ghế thấp hơn.

    Nguyễn Văn Thiệu: Nhưng tôi vào góc phòng lấy một chiếc ghế cao khác, nên tôi ngồi ngang tầm với Nixon. Sau buổi gặp đó ở Midway, tôi nghe bạn bè người Mỹ kể lại rằng Kissinger đã rất bất ngờ vì Tổng thống Thiệu là một người như vốn dĩ vẫn vậy.

    SpiegelTrong hồi ký, Kissinger phàn nàn là đã bị cá nhân ông đối xử rất tệ; ông bỏ hẹn để đi chơi trượt nước. Nixon còn quá lời hơn. Theo Kissinger thì Nixon đã gọi ông là “đồ chó đẻ” (son of a bitch) mà Nixon sẽ dạy cho biết “thế nào là tàn bạo”.

    Nguyễn Văn Thiệu: Rất tiếc, nhưng tôi không thể cho phép mình đáp lại những lời khiếm nhã, thô tục đó của Nixon, vì tôi xuất thân từ một gia đình có nề nếp.

    Nếu tôi không tiếp TS Kissinger và Đại sứ Bunker thì đơn giản chỉ vì chúng tôi chưa chuẩn bị xong để tiếp tục đàm thoại. Họ đã cần đến 4 năm, vậy vì sao lại bắt tôi trả lời ngay lập tức trong vòng một tiếng đồng hồ? Có lẽ họ sẽ hài lòng, nếu chúng tôi chỉ biết vâng dạ. Nhưng tôi không phải là một người chỉ biết vâng dạ, và nhân dân Nam Việt Nam không phải là một dân tộc chỉ biết vâng dạ, và Quốc hội của chúng tôi không phải là một Quốc hội chỉ biết vâng dạ. Mà tôi phải hỏi ý kiến Quốc hội.

    Spiegel: TS Kissinger viết rằng thái độ của ông với ông ấy chủ yếu xuất phát từ “lòng oán hận độc địa”.

    Nguyễn Văn Thiệu: Không. Tôi chỉ bảo vệ lợi ích của đất nước tôi. Dĩ nhiên là đã có những cuộc tranh luận nảy lửa, nhưng thái độ của tôi xuất phát từ tinh thần yêu nước của tôi.

    SpiegelKissinger viết rằng ông ấy hoàn toàn “thông cảm với hoàn cảnh bất khả kháng” của ông. Ông có thấy dấu hiệu nào của sự thông cảm đó không?

    Nguyễn Văn Thiệu: Không, tôi không thấy. Tôi chỉ thấy duy nhất một điều, đó là áp lực từ phía chính phủ Mỹ.

    SpiegelKissinger viết rằng ông không bao giờ tham gia vào các buổi thảo luận về chủ trương chung. Ông ấy bảo rằng ông chiến đấu “theo kiểu Việt Nam: gián tiếp, đi đường vòng và dùng những phương pháp khiến người ta mệt mỏi hơn là làm sáng tỏ vấn đề”, rằng ông “chê bai mọi thứ, nhưng không bao giờ nói đúng vào trọng tâm câu chuyện”.

    Nguyễn Văn Thiệu: Hãy thử đặt mình vào tình thế của tôi: Ngay từ đầu tôi đã chấp nhận để chính phủ Mỹ họp kín với Hà Nội. Kissinger bảo là đã thường xuyên thông báo cho tôi. Vâng, tôi được thông báo thật – nhưng chỉ về những gì mà ông ấy muốn thông báo. Nhưng tôi đã tin tưởng rằng đồng minh của mình sẽ không bao giờ lừa mình, không bao giờ qua mặt tôi để đàm phán và bí mật bán đứng đất nước tôi.

    Các ông có hình dung được không: vỏn vẹn bốn ngày trước khi lên đường đến Hà Nội vào tháng Mười 1972, ông ấy mới trao cho tôi bản dự thảo mà sau này sẽ được chuyển thành văn bản hiệp định ở Paris, bằng tiếng Anh? Chúng tôi phải làm việc với bản dự thảo tiếng Anh này, từng điểm một.

    Và bản dự thảo đó không phải do Nam Việt Nam cùng Hoa Kỳ soạn ra, mà do Hà Nội cùng Hoa Kỳ soạn ra. Các ông có thể tưởng tượng được điều đó không? Lẽ ra, trước hết phía Mỹ nên cùng chúng tôi thống nhất quan điểm về những điều kiện đặt ra cho hiệp định, và sau đó, nếu Bắc Việt có đề nghị gì khác thì Kissinger phải trở lại hội ý với chúng tôi. Nhưng ông ấy không hề làm như vậy.

    Thay vào đó, ông ấy cùng Bắc Việt soạn ra các thỏa thuận rồi trình ra cho tôi bằng tiếng Anh. Các ông có thể hiểu cảm giác của tôi khi cầm văn bản của hiệp định hòa bình sẽ quyết định số phận của dân tộc tôi mà thậm chí không buồn được viết bằng ngôn ngữ của chúng tôi không?

    Spiegel: Nhưng cuối cùng ông cũng có bản tiếng Việt?

    Nguyễn Văn Thiệu: Chúng tôi cương quyết đòi bản tiếng Việt, đòi bằng được. Mãi đến phút cuối cùng ông ấy mới miễn cưỡng chấp nhận. Sau đó chúng tôi phát hiện ra rất nhiều cái bẫy. Tôi hỏi Đại sứ Bunker và Kissinger, ai đã soạn bản tiếng Việt. Họ bảo: một người Mỹ rất có năng lực thuộc International Linguistics College tại Hoa Kỳ cùng với phía Hà Nội. Nhưng làm sao một người Mỹ có thể hiểu và viết tiếng Việt thành thạo hơn người Việt. Và làm sao một người Mỹ có thể ứng đối bằng tiếng Việt với cộng sản Bắc Việt giỏi hơn chính chúng tôi? Đồng minh mà như thế thì có chân thành và trung thực không?

    SpiegelMột số quan chức cao cấp ở Hoa Kỳ từng nhận định rằng thực ra Kissinger chỉ cố gắng đạt được một khoảng thời gian khả dĩ giữa việc Mỹ rút quân và sự sụp đổ tất yếu của Nam Việt Nam. Trong cuốn sách của mình, Kissinger bác bỏ quan niệm đó. Ý kiến của ông thì thế nào?

    Nguyễn Văn Thiệu: Bất kể người Mỹ nói gì, tôi tin rằng mục đích cuối cùng của chính phủ Mỹ là một chính phủ liên hiệp tại Nam Việt Nam.

    SpiegelNhưng Kissinger đưa ra cả một loạt điểm để chứng minh rằng không phải như vậy.

    Nguyễn Văn Thiệu: Chính phủ Mỹ tìm cách ép chúng tôi phải đồng ý. Để họ có thể hãnh diện là đã thoát ra được bằng một “thỏa thuận danh dự”. Để họ có thề tuyên bố ở Hoa Kỳ rằng: “Chúng ta rút quân về nước, chúng ta đảm bảo việc phóng thích tù binh Mỹ.” Và ở ngoài nước Mỹ thì họ nói rằng: “Chúng tôi đã đạt được hòa bình cho Nam Việt Nam. Bây giờ mọi chuyện do người dân Nam Việt Nam định đoạt. Nếu chính phủ liên hiệp biến thành một chính phủ do cộng sản chi phối thì đó là vấn đề của họ. Chúng tôi đã đạt được một giải pháp danh dự.”

    SpiegelKissinger viết như sau: “Nguyên tắc mà chúng tôi tuân thủ trong các cuộc đàm phán là: Hoa Kỳ không phản bội đồng minh.”

    Nguyễn Văn Thiệu: Ông cứ nhìn miền Nam Việt Nam, Campuchia và toàn bộ Đông Dương hiện nay thì biết. Khi tranh luận với các đại diện chính phủ Mỹ về hiệp định hòa bình, chúng tôi thường có ấn tượng rằng họ không chỉ đóng vai, mà thực tế là đã biện hộ cho ác quỷ.

    SpiegelCó bao giờ ông thấy một chút gì như là biết ơn đối với những điều mà người Mỹ đã làm để giúp nước ông không? Trong cuốn sách của mình, Kissinger viết rằng: “Biết công nhận những cống hiến của người khác không phải là đặc tính của người Việt.”

    Nguyễn Văn Thiệu (cười): Về những điều mà Kissinger viết trong cuốn sách của ông ấy thì tôi cho rằng chỉ một người có đầu óc lộn bậy, chỉ một người có tính khí tởm lợm mới nghĩ ra được những thứ như vậy. Trong cuốn sách đó ông ấy còn tỏ ý sợ người Việt sẽ đem những người Mỹ còn sót lại ra trả thù, sau khi Washington bỏ rơi chúng tôi. Không bao giờ chúng tôi làm những điều như thế, không bây giờ và không bao giờ.

    SpiegelCá nhân ông có cảm thấy một chút hàm ơn nào với họ không?

    Nguyễn Văn Thiệu: Hết sức thực lòng: Nếu chính phủ Mỹ không phản bội, không đâm dao sau lưng chúng tôi thì nhân dân Việt Nam mãi mãi biết ơn họ. Có lần, sau khi chúng tôi tranh luận rất kịch liệt về một văn bản trong hiệp định, một số thành viên trong chính phủ của tôi bảo rằng, nếu Kissinger lập công với miền Nam như ông ta đã lập công với miền Bắc thì may mắn biết bao. Tôi bảo họ: nếu ông ấy thương lượng được một nền hòa bình thực sự với Hà Nội thì miền Nam sẽ dựng tượng ông ấy, như MacAthur ở Nam Hàn. Nhưng đáng tiếc là đã không như vậy. Nhìn vào những hậu quả của nền hòa bình ấy: trại tập trung cải tạo, nạn đói, nhục hình tra tấn, hàng ngàn thuyền nhân bỏ mạng trên biển, và một cuộc diệt chủng tàn bạo hơn, hệ thống hơn và hoạch định hơn cả ở Campuchia, tôi nghĩ tốt nhất là người Mỹ nên tự đánh giá những điều mà ông Nixon và ông Kissinger đã gây ra cho miền Nam Việt Nam. Kissinger không có gì để tự hào về nền hòa bình mà ông ấy đã đạt được. Đó là hòa bình của nấm mồ.

    SpiegelXin cảm ơn ông Thiệu đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.

    (Nguồn: “Die Amerikaner haben uns verraten“, tạp chí Spiegel số 50/1979. Những người thực hiện: Engel, Johannes K., Lohfeldt, Heinz P.)

    Đã đăng trên báo Trẻ Online.

    Josh Gelernter
    Athena, cộng tác viên Dân Luận, chuyển ngữ

    Nhìn sự phát triển của Hàn Quốc để tưởng tượng nếu Việt Nam Cộng Hòa còn sống đến hôm nay. Ảnh minh họa.

    Hãy nhìn vào các nước Đông Á và tưởng tượng xem Việt nam Cộng Hòa nếu còn sống sẽ trở thành một quốc gia như thế nào?

    30 tháng Tư sắp tới là ngày kỷ niệm lần thứ 40 năm kể từ khi Sài Gòn thất thủ. Bốn mươi năm sau khi Mỹ bỏ rơi miền Nam Việt Nam, rất có thể lời nói dối kinh điển nhất trong lịch sử nước Mỹ chính là “sự can thiệp vào khu vực Đông Dương của Mỹ là một ý tưởng quá tệ”.

    Trong hầu hết các cuộc tranh luận thì dường như ai cũng nhìn việc tham chiến ở Việt Nam là một sai lầm như một sự thật hiển nhiên, và chỉ có một số người thuộc phe bảo thủ nhìn thấy điều này là điểm đáng để tranh luận. Khi các thành viên Đảng Cộng hòa nói về Việt Nam, họ thường bảo vệ phía quân đội hơn. Thỉnh thoảng còn có người cho rằng chiến dịch Tết Mậu Thân là một chiến thắng của nước Mỹ. Thỉnh thoảng câu chuyện Mỹ Lai lại được đem ra so sánh với hàng ngàn tội ác tương tự, và hàng tá những vụ còn nặng nề hơn mà bộ đội miền Bắc đã thực hiện. Hiếm khi có người chỉ ra rằng từ khi Creighton Abrams thay thế vị trí đứng đầu Bộ chỉ huy Việt trợ Quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam do William Westmoreland nắm giữ, chúng ta đã bắt đầu thắng trong trận chiến – và bằng việc từ chối thực hiện theo các thỏa thuận sau Hiệp định Paris, Quốc Hội đã giật chiến thắng quân sự khỏi tay miền Nam Việt Nam.

    Thay vì đưa ra những lý lẽ từa tựa như vậy, tôi sẽ chỉ ra một vài thực tế về khu vực Đông Á trong thời điểm hiện tại. Sau khi chủ nghĩa đế quốc sụp đổ cùng với thời điểm kết thúc Thế chiến thứ II, khu vực Đông Á bắt đầu xây dựng lại từ đầu. Mỹ đã ủng hộ ba chính phủ chống Cộng Sản trong cuộc chiến ngăn cản chủ nghĩa Marx lan rộng: Chúng ta ủng hộ nước Trung Hoa Dân Quốc chống lại Công hòa Nhân dân Trung Hoa, chúng tôi ủng hộ nước Cộng hòa Triều Tiên (Hàn Quốc) chống lại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, và chúng tôi ủng hộ Việt Nam Cộng hòa chống lại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Điều này có nghĩa là, Đài Loan chống lại Trung Quốc theo phe Cộng sản, Nam Hàn chống lại Bắc Hàn, và miền Nam Việt Nam chống lại miền Bắc Việt Nam. Hai trong số ba nước cộng hòa trên giờ được xếp hạng trong top những nước phát triển, thịnh vượng, và tự do nhất trên thế giới.

    Một trong những chỉ trích công khai về việc chính phủ Mỹ ủng hộ Việt Nam Cộng hòa là chính phủ miền Nam không hề mang tính dân chủ. Điều này hoàn toàn đúng; miền Nam Việt Nam do một chính quyền quân sự cầm quyền với sự hợp tác dân sự ở các mức độ khác nhau. Tuy nhiên, để giải thích chúng ta có thể dẫn lời ông Leo Ryan, một nghị sĩ phản chiến thuộc Đảng Dân Chủ: “Mặc dù miền Nam Việt Nam không có nền tảng dân chủ, nhưng rõ ràng là những cáo buộc đàn áp nhân quyền đã bị thổi phồng lên. Vẫn có các phe đối lập chính trị và các cơ quan báo chí. Không nghi ngờ rằng ở miền Nam thời đó có vài tù nhân chính trị nhưng người dân và các lãnh đạo phe đối lập không hề sợ hãi vì chính quyền đàn áp.”

    Điều may mắn là, thị trường tự do đã thúc đẩy các nước không có tự do này đi đúng hướng. Giống như Việt Nam Cộng hòa, hai nước Cộng hòa Trung Hoa và Triều Tiên đều trải qua thời kỳ bị lãnh đạo bởi những nhà độc tài quân sự. Nam Triều Tiên do Tướng Park Chung-hee cầm quyền từ cuộc đảo chính năm 1961 đến khi ông bị ám sát vào năm 1979. Chính quyền Park Chung-hee đã tàn lụi vì sự đàn áp chính trị, nhưng ông đã xây dựng Hàn Quốc thành một cường quốc, trở thành nền tảng phát triển dân chủ của Hàn Quốc ngày hôm nay.

    Tương tự, Trung Hoa Dân Quốc bị cai trị dưới thiết quân luật, do Tổng Tư lệnh Chiang Kai-shek lãnh đạo cho đến khi ông qua đời vào năm 1975. Giống như Park Chung-hee, luật lệ của Chiang Kai-shek cũng nhuốm màu sắc đàn áp, nhưng đã trở thành một quốc gia cực kỳ thịnh vượng – dưới thời con trai của ông, Chiang Ching-kuo – và được chuyển giao thành một nước hoàn toàn tự do, dân chủ.

    Điều không may là Đài Loan không được Liên Hợp Quốc công nhận là một quốc gia có chủ quyền. Tuy nhiên, bằng việc tính toán dựa trên công thức Chỉ số Phát triển Con người của Liên Hợp Quốc (trong đó nhấn mạnh đến mức sống của người dân), Đài Loan là nước đứng thứ 21 trên thế giới về quốc gia phát triển nhất. Hàn Quốc đứng thứ 15. Cả hai quốc gia này đều xếp trên các nước châu Âu khác như Áo, Bỉ, Luxembourg, Ý, và Phần Lan; Hàn Quốc thậm chí còn đánh bật Nhật Bản, Pháp, và Israel.

    Mặc dù có rất ít tài nguyên thiên nhiên, Đài Loan vẫn xếp thứ 19 trong số các nước có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới: khoảng 45.854$/năm, cao hơn cả Canada, Đan Mạch, Bỉ, Pháp, Anh, Nhật Bản, và Ý. Cũng trong tình cảnh ít tài nguyên, Hàn Quốc xếp ở vị trí thứ 30 trong danh sách trên, cao hơn New Zealand, Tây Ban Nha, và cả hai nửa của Tiệp Khắc cũ (nay là Cộng hòa Séc và Slovakia).

    Nhìn sang hai nước Cộng sản đồng cấp: Trung Quốc có thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 70, thấp hơn rất nhiều so với Đài Loan, xếp sau cả Turkmenistan, Algeria, Libya, quốc đảo Maldives, và Iraq. Bắc Triều Tiên gần như đứng chót trong bảng xếp hạng, thấp hơn cả Zimbabwe, Rwanda, và Haiti. Về mặt phát triển con người, Trung Quốc cũng đứng thứ 70 sau Đài Loan, Tunisia, Peru, Grenada, và Azerbaijan. Còn Bắc Triều Tiên, vì những lý do đã quá rõ ràng, chẳng thể nào xác định được chính xác.

    Và nếu so sánh các quốc gia Châu Á tự do có Mỹ đứng đằng sau với Việt Nam: Thiên đường của ông Hồ Chí Minh đứng thứ 122 về phát triển con người, sau cả Syria, Iraq, Moldova và Gabon, và đứng thứ 126 về GDP trên đầu người, sau Cộng hòa Congo, Swaziland, Dominica và Albania.

    Có lẽ đây là hậu quả tất yếu của cuộc tranh trừng truyền thống kiểu Cộng sản đối với các địa chủ, giáo viên, và trí thức.

    Quan trọng hơn cả nền kinh tế, hãy nhìn vào mức độ tự do ở các nước này. Đài Loan và Hàn Quốc có bầu cử tự do, nền tư pháp độc lập, tự do báo chí, tự do tôn giáo, tự do lập hội, và tự do ngôn luận. Trong khi đó Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Trung Hoa và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên thì không. Tất nhiên, Việt Nam cũng thế vì Đảng Cộng sản tiếp tục nắm quyền bầu cử và tư pháp, và tiếp tục bắt bớ, tra tấn các nhà đối lập chính trị và tôn giáo.

    Thử tưởng tượng xem Việt Nam Cộng hòa – miền Nam Việt Nam – sẽ như thế nào ngày hôm nay. Việt Nam là đất nước đông dân thứ 13 trên thế giới, với hơn 90 triệu người. Phân nửa số đó, nhiều hơn hoặc ít hơn, có thể được sống trong đất nước tự do và thịnh vượng như Hàn Quốc và Đài Loan. (Thậm chí có khi còn giàu có hơn, vì – không giống như Đài Loan và Hàn Quốc – Việt Nam có nguồn tài nguyên thiên nhiên to lớn, tích trữ dưới dạng dầu mỏ ở ngoài biển.)

    Và như thế chúng ta có thể thấy rõ ràng rằng, bất chấp những chuyện xảy ra vào những năm 60 và 70, vào năm 2015 thì việc chiến đấu vì miền Nam Việt Nam là điều cần phải làm. Và đó là thời điểm nhiều người cũng nói vậy – đặc biệt là giới chính trị gia và giáo viên, đặc biệt là những người cựu chiến binh đã già. Và bởi vì, 40 năm sau khi Sài Gòn thất thủ, tất cả chúng ta đều học được bài học đắt giá khi Mỹ đã từ chối đấu tranh cho điều tốt đẹp.

    Josh Gelernter viết hàng tuần cho NRO và là cộng tác viên thường xuyên cho tờ The Weekly Standard.

Posted in Chien Tranh Viet Nam, Chinh Tri Hoa Ky | Leave a Comment »

► Sau 40 năm, chế độ toàn trị cần được thay bằng chế độ dân chủ

Posted by hoangtran204 trên 30/04/2015

Sau 40 năm, chế độ toàn trị cần được thay bằng chế độ dân chủ

Trong một bài viết mới đây, Tổng bỉ thư Nguyễn Phú Trọng vừa khẳng định phải tiếp tục sự “lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội”, và phải “Kiên quyết đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn ‘phi chính trị hóa’ quân đội của các thế lực thù địch.”

Nếu thật sự đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo “đúng đắn, sáng tạo” thì câu chuyện đảo Gạc Ma bị mất vào ngày 14/3/1988 vào tay Trung Cộng trong khi hải quân Việt Nam được lệnh không nổ súng phải giải thích thế nào? Không dám nổ súng chống giặc, để lãnh hải rơi vào tay quân thù cũng là “đúng đắn, sáng tạo”? 

Ngay hiện tại, ngư dân Việt Nam đi đánh bắt hải sản trên lãnh hải của mình, bị tàu Trung Quốc bắt giữ, đánh đập, cướp bóc, nhưng hải quân Việt Nam lại không có khả năng bảo vệ ngư dân. Báo đài không dám đưa tin, nếu có đưa thì chỉ dám nói “tàu lạ”. Đó là tư thế của một nền báo chí trong một quốc gia “độc lập”?

Lý tưởng của chủ nghĩa xã hội là đem lại tự do, bình đẳng cho mọi người, không còn cảnh người bóc lột người. Thế tại sao các công dân không cộng sản lại phải phục tùng sự cai trị của các công dân là đảng viên cộng sản? Tại sao dân thường phải đi lính để bảo vệ cho đảng viên cộng sản? Đảng viên cộng sản có bị buộc phải phục tùng dân thường không? Đó là sự công bằng kiểu chủ nghĩa xã hội?

Là công dân, dù cộng sản hay không cộng sản thì cũng đều bình đẳng với nhau. Không thể có chuyện thanh niên cả nước phải đi lính để bảo vệ cho một nhóm người có đặc quyền, đặc lợi. Quân đội chỉ phục tùng mệnh lệnh từ vị lãnh đạo do dân bầu ra, đó mới đúng là thể chế cộng hòa chính danh.

Ông Trọng viết: “Đặc điểm lớn nhất và cũng là nét độc đáo của cách mạng nước ta từ tháng 7-1954 đến tháng 5-1975, đó là Đảng ta đã thực hiện đường lối chính trị, đường lối quân sự độc lập, tự chủ, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng: cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, nhằm một mục tiêu chung là hoàn thành độc lập, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.”

“Đi lên CNXH” thì xã hội ngày càng phải văn minh hơn, tham nhũng ít hơn, dân quyền ngày càng tự do hơn, nhưng thực tế thì “tham nhũng đang ngày càng tăng và lan qua cả khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.” Làm sao đi lên CNXH với một thể chế tham nhũng, bất công rộng khắp?

http://www.thesaigontimes.vn/129351/Tham-nhung-co-on-dinh-khong.html

TS Trần Ngọc Thơ khẳng định: “Chỉ có chủ nghĩa tư bản thân hữu chứ chưa có chủ nghĩa tư bản dân tộc tử tế ở Việt Nam!…Chỉ thấy phe cánh, lobby trong bóng tối, với việc nhóm tư bản thân hữu ngày càng thắng thế còn các doanh nghiệp chân chính chỉ sống lây lất.”

“Chúng ta nói là kiên trì theo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng thực tế chỉ thấy sự dư thừa tư bản hiện đang lấn át xã hội chủ nghĩa. Các chỉ dấu cho thấy sự lấn át này mà người dân ai cũng có khả năng nhận biết: một mặt là sự tiêu dùng xa xỉ của tầng lớp thượng lưu hay hoạt động sân sau của quan chức ngày càng tăng và khó kiểm soát; mặt khác là hố sâu giàu nghèo ngày càng gia tăng đáng ngại, với việc các hệ thống lừa đảo kiểu ponzi, cho vay nặng lãi ngày càng phổ biến để tước đoạt chút thu nhập ít ỏi của những người tuyệt vọng.”

Nếu lãnh đạo đảng cộng sản tự nhận là “sáng suốt, tài tình” thì ngay tại sao những lý thuyết quá lỗi thời vẫn được rao giảng, thậm chí đưa cả vào hiến pháp? Trong khi các chuyên gia đã chứng minh chúng “không có cơ sở khoa học và lịch sử”. 

TS. Nguyễn Đức Thành thẳng thắn: “Một chiến lược trước hết phải xuất phát từ tư tưởng. Cần phải dứt khoát thay đổi lối quan niệm lỗi thời, không có cơ sở khoa học và lịch sử, rằng một nền kinh tế có thể phát triển bền vững và cạnh tranh quốc tế dựa trên một khu vực kinh tế nhà nước làm chủ đạo. Lại càng sai lầm hơn khi cho rằng các doanh nghiệp nhà nước có thể là công cụ để điều tiết nền kinh tế. Có thể hiểu đó là một di sản đáng tiếc của lịch sử, khi những nhận thức sai lầm tiếp tục được tái tạo mà vốn khởi nguồn từ quá khứ nhập khẩu lý luận chưa bao giờ được thực tiễn chứng minh.”

Lời giải cho hiện trạng đất nước chắc chắn không phải là “kiên trì sự lãnh đạo của đảng cộng sản”, vì chính từ sự lãnh đạo của đảng cộng sản đã dẫn đến hiện tình đất nước như hiện tại với tham nhũng và bất công rộng khắp. 

TS. Trần Ngọc Thơ đã đưa ra lời giải: “chúng ta cần là một nền kinh tế thị trường đúng với ý nghĩa của nó nhất và một thể chế tự do, dân chủ, minh bạch và biết thượng tôn pháp luật.”

http://www.thesaigontimes.vn/129360/Nguy-co-nam-o-chinh-chung-ta.html

Bài phát biểu của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: 
http://baodientu.chinhphu.vn/Tin-noi-bat/Tong-Bi-thu-viet-ve-Dai-thang-mua-Xuan-1975/225624.vgp

Posted in Uncategorized | Leave a Comment »

►Cha mi là ngụy!

Posted by hoangtran204 trên 30/04/2015

Michiki

“Cha mi là ngụy!” Ông cán bộ xã đã nói như thế và đẩy tờ sơ yếu lí lịch về phía chị tôi. “Tại răng mi lại khai cha mi là nông dân?”

 Đó là câu chuyện xảy ra cách đây hơn 10 năm, khi chị tôi làm đơn xin việc và phải lên xã chứng cái gọi là “sơ yếu lí lịch.”

Ở Việt Nam, đến bây giờ vẫn vậy, sơ yếu lí lịch không phải là tờ giấy giới thiệu kinh nghiệm, khả năng và kiến thức của bản thân mà là bản trình bày về yếu tố chính trị của gia đình. Trong sơ yếu lí lịch luôn có đoạn hỏi: Tên cha mẹ, trước 30/4/1975 làm gì? Sau 30/4/1975 làm gì? Ở đâu? Cơ quan nào? Nhiệm vụ gì?

Chị tôi, có lẽ sợ bị từ chối công việc, nên đã ghi cả 2 mục trước và sau 30/4/1975 rằng cha tôi là nông dân. Chị tôi về nhà, cầm tờ giấy bị cán bộ xã phê vào ở dòng lý lịch của cha tôi: “trước 30/4/1975: theo ngụy quân ngụy quyền”, ngồi khóc ở bậc hiên.

Tôi không nhớ rõ lúc đó cha tôi đã nói gì. Tôi chỉ nhớ người phê vào đó cũng là một người họ hàng trong gia tộc nhà tôi. Tôi không giận người đó nhưng tôi cứ hỏi tại sao, chúng ta cùng bà con dòng giống, cùng máu đỏ da vàng lại phải chỉ mặt một đứa hàng con cháu mà rằng: “Cha mi là ngụy!”

Tôi đang đọc cuốn sách Căn tính và bạo lực của Amartya Sen. Ông chỉ ra rằng người ta chịu ảnh hưởng rất lớn từ những người mà họ nhận là có cùng identity (căn tính). Chính việc định danh tôi là cộng sản, anh là ngụy cùng với việc kích động chủ nghĩa dân tộc, cho rằng dù anh máu đỏ da vàng, dù anh là đồng bào nhưng anh theo ngụy, tôi phải tiêu diệt anh đã đẩy dân tộc này vào một cuộc chiến tang thương dai dẳng.

Cũng cùng một cách thức ấy, những người Khmer Đỏ đã tàn sát những người anh em của họ, những người Nazi đã biến nước Đức thành một cơn ác mộng mà tới bây giờ, người ta vẫn còn đau đớn khi nhắc lại.

Cơn say tiêu diệt của những người cộng sản không chỉ dừng lại ở sự kiện 30/4/1975 mà kéo theo sau đó là cuộc đọa đày của những con người bán mạng sống trên biển cả, là cuộc sống đói rách và truy bức của những người liên quan đến chế độ VNCH trong những trại cải tạo trên núi cao, là những tù nhân chính trị không hứa hẹn ngày về.

Để rồi 40 năm trôi qua, trong những ngày này, những người cộng sản lại tưng bừng cờ quạt để kỷ niệm cái gọi là “ngày giải phóng”, các phương tiện truyền thông truyền hình dày đặc những từ “xứng danh thành phố mang tên bác”, rồi “giải phóng miền Nam, thống nhất tổ quốc” và những bài ca gợi nhớ bao nhiêu căm thù và xương máu. Tôi đang nhìn thấy một sân khấu bằng carton sặc sỡ, ở đó, những người cộng sản đang nhảy múa, ca hát, rồi chỉ trỏ vào đám đông mà rằng: “Này nhé, ngày này năm xưa nhé, ông đã chiến thắng chúng mày, ông đã nã pháo vào đầu chúng mày. Bây giờ, nào, chúng mày lặp lại đi, ông chiến thắng, chúng mày thua cuộc, và chúng ta làm hòa nhé.”

Tôi không thuộc về một nhóm người cầm cờ vàng đứng ở quảng trường Trocadéro hô vang “Đả đảo Cộng sản”, đốt cờ Việt Nam, ca bài ca tuyên thệ, nhưng tôi cảm thông cho họ, tôi hiểu nỗi đau mà họ đã và đang trải qua. Nếu anh đã từng chen chúc nhau trên những chiếc thuyền chật hẹp, trốn đi giữa đêm khuya, chứng kiến người thân chết hoặc bị hãm hiếp ngay trước mặt và sống sót, đợi chờ trong những trại tị nạn năm này qua năm kia, thì tôi nghĩ những cơn ác mộng đó sẽ còn hiển hiện trong anh mỗi khi đêm về. Lẽ ra những đau thương đó phải được an ủi, xoa dịu thì ngược lại, anh chà xát nó bằng cách nhắc tới nhắc lui mỗi năm như một sự tra tấn tinh thần. Hay chính anh cũng chưa bao giờ tin vào cái gọi là chiến thắng ấy? Hay chính anh đã thấy lý tưởng mình từng theo đuổi là sai lầm như Dương Thu Hương 40 năm trước bật khóc giữa Sài Gòn mà anh không đủ can đảm để nhìn nhận? Hay chính anh, những kẻ đã quen với súng ống, tra tấn, tuyên truyền, bàn tay không quen làm chuyện lương thiện, miệng lưỡi không quen nói lời yêu thương thì chuyện đồng cảm với nỗi đau của kẻ khác là điều quá xa lạ?

Người Âu châu từng đánh nhau 2 trận tang thương hồi đầu thế kỷ trước nhưng rồi cũng chính những người từ những quốc gia đã từng cầm súng giết nhau ấy đã ngồi lại để cùng xây dựng nên Liên minh châu Âu. Những ngày kỷ niệm về 2 cuộc chiến đó là những dịp để người ta tưởng nhớ những người đã hi sinh, nhìn lại những sai lầm họ đã mắc phải để tránh lặp lại những điều đó trong tương lai thay vì tung hê chiến thắng. Cư xử được với nhau như vậy, tôi cho là nhờ nền tảng văn hóa, văn minh tốt mà người Châu Âu có được. Với Việt Nam, tôi còn thiếu rất nhiều ngây thơ để tin rằng câu chuyện hòa giải như miệng lưỡi tuyên truyền sẽ trở thành hiện thực, bởi vì đồng cảm, yêu thương, dám nhìn nhận sai lầm không phải là tố chất của những kẻ thiếu văn minh và đê hèn.

Posted in Uncategorized | Leave a Comment »

►Không còn chào mừng nữa, mà là học tập cải tạo

Posted by hoangtran204 trên 29/04/2015

Không còn chào mừng nữa, mà là giáo dục cải tạo

Börries Gallasch (02/06/1975, từ Sài Gòn)

Phan Ba dịch từ Der Spiegel 23/1975

Những giây phút kinh hoàng ở Sài Gòn: một người tự thiêu trên cái bục của tượng đài chiến sĩ ở cạnh Quảng trường Lam Sơn, giống như trên một bàn thờ.

Không ai biết người này đã hy sinh vì điều gì – (bởi vì) những người bộ đội đã giật lấy giấy tờ nằm cạnh thân thể đang cháy, những cái có thể đưa ra một lời giải thích, ra khỏi tay của nhà báo. Phim bị tịch thu, đám đông bị giải tán. (Họ tịch thu phim của nhà báo và giải tán đám đông)

Mặc dù vậy, vụ tự sát của con người vô danh đó vẫn có tác động trực tiếp: sự thay đổi bầu không khí ở Sài Gòn đã có thể cảm nhận được. Nỗi lo sợ lại xuất hiện ở trên bề mặt.

“Sài Gòn, tháng Năm 1975

Niềm hân hoan của những ngày đầu tiên đã qua rồi, tiếp theo tiếng reo hò mừng chiến tranh kết thúc, tiếp theo sự nhẹ nhỏm vì đã không xảy ra những vụ xử án kinh hoàng mà người ta từng lo ngại trước đó, là một sự bất an không rõ ràng. Vì tinh thần hòa giải, cái mà các ông chủ mới nói về nó không biết mệt, đã bắt đầu mất hình dạng. Không có hành động phù hợp đi theo lời nói – thay vào đó, điều ngược lại thường hay xảy ra nhiều hơn.

Năm ngày sau vụ tự thiêu, một phiên tòa của tín ngưỡng: không chỉ “Playboy” và “Penthouse”, cả sách của Graham Greene và Kenneth Galbraith cũng bị đưa lên giàn hỏa thiêu … Trong một cửa hiệu cạnh đường Tự Do, một gia đình nằm trong vũng máu của họ. Người Ấn Độ đó đã từ chối không chịu hy sinh “văn hóa đồi trụy” đó cho những ngọn lửa của cách mạng. Các bộ đội trẻ tuổi trả lời cho sự bướng bỉnh tư sản bằng súng tiểu liên, họ đã giết ông ta, kể cả vợ con.

“Chính miệng của mình là một vũ khí để tự sát”, Tướng “Big” Minh nói, con người im lặng đó, người đã là tổng thống cuối cùng trong hai ngày và là người thanh lý Nam Việt Nam cũ, và bây giờ đang tưới hoa lan trong ngôi vườn của ông như là một người về hưu không có lương hưu.

Sài Gòn, 29 tháng Năm 1975, học sinh sinh viên biểu tình chống “văn hóa đồi trụy phản động” như là một phần của chiến dịch đốt sách ở Nam Việt Nam. Ước tính có hàng chục ngàn quyển sách và băng thu đã bị đốt cháy kể từ khi chiến dịch bắt đầu vao ngày 21 tháng Năm. Tất cả các nhà sách đều bị đóng cửa bởi sắc lệnh cấm bán sách và băng ghi được sản xuất trong thời gian của chế độ cũ.

Với sự ngây thơ của trẻ con, vô tư lự, như thể không có gì xảy ra, người Sài Gòn vào lúc đầu đã tiếp tục sống như cũ. Linda, cô gái mại dân từ niềm say mê, sau những lời thề thốt cải thiện đã lại trở về chỗ quen thuộc của cô trên hàng hiên của khách sạn Continental Palace, và cùng với cô là những người nữ đồng nghiệp. Đổi tiền lậu. Chợ tình – tất cả đều như cũ.

Sự phù phiếm của Sài Gòn lúc đầu còn được những người cầm quyền mới khoan dung cho: “Chúng tôi muốn để cho những người anh em ở Sài Gòn của chúng tôi hiểu rõ rằng chúng tôi không phải là những con quái vật”, theo một sĩ quan báo chí trong Bộ Ngoại giao. Thế nhưng sự kiên nhẫn của giới quân đội là có giới hạn, và các viên tướng lãnh vẫn còn có quyền quyết định ở Sài Gòn. Không ai biết được rằng tại sao Chính phủ Cách mạng Lâm thời còn chưa nhậm chức. “Ủy Ban Quân Quản”, chính phủ quân sự dưới viên tướng cách mạng Trần Văn Trà, đã dọn vào trong Dinh Tổng thống – có vẻ như cho một thời gian dài.

Tuy là một vài thành viên của Chính phủ Cách mạng Lâm thời đã ở lại trong thành phố sau lần duyệt binh lớn mừng chiến thắng vào ngày 15 tháng Năm, thậm chí họ còn có một vài văn phòng trong ngôi nhà làm việc của thủ tướng cũ ở trên đường Thống Nhất – nhưng các bộ trước đây, mà thời gian sau này đã hoạt động trở lại, đều đứng trực tiếp dưới quyền của chính phủ quân sự.

“Ủy Ban Quân Quản”, theo một sinh viên y khoa thất vọng, không cầm quyền, và quản lý thì còn ít hơn nữa. Họ chỉ cấm đoán thôi. Và thật sự là: tất cả các đảng phái chính trị đều bị cấm, hồ bơi đóng cửa, quán rượu và vũ trường, từ sáu tuần nay là cả ngân hàng.

Không còn chào mừng nữa, mà là giáo dục cải tạo: nhân viên nhà nước, quân nhân, sinh viên, trẻ con. Trong khu người Hoa Chợ Lớn, học sinh năm đến mười tuổi phải có mặt ở trường lúc năm giờ sáng, phần lớn còn chưa ăn sáng. Khi những đứa bé than đói, người thầy giáo trả lời: Hãy để chúng ta cầu nguyện đến Chúa của các em, để xem ông ấy có giúp đỡ gì không. Vào lúc mười giờ, cuối cùng người thầy có một ý tưởng tốt hơn. Ông ấy đọc một bài thơ về Hồ Chí Minh và rồi nói rằng: “Bác Hồ luôn sống cùng chúng ta, bác yêu tất cả những đứa cháu như nhau.” Thế rồi người thầy phân phát cơm ăn.

Từ những cái loa trên đường phố, cho tới khi chiến bại đã rè rè phát đi những câu khẩu hiệu tuyên truyền của chế độ cũ, bây giờ vang ra các âm thanh mới: “Việt Nam là một” là một trong những bài hát được phát ra từ sáng sớm cho tới chiều tối.

Việt Nam là một, vâng, nhưng không ai biết thật sự là theo cách nào. Tại cuộc duyệt binh mừng chiến thắng, các nhân vật xã hội chủ nghĩa nổi tiếng từ miền Bắc và miền Nam chen chúc nhau trên cái khán đài lớn bằng gỗ. Các viên tướng trong bộ quân phục được cắt may theo mẫu Xô viết hoàn toàn đồng nhất, mà chỉ các phù hiệu khác nhau mới biểu lộ họ là sĩ quan Bắc Việt hay Nam Việt, thành viên của Bộ Chính trị từ Bắc và Nam, chủ tịch nước Bắc, thủ tướng Nam, và tất nhiên là Lê Đức Thọ và Madame Bình. Một màn trình diễn sự thống nhất.

Hình: Francoise de Mulder/CORBIS

Đúng là như vậy: những gì mà các chính trị gia miền Nam thể hiện dường như chỉ là trang trí. Hàng ngàn cán bộ hiện giờ đã được chở máy bay từ miền Bắc vào, một phần đến bằng tàu thủy. “Hà Nội quyết định, chính phủ quân sự thi hành – và Chính phủ Cách mạng Lâm thời thậm chí còn không được hỏi đến”, một cựu dân biểu của chính quyền cũ phân tích tình hình.

Và tuy vậy cũng có một vài điều ủng hộ, rằng người ta sẽ phải chờ đợi cuộc tái thống nhất chính thức, theo luật pháp quốc tế, thêm ít lâu nữa. Luật sư Hà Huy Đỉnh, người làm việc trong bí mật hai năm trời cho cách mạng, tin rằng ông biết tại sao: “Sự khác biệt xã hội và độ chênh lệch về kinh tế là quá lớn cho một cuộc thống nhất ngay lập tức. Vì vậy mà sẽ có một giai đoạn chuyển tiếp. Nó có thể kéo dài cho tới hai năm.”

Sự khác biệt xã hội hiện ra ở mọi góc đường trong Sài Gòn: chợ đen mua bán máy ảnh và radio, với xăng bị đánh cắp chứa trong những chai rượu Whisky trước những trạm xăng đã bị bỏ lại của các tập đoàn đa quốc gia – ai muốn cấm họ mà không tước đi những nguồn thu nhập của nhiều gia đình? Quán cà phê đầy sinh viên, những người ngồi đó trầm ngâm suy nghĩ hàng giờ với một ly Coca Cola, rằng thời gian học đại học cho tới bây giờ của họ chỉ là một sự lãng phí thời gian: quản lý và quản trị kinh doanh – nền kinh tế kế hoạch đang dần xuất hiện hoạt động khác với những thứ đó.

Sài Gòn, 29 tháng Năm: Những người bán hàng chợ đen vẫn kinh doanh như bình thường các món hàng trộm ra từ PX. Nhưng người mua bây giờ là những người lính của Chính phủ Lâm thời.

Trong thời gian chuyển tiếp được Đỉnh dự đoán thì theo ông sẽ tiếp tục tồn tại sự chia cắt về hình thức, cái mà hiện giờ đã thể hiện trên giấy tờ chính thức qua cái tên tạm thời của Nam Việt Nam: “Cộng hòa Miền Nam Việt Nam” – một phần đặc biệt của tổng thể.

Và lợi ích tài chính của những người chiến thắng dường như cũng có ảnh hưởng tới các chiến thuật thận trọng của Hà Nội. “Chúng tôi yêu cầu các quốc gia chịu trách nhiệm cho sự tàn phá Nam Việt Nam phải bồi thường”, một sĩ quan báo chí từ Hà Nội nói, và nhấn mạnh thêm vào đó: “Đặc biệt là từ Hoa Kỳ và Cộng hòa Liên bang Đức, nước đã hỗ trợ mạnh mẽ cho cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ cho tới cuối cùng.”

Thật sự là người ta thấy rõ rằng trong số tất cả các đại sứ quán được di tản trước khi người cộng sản chiến thắng thì chỉ có đại sứ quán của Hoa Kỳ và Cộng hòa Liên bang Đức là còn chưa được sử dụng làm trại lính hay nhà giải trí cho những người chiến thắng: người ta dọn dẹp trước đại sứ quán Mỹ, tòa nhà đóng cửa, khu đất có nhiều trạm canh gác, trong khi những người lính từ trong rừng ra phơi quần áo lót màu xanh ô liu của họ trên hàng rào và trong các cửa sổ của đại sứ quán Anh đối diện.

Nếu như có thể thấy rõ tính toán chính trị trong trường hợp của tòa đại sứ Mỹ thì tình huống có khác đi trong trường hợp của đại sứ quán Đức. Ở đó, một người lính lê dương trước đây, trong một cuộc chiến đấu anh hùng cô độc đã ngăn chận được những gì tồi tệ nhất: người trông nom nhà Arno Knöchel, rất thích để cho người ta gọi mình là ông đại sứ, vào ngày giải phóng đã nhanh chóng thu hồi con đại bàng của Liên bang Đức và phô bày ra một lá cờ mới – lá cờ của Mặt trận Giải phóng.

Cùng với hàng chục người bạn Việt và các thành viên gia đình, Knöchel sống trong ngôi nhà đại sứ quán dưới một tấm ảnh của Thống chế Rommel và cố thủ vị trí – ở thế tấn công: sau ba tuần, con đại bàng Liên bang Đức lại leo lên cao trên cột cờ, nơi mà bây giờ nó minh chứng cho sự chung sống trong hòa bình với ngôi sao vàng của Mặt trận Giải phóng.

Phan Ba dịch từ Der Spiegel 23/1975 (02/06/1975):http://www.spiegel.de/spiegel/print/d-

Posted in Cái giá của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc”., Chien Tranh Viet Nam, Miền Nam sau 30-4-1975, Đảng CSVN - còn đảng, còn mình... | Leave a Comment »

►Sai lầm khi “coi thường” thành quả VNCH

Posted by hoangtran204 trên 29/04/2015

28-4-2015

Việt Nam đã để lỡ mất cơ hội phát huy những thành quả của miền Nam để lại do chìm đắm trong tư tưởng của bên thắng cuộc, theo Tiến sỹ Vũ Minh Khương

Việt Nam đã để mất cơ hội trở thành một cường quốc sau năm 1975 do coi thường các thành quả trong chính sách của Việt Nam Cộng hòa.

Nhận định trên được Tiến sỹ Vũ Minh Khương, từ Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Singapore, đưa ra trong cuộc phỏng vấn với BBC ngày 25/4.
Cũng theo ông Khương, chính thái độ này đã khiến cho Việt Nam “tổn thất một nguồn lực rất lớn”, không khai thác được ý chí dân tộc và “tình cảm giữa người dân hai miền”.

BBC: Ông đánh giá thế nào về các chính sách kinh tế của miền Nam trước năm 1975?
Ông Vũ Minh Khương: Tôi nghĩ chính quyền miền Nam trước đây đã có những nỗ lực rất lớn trong phát triển kinh tế, dù trong hoàn cảnh chiến tranh rất ác liệt và tâm trí của họ không dành được nhiều cho vấn đề này.

Việc hỗ trợ cho kinh tế tư nhân, hội nhập quốc tế và hỗ trợ kinh tế nội địa, theo tôi là những điểm sáng.

Tôi thì không được chứng kiến trực tiếp việc họ thực thi chính sách như thế nào, nhưng sau năm 75, tôi vào làm việc ở TP.HCM thì thấy trình độ quản lý của các cơ sở tiếp quản từ doanh nghiệp miền Nam rất tốt, kể cả từ mặt thiết bị, tính chuyên nghiệp, sổ sách, tính quy hoạch.

Rõ ràng là có dấu ấn của nỗ lực khá tốt trong việc xây dựng một nền kinh tế thị trường có hiệu quả.

BBC: Sau năm 1975 thì thái độ học hỏi những chính sách, thành quả kinh tế của miền Nam thời bấy giờ từ phía ‘thắng cuộc’ là thế nào, thưa ông?

Ông Vũ Minh Khương: Tôi thấy trong bối cảnh của miền Nam mới giải phóng thì ý thức học hỏi của Việt Nam rất hạn chế vì tâm lý là người chiến thắng. Khi đó miền Bắc nhìn nhận mọi vấn đề ở miền Nam một cách rất coi thường, đánh giá thấp, không trân trọng những gì họ đã làm được.

Đó là một não trạng mà đến nay chúng ta phải rút kinh nghiệm rất là nhiều.

Cái thứ hai là lòng thôi thúc để xây dựng một đất nước hùng cường chưa rõ, vẫn còn bị ảnh hưởng vì chiến thắng.

Bên cạnh đó, chúng ta còn nghĩ rằng vì mình là đồng minh của Liên Xô, cứ học hỏi Liên Xô, là có thể trở thành một quốc gia XHCN thành công rồi. Nỗ lực học hỏi tinh hoa của thế giới còn rất hạn chế.

BBC: Nếu như những người tiếp quản miền Nam nghiêm túc nghiên cứu về những chính sách cũ để từ đó chắt lọc và tiếp tục áp dụng thì theo ông điều đó sẽ tạo ra sự khác biệt gì?

Thay Tôi thấy chúng ta rõ ràng đã làm tổn thất một nguồn lực rất lớn, từ ý chí dân tộc đến tính chuyên nghiệp đã được đào tạo ở chế độ cũ, cũng như tình cảm gắn bó giữa người dân hai miền.
Tiến sỹ Vũ Minh Khương

Ông Vũ Minh Khương: Tôi cho rằng điều đó sẽ tạo nên sự thần kỳ. Tất cả chúng ta phải thấy xót xa, khắc khoải vì mất đi một thời cơ quý giá vô cùng như thế.

Giá như với ý thức cao, chúng ta có thể tiếp thu những gì ở miền Nam, cái gì dở thì sửa chữa, cái gì tốt thì học hỏi và đặt câu hỏi vì sao họ làm được như thế.

Tôi từng làm việc ở một trung tâm tính toán và thấy tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ ở đó rất cao. Họ tận tình chỉ bảo nhau rất kĩ càng mà tôi là người mới vào, được chỉ dẫn rất rõ.

Hệ thống IBM hiện đại lúc đó còn để lại, duy trì hàng chục năm mà vẫn còn giúp cho miền Bắc rất nhiều, từ xây dựng Thủy điện Sông Đà, tới tuyển sinh và quản lý hoàn toàn hệ thống điện lực ở miền Nam, rất hiệu quả.

Cũng không hề có tham nhũng tiêu cực ở đó, tính chuyên nghiệp rất cao. Đồng lương thì khiêm nhường thôi, nhưng anh em làm việc ở đó gắn bó tình cảm lắm. Sau này thì mọi người ly tán, mỗi người đi một nơi, xuất cảnh ra nước ngoài.

Sau này nghĩ lại tôi thấy chúng ta rõ ràng đã làm tổn thất một nguồn lực rất lớn, từ ý chí dân tộc đến tính chuyên nghiệp đã được đào tạo ở chế độ cũ, cũng như tình cảm gắn bó giữa người dân hai miền.

BBC: Từ góc độ của một nhà quan sát, ông có cho rằng đã có sự thay đổi từ phía các nhà làm chính sách trong cách nhìn nhận, nghiên cứu những kinh nghiệm của miền Nam ngày trước chưa?

Ông Vũ Minh Khương: Khi nói về năng lực học hỏi thì thường người ta nhìn ở ba khía cạnh. Khía cạnh thứ nhất là khả năng tiếp thu có tốt hay không, thứ hai là sự khát khao để học hỏi cái mới, và thứ ba là cơ chế khuyến khích, tức là người chịu khó học hỏi vươn lên có được tưởng thưởng hay không.

Ở Việt Nam thì tôi thấy hạn chế nhất là lòng thôi thúc chưa được cao. Thứ hai là cơ chế tưởng thưởng người khát khao học hỏi cũng hạn chế.
Học ở chế độ cũ là một việc, học từ toàn thế giới lại càng quan trọng hơn.

Cán bộ của mình khả năng tiếp thu không yếu. Những anh em cán bộ từ Bắc chuyển vào Nam làm quản lý sau 75 thì cũng cố gắng tiếp thu những cái cũ khá nhiều.

Nếu có cơ chế khuyến khích họ mạnh mẽ khai thác những cái hay của chế độ cũ, bên cạnh đó có những nỗ lực vươn lên, thì tôi cho rằng Việt Nam có thể đạt dược những thành quả lớn hơn nhiều.

Posted in Cái giá của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc”., Chien Tranh Viet Nam, Miền Nam sau 30-4-1975 | Leave a Comment »

►Chiến tranh Việt Nam có thực sự cần thiết? (Nguyễn Hưng Quốc)

Posted by hoangtran204 trên 29/04/2015

Liên quan đến biến cố 30 tháng Tư 1975, có một câu nói của một quan sát viên quốc tế mà tôi rất tâm đắc: “Không có ai chiến thắng cả. Tất cả đều là nạn nhân” (There were no winners, only victims).

Nhưng tại sao lại không có người chiến thắng?

Trước hết, không còn hoài nghi gì nữa, người miền Nam chắc chắn là những người thua cuộc và từ đó, là những nạn nhân không những của chiến tranh mà còn của hoà bình với hàng trăm ngàn người bị bắt đi cải tạo, hàng triệu người liều mạng vượt biển để tìm tự do và hầu như tất cả đều sống trong cảnh vừa lầm than vừa bị áp bức.

Mỹ cũng không phải là những kẻ chiến thắng. Nói cho đúng, họ thắng trong cuộc chiến tranh lạnh với khối xã hội chủ nghĩa bằng việc phân hoá Trung Quốc và Liên Xô đồng thời bằng cách vô hiệu hoá hiệu ứng liên hoàn, gắn liền với thuyết domino vốn là nguyên nhân chính khiến họ tham dự vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Về phương diện quân sự, họ không thắng không bại: họ đã rút quân ra khỏi Việt Nam mấy năm trước khi cuộc chiến tranh chấm dứt. Tuy nhiên, về phương diện chính trị, họ đã thất bại trong nỗ lực bảo vệ một đồng minh là chế độ Việt Nam Cộng Hoà ở miền Nam. Sau đó, về phương diện tâm lý, họ là những nạn nhân với hội chứng Việt Nam, một ám ảnh đầy day dứt trong lương tâm của những người từng tham chiến. Đó là chưa kể hơn 58.000 người lính bỏ mình tại Việt Nam cũng như hàng mấy trăm ngàn người bị thương tật trở thành một gánh nặng trong xã hội Mỹ.

Thế còn miền Bắc?

Đương nhiên họ là những người thắng cuộc. Thắng về quân sự: đánh bại được quân đội Việt Nam Cộng Hoà. Thắng về chính trị: thống nhất được đất nước sau 20 năm chia cắt. Tuy nhiên, bên cạnh những chiến thắng ấy, họ cũng gánh chịu không ít thất bại. Những thất bại ấy làm cho chiến thắng của họ trở thành một tai hoạ cho mọi người.

Trước hết, như là hệ quả của việc chà đạp lên hiệp định Paris, xua quân cưỡng chiếm miền Nam, Việt Nam phải gánh chịu sự cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Trừ Liên Xô và khối xã hội chủ nghĩa, họ không có một người bạn nào cả. Ngay cả với một nước đồng minh thân cận từng giúp đỡ họ cả mấy chục năm, Trung Quốc, cũng biến thành kẻ thù với hậu quả là, ngay sau chiến tranh Nam -Bắc chấm dứt, Việt Nam phải chịu đựng thêm hai cuộc chiến tranh mới: chiến tranh với Campuchia và chiến tranh với Trung Quốc.

Hệ quả của tất cả những điều vừa nêu là, về phương diện kinh tế, Việt Nam hoàn toàn kiệt quệ. Lạm phát tăng nhanh; nạn đói lúc nào cũng lởn vởn trước mắt mọi người. Trong nhiều năm, ngay cả lúa gạo, nguồn thực phẩm chính và cũng là điểm mạnh của miền Nam, cũng bị thiếu hụt nghiêm trọng. Dân chúng phải thường xuyên ăn độn hoặc ăn bo bo để thế cơm. Việt Nam trở thành một trong những quốc gia nghèo khó và chậm phát triển nhất thế giới.

Về phương diện xã hội, hầu như mọi người đều bị lâm vào cảnh khốn cùng. Mâu thuẫn giữa hai miền Nam và Bắc càng lúc càng sâu sắc. Sự thống nhất chỉ có trên phương diện chính trị và hành chính, nhưng về tâm lý, nhìn nhau, dân chúng giữa hai miền vẫn đầy những nghi kỵ và đố kỵ.

Về phương diện chính trị, dân chúng không còn chút tự do nào cả. Tự do tư tưởng: Không. Tự do ngôn luận: Không. Tự do cư trú và tự do đi lại: Không. Tất cả các quyền tự do căn bản của dân chủ, từ tự do hội họp đến tự do thành lập và tham gia vào đảng phái đều bị tước sạch.

Có thể nói, trong hơn mười năm, từ 1975 đến 1985, khi phong trào đổi mới xuất hiện, ở Việt Nam, dân chúng trong cả nước đều chia sẻ nỗi bất hạnh chung xuất phát từ việc miền Bắc thắng miền Nam. Không có gì quá đáng nếu chúng ta nói, trừ giới lãnh đạo cộng sản, tất cả mọi người đều là nạn nhân của biến cố 30 tháng Tư 1975. Không phải chỉ những người bị bắt đi học tập cải tạo hoặc bị lùa đi kinh tế mới mới là nạn nhân: Tất cả mọi người đều là nạn nhân. Không phải chỉ những người bị bỏ mình trên biển mới là nạn nhân, ngay cả những người may mắn vượt thoát và được định cư ở nước ngoài cũng là nạn nhân: họ phải xa lìa tổ quốc để sống tha hương, không lúc nào nguôi nỗi khắc khoải trông ngóng về đất nước cũ.

Nhưng nếu mọi người đều là nạn nhân, cuộc chiến tranh Nam Bắc vốn kéo dài hai mươi năm có thực sự cần thiết hay không?

Bộ máy tuyên truyền của miền Bắc trước năm 1975 cũng như trong cả nước sau năm 1975 nêu lên ba lý do chính tại sao miền Bắc phát động cuộc chiến tranh ấy: Một, để giải phóng miền Nam; hai, để phát triển chủ nghĩa xã hội sang nửa phần lãnh thổ còn chịu khổ nạn dưới ách “áp bức” của Mỹ và “nguỵ”; và ba, để đánh bại sự “xâm lược” của “đế quốc” Mỹ.

Xin nói về nguyên nhân thứ ba trước. Đó chỉ là một nguỵ biện. Việc Mỹ đổ cả nửa triệu quân vào miền Nam chỉ là để giúp miền Nam chống lại sự xâm lấn của miền Bắc. Như vậy, nó chỉ là hậu quả chứ không phải là nguyên nhân. Nói cách khác, nếu miền Bắc không mưu toan đánh chiếm miền Nam, chả có lý do gì để Mỹ đổ quân vào miền Nam cả.

Về nguyên nhân thứ hai, người ta dễ dàng nhận thấy là hoàn toàn không chính đáng. Sau sự sụp đổ của Liên Xô và các nước cộng sản tại Đông Âu, hầu như ai cũng biết chủ nghĩa xã hội đồng nghĩa với áp bức và nghèo đói. Mở rộng chủ nghĩa xã hội từ miền Bắc sang miền Nam, do đó, thực chất là việc xuất cảng áp bức và nghèo đói. Đó là một tai hoạ.

Chỉ có nguyên nhân thứ nhất là cần phân tích kỹ. Trước hết, không ai có thể phủ nhận sự cần thiết của việc thống nhất đất nước, một di sản của tổ tiên từ ngàn đời trước. Đó là một mệnh lệnh của lịch sử, của đạo lý và của tình cảm. Tuy nhiên, vấn đề là: sự thống nhất ấy có thể được thực hiện bằng cách nào và được trả bằng giá nào? Nó có cần thiết để cả nước phải trải qua hai chục năm chiến tranh tàn khốc với trên ba triệu người bị giết chết? Lịch sử cung cấp hai bài học chính: Thứ nhất, Đông Đức và Tây Đức đã được thống nhất mà không cần phải trải qua cuộc chiến tranh nào cả. Thứ hai, Nam và Bắc Triều Tiên đến nay vẫn bị chia cắt. Nhưng sự chia cắt ấy được đền bù bằng mức phát triển cực nhanh và cực cao của Nam Triều Tiên. Sự thống nhất không sớm thì muộn, không bằng cách này thì bằng cách khác cũng sẽ xảy ra, nhưng khi nó xảy ra, Đại Hàn cũng đã có một nền tảng kinh tế và chính trị vững chắc là Nam Triều Tiên (như trường hợp của Tây Đức và Đông Đức). Ở đây, sự chia cắt không có gì đáng phàn nàn hay ân hận cả.

Chúng ta tưởng tượng: nếu miền Bắc đừng phát động chiến tranh thì tình hình chính trị Việt Nam hiện nay sẽ ra sao? Thì tất cả những tai hoạ nêu lên ở phần đầu bài viết này sẽ không có. Thì cả hai miền sẽ có hoà bình và nhờ hoà bình, sẽ được phát triển nhanh chóng. Ngay cả khi hai miền Nam và Bắc chưa được thống nhất thì, tuy về phương diện tình cảm, vẫn là một nỗi nhức nhối, nhưng trên mọi phương diện khác, đó lại là một điều may mắn.

Nguyễn Hưng Quốc Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

Posted in Cái giá của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc”., Chien Tranh Viet Nam, Miền Nam sau 30-4-1975, Đảng CSVN - còn đảng, còn mình... | Leave a Comment »

►Nếu hôm nay Nam Việt Nam vẫn tự do …(Josh Gelernter)

Posted by hoangtran204 trên 28/04/2015

Diên Vỹ chuyển ngữ

Hãy nhìn vào phần còn lại của Đông nam Á và mường tượng Nam Việt Nam sẽ ra sao.

Ngày 30 tháng Tư này sẽ là kỷ niệm 40 năm ngày Sài Gòn thất thủ. Bốn mươi năm sau khi Hoa Kỳ bỏ rời Nam Việt Nam, có thể nói rằng lời nói dối được chấp nhận nhiều nhất trong lịch sử nước Mỹ là việc can thiệp của Mỹ vào Đông Dương là một ý tưởng tồi.

Trong đa số các tranh luận, một sự thật hiển nhiên là vấn đề Việt Nam là một sai lầm, và một số người bảo thủ xem đấy là một điểm đáng tranh cãi. Khi phe Cộng Hoà nói về Việt Nam, họ chỉ bảo vệ những người lính bị xỉ vả . Đôi khi ai đấy lại chỉ ra rằng cuộc Tổng Tấn công Tết Mậu Thân là một chiến thắng của người Mỹ. Đôi khi, sự kiện Mỹ Lai được cân bằng bởi hàng nghìn tội ác tương tự và vài chục tội ác tồi tệ hơn của Việt Cộng và quân Bắc Việt. Rất hiếm khi có ai chỉ ra được rằng một khi Creighton Abrams thay thế William Westmoreland trong vai trò Tư lệnh Bộ chỉ huy Cố vấn Quân sự Mỹ tại miền Nam Việt Nam, chúng ta bắt đầu thắng cuộc chiến – và rằng qua việc bãi bỏ các cam kết sau Hiệp định Paris, Quốc hội đã giật thất bại ở miền Nam Việt Nam khỏi gọng kềm của chiến thắng quân sự.

Tuy nhiên thay vì cứ đưa ra những tranh luận này, tôi muốn chỉ ra một số sự thật về Đông nam Á hiện tại. Sau khi chủ nghĩa thực dân sụp đổ trong gian đoạn Chiến tranh Thế giới Thứ Hai chấm dứt, Đông nam Á đã bắt đầu gây dựng lại chính mình. Hoa Kỳ đã hỗ trợ ba chính phủ chống Cộng sản trong cuộc chiến đấu chống lại sự bành trướng của chủ nghĩa Mác: Chúng ta đã ủng hộ Trung Hoa Dân Quốc chống lại Cộng Hoà Nhân Dân Trung Quốc, chúng ta ủng hộ Hàn Quốc chống lại Cộng Hoà Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên, và chúng ta ủng hộ Việt Nam Cộng Hoà chống lại Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà. Đấy là Đài Loan chống lại Trung Hoa Đỏ, Nam Hàn chống lại Bắc Hàn, và Nam Việt Nam chống lại Bắc Việt Nam. Hai trong số ba nước cộng hoà giờ đây đang nằm trong số những quốc gia phát triển cao nhất, thịnh vượng nhất, và tự do nhất trên thế giới.

Một trong những chỉ trích cơ bản của giới phản chiến đối với việc hậu thuẫn của Mỹ cho Nam Việt Nam là chính quyền miền Nam không có dân chủ. Điều này hoàn toàn đúng; nó được cai trị bởi một chính thể quân sự với những mức độ hợp tác dân sự khác nhau. Tuy nhiên, trích theo phát biểu lúc ấy của hạ nghị sĩ Dân chủ phản chiến Leo Ryan, “Mặc dù Nam Việt Nam không phải là pháo đài của những nền tảng dân chủ, những cáo buộc nặng nề nhất về việc đàn áp tràn lan những quyền con người cơ bản đang bị thổi phồng. Vẫn có lực lượng chính trị và báo chí đối lập đang hoạt động và lên tiếng. Rõ ràng là vẫn có một số tù nhân chính trị, nhưng dân chúng nói chung cũng như những nhà lãnh đạo đối lập chính trị không phải sống trong sự sợ hãi trước sự đàn áp của chính quyền.”

May mắn là khi các nền kinh tế tự do thường có xu hướng thúc đẩy những đất nước không tự do đi đúng hướng. Như Việt Nam Cộng Hoà, Trung Hoa Dân Quốc và Nam Hàn cũng đã trải qua những thời kỳ của chế độ độc tài quân sự. Nam Hàn bị cai trị bởi Tướng Park Chung-hee từ cuộc đảo chánh của ông năm 1961 đến khi ông bị ám sát vào năm 1979. Chính quyền của ông tan rã vì việc đàn áp chính trị, nhưng ông đã xây dựng nền kinh tế Nam Hàn để trở thành một nền kinh tế cường thịnh, từ đấy làm nền tảng cho nền dân chủ mạnh mẽ mà Nam Hàn có được hôm nay.

Tương tự, Trung Hoa Dân Quốc bị cai trị dưới chế độ quân luật bởi Thống chế Tưởng Giới Thạch cho đến khi ông qua đời năm 1975. Cũng như Park, giai đoạn cầm quyền của Tưởng đã bị vấy bẩn bởi chính sách đàn áp, nhưng nó cũng đã tạo ra sự thịnh vượng lớn và dưới quyền của con trai ông là Tưởng Kinh Quốc, quốc gia này đã chuyển hoá trở thành một nền dân chủ cộng hoà hoàn toàn tự do.

Đài Loan, thật đáng hổ thẹn, vẫn không được Liên Hiệp Quốc thừa nhận như một quốc gia có chủ quyền. Tuy nhiên, theo công thức Chỉ số Phát triển Con người của Liên Hiệp Quốc (vốn chủ yếu là tính toán mức sống của người dân), nó đứng thứ 21 trong số các quốc gia phát triển nhất trên thế giới. Nam Hàn đứng vị trí 15. Cả hai quốc gia đều xếp hạng cao hơn các nước châu Âu như Áo, Bỉ, Luxembourg, Ý, và Phần Lan; Nam Hàn cũng vượt qua cả Nhật, Pháp, và Do Thái.

Mặc dù có ít tài nguyên thiên nhiên, Đài Loan vẫn đứng thứ 19 trong các nước có chỉ số GDP mỗi đầu người cao nhất trên thế giới: 45.854 USD mỗi năm, vượt cả Canada, Đan Mạch, Bỉ, Pháp, Anh, Nhật, và Ý. Tương tự, Nam Hàn cũng ít có tài nguyên nhưng vẫn đứng thứ 30, trên cả New Zealand, Tây Ban Nha, và cả hai nửa của nước Czechoslovakia cũ.

So sánh điều này với những đối thủ Cộng sản: GDP mỗi đầu người của Trung Hoa Đỏ đứng sau Đài Loan 70 bậc, sau Turkmenistan, Algeria, Libya, Maldives, và Iraq. Bắc Hàn hầu như đứng ở tận cùng thang điểm, sau Zimbabwe, Rwanda, và Haiti. Về mặt phát triển con người, Trung Hoa Đỏ cũng thấp hơn Đài Loan 70 bậc, sau Tunisia, Peru, Grenada, và Azerbaijan. Chỉ số phát triển con người của Bắc Hàn, với những lý do hiển nhiên, không thể tính được một cách chính xác.

Và nếu so sánh Việt Nam với các nền cộng hoà châu Á tự do có Mỹ hậu thuẫn thì thiên đường cộng sản của Hồ Chí Minh đứng ở vị trí 122 về phát triển con người, sau Syria, Iraq, Moldova, và Gabon, và thứ 126 về chỉ số GDP mỗi đầu người, sau Cộng Hoà Congo, Swaziland, Dominica, và Albania.

Có lẽ đây là kết quả tất yếu của truyền thống Cộng sản chuyên thanh trừng người sở hữu đất, giáo viên, và trí thức.

Quan trọng hơn cả kinh tế, hãy so sánh quyền tự do của các nước này. Đài Loan và Nam Hàn có bầu cử tự do, hệ thống pháp lý độc lập, tự do báo chí, tự do tôn giáo, tự do hội họp, và tự do ngôn luận. Cả Cộng Hoà Nhân Dân Trung Quốc lẫn Cộng Hoà Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên đều không có các quyền này. Đương nhiên Việt Nam cũng thế, khi đảng Cộng sản tiếp tục kiểm soát “bầu cử” và toà án, và tiếp tục bắt giữ và tra tấn những người bất đồng chính trị và tôn giáo.

Hãy mường tượng Việt Nam Cộng Hoà – Nam Việt Nam – ngày hôm nay sẽ như thế nào. Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 13 trên thế giới với hơn 90 triệu dân. Phân nửa số người này, ít hay nhiều, đã có thể sống trong tự do và thịnh vượng mà người dân Nam Hàn và Đài Loan đang tận hưởng. (Có lẽ thậm chí còn giàu có hơn vì không như Đài Loan và Nam Hàn, Việt Nam có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, dưới hình thức các mỏ dầu khí ngoài khơi.)

Khi vỡ lẽ ra, như người ta thường bảo, tầm nhìn lại rõ như 20/20 – vì thế, hoàn toàn độc lập với hoàn cảnh của những thập niên Sáu mươi và Bảy mươi, nhìn lại vào năm 2015 thì quá rõ ràng rằng chiến đấu cho Nam Việt Nam là điều nên làm. Và đã đến lúc nhiều người cần nói lên điều này – đặc biệt là các chính trị gia và các giáo viên vì giới cựu chiến binh Việt Nam đã già rồi. Và bởi vì, 40 năm sau Sài Gòn thất thủ, tất cả chúng ta nên rút ra một bài học về cái giá thảm khốc khi Mỹ từ chối tham gia một cuộc chiến tốt.

Posted in Cái giá của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc”., Chien Tranh Viet Nam, Uncategorized | Leave a Comment »

►40 năm quá đủ!

Posted by hoangtran204 trên 28/04/2015

40 Đem con khỉ ra khỏi khu rừng chưa phải là xong. Cần phải có sự giáo dục cùng với may mắn mới hy vọng đem khu rừng ra khỏi con khỉ.

 

40 Năm  Quá Đủ!

26-4-2016

Trần Diệu Chân

Nhiều quốc gia trên thế giới đã chứng minh 40 năm là một khoảng thời gian đủ dài để không những phục hồi mọi mặt sau các cuộc chiến tàn phá khốc liệt, mà còn có thể vươn lên thành cường quốc hàng đầu của thế giới. Nhật Bản và Nam Hàn là hai quốc gia Á Châu điển hình.

Đầu thập niên 60, lợi tức bình quân đầu người của Nam Hàn còn thua Nam Việt Nam (NH – GDP/người = $155MK, NVN = $223MK), có năm chưa bằng nửa NVN. Từ cuối thập niên 60, khi cuộc chiến VN trở nên khốc liệt thì Nam Hàn đã có cơ hội phát triển trong hòa bình sau khi cuộc chiến chia đôi Triều Tiên chấm dứt năm 1953, và đã qua mặt NVN với mức gấp 5 lần GDP/người năm 1974 (NH=$556; NVN=$114).

Ngược lại, 15 năm sau chiến tranh nhưng dưới gọng kềm Xã Hội Chủ Nghĩa, VN đã bị Nam Hàn bỏ rơi tới 66 lần cao hơn GDP/người năm 1990, gần 30 lần năm 2000, và gần 14 lần năm 2014 theo ước tính của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) (NH GPD/người = $28,101MK; VN = $2053MK). Nếu tính thêm độ chênh lệch giầu nghèo khủng khiếp do tham nhũng gây nên, thì lợi tức bình quân đầu người của giới nghèo VN chắc còn thua Nam Hàn hằng trăm lần.

Dùng GDP/người năm 2014 và mức phát triển trung bình do IMF phỏng định là 5% cho Thái Lan, 6% cho Nam Hàn, và 8% cho VN, thì VN sẽ phải mất tới 36 năm mới bắt kịp Thái Lan và 140 năm mới bắt kịp Nam Hàn.

Ngoài yếu tố lợi tức kinh tế, thế giới còn dùng Chỉ Số Phát Triển Con Người (Human Development Index – HDI) để so sánh về sự phát triển của một xã hội bao gồm những yếu tố như giáo dục, tuổi thọ, phẩm chất đời sống … HDI của VN được Liên Hiệp Quốc lượng định là 0.638, đứng thứ 121 trên 185 quốc gia, trong khi Nam Hàn được xếp trong nhóm có HDI cao nhất, với chỉ số 0.891 đứng thứ 15 trên thế giới và còn tiếp tục gia tăng.

Song song với các chỉ số thua kém, VN lại giành vị trí cao về tham nhũng (hạng 98/150 quốc gia), thiếu dân chủ (hạng 127/150 quốc gia), thiếu tự do thông tin (hạng 137/150). Hà Nội được xem là một trong những kẻ đàn áp tự do Internet nặng nhất thế giới, và giữ nhiều kỷ lục “nhục nhã” như buôn bán phụ nữ và trẻ em, đào thai, phá hoại môi trường, nhà tù nhiều hơn nhà thương và trường học …

Nguyên nhân cũng chỉ vì: Việt Nam hiện nay là một tổng hợp tệ hại nhất của hai hệ thống: độc tài cộng sản và tư bản hoang dã, hệ quả là một thể chế Mafia Đỏ đã được sinh sôi, nảy nở để rút ruột đất nước, bóc lột nhân dân, dâng nhượng từng phần quê cha đất tổ cho ngoại bang, và biến mảnh đất tươi đẹp, trù phú VN thành ổ phế thải của Trung Cộng.

40 năm đã quá đủ để không còn có thể đổ lỗi cho chiến tranh hay bất cứ một lý do gì khác.

40 năm đã quá đủ để không còn có thể tiếp tục hiện trạng với hệ thống chính trị lạc hậu, sai lầm với những thành phần bất tài, vô lương tâm quản trị đất nước.

40 năm đã quá đủ để tiếp tục trơ tráo và vô cảm trước hiện tượng tụt hậu và phá sản toàn bộ của đất nước, kể cả những giá trị tinh thần, đạo đức và văn hóa.

Nhân tâm và đất nước cần phải được khẩn cấp xây dựng lại trước đà suy kiệt trầm trọng hiện nay. Mỗi con dân Việt Nam phải là một nhân tố tái tạo lại đất nước và đều có thể góp phần trong cuộc chuyển hóa tốt đẹp này.

Truyền thống bất khuất của dân tộc không chỉ để đối phó với ngoại xâm mà còn phải được huy động để dứt khoát dẹp bỏ tiêu cực, sai trái, bất công, gian trá, độc tài và bạo lực.
40 năm đã quá đủ!

Ngày 26/4/2017

©  Trần Diệu Chân

© Đàn Chim Việt 

———————————————-

Đảng viên đảng CSVN đúng là loại ăn hại đái nát. Họ không đủ sức, đủ tài năng để vực dậy và làm cho VN giàu mạnh sau 40 năm độc quyền cai trị.

———–
Nguồn tham khảo:

1/ List of countries by past and projected GDP (nominal) per capita

http://en.wikipedia.org/wiki/List_of_countries_by_past_and_projected_GDP_%28nominal%29_per_capita#World_Bank.2C_1970.E2.80.931979

2/ List of countries by Human Development Index

http://en.wikipedia.org/wiki/List_of_countries_by_Human_Development_Index

3/ Corruption, democracy and press freedom ranking

http://www.worldaudit.org/corruption.htm

4/ Transparency

http://www.transparency.org/country#VNM_DataResearch

5/ China, Vietnam Among ‘Worst Abusers’ of Internet Freedom.

http://www.rfa.org/english/news/china/internet-12042014162746.html

6/ Internet in Vietnam

http://surveillance.rsf.org/en/vietnam/

Posted in Chinh Tri Xa Hoi, Thời Sự, Đảng CSVN - còn đảng, còn mình... | Leave a Comment »

►Càng huênh hoang bốc phét về đại thắng Mùa Xuân, càng khơi dậy nỗi đau và hận thù… (Tô Hải)

Posted by hoangtran204 trên 28/04/2015

“…Ngay những kẻ nằm trong sự thật, nắm bắt sự thật, cũng không mấy ai vượt qua được cái hèn và nỗi sợ khi có ý đồ nói lên 1/100 sự thật mà mình đã trải qua…”

Kể từ ngày đi vào con đường bờ-lốc-bờ-liếc, mỗi năm cứ gần đến cái ngày 30 tháng 4, mình đều có bài bộc lộ nỗi buồn, nỗi đau, kể cả sự tức cười của mình về những “chiến thắng như chẻ tre”, “những cuộc tiến đánh, “chiếm lĩnh nơi này, căn cứ nọ của… “Mỹ-Ngụy”, những cuộc “tiến công thần tốc, thần tốc nữa” vô tận hang ổ cuối cùng của “ngụy quân, ngụy quyền” cứ y….như là có thật vậy!

Không buồn cười sao được khi thấy mấy chú tuyên láo ra lệnh “tán rộng”, ”hư cấu” về những cái chiến thắng chẳng đánh mà thắng, của “quân ta”, đặc biệt là sau sự “bỏ cuộc chơi của một bên” khi phía quân lực VNCH đã buông súng sau…Buôn Mê Thuột…..thì…Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết… có ma nào bắn lại đâu mà cứ vống lên là quân ta “anh dũng tiến thần tốc, đánh thắng nơi này, nơi khác”!!…

30_4_1975_02
Đánh thắng như chẻ tre hay như trẻ con chơi trò cút bắt thế này đây

Sự thật “cuộc tháo chạy của một bên này” đã được thế giới ghi chép quá nhiều từ ngay những ngày “quân đội VNCH bị phản bội” đó…

Vậy mà, tuyên truyền tự sướng lấy được bất kể là vô lý, vô duyên, đến chết cười cứ mỗi năm, mỗi được phóng đại thêm mà kẻ đại ngôn nhất trong những bài viết, trong những cuộc phỏng vấn đều…, nếu không là mấy ông già tướng, tá lụ khụ, vô tên tuổi ở địa phương thì là mấy chú tiến sỹ, giáo sư, mặt non choẹt, óc chất đầy tài liệu tuyên truyền của “đảng họ” mà khi xảy ra “ngày đại thắng” thì đang còn….mặc quần thủng đít hoặc mới oe oe chào đời!
Đặc biệt, năm nay, kỷ niệm 40 năm, khi ở Trung Ương, người ta đã cố gắng bớt bớt những thứ “xấc xược kiêu binh cộng sản” như “Đánh tan quân xâm lược Đế Quốc Mỹ và bè lũ ngụy quyền tay sai” mà thay bằng các cụm từ có vẻ “lịch sự ngoại rao” hơn như “kỷ niệm 40 năm giải phóng (?) Miền Nam Thống Nhất đất nước” thì trái lại ở địa phương, thậm chí cả ở Sài-gòn, người ta vẫn không ngừng cho những tên chả đánh nhau với ai bao giờ, lên tivi tuyên truyền, dạy dỗ, kể công hộ, về “nghệ thuật quân sự của đảng ta” trong cuộc “chiến tranh chống Mỹ cứu nước”, Nghe xong lắm lúc tức hơn bị…bò đá..!

Thế là mình lại hăm hở…mở computer, “viết thêm cho rõ” những gì mình đã viết về cái chủ đề 30 tháng 4 này suốt 8 năm qua (*)

Nhưng lần này thì mình cho qua các “nỗi đau 30 năm tay này chém tay kia” mà kẻ gây ra lại là những thằng “con hoang nước Việt” ăn phải bả của mấy thằng Tây khùng, muốn “nhân danh giai cấp vô sản đi giải phóng toàn thể loài người” cho nên đã “lạnh lùng nướng chả” cả triệu con em đất Việt để… “đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc!!!….” (Lê Duẩn)

Mình cũng chả cần cãi với ông Võ văn Kiệt (dù hôm nay ông ta vẫn là “thần tượng lãnh tụ cộng sản tốt” với nhiều vị đảng viên đang đòi hỏi tí chút…rân chủ, nhân quyền) là “Không phải triệu người vui thì có triệu người buồn đâu!” Với tôi thì là chỉ có “triệu người các ông” vui thôi, chứ còn 80 triệu dân tôi, chẳng ai vui được! Khi thấy:

– Giải phóng gì, hòa hợp gì mà cả triệu con người, đa số là trí thức của đối phương mà ông tướng Trà, trong lúc bốc nhằng lỡ nói với Tướng Dương văn Minh rằng thì là:“Người Việt chúng ta không ai thắng thua, chỉ có đế quốc Mỹ là thất bại mà thôi” còn in nóng sốt trên khắp các báo….thì lập tức, ngay sau đó, có lệnh của “kẻ to hơn ông Trà” cho gom tất cả cán binh cao cấp bên thua trận, vào các trại cải tạo nơi thâm sơn cùng cốc, rừng sâu nước độc để chết dần chết mòn vì… “học tập” hoặc có sống sót mà về thì cũng chỉ còn là những tấm thân tàn, ma dại nằm chờ chết? (ngay gia đình mình, “gia đình cách mệnh” như lời ông Trần văn Trà tuyên bố hẳn hoi mà cũng có người phải đi “học tập” đến cả 11 năm vì trót làm…trung tá- luật sư Tòa Án Binh)

30_4_1975_03
Đây là “giải phóng” cho cả triệu người khỏi phải…sống

-Giải phóng gì, hòa hợp gì mà nhà cửa, ruộng vườn, xưởng máy, xí nghiệp của bên “được giải phóng” đều rơi vào tay các ông cán bộ xử dụng cho đến tận ngày nay (riêng cái giới “văn nghệ cách miệng” chuyên nghề ăn theo, nói leo, ở R ra hay từ miền Bắc vô, từ Liên Sô về, cho đến hôm nay nếu có chuyện kê khai sau này, cũng có thể lên đến 5, 7 chục đời lên hương, nhờ được người khác giải phóng miền Nam hộ!! Một số đã bán villa sang trọng lấy mấy ngàn cây vàng “di tản” ra ngoại thành sống…khiêm tốn trong một căn hộ loại..trung lưu để lỡ sau này có “biến cố không hay” thì.. sẽ thoát khỏi cảnh bị trả thù, treo cổ!)

-Giải phóng gì, hòa hợp gì mà dân miền Bắc quanh năm xếp hàng kiếm mớ rau, miếng đậu phụ theo tem phiếu, bỗng…”giầu lên” nhờ “nhận họ nhận hàng” với người tư-sản-miền-Nam-bị-Đế-Quốc-Mỹ-kìm-kẹp (!) để họ chia xẻ cho cái xe máy, cái tủ lạnh, thậm chí ít “cây vàng” để cơi nới ngôi nhà đã quá sức chứa đến 3, 4 thế hệ mà vẫn như cũ…Thế mà, có lệnh của bác ĐM (chiến dịch Z 200 hay 500 gì đấy), tất cả “tư sản miền Bắc mới” ấy chỉ sau một đêm, đều bị “kiểm tra hành chính”, và tịch thu hết tài sản không lý do, lý trấu gì xất!

-Giải phóng gì, hòa hợp gì mà cả nước bỗng trở thành… súc vật ăn bo bo tranh phần của ngựa, lừa nhưng vẫn phải hô to đảng ta vô cùng sáng suốt!

-Và đặc biệt vô nhị độc nhất là giải phóng gì mà ba, bốn triệu người ở cái vùng đất bị giải phóng ấy đều sợ hãi chạy suốt, hai chục năm trước thì chạy từ Bắc vô Nam, rồi nay (1975) thì chạy từ Việt Nam chạy đi ra bất cứ nơi nào trên thế giới dù thân xác có làm mồi cho cá mập đại dương còn hơn là làm công dân của một cái chế độ mà rồi đây con sẽ đấu cha, vợ đấu chồng, đồng chí đấu nhau, thậm chí bắn giết, chôn sống nhau để “đấu tranh này là trận cuối cùng”, để “bao lợi quyền ắt qua tay mình?!

30_4_1975_04
Lạy các ông, dân tôi không muốn được giải phóng

*****

Những chuyện, tưởng như sẽ được thời gian lấp vùi dùm này, không ngờ với sự phát triển của Internet nay lại càng ngày càng bị phanh phui ra khiến các “nhà lãnh đạo” to nhất phải có lệnh.. “màn màn” sự huênh hoang lại kẻo…hố to trong kế sách “hòa nhập với thế giới tư bản” nó đang chẳng chịu dãy nữa để…chết!

Đáng chú ý là năm 2015 này có chuyện lần đầu tổng Trọng đưa ra con số 160.000 đảng viên của ông ấy, đã hy sinh cho 2 cuộc Kháng Chiến, nhân kỷ niệm 83 năm (chả biết có ai dám làm chứng không?) thành lập cái đảng cộng sản của họ!

Ngay sau đó, ngày 07/04/2015, thủ Dũng cũng lần đầu công khai con số 16.000 chiến sỹ (không phân biệt đảng viên hay “bạch vệ” hy sinh (3.000 mất xác cho đến nay chưa tìm được) khi ông tiếp đón đoàn “cựu chiến binh thành cổ Quảng Trị còn sống sót sau 81 ngày đêm chiến đấu rồi…..rút! (nhưng vẫn chiến thắng oanh liệt, huy hoàng vì đã góp công cho mấy ông bà đàm phán thắng lợi ở Hội nghị Paris?)

Thôi thì, cứ cho là các ông ấy “phịa” ra để “kể công” với dân đi nhưng chí ít họ cũng phải công nhận là “quân ta” có chết, (và chết nhiều chứ chẳng phải chết ít đâu) ”, ….là “chúng tôi cùng các anh” đã “hy sinh cực kỳ to lớn” cho sự nghiệp “cộng sản hóa đất nước” của họ! Và… vì sự nghiệp của đảng họ thì.. “10 Ta”, đổi lấy “1 Nó” nào có ý nghĩa gì! Sao không thể gọi là đại thắng được cơ chứ?!

Chỉ có điều khi chiến thắng tới mức “100 ta”, “1.000 ta” đổi lấy “1 nó” thì sáng tạo ra “chiến thắng” quả là….hơi bị…khó! Vậy thì nên giấu biến, lờ tịt nó đi là thượng sách.

Chính đây là trường hợp “tấn công đến tận hang ổ cuối cùng của Mỹ Ngụy” mà chẳng ai bị xứt mẻ đến một chân tơ kẽ tóc (!) rồi cứ lải nhải mãi cái chuyện: “xe tăng ta húc đổ cổng dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền bắt sống nội các Dương văn Minh” suốt 40 năm thì….quả là vừa dại lại vừa ngu! đại tiên sư ngu, tổ tiên sư ngu!

Và đây chính là hai vấn đề lâu nay còn óc ách trong tim, trong óc mình mà năm nay, nhân 40 năm thắc mắc để bụng, mình đã cất công tìm hiểu để biết thêm một loạt vấn đề, mong có một sự đóng góp khác tí chút cùng mọi người cái chủ đề nên có hay không 30 tháng 4!?

Đó là:

1– Sự lờ đi cái gọi là “bước chân thần tốc của quân ta” (vì không phải bị đánh nhau với bất cứ 1 đội quân nào!) bỗng ….vì sao đến “Cánh cửa thép Xuân Lộc” lại bị “chôn chân” gần nửa tháng trời, dù chỉ còn cách Dinh Độc Lập chỉ có một ngày trên đà “tiến quân như…vũ bão”???

– Có ai dám bắt chước ông Trọng, ông Dũng nói lên một chút sự thật về cái vụ chạm trán trực diện giữa quân đội Bắc Việt với sự phẫn nộ cuối cùng của một quân đội anh hùng bị phản bội! hay không???

30_4_1975_05

Đây nơi có đánh nhau thật sự nhưng đã bị lờ đi coi như không có chuyện gì xất

– Có ai dám nói lên sự trả đũa khốc liệt của quân đội miền Nam bằng 2 quả bom Daisy Cut (còn gọi là bom “tiểu nguyên tử” hoặc “bom con heo”) đã biến bao nhiêu chú lính trẻ miền Bắc vừa rời ghế trường phổ thông, chưa qua một ngày tập quân sự, đã được lùa hết lên tầu, lên các đoàn Molotova “đuổi theo quân địch” và rồi đã bị biến thành tro bụi hết cả, khi đang tập kết ở cuối quốc lộ 20, ngã ba Dầu Giây, khi trên môi vừa thoát ra câu ca tưởng chừng sẽ “át tiếng bom”: “Tiến về Sài Gòn ta quét sạch giặc thù”..?

Theo những con số có được từ các nhân chứng, tướng tá còn sống “phía bên kia”, khi nói về cái sự “trả thù không mong muốn” này, mình đã phát rợn người về những thông số: Bom Daisy Cut (bị gọi nhầm là CBU) có trọng lượng 7 tấn, mang mỗi trái 15.000 cân Anh thuốc nổ TNT, khả năng tàn phá tới 3 dặm vuông, chuyên dùng để tạo một nơi đậu tạm thời cho máy bay….
Và mình bỗng thấy thương cho những đoàn xe chở đầy những chú nhóc lính mới tò te, miệng hát đến hết hơi “Giải phóng miền Nam chúng ta cùng quyết tiến bước” đã bị “bốc hơi” hết trên đường tiến quân “như vũ bão” về cái nơi mà chỉ còn cách đó có 80 cây số nữa là có thể đánh dấu chấm hết chiến tranh, lập nên chiến công ở một thời khắc, mà ai cũng muốn được ghi tên mình là người đầu tiên bước vào Dinh Độc Lập “hang ổ cuối cùng”, bộ chỉ huy của “kẻ thù”!

Không nhiều người được biết rõ, về cái bộ mặt ghê gớm của con quỷ chiến tranh hung ác, với hàm răng nanh lòng thòng máu đỏ và da thịt người, nó đã thật sự ăn sống nuốt tươi bao nhiêu nhân mạng suốt 11 ngày với bao chết chóc, máu đổ thịt rơi thật sự trên mảnh đất có tên là “cánh cửa thép” Xuân Lộc này???!!!

Về phía tự coi là đã “đánh thắng Mỹ Ngụy và tay sai” thì, ngoài một vài mẩu tin ngắn từ những ngày 9 đến 20/4/75 khi nói tới cuộc “chiến đấu anh dũng cực kỳ” của quân ta ở Xuân Lộc, đã kết thúc bằng một bản lên án Đế Quốc Mỹ đã phá hoại hiệp nghị Paris bằng cách “lại xử dụng bom B52″ ở VN (?) rồi…im bặt cho đến nay thì…..Xuân Lộc vẫn mãi mãi là một cuộc đọ sức thực sự giữa 2 bên như đã chưa từng xảy ra bao giờ!….

2- Tại sao cái bộ máy tuyên truyền khổng lồ độc tôn của họ đã lờ đi cái kết thúc bi thảm của cuộc chiến có thật ở Xuân Lộc mà thay thế bằng một kết thúc “cực kỳ hoành tráng” nhưng chẳng có thật bao giờ thế?! Đó là “đôn lên” tận trời xanh CUỘC TIẾN CÔNG NHƯ VŨ BÃO VÀO DINH LŨY, HANG Ổ CUỐI CÙNG CỦA BỌN NGỤY QUÂN NGỤY QUYỀN mà hình ảnh chiếc xe tăng T59 húc đổ cánh cổng sắt của cái hang ổ ấy, chẳng có một “thằng địch” nào canh gác, không một ai ngăn cản, không một ai giơ tay hàng, năm nào vẫn cũng được phóng lên báo chí, màn hình to nhỏ cứ như cảnh 16 sư đoàn quân Liên Xô tiến chiếm Reichtag của Hitler trong phim “Công phá Bá Linh” đã chiếu nát bét từ nhiều năm ở miền Bắc!

Vẫn là: những “sự thật cần biết” thì bị giấu biến!
Vẫn là: những sự thật không hề có thì được phóng đại, thêu dệt hết lời!

*****

Là một người luôn khổ sở vì thấy mình bị bịp, bị coi thường, nên mình đã để cả tháng để đi tìm đọc từ sách ta đến sách Tây, từ những tài liệu, những video clip, nhưng hồi ký, lý luận của cả chục nhà báo, ký giả, tướng, tá có tên tuổi “phía bên kia” để hiểu thêm nhiều điều, để “vỡ lẽ” ra cái chuyện:

-TẤT CẢ NHỮNG AI LÀ CÔNG DÂN (TRUNG THÀNH THIỆT HAY… GIẢ VỜ) Ở CÁI NƯỚC XHCN DUY NHẤT TRÊN THẾ GIỚI NÀY, NẾU KHÔNG BIẾT GÌ ĐẾN INTERNET ĐỀU LÀ NẠN NHÂN CỦA SỰ BỊP BỢM CÓ HỆ THỐNG CỦA NHỮNG KẺ ĐANG NẮM QUYỀN UYCOI DÂN CHỈ LÀ CON GIUN CÁI KIẾN!

NGAY NHỮNG KẺ NẰM TRONG SỰ THẬT, NẮM BẮT SỰ THẬT, CŨNG KHÔNG MẤY AI VƯỢT QUA ĐƯỢC CÁI HÈN VÀ NỖI SỢ KHI CÓ Ý ĐỒ NÓI LÊN 1/100 SỰ THẬT MÀ MÌNH ĐÃ TRẢI QUA

Cụ thể là: Hơn 30 nhà báo, đạo diễn, quay phim nhiếp ảnh trong đó có bạn cũ, người quen cũ của tôi, (trừ nhà báo Bùi Tín nay đã tị nạn chính trị ở Pháp), chưa một ai -hiện đang còn sống- mà dám há miệng nói lại cái câu của nhà báo Trần Dũng Tiến, khi ngồi chờ sự bàn giao (hay chấp nhận đầu hàng của chính quyền Dương văn Minh?) từ sáng sớm 30/4 đã vừa ngán ngẩm vừa sốt ruột lại…bụng đói meo qua cả 2, 3 tiếng đồng hồ chờ đợi quân ta lúc bấy giờ lạc nơi mô không biết thì bỗng… “Rầm!”: 1 bên cổng sắt của Dinh Độc Lập đã bị húc đổ xập! Mới đầu không ít người cứ tưởng địch… lại phản công! Ai dè chỉ là hành động… “lấy le” mà ngay sau đó Trần Dũng Tiến đã tổng kết một cách hết sức xúc tích: ”Đúng là một hành động kiêu binh vừa vô duyên, vô học, vô ích và… rẻ tiền!”

Nhưng cái sự “vô duyên”, “vô ích” đó cứ tồn tại năm này qua năm khác mà không một ai “trong cuộc” dám vạch trần ra cho lấy nửa câu, để đến hôm nay không ít người trong nhóm “nhà báo cách mạng” này đã mang những sự thật đau buồn và nực cười đó theo mình xuống tuyền đài!

30_4_1975_06
Bài của cựu đảng viên nhà văn Phạm đình Trọng
trên Thông Luận ngày Thứ tư, 22 Tháng 4 2015

Vậy thì: Phải chờ đến bao giờ mới có dịp được công khai gọi đúng tên cái cuộc CHIẾN TRANH TÀN KHỐC MÀ NGƯỜI CỘNG SẢN VN GỌI LÀ GIẢI PHÓNG ĐÂY? (theo đề xuất rất quan trọng vừa mới đây của nhà văn cựu đảng viên CSVN Phạm đình Trọng, xin mời đọc:Cần gọi đúng tên cuộc chiến này ngày Thứ tư, 22 Tháng 4 2015)

Bao giờ mới tới cái ngày, chính những người từng vỗ ngực TA LÀ NGƯỜI CHIẾN THẮNG dám nói ra:

1-ĐỂ CHIẾM ĐƯỢC TOÀN BỘ MIỀN NAM VIỆT NAM, NHỮNG NGƯỜI CỘNG SẢN ĐÃ “THÍ MẠNG” BAO NHIÊU TRIỆU NGƯỜI???
CHIẾN THẮNG 30 THÁNG TƯ CÓ THẬT LÀ DỄ NHƯ LẤY KHĂN TAY TRONG TÚI QUẦN RA CHÙI MŨI ĐẾN THẾ KHÔNG?
SỰ TRẢ GIÁ CHO CHIẾN THẮNG CỦA CỘNG SẢN CHIẾM ĐƯỢC CẢ MIỀN NAM VIỆT NAM LÀ BAO NHIÊU MẠNG NGƯỜI? AI TRẢ?

2-BAO GIỜ CHÍNH NHỮNG NGƯỜI CÒN SỐNG SÓT THUỘC QUÂN ĐOÀN 2 QĐNDVN, NHỮNG NGƯỜI CÓ MẶT TỪ SÁNG SỚM 30 THÁNG 4/75 TẠI DINH ĐỘC LẬP DÁM NÓI LÊN: CUỘC TIẾN ĐÁNH HANG Ổ CUỐI CÙNG….CHỈ LÀ CHUYỆN….PHỊA?

Tất cả, tất cả đều phải được lịch sử ghi lại đúng như những gì đã xảy ra trên cái đất nước bất hạnh nhất trong các nước thuộc địa của bọn đế quốc tư bản cách đây cả gần một thế kỷ!

Nhưng ai? ai sẽ làm cái chuyện vạch trần toàn bộ những dối trá, những bịp bợm về cuộc chiến tranh mà người cộng sản phát động để chiếm lãnh toàn bô Miền Nam Việt Nam ngày 30 tháng 4 năm 1975?

Và mình lại phải bắt buộc nhắc lại cái nhận định bất di bất dịch từ nhiều năm nay của mình. Đó là:

KHÔNG BAO GIỜ CÓ ĐƯỢC SỰ THẬT CỦA CUỘC CHIẾN TRANH CHO CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN QUỐC TẾ NÀY CHỪNG NÀO CÁI TỔ CHỨC ĐẢNG CỘNG SẢN VN KHÔNG BỊ XÓA SỔ!

-KHÔNG BAO GIỜ CÓ ĐƯỢC SỰ HÒA HỢP TRONG 90 TRIỆU CON HỒNG CHÁU LẠC NẾU NHỮNG KẺ CỘNG SẢN GÂY TỘI ÁC KHÔNG BỊ VẠCH TRẦN VÀ BỊ XÓA SỔ VĨNH VIỄN!

Và mình lại xin đóng góp sức mình trong bài viết có tên CÀNG HUÊNH HOANG BỐC PHÉT VÊ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN, CÀNG KHƠI DẬY NỖI ĐAU VÀ LÒNG HẬN THÙ là như rứa đấy!

Tô Hải
Nguồn: to-hai.blogspot.be

Ghi chú:

(*) Để tìm hiểu thêm cái sự “ngừng bước chân thần tốc” xin hãy gõ vào Google Search mấy chữ “Trận chiến Xuân Lộc” để mà …phát hoảng về cả triệu thông tin mà sau đây là một đường link mà mình mách giúp các bạn trẻ, không có nhiều thời giờ “bám mạng” như mình. 

Posted in Cái giá của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc”., Chien Tranh Viet Nam, Đảng CSVN - còn đảng, còn mình... | Leave a Comment »

►Chỗ đứng của Đảng CS phải là vành móng ngựa (Bùi Tín)

Posted by hoangtran204 trên 28/04/2015

30_4_1975_07“…Nếu Bộ Chính trị vẫn cứ chủ quan ngang ngược, họ sẽ vấp phải sự phẫn nộ của toàn dân được thế giới dân chủ hỗ trợ, họ sẽ ngày càng bị cô lập, và họ sẽ không trách khỏi là những kẻ phạm tội ác bị toàn dân hỏi tội trước vành móng ngựa của luật pháp công minh…”

30_4_1975_07

Chiến cuộc hơn 30 năm trên đất nước Việt Nam đã được nhận định, tranh luận, mổ xẻ trong một thời gian dài, đến nay những ý kiến trái ngược nhau vẫn còn tồn tại dai dẳng.

Một bên cho đó là “sự nghiệp chống ngoại xâm vẻ vang của dân tộc VN”, một dân tộc anh hùng đã đánh bại phát xít Nhật, thực dân Pháp, đế quốc Mỹ thuộc ba lục địa Á, Âu, Mỹ, đánh bại hoàn toàn «ngụy quân và ngụy quyền Sài Gòn, tay sai đế quốc Mỹ», thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên «xã hội chủ nghĩa cho cả nước». Công đầu thuộc về «Đảng CSVN quang vinh». Do đó ngày 30/4/1975 là ngày «lịch sử oai hùng» của dân tộc. Năm nay kỷ niệm 40 năm ngày «chiến thắng vẻ vang» đó, Bộ Chính trị đảng CS quyết định tổ chức kỷ niệm long trọng trong cả nước, đặc biệt là ở các thành phố lớn: Hà Nội, Sài Gòn, Huế, Hải Phòng, Cần Thơ… có mit-tinh, duyệt binh, bắn pháo hoa, mở hội liên hoan quần chúng.

Ngược lại, một bộ phận không ít người Việt coi đây là ngày «quốc hận».

Suốt 40 năm nay, tôi đã suy nghĩ, tìm hiểu, đắn đo, đọc không biết bao nhiêu tài liệu, tranh luận với hàng trăm bạn bè trong và ngoài nước, với gần một trăm nhà báo nước ngoài – Pháp, Mỹ, Anh, Đức, Nhật Bản,Trung Quốc – để rồi cố gắng độc lập suy nghĩ bằng đầu óc tỉnh táo của chính mình, không theo đuôi số đông, không dựa dẫm, lập dị, chỉ lấy sự thật và lẽ phải làm mục tiêu.

Từ đó tôi hoàn toàn tự tin để kết luận trong dịp này là trong 70 năm qua Đảng CSVN đã liên tiếp phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác:

– đã chọn sai lầm học thuyết chính trị Mác – Lênin và chế độ toàn trị độc đảng cực kỳ tệ hại,

– đã phạm tôị ác chồng chất trong việc chủ trương bạo lực vũ trang, chủ động gây nên cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn với hàng mấy triệu sinh mạng nhân dân, chủ yếu là thanh niên ưu tú thuộc cả 2 bên chiến tuyến,

– đã tàn phá vô kể sức lao động và của cải xã hội trong thời gian dài, trong các cuộc cải cách ruộng đất ở miền Bắc, cải tạo công thương nghiệp trong cả nước, đã vi phạm những hiệp định đã long trọng ký kết tại các Hội nghị Genève năm 1954 và Hội nghị Paris năm 1973, đặc biệt là các điều khoản về «tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam», «không đe dọa dùng vũ lực và không dùng vũ lực», «thực hiện hòa hợp và hòa giải dân tộc», «không trả thù những người đã hợp tác với đối phương».

 – đã đày đọa, trả thù hàng chục vạn viên chức và sỹ quan VN Cộng hòa trong hệ thống nhà tù mang nhãn hiệu «các lớp học cải tạo» để đánh lừa dư luận thế giói..

Có thể nói trên đây là những tội ác hiển nhiên có suy tính theo hệ thống, không thể chối cãi của đảng CSVN, của Ban Chấp hành Trung ương, của Bộ Chính trị, bằng chứng là các nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 15 khóa II đầu năm 1959 chủ trương đồng khởi và khởi nghĩa ở miền Nam, xây dựng đường mòn Hồ Chí Minh từ Bắc vào Nam qua đất Lào và Campuchia, rồi Nghị quyết Trung ương 9 khóa III cuối năm 1963 chủ trương tăng cường chi viện quân sự quy mô của miền Bắc cho miền Nam, các quyết định về chiến lược của Bộ Chính trị năm 1974 và đầu năm 1975 dốc toàn bộ lực lượng để giải phóng miền Nam trong chiến dịch Hồ Chí Minh.

Các văn kiện trên chứng tỏ Bộ Chính trị đảng CSVN đã sớm xé bỏ triệt để các Hiệp định Genève và Paris, công khai vi phạm sự cam kết và phản bội chữ ký của chính mình, chà đạp thô bạo «quyền tự quyết của nhân dân miền Nam VN được tự do lựa chọn chế độ của mình», 2 lần gây nên thảm họa di cư quy mô lớn năm 1954-1955 từ Bắc vào Nam và thảm kịch thuyền nhân từ 1975 đến 1980, với biết bao sinh mạng bị biển cả cuốn đi, bộ máy công an còn thu cơ man nào là vàng của hàng triệu người vượt biên.

Tất cả những điều kể trên là tội ác đối với toàn dân tộc, đặc biệt là đối với nhân dân miền Nam Việt Nam đã bị thôn tính bằng vũ lực công khai, phi pháp, trắng trợn, cũng là tội ác chống nhân loại, vi phạm Hiến chương của Liên Hiệp Quốc chủ trương quyền Tự quyết của các dân tộc là bất khả xâm phạm. Do đó ngày 30/4 có thể gọi là ngày Đen Tối , ngày Tội Ác, từ đó cũng là ngày Ô Nhục của Đảng CSVN.

Nếu như nhân dân Việt Nam được sống dưới một chế độ pháp quyền đầy đủ thì Bộ Chính trị đảng CSVN tự nhận là cơ quan lãnh đạo thường xuyên, liên tục và toàn diện đất nước phải bị đưa ra vành móng ngựa của Tòa án Nhân dân và của Tòa án Quốc tế về những Tội ác chồng chất trên đây.

Nhân dân Việt Nam vào thời điểm hiện tại số đông không còn ngu ngơ để đảng CS lừa dối bằng những thủ đoạn gian manh như Mặt trận Tổ Quốc (do chính đảng CS dựng lên), Mặt trận Dân tộc Giải phóng và Chính phủ Cách mạng lâm thời (cũng do đảng CS tổ chức), tự giải tán đảng CS Đông dương tháng 11/1945 (thật ra chỉ là rút vào bí mật), đổi tên đảng Lao động VN từ 1952 đến 1976 (vẫn là bản chất Cộng sản, luôn theo lệnh từ Moscow), đế quốc Mỹ xâm lược (là một kiểu vu khống), ngụy quân ngụy quyền (cũng là vu cáo bỉ ổi vì chính CS mới tự nguyện làm ngụy quân ngụy quyền cho CS Quốc tế). Họ cho trên đây là những nét sáng tạo cao tay, thật ra là trò bịp rẻ tiền.

Trống kèn ầm ỹ, pháo hoa khắp nơi, duyệt binh hoành tráng chỉ còn là màn khói mỏng che đậy những sai lầm và tội ác chồng chất cùng những bất công kinh khủng mà xã hội không còn có thể chịu đựng nổi.

Đến nay mọi sự sai lầm, giả dối, lừa lọc, mỵ dân của các khóa Bộ Chính trị đều đã và đang phá sản, nhiều đảng viên CS có công tâm, trọng danh dự đã lên tiếng đòi đảng phải từ bỏ cái tên CS tội lỗi, thực hiện chế độ đa nguyên để có kiểm tra, tranh đua, thay thế cùng với các đảng khác trên cơ sở bình đẳng, tạ tội với toàn dân. Nếu Bộ Chính trị vẫn cứ chủ quan ngang ngược, họ sẽ vấp phải sự phẫn nộ của toàn dân được thế giới dân chủ hỗ trợ, họ sẽ ngày càng bị cô lập, và họ sẽ không trách khỏi là những kẻ phạm tội ác bị toàn dân hỏi tội trước vành móng ngựa của luật pháp công minh.

Hồ sơ tội phạm đã đầy đủ đến thừa thãi.

Tôi xin thách nhân dịp này, Học viện chính trị Mác – Lenin mang tên Hồ Chí Minh tranh luận tay đôi với tôi về Hồ sơ Tội ác của đảng CSVN tôi phác họa trên đây. Tôi là một nhà báo tự do đang sống ở nước ngoài, từng ở trong đảng CS 44 năm, am hiểu không ít về chế độ CS, cuộc tranh luận công khai này sẽ lấy dư luận xã hội làm trọng tài.

Bùi Tín

Posted in Cái giá của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc”., Chien Tranh Viet Nam, Đảng CSVN - còn đảng, còn mình... | Leave a Comment »