Trần Hoàng Blog

Archive for the ‘Xã Hội và các vấn nạn (Social Problems)’ Category

►“6200 người nhập viện vì đánh nhau là bình thường”: một nhận xét bất bình thường

Posted by hoangtran204 trên 11/03/2015

Đó là nhận định của Bộ Y tế về con số hơn 6200 người bị nhập viện vì ẩu đả nhau trong 9 ngày nghỉ Tết (1)…hông thể xem hàng ngàn trường hợp đánh nhau đến nhập viện là bình thường được. Trong cái note này tôi sẽ chỉ ra rằng đó là một “hiện tượng” bất bình thường bằng cách dùng chính con số của của Bộ Y tế.

 

“6200 người nhập viện vì đánh nhau là bình thường”: một nhận xét bất bình thường

Nguyễn Văn Tuấn

08-03-2015

Đó là nhận định của Bộ Y tế về con số hơn 6200 người bị nhập viện vì ẩu đả nhau trong 9 ngày nghỉ Tết (1). Chưa nói đến ngôn ngữ chính trị (vốn rất dở), chỉ cần xem qua dữ liệu tôi thấy đây là một nhận định rất sai. Không thể xem hàng ngàn trường hợp đánh nhau đến nhập viện là bình thường được. Trong cái note này tôi sẽ chỉ ra rằng đó là một “hiện tượng” bất bình thường bằng cách dùng chính con số của của Bộ Y tế.

Cách mà Bộ Y tế lí giải con số đó là “bình thường” có thể xem là một cách ngụy biện thống kê. Họ lí giải như sau: “Nếu chia cụ thể con số gần 100 trường hợp trong 9 ngày thì trung bình mỗi ngày mỗi địa phương chỉ xảy ra khoảng 11 trường hợp nhập viện vì đánh nhau. Con số này không có gì bất thường” (1).

Có cái gì đó buồn cười trong lí giải trên! Con số 11 trên là họ lấy 6207 trường hợp ẩu đả chia cho 63 [tỉnh thành], rồi chia cho 9 ngày [thời gian nghỉ Tết]. Tức là mỗi tỉnh chỉ có 11 ca nhập viện mỗi ngày. Có lẽ các bạn tự hỏi sao họ không chia cho 24 giờ để con số trung bình chỉ còn 0.46, tức là mỗi giờ [trong thời gian nghỉ Tết] ở mỗi tỉnh thành chỉ có 0.46 người nhập viện vì đánh nhau! Muốn làm cho sự kiện lớn thì tính trên mỗi ngày cho cả nước; muốn làm cho sự kiện nhỏ thì chia cho số giờ, thậm chí phút! Cách minh họa đó cho thấy “nói dóc bằng thống kê” nó trơ trẽn và vô duyên như thế nào. Thật ra đó là một ngụy biện mà giới khoa học gọi là “fallacy of average”, khi nào có dịp tôi sẽ quay lại khái niệm này. Nhưng cách dùng con số thống kê của Bộ Y tế làm tôi nhớ đến câu nói nổi tiếng của Nhà thơ Andrew Lang “Some individuals use statistics as a drunk man uses lamp posts – for support rather than for illumination” (tạm dịch “Vài người dùng con số thống kê như là một gã say rượu dùng cái đèn đường — họ dùng để tìm điểm tựa hơn là để soi sáng vấn đề).  

Quay lại nhận xét “bình thường”, câu hỏi đặt ra là thế nào là bình thường? Xin chú ý chữ “bình thường” tôi để trong ngoặc kép (bởi vì theo chuẩn mực đạo đức, đánh nhau đến nhập viện là không bình thường). Cách hợp lí nhất là so sánh số ca nhập viện trung bình mỗi ngày trong thời gian nghỉ Tết với thời gian ngoài Tết.

Tính trung bình mỗi ngày trong thời gian nghỉ Tết vừa qua có ~690 người nhập viện vì đánh nhau. Nhưng chúng ta không biết trong thời gian ngoài Tết, có bao nhiêu ca nhập viện mỗi ngày vì đánh nhau. Do đó, tôi nghĩ đến 2 cách để so sánh: thứ nhất là so số ca nhập viện vì ẩu đả với số ca tai nạn giao thông ngày thường. Thứ hai là so sánh với cùng thời gian những ngày nghỉ Tết các năm trước. Hai so sánh này sẽ giúp chúng ta có một nhận xét đúng đắn và có bằng chứng hơn.

So với số ca tai nạn giao thông

Tuy nhiên, chúng ta biết rằng trong năm 2013 có 32266 người bị thương tích vì tai nạn giao thông (2). Tính trung bình mỗi ngày có 88 người bị thương vì tai nạn giao thông. Nếu tính cả 9805 người chết vì tai nạn giao thông, thì mỗi ngày có 115 người bị thương và tử vong do tai nạn giao thông.

Nhưng trong thời gian nghỉ Tết, mỗi ngày có đến 690 người nhập viện vì ẩu đả nhau. Như vậy, tính trung bình tỉ suất nhập viện vì ẩu đả trong ngày Tết tăng gấp 6 lần so với tỉ suất thương vong vì tai nạn giao thông. Xin nhắc lại: cao gấp 6 lần. Có thể xem sự chênh lệch đó là “bình thường” không? Tôi nghĩ chỉ có người có suy nghĩ bất bình thường mới nói đó là “bình thường”.

So với kì nghỉ Tết năm 2012 và 2013

Một cách khác để đánh giá bình thường hay không là so sánh tỉ suất năm 2014 với các năm trước. Bài báo trên Vietnamnet cho biết số ca nhập viện vì đánh nhau trong ngày Tết qua các năm như sau:

Năm 2014: 6702 ca 
Năm 2013: 4737 ca 
Năm 2012: 3995 ca

Như vậy, so với năm 2012, số ca ẩu đả và nhập viện năm 2014 tăng đến 55%! Rõ ràng có sự gia tăng về số ca ẩu đả đến nỗi phải nhập viện. Nhưng so sánh đó chưa công bằng vì chúng ta phải tính đến dân số, mà dân số thì tăng trưởng mỗi năm. Dân số của VN qua 2012-2014 là như sau:

Năm 2014: 92.55 triệu người
Năm 2013: 89.71 triệu người
Năm 2012: 88.77 triệu người

Vấn đề đặt ra là sự gia tăng số ca nhập viện là do dao động thống kê hay là do yếu tố nào khác? Chúng ta phải kiểm định giả thuyết đàng hoàng. Gọi tỉ suất nhập viện vì ẩu đả trong thời gian nghỉ Tết năm 2012, 2013 và 2014 lần lượt là L12, L13, và L14. Dùng số liệu trên, chúng ta có thể ước tính L(t) cho từng năm như sau:

Năm 2014: L14 = 6702 / (92.55*9) = 8.046 trên 1 triệu; 
Năm 2013: L13 = 4737 / (89.71*9) = 5.867 trên 1 triệu; 
Năm 2012: L12 = 3995 / (88.77*9) = 5.000 trên 1 triệu;

Nếu phát biểu của Bộ Y tế là đúng (tức “bình thường”) thì chúng ta kì vọng rằng L14 = L13 = L12, hoặc có khác nhau chút ít do dao động thống kê. Nhưng kết quả tính toán trên cho thấy hình như giả thuyết này không đúng. Tuy nhiên, vẫn chưa thể kết luận được rằng L14 khác với L13 hay L12, vì chúng ta chưa xem xét đến yếu tố dao động ngẫu nhiên qua các năm.

Chúng ta cần phải tính xác suất dữ liệu xảy ra nếu L14=L13 là bao nhiêu. Nói cách khác, gọi dữ liệu là D, và giả thuyết bình thường là H0: L14=L13, chúng ta cần tính P(D | H0). Nếu xác suất này là thấp, thì chúng ta có thể bác bỏ giả thuyết “bình thường”, và kết luận rằng sự gia tăng số ca nhập viện trong dịp Tết vừa qua là không “bình thường”.

Nhưng làm sao tính xác suất đó? Phương pháp thống kê đơn giản nhất và thích hợp nhất để so sánh 2 tỉ suất là phương pháp kiểm định Poisson (3). Giả định rằng tỉ suất L14, L13 và L12 tuân theo luật phân bố Poisson. Theo luật phân bố Poisson, phương sai của số ca nhập viện cũng chính là L. Điều này dẫn đến một phương pháp kiểm định giả thuyết rất đơn giản, dựa trên khác biệt giữa 2 thời gian. Dùng ngôn ngữ R, tôi tính được xác suất như sau:

So sánh tỉ suất năm 2014 và 2013:

> poisson.test(c(6207, 4737), c(9*92.55, 9*89.71), alternative=c(“two.sided”))

P-value < 2.2e-16
rate ratio: 1.27 (95 percent confidence interval: 1.22, 1.32)

Nói cách khác, tỉ suất nhập viện vì đánh nhau năm 2014 cao hơn năm 2013 là 27%, và khoảng tin cậy 95% dao động từ 22% đến 32%. Trị số P rất nhỏ (2.2e-16).

Tương tự, so sánh tỉ suất năm 2014 và 2012:

> poisson.test(c(6207, 3995), c(9*92.55, 9*88.77), alternative=c(“two.sided”))

P-value < 2.2e-16
rate ratio: 1.49 (95 percent confidence interval: 1.43, 1.55)

Tỉ suất nhập viện vì đánh nhau năm 2014 cao hơn năm 2012 đến 1,49 lần, và khoảng tin cậy 95% dao động từ 1.43 đến 1.55 lần. Một lần nữa, trị số P cũng rất thấp.

Nói tóm lại, nếu giả thuyết “bình thường” là đúng thì xác suất mà chúng ta quan sát tỉ suất năm 2014 so với các năm trước là rất rất thấp. Nói cách khác, số liệu thực tế cho thấy sự khác biệt về tỉ suất số ca nhập viện vì ẩu đả nhau trong thời gian 2012-2014 là không phải do yếu tố dao động thống kê, mà có sự khác biệt thật sự. Do đó, giả thuyết “bình thường” bị loại bỏ.

Để kết luận, xét trên 2 tiêu chí (so sánh theo thời gian và so sánh với số ca tai nạn giao thông) đều cho thấy số ca nhập viện vì ẩu đả nhau trong thời gian nghỉ Tết vừa qua là quá cao. Trong 3 năm liên tiếp, số ca nhập viện vì ẩu đả liên tục gia tăng. Do đó, nhận định “6.200 người nhập viện vì đánh nhau là bình thường” chẳng những rất sai lầm mà còn rất … bất bình thường. Một Bộ chuyên lo quản lí sức khỏe của một nước mà có thể thốt lên rằng 6000 ca nhập viện vì ẩu đả là “bình thường” thì quả thật người dân cũng có lí do để quan tâm đến cảm xúc (empathy) của Bộ đó. Có lẽ Gs Trần Ngọc Thêm nói đúng, “Bởi vì hiện nay, theo cảm nhận của nhiều người có kinh nghiệm, sự sa đọa của những phẩm chất con người, của văn hóa đã xuống chạm đáy rồi,” nên một sự kiện kinh hoàng đối với thế giới thì lại bình thường ở VN.   

====

(1) http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/224394/bo-y-te–6-200-nguoi-nhap-vien-vi-danh-nhau-la-binh-thuong.html

(2) http://www.hvcsnd.edu.vn/vn/Acedemy/Tin-An-toan-giao-thong/207/3910/Tong-ket-tinh-hinh-tai-nan-giao-thong-nam-2013.aspx

(3) Gọi biến phản ảnh số ca nhập viện là X, và x là số ca nhập viện, luật phân bố Poisson phát biểu rằng P(X = x) = e^(-m)*m^x / x! Có thể dùng rpois(n, lambda) trong R để mô phỏng số ca nhập viện rất dễ dàng.

Posted in Chinh Tri Xa Hoi, Văn Hóa XHCN, Xã Hội và các vấn nạn (Social Problems) | Leave a Comment »

►Số cán bộ phường xã không dưới 4 triệu người – Dân chúng è cổ nuôi cán bộ

Posted by hoangtran204 trên 12/07/2012

Lời Tựa: Vài năm trước đây, World Bank có đưa ra các số liệu sau đây để so sánh giữa Việt Nam và Thái Lan.

Dân số Thái Lan là 57 triệu người. Số công chức, quân đội, cảnh sát, và các nhân viên hành chánh của các cấp chính quyền tổng cộng là 2 triệu người lãnh lương từ ngân sách của chính phủ. (cứ 28 người dân, thì có một người lãnh lương của chính phủ Thái Lan)

Và về phía Việt Nam, cùng thời gian ấy, dân số là 85 triệu người, nhưng phải trả lương cho hơn 6 triệu cán bộ, công nhân viên, bộ đội, công an, các nhân viên hành chánh trong chính quyền và bộ máy của đảng viên đảng CSVN. (Cứ 14 người dân, thì có một người lãnh lương của nhà nước.)

Kinh hoàng nhất là bộ máy các đảng viên cấp ủy, hiện diện song song với chính quyền các cấp để cai trị, và cũng lãnh lương từ tiền thuế của người dân và tiền thu được từ  việc bán tài nguyên khoáng sản, mỏ, dầu hỏa, và khí đốt.

Bài báo dưới đây cho thấy, ở một xã có 9500 dân mà có 500 cán bộ, như vậy cả nước có 11.109 đơn vị cấp xã, thì tổng số cán bộ cấp xã chắc không dưới 4 triệu người. 

Dân chúng Việt Nam è cổ nuôi đảng và cán bộ hút máu như thế thì nói sao cả nước không nghèo và không sinh ra tham nhũng.

(Ghi chú của Trần Hoàng)

Mỗi quận đều có Cấp ủy riêng, cả nước có 698 quận huyện*.

Mỗi phường, xã có cấp ủy riêng, toàn quốc có  10487 phường xã ủy; có 63 tỉnh ủy, và 5 thành ủy. 

Ngoài ra các công sở, bệnh viện, trường học có cấp tủy riêng. Gộp chung lại,  cả nước có hàng hai, ba chục ngàn cấp ủy của đảng.

*Danh sách thành phố, quận, huyện, dân số, diện tích

**10487 phường, xã

***danh sách tỉnh, thành phố, dân số, diện tích, số quận huyện

****Việt Nam có 8,8 triệu người hay 10% dân số là người có công với cách mạng

Ngày 7/7, tại thành phố Đà Nẵng 384 thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công tiêu biểu đại diện cho 8,8 triệu người có công trên cả nước dự Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2012…

Theo Bộ Lao động, hiện cả nước có 8,8 triệu người có công, chiếm gần 10% dân số.

Trong đó, gần 1,15 triệu liệt sĩ, hơn 3.000 bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống, hơn 780.000 thương binh, 1.253 Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động trong kháng chiến, hơn 100.000 người bị địch bắt tù, đày, hơn 4,1 triệu người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc… 

Hàng triệu ‘quan xã’, vì sao?

9-7-2012

VietNamNet – Chuyện tưởng lạ, nhưng với những người làm công tác tổ chức cán bộ ở huyện, tỉnh và cả trung ương, việc này chẳng có gì lạ. Đó là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”

Nhiều người lấy làm lạ và ngỡ ngàng, qua các phương tiện thông tin đại chúng được biết chỉ có 1 xã thôi mà có tới 500 “cán bộ” các loại. Đó là xã Quảng Vinh (huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) có 15 thôn, 2.000 hộ, 9.500 dân, mà lãnh đạo xã dành cả tiếng đồng hồ để nhẩm tính ra khoảng 500 người tham gia vào công tác quản lý cho xã, thôn. Một số được Nhà nước trả lương, còn phần nhiều nhân dân è cổ “đóng góp” bắt buộc nuôi số “cán bộ” này. Nếu tính theo kiểu cộng dồn thì 11.109 đơn vị cấp xã (số liệu năm 2010) trong đó có 9.011 xã, 1.391 phường và 627 thị trấn thì phải có đến con số hàng triệu “quan lại” cấp xã, thôn.

Đọc tiếp »

Posted in Quản Lý, Xã Hội và các vấn nạn (Social Problems) | Leave a Comment »

►Dân nghèo è cổ nuôi cán bộ và đảng viên…ăn không ngồi rồi – Một xã có 500 cán bộ

Posted by hoangtran204 trên 12/07/2012

Trích:

“Ngày thứ 6 tôi đến, nhóm ông Tâm với mấy ông làm văn phòng, tư pháp đang hút thuốc lào và bàn nhau chuẩn bị đi uống rượu. Trụ sở xã vắng như chùa Bà Đanh, còn ngoài đồng, nông dân Quảng Vinh đang vã mồ hôi thu hoạch lúa…”

“Ngân sách nào kham nổi? Nước chè, thuốc lào vặt và phim online…”

Rùng mình xã 500 cán bộ ở Thanh Hóa

Theo báo Nông Nghiệp Việt Nam

Hoàng Anh   -Thứ Ba, 26/06/2012,

Dân nghèo è cổ nuôi cán bộ

Cán bộ xã, thôn đông quá, ngân sách lại không đủ trả lương nên ở nhiều nơi thuộc tỉnh Thanh Hóa, chính quyền xã bắt dân nghèo è cổ đóng góp nuôi cán bộ.

Góp thóc nuôi cán bộ ăn không ngồi rồi

Xã Quảng Vinh (huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) có 15 thôn, 2.000 hộ, 9.500 dân. Suốt quá trình đi thực tế để thực hiện loạt bài này, chúng tôi chưa thấy nơi nào nhiều cán bộ xã, thôn như ở Quảng Vinh. Phải mất gần một tiếng đồng hồ, tôi và ông Dư Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã mới thống kê hết số cán bộ xã lẫn thôn ở Quảng Vinh. Mất thời gian là thế nhưng cũng chẳng thể đưa ra được con số chính xác vì bản thân vị Phó Chủ tịch xã không nhớ được. Ông chỉ áng chừng khoảng 500 người gì đó, cả xã và thôn.

Cán bộ đông như châu chấu nhưng ngày làm việc mà trụ sở xã Quảng Vinh vắng tanh

Thuộc diện xã loại 1 theo Nghị định 92 của chính phủ nên Quảng Vinh có tới 23 cán bộ được biên chế và 22 cán bộ bán chuyên trách. Ngoài 45 cán bộ chuyên trách và bán chuyên trách này, xã còn có thêm 7 người làm phó các đoàn thể, cán bộ đài truyền thanh, kế toán phụ, văn phòng đảng ủy, ban liên lạc TNXP… Số cán bộ đông kỷ lục, ông Tâm bảo rằng, cứ trên có chức danh gì thì cứ theo ngành dọc mà bổ nhiệm cho tới tận từng thôn. Thành thử có nhiều người ở thôn được gọi là cán bộ nhưng họ làm gì thì Phó Chủ tịch xã như ông cũng không thể biết.

Xã Quảng Vinh có tới 3 ông bảo vệ. Một ông bảo vệ trụ sở xã, một ông bảo vệ tượng đài liệt sĩ (dù tượng đài nằm ngay cạnh ủy ban) và một ông bảo vệ các trạm bơm thủy lợi. Đây cũng là xã mà cán bộ các đoàn thể phủ tận các thôn, đầy đủ không thiếu một người. Cứ một thôn có 2 người tham gia phụ trách hoạt động của một đoàn thể. Đoàn thanh niên, hội nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh… 7 đoàn thể, tức có khoảng 14 cán bộ lĩnh vực này ở một thôn. Cộng thêm Bí thư, trưởng thôn, phó thôn… nữa cũng xấp xỉ 20. Chưa hết, đông nhất ở Quảng Vinh là đội ngũ cán bộ phục vụ an ninh. Ngoài trưởng và 2 phó công an, xã còn có thêm 15 tổ an ninh trật tự đóng ở 15 thôn. Mỗi tổ 3 người, công an viên làm tổ trưởng, cộng thêm lực lượng dân quân 22 vị nữa là 67 người.

Theo Nghị định 92 của Chính phủ, chỉ có cán bộ chuyên trách và bán chuyên trách thì nhà nước trả lương, còn cán bộ phát sinh xã phải tự trả phụ cấp cho họ. Được biết, mỗi năm xã Quảng Vinh thu ngân sách tất tần tật chỉ có 400 triệu, vậy tiền đâu để chi trả cho bộ máy cán bộ quá khổng lồ hiện tại? Xin thưa, bắt người dân đóng góp là chính. Điều này đích thân ông Tâm dù không muốn cũng phải thừa nhận: Vì ngân sách không có nên xã phải bắt người dân đóng góp.

Người dân xã nghèo Quảng Vinh phải góp thóc để nuôi bộ máy cán bộ khổng lồ

Nông dân Quảng Vinh còn nghèo lắm, số hộ nghèo còn tới 30,6%. Trang trải cuộc sống hàng ngày đã khó huống hồ phải đóng góp để nuôi cán bộ. Nhưng không đóng không được, bởi tất cả các khoản đều được quy ra thóc, dân không tự nguyện thì cán bộ lấy lúa ngoài đồng. Đừng có hòng chạy thoát. Mà giả sử có chạy đợt này thì xã lại ghi vào sổ nợ rồi cho người đòi liên tục, đòi đến lúc nào thanh toán đủ mới thôi.

Đau ở chỗ, hầu hết cán bộ sống bằng nguồn thóc lúa của dân lại chẳng phải do dân bầu. Những chức danh như đoàn thôn, cán bộ phụ nữ thôn… đều theo ngành dọc, cơ cấu lên làm. Mỗi thôn 2 người phụ trách bất kỳ đoàn thể nào cũng được hưởng phụ cấp 200 cân thóc một năm. Tổng cộng hàng năm xã Quảng Vinh phải chi trả 105 triệu đồng, chỉ riêng cho cán bộ đoàn thể cấp thôn. Ngoài ra, ở các tổ an ninh trật tự, cứ hai an ninh viên thì bằng phụ cấp công an viên, còn riêng 22 vị dân quân tự vệ, mỗi năm phải trả cho họ 44 triệu đồng…

“Tất cả phụ cấp cho những cán bộ như thế đều được tính bằng thóc. Cứ đến hạn nhận lương là họ lấy tiền theo giá thóc thị trường. Còn xã phải thu phí từ hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân vì ngân sách quá ít ỏi, không gánh nổi. Xã giao chỉ tiêu cho thôn, mỗi thôn 40 triệu đồng, cứ thế mà thu”. Ông Tâm nói.

5 tạ thóc mất 1 tạ phí

Đó là cách tính của nông dân nghèo ở Quảng Vinh. Nếu căn cứ vào cuốn sổ thanh toán mà mỗi hộ gia đình phải mua với giá 5 ngàn đồng ở xã thì năm nay họ đang phải chịu 19 khoản phí chính thức, chưa kể những khoản đóng bên ngoài, không đưa vào sổ. 13 khoản phí xã ban hành, 6 khoản còn lại nộp cho thôn. Tính bình quân, một năm, dân nghèo xã Quảng Vinh ít nhất phải mất một tạ thóc cho tiền phí của thôn, của xã. 2.000 hộ là 2.000 tạ thóc. Không có ngoại lệ, cho dù đó là hộ nghèo, người già hay trẻ nhỏ.

 

Sổ thanh toán ghi những khoản phí dân nghèo phải đóngGia đình chị Phạm Thị Trâm ở đội 5, thôn Thanh Minh có 6 người nhưng chỉ được 2 sào ruộng. Bao nhiêu năm nay họ không thoát khỏi “án” hộ nghèo, nhưng lý do chính không chỉ vì ít ruộng. Mỗi năm, 2 sào ruộng làm 2 vụ, năng suất như hiện nay được tầm 5 tạ thóc.

Nhưng với các khoản phí được chia rõ ràng trong sổ thanh toán thì hàng năm gia đình phải đóng hơn 700 ngàn. Với giá thóc như hiện nay thì riêng tiền phí đã ngốn mất của gia đình chị hơn một tạ/năm.

Nhà nước đã có chính sách miễn giảm thuế nông nghiệp nhưng hàng năm gia đình chị Trâm vẫn phải đóng Quỹ phục vụ nông nghiệp, giao thông thủy lợi, xây dựng kênh mương… cho xã. Năm ngoái tổng các loại phí này lên đến 705 ngàn đồng, chị túng quá, không có đóng nên bị xã ghi nợ sang năm nay.

Xã thu chán chê, đến thôn cũng tìm cách vét. Từ tiền thủy lợi nội đồng, tiền diệt chuột, tiền bảo vệ… Mỗi khoản vài chục ngàn nhưng cộng lại cũng tiền trăm. Đối với những gia đình nghèo như chị Trâm thì đi vay cũng khó chứ đừng nói đến chuyện kiếm ra để trả.

Nằm ở vùng bãi ngang nên mỗi học sinh ở Quảng Vinh được nhà nước hỗ trợ tiền 70 ngàn đồng/tháng. Nhưng ba năm nay người dân cố hỏi mà cán bộ xã cứ cố tình lờ đi. Họ thắc mắc chán rồi chuyển sang bức xúc, quy cho ông Chủ tịch ăn quỵt. Bởi chẳng có lý do gì, ở mảnh đất nghèo như thế này thì lấy đâu ra tiền mà nhà ông Chủ tịch xã Lê Quang Bảo lại có thể xây to như biệt phủ, cao ba tầng, có hàng rào bao bọc …

Dù nghèo nhưng chị cố cho con đi học để mong chúng thoát khỏi cái cảnh ruộng đồng, may ra làm được cái chức gì ở xã như mấy ông cán bộ vừa nhàn vừa được dân nghèo cống thóc nuôi. Nhưng giấc mơ ấy đang bị đặt dấu hỏi bởi các khoản phí mà chính quyền xã Quảng Vinh đang cố truy đến tận cùng.

“Đợt vừa rồi làm đường giao thông nông thôn, gia đình tôi đã phải đóng 50 ngàn một khẩu rồi. Vậy mà các cháu đi học còn bị đòi thêm 150 ngàn mỗi đứa nữa. Không có tiền đóng thì trường không cho thi nên vị chi làm đoạn đường mà nhà tôi đóng tròn một triệu đồng. Chưa chạy vạy đủ để đóng cho con đi học thì xã lại cho người đi vận động thu tiền chuẩn bị ngày 27/7. Mỗi hộ phải đóng 20 ngàn nữa, nhưng nói thật, bây giờ trong nhà tôi một ngàn cũng không có thì lấy chi mà đóng”. Chị Trâm phàn nàn.

Cạnh nhà chị Trâm là nhà bố chồng chị, cụ Lê Quang Huy (89 tuổi). Nhà chỉ có hai ông bà già, không làm ruộng được nữa nhưng mỗi lần có đợt thu phí xã vẫn cho người đến đòi. Không có nộp thì cán bộ xã Quảng Vinh linh hoạt bằng cách trừ tiền chế độ người già của hai cụ. Mỗi tháng 180 ngàn bị cắt luôn từ trên xã, đỡ cho hai cụ phải mất công đi lấy!  (ghi chú của Trần Hoàng: chỉ có người trên 85 tuổi mới đượclãnh tiền chế độ người già.)

 

Dân nghèo, xã nghèo, nhưng nhà Chủ tịch xã to như biệt phủCả xã Quảng Vinh có 3.740 sào ruộng. Bình quân năng suất 200kg một sào. Không biết người dân phải chi ra bao nhiêu thóc để nuôi cán bộ.

Chỉ biết số cán bộ quá khổng lồ, tốn rất nhiều thóc của người dân nhưng công việc xem chừng rất nhàn nhã.

Ngày thứ 6 tôi đến, nhóm ông Tâm với mấy ông làm văn phòng, tư pháp đang hút thuốc lào và bàn nhau chuẩn bị đi uống rượu. Trụ sở xã vắng như chùa Bà Đanh, còn ngoài đồng, nông dân Quảng Vinh đang vã mồ hôi thu hoạch lúa. Năm nay họ được mùa, nhưng không được ăn cả, vì những khoản phí vẫn còn treo lơ lửng, thậm chí nhiều nhà còn nợ tồn đọng từ mấy năm trước chưa trả nổi.

Theo báo Nông Nghiệp Việt Nam

————-

Ghi chú của Tràn Hoàng:

Mỗi quận đều có Cấp ủy riêng, cả nước có 698 quận huyện*.

Mỗi phường, xã có cấp ủy riêng, toàn quốc có  10487 phường xã ủy; có 63 tỉnh ủy, và 5 thành ủy. 

Ngoài ra các công sở, bệnh viện, trường học có cấp tủy riêng. Gộp chung lại,  cả nước có hàng hai ba chục ngàn cấp ủy của đảng.

*Danh sách thành phố, quận, huyện, dân số, diện tích

**10487 phường, xã

***danh sách tỉnh, thành phố, dân số, diện tích, số quận huyện

————

Cán bộ phường đông như… quân Nguyên

Báo Nông Nghiệp Việt Nam

Sao Mai   

Thứ Tư, 20/06/2012,

Theo thống kê của Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An, đội ngũ cán bộ công chức (CBCC) cấp phường xã của tỉnh hiện có trên 10.000 người. Số này được hưởng lương theo bằng cấp, được ngân sách TW cấp. Ngoài ra còn có thêm khoảng trên 10.000 người là cán bộ không chuyên trách cấp xã, phường, được hưởng mức phụ cấp từ ngân sách tỉnh.

Đó là chưa kể lớp cán bộ khối, xóm, bản, đại biểu hội đồng nhân dân xã… cũng được hưởng phụ cấp từ ngân sách tỉnh tùy theo Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định hàng năm…

Gặp bất kỳ một CBCC cấp xã phường nào, nhất là đội ngũ cán bộ không chuyên trách, hễ được hỏi đến vấn đề lương, mức phụ cấp của mình, họ đều thở dài ngao ngán với câu cửa miệng: “Không đủ sống”. Xét cho cùng, điều đó có cơ sở. Trên thực tế, chính sách theo Nghị định 92/2009/NĐ-CP của Chính phủ không bảo đảm được cuộc sống cho cán bộ cấp phường xã.

Ông Chu Văn Mai, Chủ tịch UBND phường Lê Mao, TP Vinh nói với chúng tôi: Phường Lê Mao có gần 2.583 hộ với gần 12.000 nhân khẩu. Đội ngũ cán bộ được hưởng lương từ ngân sách TW và địa phương tại phường là 172 người, chưa kể số đại biểu hội đồng nhân dân phường. Trong đó cán bộ chuyên trách giữ chức vụ bầu cử theo nhiệm kỳ ở phường và cán bộ công chức được hưởng lương từ ngân sách TW theo Nghị định 92/2009/NĐ-CP hiện mới có 18 người (phường Lê Mao loại 2 nên được biên chế 23 người) được hưởng lương hành chính theo bằng cấp (100% số cán bộ chuyên trách và công chức phường Lê Mao đều được chuẩn hoá qua các lớp đại học tại chức mở tại địa phương).

 

Cán bộ phường Lê Mao tại nơi giao dịch “1 cửa”

Lớp cán bộ thứ 2 của phường là đội ngũ cán bộ không chuyên trách được hưởng từ ngân sách tỉnh (theo Quyết định 58/2010/QĐ-UBND, ngày 11/8/2010 và Quyết định số 55/2010/QĐ-UBND, ngày 03/8/2010 của UBND tỉnh Nghệ An) cũng được phân làm 4 nhóm: Nhóm 1 hưởng mức phụ cấp 1 hệ số lương cơ bản gồm 5 người: Phường đội phó, Phó chủ tịch MTTQ, Chủ tịch Hội Người cao tuổi, Văn phòng Đảng uỷ, Phó Chủ nhiệm UBKT Đảng uỷ chuyên trách. Nhóm 2 được hưởng mức phụ cấp 0,8 hệ số lương cơ bản gồm 5 chức danh là cấp phó của các tổ chức hội, đoàn thể như Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội CCB và Chủ tịch Hội chữ thập đỏ. Nhóm 3 được hưởng mức phụ cấp 0,6 hệ số lương cơ bản gồm 5 chức danh gồm Dân số KHHGĐ; Thương mại – công nghiệp; Khoa học công nghệ & môi trường; Nội vụ, tôn giáo, thi đua khen thưởng, quản lý nhà văn hoá và đài truyền thanh phường; Thủ quỹ, văn thư lưu trữ. Nhóm 4 được hưởng mức phụ cấp 0,5 hệ số lương cơ bản có 3 chức danh gồm Đô thị, Giao thông, Xây dựng.

Ngoài ra, cán bộ cấp khối phố cũng có mức phụ cấp khác nhau. Trong đó có 18 người đảm nhiệm 2 chức danh Khối trưởng và Bí thư chi bộ của 9 khối (hưởng phụ cấp 0,8 mức lương tối thiểu). Thứ đến là các vị Ủy viên thường trực MTTQ, Uỷ viên thường vụ các đoàn thể cấp phường được hưởng phụ cấp 0,4 mức lương tối thiểu và cuối cùng là các chức danh như Khối phó, Trưởng ban công tác mặt trận, Chi hội trưởng các tổ chức như Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội người cao tuổi, Tổ trưởng dân phố đều được hưởng mức phụ cấp 0,18 hệ số lương cơ bản. Đại biểu HĐND phường (25 người) được hưởng phụ cấp 0,3 hệ số lương tối thiểu…

Ngoài thực hiện theo Quyết định 58 nói trên, có một số chức danh chúng tôi phải trả theo mức phụ cấp được UBND TP Vinh quy định như: Văn thư, tạp vụ, thủ quỹ và 4 thành viên Đội quy tắc đô thị với mức 1,5 triệu đồng/tháng (cao hơn quy định của UBND tỉnh Nghệ An). Bởi thế, riêng khoản tiền lương chi cho đội ngũ CBCC của phường và đội ngũ cán bộ không chuyên trách (lập từ 01/01/2012) cũng ngót nghét 200 triệu đồng/tháng (bình quân khoảng 2,4 tỷ đồng/năm).

Bước sang năm 2012, việc trả lương cho CBCC cấp phường theo Nghị định số 34/2012/NĐ-CP ngày 15/4/2012 của Chính phủ thì toàn bộ cán bộ cấp phường xã từ lãnh đạo đến nhân viên (trong biên chế) sẽ được hưởng thêm chế độ phụ cấp công vụ 25% mức lương hiện hưởng, cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (có hiệu lực thi hành từ 01/6/2012) thì mức chi trả lương tại phường Lê Mao sẽ còn tăng thêm nữa. Đây thực sự là một gánh nặng, là nỗi lo canh cánh của lãnh đạo phường hiện nay.

Ông Bùi Văn Dũng, Phó chủ tịch phụ trách kinh tế UBND phường Lê Mao cho biết thêm: Trong số 25 phường, xã trên địa bàn TP Vinh phường Lê Mao là đơn vị chỉ có nguồn thu trung bình với mức gần 5 tỷ đồng/năm, chủ yếu thu từ thuế SXKD, thuế nhà đất, thuế đất phi nông nghiệp, các loại quỹ, phí và thuế xây dựng nhà ở tư nhân… Nhưng tổng nguồn thu ấy chỉ được phân bổ trở lại khoảng 1,7 tỷ đồng/năm. Số còn lại được bổ sung khoảng 1,5 tỷ dùng để chi lương, phụ cấp theo lương, phụ cấp công vụ và chi tiêu thường xuyên (khoảng 600-700 triệu đồng/năm) đều trông cả vào ngân sách cấp bù từ trên xuống.

Theo ông Chu Văn Mai, Chủ tịch UBND phường Lê Mao: “Bước sang năm 2012, TP Vinh áp dụng chủ trương mới là cấp phường, xã được để lại chi cho bộ máy và các hoạt động khác 50% nguồn thu từ thuế VAT/kế hoạch giao (trước đây chỉ được 5%). Năm nay, phường được giao kế hoạch 3,6 tỷ đồng thuế VAT, theo đó dù có thu được hay không nhưng trên sổ sách phường đã được cân đối 1,8 tỷ đồng và 2 tỷ đồng tiền thuế nhà đất và đất phi nông nghiệp, theo đó phường chúng tôi được cân đối lại 3.870 triệu đồng. Trong đó chi thường xuyên và các khoản lương hết 3.268 triệu đồng. Như vậy, trên sổ sách giấy tờ chúng tôi vẫn còn dư lại 601 triệu đồng.

Thế nhưng, trong bối cảnh lạm phát, tình trạng làm ăn thua lỗ, vỡ nợ khắp nơi nên các đối tượng SXKD trên địa bàn phường đã giảm mất đáng kể (giảm lớn so với bộ thuế VAT lập năm 2011) thành ra kế hoạch được thành phố giao nói trên trở nên quá xa vời với thực tiễn nên không biết lấy đâu ra nguồn thu để trả lương hàng tháng cho cán bộ phường. Đây là lý do giải thích vì sao việc đảm bảo nguồn thu chỉ để phục vụ cho việc chi lương cho đội ngũ cán bộ (chuyên trách và không chuyên trách) phường, chi thường xuyên và đảm bảo xã hội, hưu trí phường… luôn trở thành vấn đề rất nóng tại địa phương.

Các năm trước, có nguồn thu dư giả thì chúng tôi trả lương, phụ cấp từ đầu tháng, nộp BHXH rất kịp thời nhưng từ đầu năm 2012 đến nay đều phải chờ đến cuối tháng mới có lương. Nợ cả tiền BHXH (khoảng 20 triệu đồng/tháng). Anh em cán bộ đi làm ngoài giờ mức bồi dưỡng chỉ 10.000 đồng/buổi/người mà vẫn chưa có nguồn để trả”.

Cuối buổi làm việc, ông Chủ tịch UBND phường thở dài: Tình hình của phường như vậy thì nay Chính phủ lại có Nghị quyết 13/2012/NQ-CP ngày 10/5/2012 và Công văn hoả tốc số 6326/BTC-TCT ngày 11/5/2012 của Bộ Tài chính về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường trong đó chủ trương tạm thời chưa thu thuế GTGT các tháng 4-5-6/2012 nên nguồn thu của phường càng khó khăn thêm. Nói thật với nhà báo năm nay phường Lê Mao là 1 trong 4 phường xã ở TP Vinh bị “cháy sổ” vì trong tài khoản hiện không có khoản nào khả dĩ có thể vay mượn được để chi trả lương hàng tháng được nữa.

“Tại TP Vinh đội ngũ CBCC xã được bố trí ở 25 phường, xã (4 xã loại 1; 20 xã loại 2 và 1 xã loại 3) là 482/581 biên chế được duyệt. Riêng đội ngũ cán bộ không chuyên trách từ phường đến khối, xóm do UBND các phường, xã ký hợp đồng và trực tiếp quản lý do đó UBND TP Vinh vẫn chưa thống kê được con số cụ thể” – ông Hồ Sỹ Tân, Trưởng phòng Nội vụ, UBND TP Vinh cho biết.

h

Đem câu chuyện thu không đủ chi cho bộ máy cán bộ tại phường Lê Mao ra trao đổi với ông Trần Văn Sơn, Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch UBND TP Vinh, ông Sơn xác nhận: Những điều Chủ tịch phường Lê Mao nói đều đúng. Cấp phường được UBND tỉnh và thành phố giao chỉ tiêu thu – chi, tỷ lệ điều tiết trên tổng kế hoạch thu từng loại theo nguyên tắc chung là: Tổng thu trên địa bàn trừ đi tổng được điều tiết trở lại, thiếu bao nhiêu được tỉnh và thành phố cấp bổ sung đủ kế hoạch chi ngay từ đầu năm.

Thế nhưng, khó khăn của phường Lê Mao trong 5 tháng đầu năm nay cũng là khó khăn chung của cả 25 phường xã trên địa bàn TP Vinh. Lý do cho đến đầu tháng 6/2012, nguồn thu tại TP Vinh và các phường xã mới chỉ đạt 14% (khoảng 220 tỷ đồng). Trong khi các khoản lương, phụ cấp, chi thường xuyên khác vẫn không thể dừng. Bởi thế, từ TP đến các phường, xã đều phải “giật gấu vá vai” bằng cách vay từ các nguồn khác chưa giải ngân được để trả lương, trong đó chủ yếu từ nguồn tiền đất còn tồn quỹ (5 tháng đầu năm 2012, UBND TP Vinh đã vay từ nguồn này 21 tỷ đồng). Riêng phường Lê Mao do không có quỹ đất đấu giá nên trong tài khoản không có khoản tồn quỹ này do đó lại càng khó khăn thêm.

Nguồn: Nông Nghiệp Việt Nam

http://danluan.org/node/13119

——————

Ngân sách nào kham nổi?

Nước chè, thuốc lào vặt và phim online

Báo Nông Nghiệp Việt Nam

Hoàng Anh   -Thứ Hai, 18/06/2012

Bộ máy cán bộ cấp xã, phường đông đảo đến mức quá dư thừa, nhiều địa phương đang rơi cảnh “thừa người thiếu việc”. PV NNVN đã có cuộc khảo sát tại nhiều địa phương và chứng kiến những câu chuyện bi hài. Có người nói, cán bộ xã nhiều như châu chấu, không sai. Vì vậy, khoan hãy bàn đến bộ máy những cấp, những ngành cao hơn, chỉ cần với đội ngũ công chức xã, thôn khổng lồ hiện nay, thấy ngân sách nào kham cho nổi…?

Nước chè, thuốc lào vặt và phim online

Đó là đúc kết của nhiều người từng chứng kiến “khối lượng công việc” trong một ngày của cán bộ xã ở một số địa phương thuộc tỉnh Hà Tĩnh.

Thay nhau đi làm

Huyện miền núi Vũ Quang (tỉnh Hà Tĩnh) nằm trong chương trình hỗ trợ 30a của Chính phủ dành cho 62 huyện nghèo. Theo kế hoạch biên chế trong Nghị quyết số 131 năm 2010 của HĐND tỉnh Hà Tĩnh, huyện Vũ Quang có 259 cán bộ xã được biên chế công chức và 176 cán bộ không chuyên trách làm việc ở 12 xã và thị trấn. Tính bình quân mỗi xã ở huyện nghèo này có gần 40 cán bộ chính thức cộng thêm đội ngũ cán bộ hưởng phụ cấp ở các thôn xóm.

Hương Minh là một xã nghèo của huyện Vũ Quang, thống kê số hộ nghèo còn tới 22,9%. Đến mảnh đất này có cảm giác nghèo khổ phơi ra từ nhà cửa, ruộng đồng, từ cuộc sống người dân. Duy chỉ có trụ sở UBND xã và đội ngũ cán bộ trông có vẻ giàu có và dồi dào. Trụ sở xã Hương Minh to lắm, mới được xây thêm nên nhìn bên ngoài, 2 khu nhà 2 tầng khang trang chẳng thua kém ai. Trái với vẻ bề thế bên ngoài, dù đang ngày làm việc nhưng bên trong trụ sở xã chỉ lác đác vài cán bộ rảnh rỗi ngồi uống nước chè vặt và bàn chuyện bóng đá EURO đang sôi sục bên tận trời Âu. Mùa bóng đá và mùa gặt. Đó là lý do chính mà Chủ tịch xã Đoàn Hữu Thước giải thích vì sao hôm nay ít cán bộ xã đến trụ sở làm việc như vậy.


9 giờ sáng, trụ sở xã Hương Minh đã vắng hoe vắng hoét

701 hộ, 2.700 khẩu nhưng theo danh sách trả lương của kế toán xã thì Hương Minh có 37 cán bộ nòng cốt thường trực ở UBND xã. Cộng thêm ở 10 thôn, mỗi thôn ít nhất phải 10 cán bộ phụ trách các lĩnh vực nữa là 137 người.

Cán bộ hội nông dân, phụ nữ, đoàn thanh niên, cựu chiến binh, người cao tuổi, công an viên, trưởng thôn, bí thư chi bộ, y tế thôn bản… Nói chung, Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định có chức danh gì thì xã Hương Minh đầy đủ chức danh đó. Ông Thước tính bình quân cứ 5 hộ dân ở Hương Minh có một người làm cán bộ. Những chuyện bi hài chỉ có ở xã cũng bắt đầu nảy sinh từ thực trạng bộ máy cán bộ xã quá cồng kềnh.

Cán bộ đông, xã lại nghèo, dân số ít nên công việc ở ủy ban xã Hương Minh trở nên nhàn nhã. Ông Nguyễn Thanh Truyền, Phó bí thư đảng ủy xã, người phụ trách khối đoàn thể có thể hơi buồn vì “quân” của mình là những người ít việc nhất, nhưng đổi lại được an ủi phần nào vì nhờ ít việc nên họ có thể luân phiên nhau đi làm và có thời gian ở nhà gặt lúa. Cả một tòa nhà 2 tầng mới được xây dựng dành cho khối Đảng ủy, đoàn thể, nhưng 9 giờ sáng ngày thứ 6 chỉ còn mỗi Bí thư và Phó bí thư ngồi chờ hết buổi làm. Vắng là phải, bởi nhiều người ít việc nên không biết từ bao giờ cán bộ xã Hương Minh linh hoạt thay nhau đi làm. Cứ hôm nay trưởng đến xã thì phó làm việc nhà, hôm sau đổi lại. Mùa gặt đến nên việc đổi lịch lại càng phải áp dụng. Giả sử có đi làm là để đối phó đủ giờ giấc thôi chứ chẳng có việc gì. Khối đoàn thể của ông Truyền đến trụ sở chỉ uống nước chè, nói chuyện phiếm chứ chẳng có việc gì mà làm cả.

“Một năm vài ngày lễ kỷ niệm, phông hoa loa đài. Không có ích vụ gì. Chẳng qua phải nhận thêm người là nhằm mục đích kế thừa, người này nghỉ còn có người khác lên thay. Thế thôi. Một ngày không có việc làm mà bắt trụ 8 tiếng ở ủy ban, cũng khó”. Ông Truyền phân tích.

Thừa người thiếu việc

Chung cảnh thừa người thiếu việc là xã Thạch Long (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh). Nơi mà ông Chủ tịch xã Nguyễn Phi Trưng khẳng định rằng: Nếu được phép sắp xếp thì ông có thể giảm gần một nửa bộ máy cán bộ xã hiện nay.


Nếu được phép, ông Trưng có thể giảm một nửa số cán bộ xã mình

Thạch Long cũng là một xã nghèo. Cả xã có 1.408 hộ, 5.800 nhân khẩu. Ông Trưng vạch ra hàng loạt những bất cập về hệ thống cán bộ xã mình kiểu “chỗ cần không có, chỗ có lại chẳng cần, thừa người thiếu việc”. 35 cán bộ chủ chốt làm việc ở xã, 60 cán bộ phụ trách hưởng phụ cấp ở thôn xóm, mỗi năm “đốt ngân sách” tầm 1,5 tỷ đồng nhưng công việc thì vô cùng, tính thế nào cũng được.

Về độ nhàn rỗi của bộ máy cán bộ xã Thạch Long, ông Trưng chia thành 3 cấp. Cấp thứ nhất, hầu như không có việc làm là các đoàn thể. Hội cựu chiến binh, hội nông dân, hội phụ nữ, hội người cao tuổi, đoàn thanh niên… “Có 10 người ở xã và 30 người ở 6 thôn nhưng công việc của đoàn, của hội là gì thì làm chủ tịch như tôi cũng chẳng biết. Chỉ biết là cồng kềnh và tốn kém. Như vừa rồi, 3 đoàn thể đại hội, UBND xã phải chi mỗi đoàn 15 triệu đồng, cộng thêm huấn luyện dân quân tự vệ 60 triệu nữa là gần cả trăm triệu mà chẳng giải quyết được việc gì. Công việc của đội ngũ này tôi thấy mỗi lĩnh vực một người, thậm chí là hai ba lĩnh vực cho kiêm nhiệm cũng dư sức để làm”.

 

Theo kế hoạch cán bộ cấp xã trong Nghị quyết của HĐND tỉnh, 12 huyện thị của tỉnh Hà Tĩnh có tổng cộng 262 xã, 5.663 cán bộ được biên chế, 3.847 cán bộ không chuyên trách. Đấy là chưa kể cán bộ phụ trách hưởng phụ cấp ở các thôn. Bình quân mỗi xã hơn 36 cán bộ, riêng xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh thậm chí còn được đặc cách biên chế 25 người. Đến nhiều xã, hỏi Chủ tịch hội nông dân diện tích lúa, tổng đàn lợn bao nhiêu chẳng biết, hỏi cán bộ đoàn thể công việc ngày mai ai nấy đều lắc đầu. Chỉ thị 20 của tỉnh Hà Tĩnh cấm cán bộ uống rượu bia, đi đám cưới trong giờ làm việc. Nhưng có lẽ chỉ thị này đang miễn nhiễm với cán bộ cấp xã. “Ở mấy xã vùng này, bất cứ lúc nào anh đến cũng thấy vài ông cán bộ phừng phừng. Không đám cưới thì đám giỗ, không có đám gì thì tự mời nhau. Rảnh việc nên hay nghĩ đến rượu chè”. Ông Trưng ngao ngán.

Cấp thứ hai mà ông Trưng nói đến là cán bộ văn phòng, tư pháp, văn hóa… “Như cái anh cán bộ văn hóa xã cũng có đến 2 người. Một phụ trách phông hoa loa đài, một phụ trách chính sách xã hội. Công việc một năm của họ cùng lắm gói lại chỉ dăm bảy ngày là cùng. Một người thừa sức đảm nhận cả hai việc nhưng vẫn cứ phải hai người vì nghị quyết của tỉnh quy định như thế”.

Bỏ qua “đội quân đoàn thể” đông đúc nhưng ít việc của các đoàn thể, vị chủ tịch xã đơn cử ngay vào ngành nông nghiệp. Ngoài Phó chủ tịch phụ trách, Thạch Long còn có trưởng, phó hội nông dân, cán bộ khuyến nông, thú y cơ sở…

Tổng cộng là 5 người. Trong khi khối lượng công việc của họ một năm hầu như chẳng có gì ngoài việc xem thử 130 ha ruộng được mùa hay không rồi làm báo cáo để xã gửi lên huyện. Đơn giản là vì nền nông nghiệp của xã đã khoán hoàn toàn cho 2 HTX nông nghiệp, mỗi HTX 3 người phụ trách rồi. Vì vậy, theo quan điểm của ông Trưng, ngành nông nghiệp chỉ cần một ông phụ trách đã là quá đủ.

Nghe có vẻ chua chát, nhưng thực tế quả không khác lời ông chủ tịch. Hôm tôi đến, trụ sở xã Thạch Long trong giờ làm việc nhưng đi hết các phòng chẳng gom nổi 10 cán bộ. Hóa ra, có đám ma bên nhà bà Chủ tịch Hội phụ nữ xã nên cán bộ đi viếng gần hết. Các đoàn thể chỉ còn lại hai ông bên văn hóa đang ngồi hút thuốc lào, uống nước chè.


Cảnh cán bộ ngồi xem phim trên máy tính hầu như phổ biến ở các địa phương

Thử vào văn phòng, 3-4 cô đang tụm nhau xem một bộ phim Hàn Quốc, nghe đâu cả mấy chục tập trên máy vi tính. Hỏi phim thế nào? Cô nào cũng gật đầu lia lịa: Hay lắm.

Posted in Quản Lý, Xã Hội và các vấn nạn (Social Problems) | 2 Comments »

►Tùy Bút…

Posted by hoangtran204 trên 24/06/2012

Từ “Tiếng hát sông Hương” đến công nghệ… mãi dâm

DCVOnline: Theo tác giả, “Nhân đọc bài Hoan nghênh Quốc hội trả lại nhân quyền cho phụ nữ bán hoa của Luật gia Trần Đình Thu, đăng trên trannhuong.com” mà tác giả Đặng Văn Sinh viết bài dưới đây.

DCVOnline xin mời bạn đọc theo dõi bài viết “Từ “Tiếng hát sông Hương” đến công nghệ… mãi dâm này, và để trả lời giúp giùm tác giả: “Rồi đây liệu em có thoát khỏi kiếp đoạn trường” hay không?, trong xã hội XHCN Việt Nam ngày nay. Bài này đã được đăng trên chính blog của tác giả Đặng Văn Sinh hôm 21 tháng Sáu 2012 này.

Cách đây gần năm mươi năm, khi còn ngồi trên ghế nhà trường cấp 3 phổ thông, có một lần, trong buổi ngoại khóa, chúng tôi được thầy Hoàng Bỉnh Nhu bình bài Tiếng hát sông Hương của nhà thơ lớn Tố Hữu. Thầy bị cụt một tay, người chỉ được một mẩu, đuôi mắt trái lại có mụn ruồi to đùng nhưng giảng văn thì cực hay. Dường như những khi đứng trên bục giảng, thầy đã hóa thân vào tác phẩm, để rồi, trong phút xuất thần, chuyển tải cái nhân sinh quan cộng sản của một ông râu xồm mãi bên trời Tây vào con tim ngu ngơ của đám học trò nông thôn, quần âm lịch, chân đất, vốn chưa có một chút khái niệm nào về loại nghề buôn phấn bán son.Theo sự phân tích rất logic từ mỹ học Marx – Lenin, thầy Nhu khẳng định, cô gái sông Hương là nạn nhân của chế độ thực dân phong kiến, bị dày vò cả thể xác lẫn tâm hồn. Tuy nhiên, nỗi ô nhục ấy sẽ mất đi, người con gái vướng vào kiếp nạn ê chề sẽ được hoàn lương một khi Cách mạng vô sản thành công. Chân trời mới sắp mở ra. Những thân phận bọt bèo, lạc loài sẽ được sống trong một xã hội công bằng, hạnh phúc, đầy hoa thơm quả ngọt. Cả lớp lặng đi. Một vài bạn gái len lén lấy ống tay áo quệt nước mắt. Ôi ! Sức mạnh của nghệ thuật. Chúng tôi cảm phục thầy Nhu một thì cảm phục Tố Hữu mười, bởi ông đã đem đến cho lớp trai trẻ dốt nát một cảm quan mới, một chân lý sáng ngời trong chế độ XHCN tốt đẹp có Bác, Đảng dẫn đường. Quả thật, bằng vào cái huyễn tượng về một tương lai xán lạn ấy, sau năm năm tư, (1954) Nhà nước ta đã tiến hành những cuộc tảo thanh trên quy mô lớn để bài trừ tận gốc những gì còn rơi rớt lại của nền văn hóa thực dân phong kiến trên nửa phần đất nước mà điểm nhấn của nó là nạn mại dâm. Các đối tượng hành nghề bị lực lượng công an thu gom đưa vào các nhà tù trá hình được gán cho danh xưng mỹ miều là “Trại phục hồi nhân phẩm”. Tại đây, những chị em “cải tạo” tốt còn được “ưu tiên” chuyển sang lực lượng thanh niên xung phong hoặc nông trường quốc doanh trồng chè hay cao su ở vùng sơn cước. Và thế là, chỉ sau một kế hoạch ba năm, ngành Lao động – Thương binh – xã hội miền Bắc XHCN đã hoàn thành xuất sắc kế hoạch triệt phá tệ nạn mại dâm. “Từ ấy”… mảnh đất ngàn năm văn hiến được xem như tuyệt giống “gái bán hoa”!?. Thật là một kỳ tích mà chỉ có những người thật sự yêu chủ nghĩa cộng sản mới làm được.

Cũng vào thời gian này, trên các phương tiện tuyên truyền chính thống, trong đó có cả những tờ báo lớn công bố số phụ nữ làm nghề mại dâm ở thành phố Sài Gòn dưới chế độ Việt Nam cộng hòa là ba mươi vạn!? Tất nhiên chúng tôi tin sái cổ. Lại dám không tin báo chí của Đảng à? Có họa là tên phản động hoặc kẻ mắc chứng tâm thần phân liệt mới có đủ bản lĩnh đặt dấu hỏi nghi ngờ. Sau này, khi non sông đã về một mối, các nguồn thông tin không còn bị ách tắc như trước, tôi có đọc một bài trên mạng Đối thoại mới hiểu con số ấy được người ta thổi phồng ít nhất là năm mươi lần. Theo tác giả Nguyễn Ngọc Phách, tính vào thời điểm những năm sáu mươi, trừ cánh mày râu, cộng với các bà già trên sáu mươi cùng các cháu gái dưới mười sáu tuổi, thì tất cả phụ nữ Sài Gòn đều làm… điếm nếu ta tin vào con số kỷ lục nặng về màu sắc chính trị kia.

Tác giả Đặng Văn Sinh, Cử nhân Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội; nguyên giáo viên Ngữ văn Trung học phổ thông; hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Nguồn: Blog dangvansinh.blogspot.com


Sau ba mươi bảy năm giải phóng miền Nam, tức là một phần ba thế kỷ, một nửa đời người, có vẻ như những kỳ tích chống tệ nạn xã hội đã đi vào dĩ vãng, đặt dấu chấm hết cho một thời vàng son. Chưa bao giờ và chưa lúc nào nạn mại dâm hoành hành dữ dội và đều khắp như lúc này. Không ít khách sạn tên tuổi với nhãn hiệu ba sao, thậm chí năm sao có hẳn một đường dây gọi gái. Các nhà nghỉ thường kèm thêm dịch vụ “tươi mát”. Mỗi nhà hàng karaoke đèn mờ là một động lắc thâu đêm suốt sáng. Mỗi tiệm hớt tóc, gội đầu là một nhà thổ trá hình. Ngày trước “ra ngõ gặp anh hùng” thì ngày nay, mỗi khi bước chân ra đường toàn gặp lũ tham nhũng và ca ve. Các Tú Ông, Tú Bà nhan nhản khắp hang cùng ngõ hẻm, nhân danh thời mở cửa lại được các anh Hai, anh Ba, anh Tư, anh Năm… ngồi ngất ngưởng trên cao bảo kê, tha hồ bóc lột đám chị em chân yếu tay mềm. Đến lúc này, thi hào Tố Hữu, con chim đầu đàn của nền thơ cổ động Việt Nam, nếu còn sống, chắc ông sẽ phải viết lại “Tiếng hát sông Hương”. Ta hãy nghe lại tác giả thương hoa tiếc ngọc bằng một bài thơ kết hợp giữa lục bát truyền thống với thể loại dân ca Huế và gieo bằng vần “eo”, tạo ra một không gian nhẹ tênh, mang nét thanh thoát yêu kiều của sông Hương, đối lập hẳn với thân phận nhục nhã của cô gái làng chơi:

Em buông mái chèo
Trời trong veo
Nước trong veo
Em buông mái chèo
Trên dòng Hương Giang

Rồi tấm lòng cộng sản vô bờ bến của ông thương cảm người con gái đã hơn một lần lầm lỡ :

Thuyền em rách nát
Mà em chưa chồng
Em đi với chiếc thuyền không
Khi mô vô bến rời dòng dâm ô!

Nhưng điều đáng chú ý nhất là ông phó chủ tịch HĐBT (Hội đồng Bộ trưởng) tương lai đã thổi vào tâm hồn cô gái một ảo tưởng ngọt ngào, tạo cho cô niềm phấn khích vô bờ bến, nếu không bỏ nghề, dấn thân vào sự nghiệp cách mạng thì cũng nhẫn nại đợi thời cơ đến ngày được chiêu tuyết :

Ngày mai bao kiếp đời dơ
Sẽ tan như đám mây mờ hôm nay
Cô ơi tháng rộng ngày dài
Mở lòng ra đón ngày mai huy hoàng
Trên dòng Hương Giang…

Hương Giang thơ mộng trong một chiều tím biếc, con đò rách nát bồng bềnh trôi mang nỗi u uất cuả một thân phận còn rách nát hơn cả nó, phút chốc như đốn ngộ bởi thứ ánh sáng lung linh của chân lý. Nhà thơ thật khéo chuyển được cảm xúc, đem cái huyễn tưởng ngoài nghìn dặm đặt vào tâm thức cô đào xứ Thần Kinh trong gang tấc.

Ngược lại với Tố Hữu lúc ấy, tám mươi năm trước (nếu tính từ thời điểm những năm ba mươi của thế kỷ XX), Nguyễn Công Trứ, cũng sau những lần xuôi đò trên sông Hương , đã không giấu giếm sự đắc ý của mình cho dù ông là một nhà nho từng được đào luyện kỹ càng trong trường học Khổng Mạnh:

Lênh đênh một chiếc đò ngang
Một cô đào Huế, một quan đại thần
Ban ngày quan lớn như thần
Ban đêm quan lớn lần mần như ma
Ban ngày quan lớn như cha
Ban đêm quan lớn ngầy ngà như con…

Chúng ta kính phục Nguyễn Công Trứ dám nói thẳng nói thật tuy có chút mỉa mai, tự trào cái sự hành lạc với một cô gái làng chơi dù có lúc ông là quan đầu triều. Hành vi của cụ Thượng hoàn toàn tương phản với phần lớn các bậc “dân chi phụ mẫu” ngày nay, đi nhà thổ như điên, bồ bịch tùm lum, ăn cắp công quỹ thành thần nhưng lại lên mặt đạo đức giả, lúc nào cũng muốn nêu tấm gương “cần kiệm liêm chính”.

Sau những năm ép xác, nhịn thèm nhịn nhạt phục vụ chủ thuyết “Thế giới đại đồng”, nay, xã hội Việt Nam đang ở vào thời kỳ “ăn trả bữa”. Cái “thằng” quy luật tâm lý ấy lại lừng lững xuất hiện, chẳng khác gì ma dẫn lối, quỷ đưa đường, dẫn dụ các nạn nhân của nó vào “kiếp đoạn trường” trong một mê lộ quanh co đầy cạm bẫy. Chưa có bao giờ trên đất Việt thân yêu của chúng ta lại nở rộ tệ nạn mại dâm như bây giờ. Nó hiện diện theo quy luật của dòng nước lũ, từ lâu bị chặn lại, đương nhiên là tích tụ năng lượng, đến một lúc nào đó tìm ra lối thoát, thế là “tức nước vỡ bờ” thành một cơn hồng thủy. Hiện tượng này đã được nhà thơ Trần Nhuận Minh khái quát bằng mấy câu trong bài “Thoáng” như sau :

Sách cấm xưa lòe loẹt cổng Đền Thờ
Ngõ tối bật tiếng coóc xê tanh tách
Gã trốn tù tội đánh người và khoét ngạch
Vào quán ghểnh chân làm choác bia hơi.

Còn thi sỹ Nguyễn Trọng Tạo ở bài “Quán Lý Thông” thì lại tiếp cận các cô gái “bán hoa” ở khía cạnh văn hóa:

Tôi hỏi ca ve, ca ve cười ngất
Chợt nhận ra mình giữa quán Lý Thông

Hiển nhiên, mại dâm không chỉ dừng lại ở thành phố, thị xã, thị trấn mà từ lâu nó đã lan đến cả những vùng quê hẻo lánh. Các đức ông chồng mất nết, từ những lão già sáu bảy mươi đến lũ ranh con miệng còn hơi sữa, rủ nhau thập thò trước quán cà phê hay hớt tóc trá hình vào lúc trời còn nhập nhoạng. Không có tiền thì xúc trộm thóc của vợ bán dấm giúi, thậm chí có anh chàng còn “ký sổ nợ” hẹn đến mùa thanh toán…

Cũng như nạn tham nhũng, mại dâm bây giờ đã trở thành một thứ “văn hóa”. Loại “văn hóa” này hình như đang được phát triển và nâng cao đến mức “đậm đà bản sắc ” tùy thuộc vào đẳng cấp xã hội của các đấng mày râu. Các quan chức là những kẻ vừa có quyền vừa có tiền luôn là “thượng đế” của những nhà chứa cao cấp. Có những ông lớn nuôi hẳn ba, bốn bồ nhí ở mấy nơi khác nhau (tất nhiên là bằng tiền chùa), để thứ bảy, chủ nhật đánh xe về thư giãn. Không hiếm các ông “đầy tớ của dân”, ban ngày thì lên diễn đàn rao giảng đủ thứ đạo đức nhưng ban đêm lại mò vào các động mãi dâm lăn lóc với “mấy ả mày ngài”, sáng ra mệt phờ râu trê, đến nỗi quên cả cuộc họp quan trọng mà chính mình phải chủ trì.

Từ môi trường xã hội cởi mở để con người thả lỏng bản tính của mình như vậy, tự nhiên hình thành một loại gái điếm cao cấp mà cách hành xử của type người này có những lúc khá ngược đời như nhà thơ Nguyễn Duy đã viết trong bài thơ “Việt Nam, nhìn từ xa tổ quốc” :

Điếm cấp thấp bán trôn nuôi miệng
Điếm cấp cao bán miệng nuôi trôn
Vật giá tăng
Nên hạ giá linh hồn

Loại “ca ve” này, tất nhiên không chỉ bán phấn buôn son mà thực chất là bán buôn “cái gì đó” lớn hơn bằng “vốn tự có” của mình. Chị em biết lợi dụng thời cơ, nắm chắc tâm lý các sếp sòng, triệt để vận dụng lời dạy “vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề” của tổ sư Tú Bà, để len vào bộ máy công quyền. Từ chiêu “mỹ nhân kế”, đã có không ít trường hợp thành công, thậm chí còn được bổ nhiệm vào những chức vụ không nhỏ chút nào, cho dù loại hình hoạt động duy nhất của chị em chỉ là… trên giường.

Người mẫu kiêm diễn viên kiêm nghề buôn vốn tự có mặc quần lót màu gì, lông … nách dài hay ngắn, các anh công an nhân dân đều biết hết, giỏi ghê dzậy đó! Chứ tình báo Trung Quốc giả người nuôi tôm sống hà rầm ở Vịnh Cam Ranh và tình Phú Yên trong mấy năm qua thì các anh … hổng dám biết đâu! Nguồn: Onthenet


Nhà nước CHXHCN Việt Nam chẳng bao giờ công bố con số phụ nữ làm nghề mãi dâm, nhưng đến giờ này, theo những nguồn tin của một vài tổ chức phi chính phủ thì có thể đã đến hàng chục vạn (?). Phần lớn trong số này là những cô gái còn rất trẻ đều có gốc gác nông thôn, thất học, không nghề nghiệp, bỏ nhà lên thành phố làm gái bán hoa, sau một vài năm kiếm được chút vốn thì hoàn lương, về quê lấy chồng. Đây là đối tượng dễ bị các Tú Ông, Tú Bà hành hạ, bóc lột nhất. Các cô thường xuyện bị chủ ăn quỵt sau mỗi lần đi khách, nếu có biểu hiện phản ứng lập tức bị bọn ma cô, đầu gấu “thượng cẳng chân hạ cẳng tay”, đành nhắm mắt buông xuôi mặc dòng đời đưa đẩy cho đến lúc thân tàn ma dại. Cũng phải kể đến đội ngũ “ô sin” trong chương trình xuất khẩu lao động sang Đài Loan. Một lượng không nhỏ người hầu gái này chấp nhận hành nghề mãi dâm nhằm mục đích thu ngoại tệ qua các công ty môi giới. Có trường hợp, một “Ô sin” buộc phải đáp ứng nhu cầu tình dục cho cả gia đình, thậm chí, để giảm bớt chi phí, gã chủ nhà còn rủ thêm một vài anh hàng xóm “đánh ké”. Tất nhiên họ không được ăn cả mà thường là phải chia năm sẻ bảy dưới danh nghĩa “lệ phí” hoặc thuế cho các công ty lừa đảo núp dưới những cái tên rất ấn tượng, mặc dù các khoản thu ấy chẳng bao giờ được chuyển vào ngân sách nhà nước.

Loại mạt hạng nhất là dịch vụ lấy chồng Tàu đại lục qua các tổ chức buôn bán phụ nữ đang hoành hành gần như công khai từ hai chục năm qua. Không hiếm những nàng quá lứa nhỡ thì được bọn cò mồi tân trang, qua biên giới bỗng nhiên thành đắt giá. Có điều rất ít trường hợp kiếm được tấm chồng tử tế. Đa số các cô bị đưa đến những nơi xa xôi hẻo lánh vùng dân tộc thiểu số, gá nghĩa với những “chàng rể” bất thành nhân dạng, trong một môi trường sống vô cùng mông muội. Ngôn ngữ bất đồng, thân gái dặm trường, thậm chí còn bị bán chuyền tay qua vài ba ông chủ để rồi cuối cùng lọt vào một nhà chứa nào đó nơi đất khách, liệu còn có dám nghĩ đến ngày về cố hương?

Như trên đã nói, cũng như tệ tham nhũng, mại dâm ở Việt Nam đã trở thành một thứ “văn hóa”, nếu nói theo các nhà xã hội học, hay một thứ “công nghệ”, nếu nói theo thuật ngữ của các nhà kinh tế học. Cái đáng bàn ở đây là Đảng và Nhà nước dứt khoát không thừa nhận. Kể cũng đúng thôi. Nhà nước ta là nhà nước XHCN, lấy chủ nghĩa Marx – Lenin làm kim chỉ nam. Thừa nhận loại hoạt động “đồi trụy” này thì còn gì là thể diện? Vì lẽ đó, tuy là một thực thể tồn tại khách quan, là thị trường hoạt động rất sôi nổi và đầy màu sắc, nhưng mại dâm bị vứt ra ngoài lề đường, sống vất vưởng như những cô hồn phiêu bạt, không bị chi phối bởi bất cứ chế tài nào.

Lịch sử cho biết, mại dâm, với tư cách là một loại hình hoạt động tham gia vào cơ cấu xã hội đã có từ rất lâu, chí ít ra là từ nền văn minh Hy – La, Ai Cập, Xuân thu chiến quốc… Như vậy, mại dâm là hiện tượng xã hội, chính quyền khôn ngoan là chính quyền biết cách kiểm soát nó thông qua chế tài chứ không thể triệt tiêu nó. Còn vì hệ ý thức mà sĩ diện, bỏ rơi nó là thiếu sáng suốt, sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường.

Trước năm 1954, chắc chắn số lượng đĩ điếm trên lãnh thổ Việt Nam không đáng là bao nhưng người Pháp đã có đạo luật rõ ràng cho những đối tượng hành nghề này. Các chính quyền địa phương quản lý chị em bằng môn bài đồng thời buộc các chủ chứa đóng thuế. Mặt khác, nhằm bảo vệ sức khỏe cho gái mại dâm, tránh tình trạng gieo rắc bệnh hoa liễu, nhà nước bảo hộ còn xây nhà thương chuyên chữa bệnh phụ khoa. Ai không tin điều này xin đọc phóng sự Lục xì của văn hào Vũ Trọng Phụng. Về một mặt nào đó, có thể nói, người Pháp, tuy là thực dân nhưng cũng có một số chính sách nhân đạo. Trong bộ tiểu thuyết Ông cố vấn của nhà văn Hữu Mai có đoạn Ngô Đình Diệm vi hành ra đường phố Sài Gòn. Ngồi trong xe hơi quan sát cuộc sống dân tình, tổng thống bị các cô gái bán hoa xúm vào chèo kéo, sau khi về dinh Gia Long, được cận vệ nói rõ sự thật, ông cho gọi Tổng Giám đốc Nha cảnh sát phải triệt hết các ổ mại dâm, làm trong sạch đường phố. Em ruột ông, cố vấn chính trị Ngô Đình Nhu không đồng tình với biện pháp trên. Ông ta nói đại ý rằng, một nhà nước dân chủ, văn minh phải chấp nhận hoạt động mại dâm, điều quan trọng là phải biết cách kiểm soát nó.

Thực trạng mại dâm ở Việt Nam đã trở thành quốc nạn phát triển theo kiểu phản ứng dây chuyền vì nó chưa bao giờ được nhìn nhận như một nguy cơ làm tổn thương danh dự dân tộc, băng hoại đạo đức, phá vỡ những giá trị văn hóa tốt đẹp bằng nguy cơ “diễn biến hòa bình” thường trực trong não trạng của các nhà lãnh đạo quốc gia. Mại dâm bị thả nổi thực chất là môi trường béo bở để các quan chức tham nhũng đua nhau hành lạc bằng tiền chùa và lũ đệ tử của thần Bạch My kiếm những món lợi kếch xù trên thân xác người phụ nữ. Đó là thứ quan hệ hai chiều trong một liên minh ma quỷ luôn hành xử như những băng đảng của thế giới tội phạm ngầm. Đại dịch HIV/AIDS đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Tính đến cuối năm 2011, Việt Nam với hơn 90 triệu triệu con Lạc cháu Hồng, mà nạn mãi dâm gần như bị thả nổi triền miên, thử hỏi, đến thời điểm này chúng ta đã có bao nhiêu người nhiễm căn bệnh thế kỷ?

Bảy mươi tư năm đã qua kể từ khi Tiếng hát sông Hương ra đời, giờ, mỗi khi đọc lại tôi vẫn còn nghe văng vẳng đâu đây lời bình đầy cảm xúc của thầy Hoàng Bỉnh Nhu, cho dù ông đã thành người thiên cổ. Ông chết tức tưởi sau những năm liệt giường vì xuất huyết mạch máu não. Cô Hoàng Lệ Chi, con gái út của thầy bỏ học giữa chừng bởi nhà nghèo, có bao nhiêu tiền dồn vào thuốc thang cho bố, đành phải từ biệt bà mẹ già mắc chứng quáng gà, ra Hà Nội làm nghề rửa bát thuê. Và rồi đây liệu em có thoát khỏi kiếp đoạn trường?

DCVOnline

 


Nguồn:

(1) Từ “Tiếng hát sông Hương” đến công nghệ… mãi dâm. Blog Đặng Văn Sinh, 21 tháng Sáu năm 2012

Posted in Xã Hội và các vấn nạn (Social Problems) | Leave a Comment »

Thành quả mà đảng đem lại cho con người và xã hội là rất lớn

Posted by hoangtran204 trên 27/03/2012

Vấn đề “thể chế”

BS Ngọc

Hai chữ “thể chế” đang trở thành một danh từ thời thượng. Những bất cập, những tiêu cực, suy thoái trong kinh tế, suy đồi đạo đức … đều là những vấn đề mang thể chế. Nhưng thể chế là ai? Dường như ai cũng biết nhưng không nói ra.

Bây giờ đi đâu cũng nghe người ta nói đến “thể chế”. Những buổi liên hoan cuối năm, những buổi họp, những trao đổi quanh bàn cà phê, thậm chí trên bàn nhậu, người ta bàn đến thể chế. Nói chính xác hơn là “vấn đề thể chế”. Nói ngược lại, thể chế có vấn đề. Vấn đề thể chế có thể giải thích được tại sao đất nước này đang trong thời kỳ suy thoái nghiêm trọng.

Trước hết, chúng ta hãy điểm qua những vấn đề mà dư luận xã hội và giới trí thức đánh giá là suy thoái.

Chúng ta đang chứng kiến một thời kỳ nhiễu nhương, tao loạn. Người dân cảm thấy bất an khi ra ngoài đường, thậm chí cảm thấy bất an ngay trong nhà mình. Trộm cướp nổi lên như rươi. Chúng càng ngày càng táo tợn và dã man. Những cảnh chận xe giữa đường để cướp giựt xảy ra hầu như hàng ngày ở các thành phố lớn. Báo chí cho biết nạn cướp cũng rất phổ biến ở các vùng nông thôn vốn từng là những nơi an bình. Có thể nói rằng không nơi nào trên đất nước này là an bình. Không an bình vì những người đáng lý ra bảo vệ an ninh lại chính là những kẻ cướp. Lực lượng an ninh mà cũng cướp bóc! Công an cướp tiền người dân ngay giữa ban ngày, hơn cả cướp cạn như một bài báo bức xúc viết “Ghê hơn cướp cạn”.

Không chỉ công an mà các quan chức cũng ăn cướp. Đi bất cứ cơ quan công quyền nào người dân cũng phải “bôi trơn”. Người dân nói hay hơn: ăn. Ăn ở đây là ăn cướp. Hành vi ăn cướp của họ được núp dưới những cái tên mang tính hành chánh. Ai cũng ăn. Ăn hối lộ. Cán bộ lớn ăn lớn, cán bộ nhỏ ăn nhỏ. Bởi thế mà người ta có câu vè:

Ai ơi nhớ lấy câu này
Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan

Vì ăn quá nên họ làm giàu nhanh. Làm giàu không dựa vào mồ hôi nước mắt của mình nên họ tiêu tiền như nước. Họ gởi con em ra nước ngoài học, nhưng họ bảo con em người dân nuôi họ nên học ở trong nước. Họ thừa tiền nên bày ra những cảnh xa xỉ lố lăng, không hề biết tự trọng là gì.

Không phải vô cớ mà mới đây người đứng đầu Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng nhận định rằng một số không nhỏ đảng viên cấp cao có vấn đề về đạo đức. Nói thẳng hơn là suy đồi đạo đức. Những hành vi tham nhũng, hối lộ, mua chức quyền, mua bằng cấp không còn là chuyện bí mật nữa. Ai cũng biết ngay từ cấp thấp nhất đến cấp cao nhất, các cán bộ của chính quyền có được chức quyền là nhờ mua bán chứ không phải do tài năng. Ai cũng biết bằng cấp thật của họ thực chất là dỏm. Thật là trớ trêu cho một hệ thống giáo dục cấp bằng thật nhưng học giả. Điều khôi hài nhất là cũng chính những người này hàng ngày đang rao giảng về đạo đức!

Một xã hội không có người gương mẫu thì đừng trách sao cả xã hội đang suy đồi.

Những quan chức chính quyền và Đảng CSVN đang hành xử như là những ông quan thời thực dân mà chính họ hoặc cha ông họ đã đổ xương máu để giành quyền cai trị. Đi khắp đất nước, những khu đất đẹp, những tài sản kếch xù, những tập đoàn xuyên các quốc gia, những căn biệt thự hoành tráng … là của ai? Của các quan, đảng viên đảng CSVN. Cha ông họ ra sức đánh đổ chế độ thực dân kiểu cũ, chế độ thức kiểu mới, để dựng lên một chế độ thực dân kiểu cộng sản.

Những ông quan thực dân kiểu cộng sản đã cướp công lý và tạo nên nhiều tội ác. Cải cách ruộng đất và Huế tết Mậu Thân là chuyện cũ. Chuyện ngày nay là người dân bị cướp đoạt công lý. Một thiếu nữ tát vào cái nón của công an lãnh 6 tháng tù. Trong khi đó công an dùng nhục hình với người dân vô tội thì được hướng án treo. Công an giết người thì sự việc hoặc là bị “chìm xuồng” hoặc là xử nhẹ và … lên chức. Tướng công an có công trong việc chống tham nhũng thì bị đày đoạ và trù dập. Nói tóm lại, trong xã hội hiện nay ác lấn thiện. Trong xã hội nhiễu nhương như thế thì người lương thiện và chân chính là những người được xem là “bất bình thường”.

Và dối trá. Chưa bao giờ lịch sử Việt Nam có nạn dối trá như hiện nay. Trên khắp đất nước mà tìm cái thật từ câu nói của các quan thì bao giờ có được. Quan chức nói dối. Trí thức sống hai mặt. Khoa học chỉ thấy dối trá. Giáo dục dối trá. Thật là một xã hội quái đản.

Đất nước này không có tương lai. Thử hỏi chế độ hiện hành để lại gì cho thế hệ mai sau. Nói đến tài nguyên thì đã cạn. Có còn chăng chỉ là đống nợ nước ngoài và những con người như ông bộ trưởng Thăng.

Nhưng thể chế là gì mà có thể giải thích cho tình trạng trên? Từ điển Tiếng Việt định nghĩa thể chế như sau: “Những quy định, luật lệ của một chế độ xã hội buộc mọi người phải tuân theo”. Ở đất nước này ai là người đặt ra những quy định, luật lệ? Đảng CSVN. Chính họ đặt ra luật lệ. Chính họ đẻ ra chính quyền. Chính họ lập ra toà án để xử những người “vi phạm luật pháp”. Chính họ bổ nhiệm quan toà. Tất cả đều là đảng CSVN. Vậy nên nói thể chế là nói đến đảng CSVN.

——————-

Trong bài nói trên, BS Ngọc nhắc đến nợ của VN. Nợ VN có 2 loại, nợ công hay nợ chính phủ đi vay mượn của nước ngoài, và nợ của các tổng công ty và tập đoàn quốc doanh (VN có 100 tập đoàn QD). 

Nợ công hay nợ của chính phủTheo Bộ Tài chính dự kiến, nợ công năm 2011 khoảng 58,7% GDP (nguồn)

Theo số liệu từ Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia:

Nợ công năm 200733,8% của GDP; GDP của VN vào năm này là 61 tỷ  (nguồn)

2008 nợ công là 36,2% của GDP;  GDP của VN vào năm này là 71 tỷ

2009 là 41,9%  của GDP; và GDP của VN vào năm này là 90 tỷ (nguồn)

2010  nợ công là 56,7% của GDP; GDP của VN vào năm này là 97 tỷ

tính đến ngày 31/12/2010, tổng số dư nợ công ở mức 1.122 nghìn tỷ đồng, tương đương 56,7% GDP năm 2010 (nguồn)

2011  Theo Bộ Tài chính dự kiến, nợ công năm 2011 khoảng 58,7%của GDP (nguồn); GDP của VN vào năm 2011 là 104 tỷ (nguồn)

2013:  Doanh nghiệp nhà nước nợ 60 tỷ đôla  (nguồn)

16-1-2013


Nợ của các tập đoàn quốc doanh. Theo tiến sĩ Vũ Thành Tự An, trong bài “Cảnh báo nợ của doanh nghiệp nhà nước” (nguồn), Nếu tính cả nợ nước ngoài thì đến cuối 2008, tổng nợ của khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) xấp xỉ 23,9% GDP.”
Một năm sau, “Nếu tính cả nợ của Vinashin, theo báo cáo của Bộ Tài chính là 86.000 tỉ, thì nợ của khu vực DNNN đến cuối năm 2009 (không kể chín tập đoàn, tổng công ty chưa có số liệu) đã lên tới 54,2% GDP năm 2009.”
Vậy là chỉ trong vòng 12 tháng, các tập đoàn quốc doanh này mượn  nợ thêm là 54,2 – 23,9 = 30,3% GDP; khoảng 30 tỷ (tạm cho là GDP của hai năm này bằng nhau và bằng 90 tỷ.)

___________________

“Xã hội quay cuồng theo tiền, ai

kiếm được là anh hùng!”

Phỏng vấn Vương Trí Nhàn – Huyền Biển (Thực hiện)

Đời sống) – Ở đây tôi thấy một vấn đề nữa là không phải chỉ lỗi của người đó mà lỗi của cả những người giúp cho họ giàu có được. Tôi không tin những người trong xã hội ta có thể giàu thế nếu không có sự tiếp tay của một bộ phận công quyền… – Nhà Nghiên cứu văn hóa (NCVH) Vương Trí Nhàn chia sẻ với Phunutoday.

Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn

Con người chỉ lo đi kiếm tiền mà không lo mình làm người như thế nào

PV: – Thưa ông, dường như càng ngày chúng ta càng chứng kiến nhiều hành vi khiến chúng ta đau lòng như: vì mảnh đất mà con gái, con rể đẩy mẹ già ra đường ăn bờ, ngủ bụi; muốn có tiền trả nợ vợ đang tâm giết người chồng đầu gối tay kề hòng chiếm đoạt tài sản; rồi vì không muốn mất danh dự mà có kẻ không dám nhận tình thân, máu mủ nghèo… Lối ứng xử như vậy có trái ngược với đạo lý làm người của dân tộc ta, một dân tộc tự hào với lịch sử ngàn năm văn hiến? Ông có thể lý giải nguyên nhân của hiện tượng này?

NNCVH Vương Trí Nhàn: – Theo tôi, con người Việt Nam trong xã hội ở thời điểm này đang bước vào giai đoạn phát triển chưa từng có trong lịch sử – giai đoạn mà ông cha ta chưa bao giờ gặp phải, chưa bao giờ có cách sống, cách nghĩ bị ảnh hưởng như thế.

Tôi nghĩ, giá kể một người già nào đấy quay trở lại nhìn chúng ta thì họ sẽ không hiểu là tại sao chúng ta lại sống như thế? Cái đó không chỉ trên phương diện từ chuyện làm ăn, sản xuất đến quan hệ với thiên nhiên mà quan hệ giữa người với người nó cũng nằm trong cái mạch đó.

Ví dụ, người ta làm ăn thấy một nhà bên cạnh bán cái giàn máy này đắt thì lập tức người bây giờ là cũng học theo, mua tranh bán cướp rồi có khi lấy rẻ hơn để bán cho mọi người. Điều đó ở ngày xưa không bao giờ con người được phép làm như thế cả. Không ai làm trò ăn cướp của nhau giữa đường sá như thế.

Tức là, chúng ta có một sự phát triển của thế kỷ 20 này, từ sau năm 45, sau chiến tranh, do đời sống kinh tế thị trường có những cái bài vào, nói chung là do hoàn cảnh chúng ta sống làm cho con người bây giờ mà tôi cảm tưởng như trâu bị nứt mũi.

Tức là họ muốn làm gì thì làm, không còn một ràng buộc gì nữa, không biết sợ thần, sợ thánh. Nói dối tràn lan không biết sợ gì cả.

Ngày xưa chúng tôi đi học cũng có copy, nhưng bần cùng mới phải copy, bí quá và xấu hổ lắm. Còn bây giờ chuẩn bị từ ở nhà để copy mà không phải riêng mình mà hàng loạt những người khác cũng làm một cách trâng tráo, không biết xấu hổ, ra khỏi phòng thi là vứt ngay giấy ra mà không cần sợ hãi gì cả.

Chúng ta có một xã hội con người phát triển hết sức hư hỏng, tùy tiện muốn làm gì thì làm, trâng tráo và liều lĩnh khinh thường không những pháp luật, quan hệ giữa người với người, mà khinh thường ngay cả thần thánh.

Tôi đặt vấn đề quan hệ giữa người với người nó nằm trong bối cảnh đó. Nó từ các gia đình vỡ ra do chiến tranh.

PV: – Cụ thể là như thế nào thưa ông?

NNCVH Vương Trí Nhàn: – Tôi có cảm giác rằng, ngày trước tôi còn nhỏ, tôi sống trong gia đình nhiều lắm, mọi người sống với nhau gắn bó lắm. Nó cũng có một cái lạ là mọi người sống rất yên lặng, không nói nhiều như bây giờ.

Còn nay, thử hỏi một người sống trong gia đình mình bao nhiêu phút? Thực ra là suốt ngày đi lang thang ngoài đường sá. Không ở trong nhà thì ra quán, hoặc đi học hay làm một cái gì đấy. Còn nếu không ở ngay trong nhà mình nhưng cũng không ở, tức là xem ti vi.

Rất ít đứa con nào hỏi bố mẹ ngày xưa sống ra làm sao? Ngày trước ông bà mình như thế nào? Tại sao nhà mình lại đến đây? Tại sao nhà mình làm nghề đó? Tức là con người bây giờ kỳ lạ lắm, không có sự gắn bó với nguồn gốc gia đình của mình.

Gia đình tôi sống ở Hà nội trước năm 1954 và chúng tôi cũng không phải là gia đình giàu có gì nhưng ít nhất chúng tôi có một cuộc sống là hằng ngày đi làm.

Trong bữa cơm chúng tôi được bố mẹ dạy bảo là ăn uống như thế này, ăn trông nồi, ngồi trông hướng thế nọ, bát canh rau không được để cho tí mỡ bám vào. Cái cuộc sống nó tinh khiết chứ không pha tạp như bây giờ.

Ngày trước, không bao giờ một cửa hàng vừa bán bún rồi lại bán phở, bán thì phở gà ra phở gà, phở bò ra phở bò, không ai dùng chung nước dùng cho hai loại đó cả. Nhưng bây giờ con người tạp nham lắm, và những mối quan hệ trong gia đình cũng thế.

Tôi nghĩ bây giờ ít người nhắc đến những câu mà hồi nhỏ chúng tôi hay nói là: Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Tôi đoán rằng bảo đọc một câu mà em thuộc trong ca dao thì không bao giờ nhắc được câu ấy cả.

Tức là sự giáo dục trong gia đình như thế và người ta sống không nghĩ đến cội nguồn, chỉ nghĩ đến hưởng thụ. Trong cuộc sống hàng ngày lo đi kiếm tiền thôi mà không nghĩ rằng mình sống như thế nào đã, mình làm người thế nào đã, sau đó mình kiếm tiền mới là chuyện sau.

Và lúc nào cũng chỉ nghĩ sống cho bằng người, sống như bên Tây rồi phát cuồng theo họ; còn không nghĩ rằng mình sống với quá khứ, sống với ngày hôm nay của mình, trong phạm vi này được phép như thế nào?

Con người bị lôi ra khỏi gia đình, ra khỏi môi trường, và tất cả các chuẩn mực thấp, họ thả lỏng cho cái bản năng chi phối. Mà bản năng là gì, muốn cái gì được cái đó, không khuyến khích sự suy nghĩ, không có sự chín chắn, từ tốn, biết điều.

Thấy người nào làm bậy thì mình mặc kệ người ta, cái mà người ta gọi là sự vô cảm ấy bắt nguồn từ sự hạ thấp các chuẩn mực. Và không cảm thấy rằng người khác hư hỏng rồi sẽ ảnh hưởng đến nhà mình, rồi sẽ ảnh hưởng đến con cái mình.

Tôi cũng thấy làm lạ là chưa có bao giờ người ta chiều trẻ con như bây giờ. Ví dụ như chuyện mừng tuổi, người ta nói rằng dịp Tết mừng tuổi trẻ con là yêu quý trẻ con, thực chất đấy là một cách vô nguyên tắc để chứng tỏ quyền với con cái, như một cách hối lộ với người đối tác là bố mẹ nó để muốn làm ăn với nó, muốn thế nọ, thế kia.

Còn tối thiểu ra thì chứng tỏ bố mẹ giàu lắm đây mà không nghĩ rằng đó là trao con dao sắc cho trẻ con, biến nó thành một đứa dùng tiền mà không ai dạy nó dùng tiền cả.

Như vậy, trong xã hội cũ con người ta học làm người trong nếp gia đình, vấn đề đó hiện nay không được đặt ra.

Còn tại sao lại có chuyện giết người thì tôi thấy thế này, gần đây trong các chương trình văn, người ta chỉ chú ý đến văn ở cấp II, cấp III, chứ thực ra cấp I rất quan trọng. Và những bài văn ấy tôi thấy rất ít bài nói về tình nghĩa trong gia đình, tình thiên nhiên.

Chúng ta có rất nhiều bạo lực trong cách sống, không chỉ chồng vợ đánh nhau, mà giữa người với người cũng vậy. Đối với thiên nhiên chúng ta cũng bạo lực, đánh cá bằng điện, và không có nước nào giết nhiều cá con như nước mình cả. Tất cả những cách sống bạo lực ấy nó chi phối chúng ta, nó ẩn sâu, nằm trong máu lớp trẻ rồi. Và bây giờ nó dễ sinh ra những thứ đó.

Ở mình không có cái lối suy nghĩ trước khi làm, mà thích cái gì làm cái đó, giữa đám bạn bè với nhau thằng nào làm liều thằng ấy được. Với tất cả những thứ đó tôi cho rằng xã hội chúng ta là một xã hội không chú ý đến đạo đức, không chú ý đến giáo dục, không chú ý đến những mối quan hệ bình thường.

Những khuôn khổ đạo đức được lặp đi lặp lại thì nó có hai kiểu: một là đơn giản quá. Nói lấy được, nói đi nói lại trong đó không đi vào thực tế cụ thể.

Thêm vào đó, chúng ta không có một nền đạo đức, nó được lưu truyền lâu dài trong lịch sử và cái đó phần lớn đều ở điểm áng áng, nói trong văn học dân gian. Nên tôi không đồng ý với nhiều người nói rằng là chúng ta đánh mất đạo lý của dân tộc. Không phải đâu. Chính là một phần cũ của chúng ta mỏng. Đến thời điểm hiện nay có quá nhiều cái mới vào và cái mỏng đó mất rất nhanh.

Nếu tôi nói đó là sợi trâu nứt mũi thì sợi dây kia nó cũng rất là mỏng manh nên nó vỡ, tan ra rất nhanh. Chính cái đó, nó khiến cho con người bây giờ trở nên hung hãn, càn rỡ, vô thiên, vô pháp hơn bao giờ hết. Tôi thấy đó là những cái nó quy định cho tất cả những việc mà chúng ta thấy.

Chưa kể là trong thời đại hiện nay, chúng ta đi tiếp nhận những thứ nước ngoài vào. Và nước mình tôi thấy cái hay người ta không học, cái dở là học ngay. Toàn học những cái hình thức thôi.

Con người hiện nay đang được thả lỏng bản năng!

PV: – Không thể không nhận thấy đời sống kinh tế có khá giả lên trông thấy nhưng đồng thời cũng không thể phủ nhận con người vô tình, vô cảm với đồng loại hơn trước nhiều. Thậm chí có những giá trị bị đảo ngược hoặc thay đổi hoàn toàn như từ chỗ trọng tình trọng nghĩa, nhân ái khoan hòa sang phía trọng tiền tài địa vị, thậm chí chỉ biết mình mà không cần biết đến người bên cạnh, lấy đồng tiền làm thước đo cho một phạm trù khác biệt với nó là tinh thần. Thậm chí, trong dân còn lan truyền những câu như “Tiền là tiên là phật, là sức bật của thanh niên….”. Là một nhà nghiên cứu, ông kiến giải điều này như thế nào?

NNCVH Vương Trí Nhàn: – Đúng vậy. Hay người ta còn có câu con là nợ, vợ là thù, ngủ là thần tiên, tiền là trên hết. Vừa rồi chúng ta có truyện Sát thủ đầu mưng mủ, theo tôi nó chứng tỏ một lớp người bây giờ cơ sở đạo đức bị phá hoại, sống vô nguyên tắc, không có biết sợ thần thánh là gì cả.

Tất cả những thứ đó, tất cả những việc mà chúng ta thấy ngày hôm nay là kết quả của một quá trình lâu dài mấy chục năm nay chứ không chỉ riêng ngày hôm nay nữa. Và việc sửa chữa không thể nào đơn giản được. Tôi thấy vụ Lê Văn Luyện vừa rồi là rõ ràng và sau đó là nhiều vụ khác nữa.

PV: – Ông bà ta thường nói “giấy rách phải giữ lấy lề”, “đói cho sạch, rách cho thơm”, “lời chào cao hơn mâm cỗ”…nhưng với xã hội hôm nay thì đó là những thứ xa xỉ và xa lạ, thay vào đó có lẽ phải nói “đồng tiền cao hơn nhân cách”, vì đồng tiền mà người ta bất chấp mọi thứ, miễn là có được nó còn chuyện có bằng cách nào thì không cần biết như những ví dụ vừa nói đến ở trên.

Giả sử, vì mạng sống hoặc đẩy vào bước đường cùng nên trong hoàn cảnh hiểm nghèo ấy, bản năng sống chi phối, lấn át hoặc làm mờ lý trí, nhận thức thì có thể hiểu được phần nào nhưng đây lại là chuyện bình thường xảy ra hàng ngày, nghĩa là nó trở nên phổ biến cứ như một quy tắc sống hiện đại. Xin ông cho biết, tại sao con người lại có khả năng tự hạ thấp mình đến như thế?

NNCVH Vương Trí Nhàn: – Theo tôi, điều đơn giản rằng người ta không có giáo dục. Có đâu mà mất, có được giáo dục đạo đức gì đâu. Thử nghĩ lại xem từ lúc mình đi học có được giáo dục gì đâu, có được bố mẹ dạy gì đâu, có bao giờ ngồi nghe một cách tỉ mỉ mà toàn ngồi xem ti vi chứ có được nghe ông bà sống thế nào?

Tôi cho một trong những điều mà các bạn trẻ bây giờ nhiều khi hành động hư hỏng là họ không biết rằng con người ngày xưa đã tốt như thế nào? Tôi có một đám bạn chơi với nhau hay kể cho nhau nghe ngày xưa các cụ sống tử tế lắm.

Có một ông bạn kể với tôi thế này: ông của ông ấy có một lần đi ăn giỗ từ Đông Anh lên Hà Nội, ở nhà thấy cụ đi mà mãi cụ không về, thế là đi tìm. Đi xe đạp lên quãng Gia Lâm thì mới thấy cụ đứng lại ở đường. Hỏi sao cụ không về? Cụ bảo có người đánh rơi tiền.

Cái thứ nhất là cụ không nhặt. Người nhà mới bảo kệ người ta nhưng cụ nói: Thế thì không được, để đây nhỡ người khác lấy thì sao? Nghĩa là cụ không lấy tiền nhưng cũng không để cho ai lấy được đồng này mà phải đứng ở đấy, chờ ở đấy để người ta quay lại trả cho người ta. Bây giờ thì chẳng ai nghĩ như thế cả. Đốt đuốc đi tìm soi 7 ngày cũng không tìm ra. May lắm là ông mặc kệ thôi.

Trong cuốn sách Quốc văn giáo khoa thư hồi nhỏ tôi có được học một câu chuyện: Trời nhá nhem trạng vạng tối rồi có câu chuyện ông già ngồi vần cái tảng đá. Hỏi sao thì ông bảo tôi vừa đi đến đây bị vấp, tôi phải vần nó vào để người sau đi khỏi vấp.

Một người già người ta còn nghĩ như thế, còn bây giờ chính các cụ gì còn tham lam, hư hỏng hơn bao giờ hết, chưa bao giờ các cụ già tham sống như bây giờ. Chứ ngày trước người ta sống rất nhẹ nhàng. Tôi cũng thấy các cụ già chưa bao giờ tham lam như bây giờ.

Theo tôi trong một thời gian dài xã hội ta buông lỏng đạo đức, chúng ta là một xã hội sống không có nghiên cứu. Làm kinh tế bây giờ cũng chẳng nghiên cứu gì cả. Bây giờ cứ than thổ phỉ mà đào, đào vội đào vàng bán lấy tiền được là chia nhau, phát triển phải làm đường thế nào rồi mới làm khu dân cư nhưng cũng mặc kệ.

Con người là một thực thể vô cùng phức tạp và anh đã có một quan niệm quá đơn giản về con người, cứ dễ dãi và cứ luôn luôn nịnh nọt con người, không giúp con người làm chủ bản thân. Con người hiện nay đang được thả lỏng bản năng. Ngày trước người ta coi việc diệt dục là quan trọng, lấy sự kiềm chế là quan trọng. Ở chiếc xe thì cái phanh là quan trọng thì bây giờ động cơ bên trong là quan trọng.

Và bây giờ chúng ta không để lớp trẻ học làm người mà nó sống thực dụng sớm và với quan niệm lấy hiệu quả làm chính, kiếm đồng tiền nuôi được, thế là xong rồi. Một đứa trẻ được thả lỏng như thế thì cuối cùng sẽ làm ra rất nhiều chuyện hư hỏng mà không thể nào không có được.

Cả xã hội quay cuồng theo đồng tiền, ai kiếm được là anh hùng

PV: – Thưa ông, thời gian gần đây, chúng ta lại thấy những biểu hiện quái lạ không kém: những kẻ lắm tiền, nhiều của tặng nhà trăm tỷ làm quà cho con, chi triệu đô để tổ chức đám cưới siêu khủng, mượn máy bay để rước dâu hoành tráng vì họ thương miền quê nghèo khổ, nơi họ sinh ra và lớn lên, quanh năm không biết đến một sự hưởng thụ nào! Rất nhiều trí thức đã lên án, coi đây là biểu hiện trọc phú, hợm tiền…. Bản thân đồng tiền không có tội nhưng thông qua cách kiếm tiền, cách sử dụng đồng tiền thì sẽ bộc lộ nhân cách con người. Ông nghĩ gì về điểu này trong tình trạng xã hội hiện nay?

NNCVH Vương Trí Nhàn: – Thực ra những người này chỉ biểu hiện xu thế của xã hội ta, cả xã hội ta hiện nay là trọng đồng tiền. Tôi thấy có những người chả có nghề nghiệp gì cả chỉ thấy kiếm tiền không ít và người ta đánh giá nhau giờ đây cũng chỉ lấy đồng tiền là chính.

Những người kia chẳng qua là đỉnh cao của nền chung trong xã hội hiện nay. Cả xã hội quay cuồng theo đồng tiền và coi ai kiếm được đồng tiền thì người đó là anh hùng. Cho nên trông vào những người đấy, chúng ta thấy được sự suy đồi chung của xã hội, và chúng ta vẫn thấy được cái mầm vẫn có trong tôi, trong anh, trong rất nhiều người khác, nếu nó chưa nảy ra cũng là vì nó chưa có điều kiện thôi, chứ thật ra không phải riêng người đó có lỗi.

Điều đó chứng tỏ chúng ta sống trong một cái xã hội nó tùy tiện, ba lăng nhăng, chả ai biết ai là thế nào và nó như là bóng tối.

Đợt vừa qua chỉ có bà Tổng giám đốc Vinamilk là người được tôn vinh thôi. Rất nhiều người khác giàu hơn bà ấy nhiều nhưng vì người ta có rất nhiều cái mờ ám. Bà ấy vượt qua được những chuyện ấy thì bà mới được như thế.

Như vậy, chứng tỏ trong xã hội chúng ta cái bóng tối nó nhiều quá, nó đầy quá. Những dạng nảy lên, trồi lên như thế báo động tình hình chung của xã hội ta.

Còn một điểm nữa, những người giàu như thế bao giờ cũng chứng tỏ một điều: người giàu là tinh hoa của xã hội, người ta phải giỏi thì mới làm giàu được.

Tôi không phải người giàu nhưng tôi nghĩ rằng thực ra những người giàu đều là người giỏi cả. Nhưng tôi thấy những người giỏi của xã hội cũ người ta rất tử tế, hiểu biết, còn nhiều người giàu ở xã hội ta hiện nay là làm ăn uẩn khúc, và chọn những con đường nếu được minh bạch ra thì tôi nghĩ có lẽ là làm ăn phi pháp.

Ở đây tôi thấy một vấn đề nữa là không phải chỉ lỗi của người đó mà lỗi của cả những người giúp cho họ giàu có được. Tôi không tin những người trong xã hội ta có thể giàu thế nếu không có sự tiếp tay của một bộ phần công quyền.

Khi ông giúp những người kia thì ông lại được ăn lại bao nhiêu? Sự thực ra cả một xã hội chỉ mới biết lo kiếm tiền chứ chưa biết sống có văn hóa.

PV: – Cá nhân ông tiêu tiền và sử dụng đồng tiền như thế nào?

NNCVH Vương Trí Nhàn: – Tôi quan niệm cái xã hội tôi kiếm được đồng tiền theo đúng những cái lao động của tôi. Tất nhiên xã hội hiện nay lao động rất lung tung, có nhiều việc vớ vẩn, lương lại rất cao và ngược lại.

Tôi có nói với con mình rằng không được chộp giật, không được làm một cú rồi chộp. Điều đó sẽ làm hỏng con người đi mà hãy làm thế nào nay một ít, mai một ít. Tôi có đọc tài liệu của Trung Quốc, người ta có triết lý rất ghê. Tức là người ta làm việc gì người ta mang sức lao động, mang trí tuệ của người ta vào nên người ta mới khá giả lên nhưng bằng những con đường rất chân chính.

Và tôi nghĩ rằng chỉ có đồng tiền kiếm bằng chính sức lao động của mình mới lâu dài được. Các cụ có nói: của làm ra để trên gác, của cờ bạc để ngoài sân, của phù vân để ngoài ngõ.

Ba ông Phúc, Lộc, Thọ bao giờ người ta cũng thờ ông Phúc trước tiên trong đó người ta cầu phúc và tôi cũng mong cái cầu phúc. Tôi tin rằng trong một xã hội hiện nay nếu anh có trình độ tay nghề cao, anh chuyên nghiệp hóa về nghề nghiệp, anh thông minh thì không thể nào không sống được. Cuộc sống đừng có yêu cầu cao quá.

Có lần tôi đọc cuốn từ điển của Trung Quốc và Việt Nam giải nghĩa chữ buôn bán là gì? Việt Nam giải nghĩa chữ buôn là buôn vào, bán ra, có lợi như thế là buôn bán. Trung Quốc thì người ta hỏi thương nghiệp là gì, tức là phát hiện ra một nhu cầu thì mới thỏa mãn nhu cầu đó, tổ chức sản xuất, lưu thông để thỏa mãn nhu cầu đó.

Như vậy nghĩa là, việc họ làm là có lợi cho cả xã hội, anh phải mua của tôi và cám ơn tôi chứ không như ở Việt Nam buôn bán là bắt chẹt nhau, bán giá thật cao, rồi hối lộ mấy ông bên chính sách Nhà nước và thế là giá nào cũng bán. Tôi thấy những người làm ăn phi pháp như thế đang đánh vào cái xấu, cái kém của mọi người. Không bao giờ tôi khuyên con tôi làm những thứ ấy cả.

Đồng tiền nó chỉ chứng tỏ sự thông minh, cái suy nghĩ của mình, sức lao động của mình chứ không phải là tôi đi ăn cướp và tôi bắt chẹt người khác. Và với đồng tiền như thế, tôi nghĩ rằng đó là dấu hiệu của phúc đức và sự tử tế mà cái đó sẽ duy trì cho dòng họ nhà mình, con cái nhà mình.

PV: – Cảm giác của ông thế nào khi những điều ông quan niệm, cách ông dạy con cháu đi ngược lại với những gì trong xã hội chúng ta diễn ra hiện nay?

NNCVH Vương Trí Nhàn: – Rất lạc lõng. Bây giờ nhìn lại tôi mới thấy của đáng tội chả ai người ta làm như tôi cả. Lúc tôi vẫn đang làm ở cơ quan thì mới đầu người ta bảo tôi làm Trưởng phòng, khi được hỏi tại sao tôi bảo tôi không làm được vì tôi không hơn những người nhân viên của tôi, tôi không làm.

Sau đó, họ bảo tôi làm Phó giám đốc, tôi cũng bảo tôi không làm được, bởi nếu tôi làm Phó giám đốc thì tôi phải làm được rất nhiều cho cơ quan và với đồng lương như thế nào, thảo nào tôi cũng phải ăn cắp thôi. Thứ hai là tôi đuổi hết. Các cán bộ mình có học hành gì đâu, đánh máy không biết đánh cho nên tôi thấy thế này tôi không làm được.

Cách sống cũng thế, tôi cũng có cảm thấy lạc lõng và tôi cũng công nhận được một điều là tôi may trong sự tính toán của tôi. Tôi nghĩ rằng có nhiều người ở trong hoàn cảnh cực khổ quá rồi cuối cùng làm bậy, làm bậy một lần rồi sau đó không giữ được nữa.

Tôi có cái may là không bị những thói quen, thói xấu chi phối. Và với những giá trị chân chính mà mình có được và mình lo thực của gia đình nhà cửa. Mình cố gắng chữ lương thiện, cái đó cảm tưởng rằng mình đang cố theo, mình không theo được hay không là chuyện khác nhưng mình có cái đó.

Và trong sự phấn đấu làm người của mình, tôi có được may mắn là tôi làm về văn học, nhất là văn học tiền chiến nói rất nhiều những đau khổ, sự cam chịu của con người và vượt lên những đau khổ ấy.

Ví dụ, Chí Phèo chẳng hạn, hắn còn tử tế chán. Chí Phèo còn hỏi ai cho tao lương thiện, bây giờ có ông nào dám nghĩ như thế không? Làm bao nhiêu chuyện làm bậy làm bạ rồi nói rằng đây là hoàn cảnh đẩy mình tới, mình phải thế thôi, chứ có nghĩ rằng bây giờ mình không làm chủ được mình nữa không?

Cái may mắn của tôi là ở chỗ đó. Tôi được biết đến một xã hội dân sự trước đó, nó có cuộc sống riêng đông đủ, phong phú và phức tạp. Con người ngày trước họ có niềm tin vào người ta. Còn bây giờ mọi người thấy mình giống đám đông chỗ nào mà mình cứ giống đám đông là yên tâm lắm rồi.

Và tôi nghĩ rằng có một cái nghề làm văn học là rất tốt đẹp nhưng nền văn học của mình rất vớ vẩn. Bây giờ các nhà văn thi nhau đi viết về sex. Tôi nghĩ rằng, đó cũng là cái bất hạnh của lớp trẻ hiện nay, nó yếu đuối, nó mỏng manh lắm. Các bạn trẻ bây giờ già hơn, hỏng hơn xưa quá.

Tôi nghĩ bản thân tôi năm nay 70 tuổi nhưng tôi vẫn nghĩ còn những việc tôi muốn làm, và tôi vẫn nghĩ là tôi có thể làm tốt hơn những gì tôi đã làm.

Và ở đây: danluan.org

**************

Con người và xã hội VN đạ được đảng sản sinh, nhào nặn như hai bài báo nói trên. Còn bản thân của đảng thì như thế nào?

Mời các bạn đọc qua thư của ông Hồ Cương Quyết. Ông này người Pháp, xin nhập quốc tịch Việt Nam lâu rồi, và hiện đang đấu tranh chống lại Trung Quốc chiếm 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ông làm phim về ngư dân ở Hoàng Sa và Trường Sa, đem chiếu ở Sai Gòn thì bị công an ngăn chận, cúp điện,…ông gởi thư phản đối các cán bộ cộng sản cao cấp thì không ai trả lời. Ông đem phim qua Pháp và Âu Châu chiếu thì bị các thế lực ngoại giao của đảng kết hợp với Trung Quốc ngăn chận… như dưới đây. 

Sẽ làm cho tan tành bức tường lặng im xấu hổ!

André Menras Hồ Cương Quyết
Phạm Toàn dịch

Gửi các ngư dân bị cầm tù tại Phú Lâm, Hoàng Sa,

Tôi ra đi từ Bobigny, ngôi làng của tình đoàn kết, nơi đây chúng tôi bán được 400 đồng euro sản phẩm thủ công nghiệp Việt Nam để ủng hộ trẻ em nghèo được Hội ADEP (Hội Xúc tiến Hợp tác Sư phạm) Pháp-Việt hỗ trợ …

Tôi đã gặp những nhà hoạt động của Đảng Cộng sản, các cán bộ Liên hiệp Công đoàn Pháp, đều là những con người tiến bộ cả: nay thì họ đã đựoc biết là có cuốn phim và họ đã được biết là có vấn đề ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc xâm hại. Có người đã khóc, họ thấy bị sốc, họ thấy phẫn nộ.

Khi đi đó đi đây trên đất Pháp, tôi vô cùng ngạc nhiên thấy đâu đâu người ta cũng lặng im trước vấn đề này. Thật kinh khủng khi thấy người ta đã có thể tảng lờ, thậm chí bóp nghẹt các thông tin tại một quốc gia tự cho mình là dân chủ!

Tuy nhiên, từ nhiều tháng nay, tôi đã gửi các bài viết, các bản dịch bài báo, những lá thư của các ngư dân và những tài liệu khác nữa tới những người có trách nhiệm của mấy tổ chức nói trên! Giờ thì họ chẳng thể nào nói được nữa là họ không biết chuyện gì đã xảy ra!

Vậy thì, họ đã ký kết với nhau những gì và như thế nào để khoá chặt các thông tin kia? Ai là người yêu cầu họ giữ lặng im? Đại sứ quán Việt Nam tại Paris, Đảng Cộng sản Việt Nam đã làm tất cả mọi điều trong phạm vi quyền hạn của họ để lên án những tội ác xâm lược của Tàu hay là ngược lại họ đã phối hợp kết hợp nhau để ngăn chặn thông tin?

Ta buộc phải nhận thấy một điều rõ ràng là kết quả của sự đồng loã Pháp-Việt đó đã phục vụ cho ý đồ của Trung Hoa và khuyến khích nước này tiếp tục mọi chuyện!

Tôi những muốn rằng những người lãnh đạo các tổ chức tôi đã trao đổi và trò chuyện với họ sẽ nhận ra trách nhiệm phải phát động một chiến dịch truyền thông lớn để huy động công luận ủng hộ chính nghĩa của ngư dân Việt Nam!

Kể từ tháng mười hai năm ngoái (12/2011) và từ khi người ta ngăn cấm chiếu phim tại Sài Gòn, trong cuộc đấu tranh của mình, tôi đã nhận thấy cái hiện thực đau buồn này: công chiếu phim của tôi, phổ biến các chứng cứ chứa đựng trong phim đó, lên án bọn tội phạm Trung Hoa, làm những điều đó là một hành động phản kháng không chỉ chống lại bọn theo chủ nghĩa bành trướng và bạo lực Trung Hoa mà còn là chống lại những hành động của những nhà lãnh đạo chính trị của “đảng anh em”, chống lại những đối tác kinh doanh của Bắc Kinh, chống lại nỗi sợ của những nhà lãnh đạo những tổ chức nhân đạo nào đó đang hợp tác với những nhà cầm quyền Trung Hoa…

Cho tới nay, không một tổ chức nào trong số đó đã giúp tôi một tay. Vậy là, đứng trước chủ nghĩa bất động tội ác của họ, tôi đã cùng với những bạn bè càng ngày càng đông đảo cùng chống lại họ. Một cuộc chống đối mà khởi đầu chỉ là những phương tiện ít ỏi, được trụ đỡ bởi những sáng kiến cá nhân, bao dung, ái quốc, kết đoàn. Mỗi lần đem phim ra chiếu, mỗi lần tranh luận vấn đề, mọi người nêu ra câu hỏi: tại sao có chuyện đó mà từ mười năm rồi chẳng có ai nói với chúng tôi sất? Tại sao lại không hề có một phóng sự lớn nào về đề tài này trên (báo của Đảng Cộng sản Pháp) tờ l’Humanité, cũng chẳng có gì trên báo Le Monde Diplomatique cũng như trên báo Libération? Mọi người hết sức ngạc nhiên.

Nhưng chính vì họ ngạc nhiên như thế nên lại càng thúc đẩy họ phản ứng mạnh hơn để làm cho mọi người xung quanh cùng lên tiếng, để quyên góp quỹ hỗ trợ. Có những người đã đề nghị tôi tổ chức ký kháng nghị tới Đại sứ quán Trung Quốc. Đó là một ý kiến có khả năng thực hiện và có khả năng mở ra nhiều hành động khác. Tôi có đôi chút kinh nghiệm về những phong trào đấu tranh khi mới ra đời và hình thành dần dần trong không khí mọi người chưa nhất trí với nhau. Khi các phong trào đó mở màn rồi thì không có ai ngăn chặn chúng nữa. Tôi tin tưởng chắc chắn là với sự ủng hộ hoặc mặc dù có sự kìm hãm của nhà cầm quyền, chúng ta sẽ xây dựng nhẹ nhàng nhưng vững vàng cả một mặt trận đối kháng quốc tế ủng hộ ngư dân Việt Nam và bệnh vực chủ quyền quốc gia của Việt Nam. Phong trào đó cũng sẽ phát triển khẩn trương nhanh chóng tương ứng với sự nhanh chóng từ phía nhà cầm quyền Trung Hoa khi họ cố tình chọn lựa triển khai sức mạnh nào và tần suất những cuộc xâm lấn đánh vào ngư dân Việt Nam tại Hoàng Sa và đặc biệt trên cả vùng biển Đông Nam Ấ.

Chúng ta sẽ làm rạn nứt bức tường lặng im xấu hổ và cuối cùng chúng ta sẽ làm cho nó phải tan tành. Chiều nay, 23 tháng giêng, tôi bay tới Berlin với niềm tin này, và trong tim cũng như trong đầu là một ý nghĩ ngập tràn tình cảm đối với 21 ngư dân của chúng ta đang bị cầm tù ở Phú Lâm cùng với gia đình họ đang đau lòng chờ đợi tại Lý Sơn.

A. M. – H. C. Q.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Posted in Chinh Tri Xa Hoi, Nợ công và Nợ doanh nghiệp, Xã Hội và các vấn nạn (Social Problems) | 2 Comments »