Trần Hoàng Blog

Archive for the ‘Ở Miến Điện’ Category

►Bài học từ Đức và Miến Điện: Dân tộc trường tồn, độc tài phải ra đi

Posted by hoangtran204 trên 18/06/2018

 

 

Đọc tiếp »

Posted in Ở Miến Điện, Độc đảng lãnh đạo -Thể chế | Leave a Comment »

►Trung Quốc trải thảm đỏ cho bà Suu Kyi để nắm chặt Miến Điện- Xung đột sắc tộc Miến Điện : Aung San Suu Kyi nhờ Bắc Kinh giúp

Posted by hoangtran204 trên 23/08/2016

Trung Quốc lo sợ bị bao vây ở Biển Đông, bị chận ở eo biển Malacca ở Singapore, nên tìm đường thông thương ra Ấn Độ dương. Muốn được vậy, TQ phải nắm được chính phủ Miến và làm đường đi ngang qua Miến Điện ra Ấn độ dương. Hơn 50 năm qua, TQ  bán vũ khí, lương thực, thuốc men, thậm chí đánh thuê cho các nhóm sắc tộc ở vùng biên giới Miến- Trung để các nhóm nầy đòi quyền tự trị, tạo bất ổn, và chống lại chính phủ Miến Điện. “Các nhóm thiểu số đã quản lý lãnh địa của họ từ nhiều thập kỷ qua, tha hồ buôn lậu đủ loại tài nguyên, mang lại thu nhập rất lớn nên họ không có lợi lộc gì khi thỏa hiệp với chính quyền”. Bằng cách kết hôn, thương mại, gài gián điệp, TQ đã cắm được người của họ vào trong các gia đình của các thủ lãnh sắc tộc. Bởi vậy, các nhóm sắc tộc này đều nghe lệnh Trung Quốc. 

Xung đột sắc tộc Miến Điện : Aung San Suu Kyi nhờ Bắc Kinh giúp

Trọng Thành

20-8-2016

media

Bà Aung San Suu Kyi và ông Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 19/08/2016. REUTERS/Rolex Dela Pena/Pool

Hôm qua 19/08/2016, trong chuyến công du Trung Quốc, ngoại trưởng Miến Điện Aung San Suu Kyi đã gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Bà Aung San Suu Kyi yêu cầu chính quyền Trung Quốc hỗ trợ trong việc tìm ra giải pháp chấm dứt các xung đột với nhiều sắc tộc tại vùng biên giới, giáp với Trung Quốc.

 

Thông tín viên Rémy Favre tường trình từ Rangoon:

« Trong chuyến công du mang tính chuẩn bị này, Aung San Suu Kyi cần được hậu thuẫn. Hiện tại, nhiều nhóm sắc tộc nổi dậy Miến Điện đang chống lại quân đội tại các vùng biên giới, đặc biệt là phía bắc, suốt dọc theo biên giới với Trung Quốc. Một số thủ lĩnh nổi dậy thậm chí còn ẩn náu trên đất Trung Quốc. Kể từ đầu tháng đến nay, các đụng độ giữa lực lượng nổi dậy Kachin và quân đội, tại các khu vực không xa đất Trung Quốc, đã buộc khoảng 1.500 người phải bỏ nhà ra đi. Nhà lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi biết rằng chìa khóa để giải quyết các xung đột này một phần do Bắc Kinh.

Sự ủng hộ mà bà Aung San Suu Kyi tìm kiếm trong chuyến công du tuần này ở nước láng giềng hùng mạnh lại càng trở nên quan trọng hơn, vào lúc Aung San Suu Kyi vừa khởi động tiến trình hòa bình trong tháng 8 này. Mười ngày nữa sẽ diễn ra một hội nghị lớn về hòa bình, với các bên tham gia là các nhóm nổi dậy tại Miến Điện, quân đội và chính phủ. 

Về phần mình, chủ tịch Trung Quốc hứa hẹn sẽ đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình này. Đại sứ Trung Quốc tại Miến Điện cũng đã cam kết ủng hộ về tài chính và vật lực cho các nỗ lực hòa bình tại Miến Điện ».

Trong chuyến công du của ngoại trưởng Miến Điện, Trung Quốc một mặt tuyên bố ủng hộ tiến trình hòa bình tại Miến Điện, mặt khác cũng gây áp lực để chính phủ Miến Điện phải cho khởi động lại dự án xây đập thủy điện khổng lồ Myitsone, bị đình chỉ từ năm 2011, do sự phản đối mạnh mẽ trong công luận Miến Điện.

AFP hôm nay, 20/08, trích nhận định trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo Trung Quốc, theo đó, « việc tái khởi động dự án này chỉ còn là vấn đề thời gian ».

Đập Myitsone : Trung Quốc gây áp lực

Nếu được xây dựng, dự án đập Myitsone, công suất 6.000 MW – dự kiến cung cấp 90% lượng điện sản xuất sang Trung Quốc – sẽ làm ngập hơn 700 km², ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người dân, chưa kể các tác động hết sức lớn đến địa chất, làm tăng nguy cơ động đất, núi lở.

Nhiều phương tiện truyền thông Miến Điện gần đây cảnh báo : Chấp thuận dự án Myitsone là hành động « tự sát về chính trị » đối với tân chính quyền Miến Điện. Trong chuyến công du vừa qua tại Trung Quốc, ngoại trưởng Aung San Suu Kyi tuyên bố một ủy ban sẽ xem xét dự án đập Myitsone, nhưng không cho biết cụ thể.

Theo Reuters, hôm qua 19/08, một nhóm gồm 60 tổ chức xã hội dân sự Miến Điện tại Rangoon đã gửi thư đến chủ tịch Trung Quốc, thông qua đại sứ quán Trung Quốc tại Miến Điện. Bức thư nhấn mạnh với phía Trung Quốc rằng, kể từ khi dự án đập thủy điện khổng lồ nói trên được khởi công, nhân dân Miến Điện « đã chưa bao giờ thực sự được hỏi ý kiến ».

 

 

Trung Quốc trải thảm đỏ cho bà Suu Kyi để nắm chặt Miến Điện

Thụy My

22-8-2016

media

Lãnh đạo Miến Điện được Bắc Kinh trang trọng đón tiếp. Trong ảnh: bà Aung San Suu Kyi và thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, 18/08/2016. REUTERS/Jason Lee

 

Từ khi Miến Điện giành độc lập năm 1948, các nhóm nổi dậy vũ trang có tiếng là gần gũi với chính quyền cộng sản Trung Quốc, luôn chống đối quân đội chính phủ. Lãnh đạo Miến Điện có thể cảm ơn Bắc Kinh đã gây áp lực trên nhiều nhóm để họ chịu tham gia hội nghị hòa giải lịch sử ngày 31/8 tới. Hôm thứ Sáu, ông Tập Cận Bình đã khẳng định muốn « đóng một vai trò xây dựng nhằm xúc tiến tiến trình hòa bình ».

Đối với Trung Quốc, nhiều nhà quan sát ghi nhận, đây là nhằm đảm bảo cho Miến Điện không thoát khỏi vùng ảnh hưởng của mình. Từ nay nắm trọn quyền lực, thần tượng đấu tranh dân chủ có nguy cơ xích lại gần các cường quốc phương Tây.

Nhưng chuyến đi kết thúc hôm qua cho thấy bà Aung San Suu Kyi đã coi trọng quan hệ với Bắc Kinh như thế nào. Bà không hề chỉ trích Trung Quốc vi phạm nhân quyền, tỏ ra trung lập trong tranh chấp Biển Đông. Hơn nữa, bà dành chuyến công du đầu tiên bên ngoài Đông Nam Á cho Trung Quốc, còn Hoa Kỳ thì để đến tháng Chín.

Trên lãnh vực kinh tế, để giảm áp trong hồ sơ đập thủy điện Myitsone trị giá 3,6 tỉ đô la bị chính quyền ông Thein Sein cho ngưng lại do dân chúng chống đối vì tác hại đến môi trường, trước chuyến công du này bà Aung San Suu Kyi đã cho thành lập một ủy ban nghiên cứu giải quyết. Sáng kiến này được Trung Quốc hoan nghênh, nhưng ít có nhà quan sát nào cho rằng dự án sẽ được tiếp tục, mà có lẽ Miến Điện sẽ tính đến việc bồi thường.

Lính Trung Quốc đánh thuê cho quân nổi dậy Miến Điện ?

Cũng về chủ đề quan hệ Miến Điện-Trung Quốc, chuyên gia Tôn Vân (Yun Sun) của Centre Stimson tại Washington trong bài trả lời phỏng vấn báo Le Monde có cùng nhận định « Bắc Kinh sẽ hỗ trợ tiến trình hòa giải Miến Điện ». Sau khi xích lại gần phương Tây, Miến Điện chăm chút cho quan hệ với nước láng giềng hùng mạnh, vì Trung Quốc đang nắm trong tay chiếc chìa khóa về các nhóm thiểu số nổi dậy.

Bà Tôn Vân – đã từng đến gặp quân đội Wa (UWSA) hồi tháng Bảy – cho biết bà không thấy các trực thăng chiến đấu Trung Quốc như tạp chí Jane’s Defense Weekly đã nêu, nhưng thấy UWSA có cơ xưởng sản xuất vũ khí riêng. Họ cũng tuyển mộ cả lính đánh thuê Trung Quốc, trả lương cao – bà cũng đã trực tiếp nói chuyện với những người này.

Chuyên gia này cho rằng một hội nghị Panglong sắp tới với các phe nổi dậy không thể giải quyết được lập tức mọi vấn đề, hòa bình không thể có ngay. Các nhóm thiểu số đã quản lý lãnh địa của họ từ nhiều thập kỷ qua, tha hồ buôn lậu đủ loại tài nguyên, mang lại thu nhập rất lớn nên họ không có lợi lộc gì khi thỏa hiệp với chính quyền. Tiến trình sẽ còn kéo dài.

Bắc Kinh đã hết sức cố gắng để thuyết phục nhóm thiểu số Wa (Ngõa Bang) tham gia hội nghị – đây là một đóng góp cụ thể của Trung Quốc, gởi một đặc sứ đi dự hội nghị thượng đỉnh liên sắc tộc do nhóm Kachin tổ chức cuối tháng Bảy, và bí mật cấp 3 triệu đô la cho chính quyền Miến Điện để hỗ trợ tiến trình hòa bình.

Theo nhà phân tích, Trung Quốc có khu vực biên giới với Miến Điện an toàn, không muốn chiến sự xảy ra. Nhưng đặc biệt là « Con đường tơ lụa mới » – mô hình đắc ý của Tập Cận Bình, chạy xuyên qua châu Á nối với phần còn lại của thế giới – đi qua các vùng đất bất ổn là bang Rakhine và bang Shan. Trung Quốc đã nhắn nhủ với các nhóm nổi dậy trong khu vực này là nếu đụng đến cơ sở hạ tầng của dự án sẽ là tự sát.

____________

Thông cáo chung Miến Điện-Trung Quốc tránh đề cập đến Biển Đông

media
Bà Aung San Suu Kyi trong chuyến công du Bắc Kinh, ngày 18/08/2016. Reuters

21-8-2016

Cố vấn Nhà nước Miến Điện Aung San Suu Kyi kết thúc chuyến công du Trung Quốc hôm nay 21/08/2016. Thông cáo chung của đôi bên không hề nhắc đến vấn đề Biển Đông. Đây là “một thắng lợi” của Bắc Kinh, hiện đang làm mọi cách để tránh né các nhận xét tiêu cực từ các quốc gia thành viên ASEAN về vấn đề này.

 

Theo báo Ấn The Hindu, thông cáo chung được đưa ra sau cuộc gặp của bà Aung San Suu Kyi với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không hề đề cập đến tranh chấp Biển Đông.

Thông cáo cho biết Miến Điện hoan nghênh sáng kiến « Một vành đai, một con đường » của Trung Quốc, và hành lang kinh tế Bangladesh-Trung Quốc-Ấn Độ- Miến Điện (BCIM) chạy dài hơn 2.000 km nối liền Vân Nam của Trung Quốc với Mandalay của Miến Điện, đi ngang qua Bangladesh và kết thúc tại Ấn Độ. Phía Trung Quốc ủng hộ nỗ lực của Miến Điện « vì hòa bình và hòa giải dân tộc thông qua đối thoại »

Trước chuyến đi, báo chí Miến Điện nhấn mạnh việc bà Suu Kyi tìm kiếm sự hỗ trợ của Bắc Kinh trong việc hòa giải với các nhóm nổi dậy mà từ hơn nửa thế kỷ qua vẫn được nuôi dưỡng bằng việc buôn lậu ma túy, gỗ và cẩm thạch qua ngõ Trung Quốc.

Hồ sơ rất được chú ý là dự án đập thủy điện Myitsone 3,6 tỉ đô la do Trung Quốc đầu tư, đã bị chính quyền Thein Sein trước đây cho ngưng vì gây thiệt hại cho môi trường, không thấy nhắc đến trong thông cáo. Trong một thư ngỏ gởi đến ông Tập Cận Bình, 60 nhóm xã hội dân sự tại Rangun nhấn mạnh rằng « Nhân dân Miến Điện chưa bao giờ được tham khảo ý kiến kể từ khi dự án đập Myitsone được khởi thảo ».

Báo The Irrawaddy cho biết 26 tổ chức xã hội dân sự của người Shan và nhóm bảo vệ môi trường kêu gọi cho ngưng ngay lập tức các dự án xây đập ở sông Salween. Một thư ngỏ khác gởi cho bà Aung San Suu Kyi cảnh báo dự án đập thủy điện gây tranh cãi có thể làm trầm trọng thêm tình hình tại các khu vực nổi dậy.

_________________

Phong trào nhạc rop độc lập đang hấp hối tại Bắc Kinh

Trên lãnh vực văn hóa ở Trung Quốc, Le Figaro chú ý đến tình trạng « Bị chính quyền trấn áp, phong trào nhạc rock độc lập đang hấp hối tại Bắc Kinh ». Các vụ cấm các nhóm trình diễn, đóng cửa các câu lạc bộ chơi nhạc live liên tục diễn ra, đe dọa vị trí thủ đô văn hóa mà Bắc Kinh đang mơ đến.

Thông tín viên của Le Figaro tại Bắc Kinh nêu ra trường hợp nhóm nhạc hip-hop IN3. Năm ngoái, nhóm này là mục tiêu chính bị một chỉ thị của bộ Văn hóa chiếu cố : cấm 120 bài hát. Trong khi mức độ dữ dội, tính phản kháng trong lời các bản nhạc của IN3không thể nào so sánh được với các nhóm rap Mỹ hay Pháp. Nhóm tránh mọi chỉ trích các lãnh đạo Trung Quốc, nhưng chế độ không hề ưa chất xã hội trong lời hát, mô tả cuộc sống thường nhật của giới trẻ Bắc Kinh.

Bài Beijing Evening News đứng thứ ba trong danh sách bị cấm thuật lại những chuyến dạo chơi ban đêm ở thủ đô Trung Quốc, với những cuộc đua xe mà người cầm lái say rượu, tán gái, đánh nhau với các chủ quán bar…Nhưng nhất là nói về những bất công và bất bình đẳng. « Một số người ngủ trong hầm xe điện ngầm, trong khi những kẻ khác phung phí tiền công quỹ cho những bữa tiệc linh đình ».

Chủ câu lạc bộ Mao Livehouse đã bị đóng cửa cho rằng, Trung Quốc đã bỏ lỡ cơ hội sử dụng quyền lực mềm, dùng văn hóa để cải thiện hình ảnh của đất nước.

Ấn Độ : Người khổng lồ dân số, chú lùn thế vận

Cũng liên quan đến châu Á nhưng trên lãnh vực thể thao, Le Monde nhận định « Ấn Độ : Người khổng lồ dân số, chú lùn Olympic ». Đất nước có dân số đông thứ nhì thế giới từ năm 1900 đến nay chỉ giành được có 28 huy chương thế vận, trong đó có 2 huy chương tại Rio lần này.

Tại Ấn Độ, người ta chỉ chú ý đến các vận động viên khi nào họ lọt vào vòng bán kết hay chung kết. Giáo dục được đặt lên trên hết, thể thao chỉ là thứ yếu, trong lúc hãy còn nhiều trẻ em bị suy dinh dưỡng. Môn thể thao được yêu thích nhất tại Ấn Độ là cricket thì từ một thế kỷ qua đã biến mất khỏi chương trình thi đấu thế vận.

Trong hơn 100 năm tham gia Olympic, tổng số huy chương mang về chỉ vỏn vẹn có 9 vàng, 7 bạc và 12 đồng. Để gia tăng cơ may, lần này Ấn Độ gởi sang Rio de Janeiro đến 123 vận động viên, nhưng tất cả đều bằng vé hạng tiết kiệm.

Người Anh đã « mua huy chương vàng » như thế nào ?

Nhìn sang Luân Đôn, Le Monde giải thích « Người Anh đã mua ‘vàng’ như thế nào ». Quốc gia đứng thứ nhì trong bảng tổng sắp huy chương đã tăng gấp năm lần ngân sách dành cho thể thao.

Bí mật thành công made in Britainlà gì ? « Rất đơn giản, đó là tiền » –Steve Haake, giám đốc Advanced Wellbeing Research Centre của trường đại học Sheffield Hallam trả lời ngay. Từ hai chục năm qua, Anh quốc ồ ạt đầu tư vào thể thao đỉnh cao : 274 triệu bảng Anh (316 triệu euro) chỉ trong vòng bốn năm nay.

Để rửa nỗi nhục xếp tận hạng 37 trong Thế vận hội Atlanta 1996 chỉ với một huy chương, thủ tướng lúc đó là John Major ra lệnh dành một số lớn tiền từ National Lottery (xổ số quốc gia) đầu tư cho thể thao. Kết quả thấy ngay : Anh ngoi lên hạng 10 trong Thế vận hội Sydney 2000.

Khi Luân Đôn được chọn làm thành phố thế vận năm 2012, tốc độ đã được đẩy nhanh hơn ngay từ năm 2007. Tài chính bỗng chốc được tăng lên gấp ba, nhưng không dành cho nghiệp dư mà tập trung cho chuyên nghiệp, mỗi bộ môn được ấn định chỉ tiêu cụ thể.Thế là Anh quốc leo lên hàng thứ 4 tại Olympic Bắc Kinh 2008 và bốn năm sau đó trên sân nhà đã đạt kỷ lục 65 huy chương.

Với Olympic Rio 2016, trái với nhiều nước đã buông tay sau khi Thế vận hội được tổ chức tại nước mình đã trôi qua, Anh vẫn tăng 3% hỗ trợ tài chính, nhưng tập trung vào mục tiêu : chỉ có 20 bộ môn nhiều hy vọng nhất là nhận được. Tiền được tuôn như nước giúp các vận động viên đỉnh cao chuyên tâm vào tập luyện. Những người xuất sắc nhất được lãnh đến 28.000 bảng Anh (32.000 euro) một năm, chưa kể số tiền liên đoàn nhận được để chi cho huấn luyện viên và thiết bị.

Cánh tả Pháp tan tác : Hồ sơ chính nhiều tờ báo

Trên lãnh vực chính trị nước Pháp, Libération đưa tựa trang nhất « Hamon, Duflot, Montebourg…Cánh tả tan rã ». Còn tám tháng nữa là đến kỳ bầu cử tổng thống, những chính khách hàng đầu của cánh tả mạnh ai nấy hành động để đạt được mục đích. Với tuyên bố ứng cử của ông Arnaud Montebourg hôm qua, nay đã có đến tám ứng viên cánh tả ra tranh cử.

Nhật báo cánh hữu Le Figaro chạy tựa trang nhất « Montebourg, Duflot, Hamon…Tất cả đều chống lại Hollande ». Tổng thống sắp mãn nhiệm ngày càng bị bao vây bởi nhiều ứng cử viên hơn, và tất cả đều chỉ trích mạnh mẽ chính sách và kết quả của nhiệm kỳ ông François Hollande.

Về kinh tế, La Croix quan tâm đến tình hình căng thẳng giữa các nhà chăn nuôi và giới kỹ nghệ xung quanh giá sữa, trong bối cảnh sản xuất thừa trên thế giới, với hồ sơ mang tên « Sản phẩm từ sữa, lý do của cuộc khủng hoảng ».

Les Echos nhận định « Thuế : Vòng đấu cuối của ông François Hollande ». Lời hứa không tăng thuế của tổng thống Pháp có vẻ khó thực hiện khi tăng trưởng dậm chân tại chỗ, và ông Hollande chỉ còn 100 ngày nữa để khẳng định việc tái ứng cử hay không.

Le Monde nói về « Những cuộc cách mạng của thị trường xe hơi thế giới » : Kỹ nghệ xe hơi đang chuyển đổi vô cùng nhanh chóng, với những thay đổi trong công nghệ và tiến triển của việc sử dụng. Sản xuất xe hơi tự hành tăng nhanh, cạnh tranh về động cơ điện tăng cao, bên cạnh đó các công ty truyền thống còn đầu tư vào thị trường mới, trước khuynh hướng dùng chung xe đang lan rộng.

Posted in Á, Ở Miến Điện, Chinh tri Trung Quoc, Đổi Mới | Leave a Comment »

►Miến Điện chấp dứt 53 năm chế độ quân sự. Bao giờ Việt Nam chấm dứt chế độ độc đảng toàn trị?

Posted by hoangtran204 trên 15/11/2015

8-11-2015

Luật sư Nguyễn Văn Đài

Hôm nay, ngày 8 tháng 11 năm 2015, một lần nữa Nhân dân Miến Điện tiến hành cuộc bầu cử tự do dân chủ đa đảng lần thứ hai tính từ năm 1990. Năm 1990, đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi đã giành thắng lợi tuyệt đối. Nhưng giới quân sự đã không chấp nhận kết quả bầu cử, không chuyển giao quyền lực và tiến hành quản thúc bà tại gia trong suốt 20 năm.

Nhân dân Miến Điện dưới sự lãnh đạo của đảng NLD, bà Aung San Suu Kyi và các đảng đối lập khác đã kiên trì đấu tranh trong suốt hơn 20 năm. Hàng ngàn thành viên của các đảng đối lập bị bắt giữ, bị cầm tù, nhiều người bỏ mạng trong lao tù.

Nỗ lực đấu tranh của Nhân dân Miến Điện, cùng với áp lực từ cộng đồng quốc tế đã đem lại kết quả tuyệt vời. Đó là tập đoàn quân sự cầm quyền của Miến Điện đã thay đổi nhận thức. Họ đã lấy lợi ích của quốc gia và của Nhân dân Miến Điện làm đại cục thay vì lợi ích của một nhóm nhỏ giới quân sự.

Họ đã cải cách Hiến pháp, cho phép các đảng đối lập ra tranh cử. Kết quả bà Aung San Suu Kyi và đảng NLD đã giành thắng lợi vang dội trong cuộc bầu cử bổ sung năm 2012. Mở đường cho Miến Điện tham gia hội nhập khu vực và thế giới.

Rõ ràng lương tâm, lương tri, quyền lợi của Nhân dân và quốc gia đã thức tỉnh tập đoàn quân sự Miến Điện. Và điều đó đã mở ra một kỷ nguyên mới, một kỷ nguyên tươi sáng cho Nhân dân Miến Điện.

Đảng cộng sản Việt Nam thì sao? Bao giờ lương tâm, lương tri, quyền lợi của Nhân dân và Tổ quốc mới chấm dứt được tham vọng quyền lực, quyền lợi tuyệt đối của họ?

Chỉ khi nào Việt Nam chấm dứt được chế độ độc đảng toàn trị, xây dựng chế độ dân chủ đa đảng, tôn trọng các quyền con người thì khi đó một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên tươi sáng và rực rỡ mới đến với đất nước và dân tộc Việt Nam.

Chỉ trong chế độ tự do dân chủ, mọi người dân Việt Nam mới có quyền và cơ hội bình đẳng để cùng tham gia đóng góp xây dựng đất nước. Khi đó những người có tài năng, có đạo đức, đảng chính trị có uy tín, năng lực mới được Nhân dân lựa chọn thông qua bầu cử để lãnh đạo đất nước. Và khi đó, Việt Nam sẽ bước vào một kỷ nguyên mới.

Vậy câu hỏi đặt ra là làm thế nào để chấm dứt chế độ độc đảng toàn trị?

Điều này thì một nhóm công dân, một vài tổ chức XHDS, chính trị không thể làm được. Mà để thay đổi được đất nước, chúng ta cần nỗ lực, công sức đóng góp mọi thành phần trong xã hội, mọi người dân.

Nếu hôm nay, tất cả mọi người dân cùng lên tiếng đòi hỏi thay đổi. Ngày mai Việt Nam sẽ có tự do dân chủ!

———————————-

Vu Hai Tran added 3 new photos.

November 10 at 8:10am · Edited

Những cặp đôi vĩ đại.

1. Jaruzelski – Walesa của Ba lan. Đại tướng Jaruzelski, lãnh tụ cuối cùng (từ 1981 đến 1990) của cộng sản Ba lan đã từng bước trao lại quyền lực thông qua những hội nghị “bàn tròn”, những cuộc bầu cử hoà bình và trật tự trong những năm 1989, 1990 cho Công đoàn Đoàn Kết của người thợ Walesa, từng bị cầm tù nhiều lần, giải thưởng Nobel hoà bình năm 1983, tổng thống đầu tiên của Ba lan hậu cộng sản.

2. De Klerk – Mandela của Nam phi. Ngay sau khi được bầu làm tổng thống cuối cùng của Nam phi Apartheid (1989), de Klerk đã trả tự do cho lãnh tụ da đen Mandela ( ngồi tù 27 năm ), đàm phán cùng Mandela và đảng ANC để hình thành một nước Nam phi mới không phân biệt chủng tộc. Cả hai cùng đoạt giải thưởng Nobel hoà bình năm 1993, trước khi Mandela được bầu làm tổng thống Nam phi năm 1994, còn de Klerk trở thành phó tổng thống .

3. Thein Sein – Aung San Suu Kyi của Myanmar. Đại tướng, tổng thống Thein Sein (thủ tường từ 2007, tổng thống từ 2010 ) đã kiến tạo đường lối mở cửa, cải cách cho Myanmar với sự hậu thuẫn của bà Aung San Suu Kyi, người cùng đảng NLD đã thắng cử tuyệt đối năm 1990 nhưng bị giới quân sự tước bỏ chiến thắng, năm 1991 bà được giải thưởng Nobel hoà bình, bị quản thức và bắt giữ nhiều lần cho đến 2010. Tổng thống Thein Sein đã tuyên bố chấp nhận kết quả bầu cử ngày 8/11/2015 với bất cứ kết quả nào. Hiện kết quả bầu cử cho thấy bà Aung San Suu Kyi cùng NLD đang thắng tuyệt đối.

bà Aung San Suu Kyi cùng NLD đang thắng tuyệt đối.

Posted in Ở Miến Điện, Dân Chủ và Nhân Quyền, Thời Sự, Đổi Mới | Leave a Comment »

►Để không còn là giấc mơ…

Posted by hoangtran204 trên 12/11/2015

Blog RFA

Song Chi

10-11-2015

Khi xảy ra sự kiện Liên Xô và hàng loạt các nước XHCN Đông Âu cũ đổ sụp như những quân bài domino vào cuối những năm 80, đầu 90 của thế kỷ XX, nhiều người Việt trong và ngoài nước hồi hộp mơ có một ngày như vậy sẽ đến với VN.

Hơn 20 năm sau, lại một hiệu ứng dây chuyền domino khác, cuộc “cách mạng hoa nhài” hay “cách mạng màu” lần này bắt đầu từ Tunisia rồi sau đó lan ra các nước Hồi giáo Ả rập ở Bắc Phi và Trung Đông, lật đổ hàng loạt chế độ độc tài tại các quốc gia này. Người Việt khi đó cũng mơ bao giờ cho đến VN.

Và bây giờ là Myanmar (Miến Điện). Sau hơn nửa thập kỷ nằm dưới một chế độ quân phiệt nổi tiếng độc tài, không khoan dung, với thành tích tệ hại về nhân quyền, đàn áp tự do, dân chủ, và sau 25 năm từng có một cuộc bầu cử tự do, người dân đã lại được đi bầu và thể hiện ý nguyện của mình. Đảng đối lập Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (National League for Democracy) của bà Aung San Suu Kyi đã thắng lớn, đảng cầm quyền Liên minh Đoàn kết Phát triển (Union Solitary Development Party), được quân đội hậu thuẫn, đã thừa nhận thất bại.

Hành trình thay đổi vể hướng tự do dân chủ một cách hòa bình này bắt đầu từ trước đó hơn 2 năm, bởi hai con người vĩ đại, Tổng thống đương quyền Thein Sein và lãnh tụ đảng NLD Aung San Suu Kyi.

Người Việt trong và ngoài nước lại nhìn sang Myanmar. Lại vẫn câu hỏi day dứt, lại vẫn giấc mơ cũ: Bao giờ cho đến VN?

Nhưng nếu chỉ mơ không thì chẳng thay đổi được gì. Vẫn còn có rất nhiều lý do làm nên sự khác biệt giữa tình trạng của VN và Myanmar, giữa việc tại sao VN chưa làm được như Myanmar dù cả hai đều là những quốc gia độc tài, đều nằm sát Trung Cộng, đều phải chịu đựng một mối quan hệ bất cân xứng, thiệt thòi và tiềm ẩn đầy rủi ro với Trung Cộng.

Có thể nói vắn tắt như thế này:
1. Dù Myanmar phải chịu đựng một chính quyền quân sự độc tài nhưng không phải do đảng cộng sản lãnh đạo, Myanmar không bị nhiễm độc bởi hệ thống tư tưởng Marxism-Leninism, lịch sử nhân loại cho đến giờ này đã cho thấy chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản là hai học thuyết có tác hại lớn nhất mà con người nghĩ ra, và những chế độ được hình thành, xây dựng từ hai học thuyết này là những chế độ tồi tệ nhất cho đất nước, dân tộc đó.

2. Myanmar dù độc tài nhưng các đảng phái chính trị đối lập vẫn có thể ra đời và hoạt động trong một chừng mực nào đó, dù gặp vô vàn khó khăn và bị đàn áp. Từ đó những nhân vật như bà Aung San Suu Kyi đã có cơ hội hoạt động chính trị, cọ xát với thực tế, tiếp xúc với nhân dân và trưởng thành. Ngược lại, trong một môi trường hoàn toàn không có chỗ cho bất cứ một đảng phái chính trị đối lập nào, mọi khuôn mặt bất đồng chính kiến hay chính trị gia có chút tiềm năng đều bị “tiêu diệt” cách này cách khác, mọi hoạt động có tính chính trị dù ôn hòa nhất đều bị ngăn chặn từ trong trứng nước thì làm thế nào mà phong trào dân chủ có thể lớn mạnh nổi và những con người có khả năng có thể xuất hiện?

3. Đảng cộng sản như lời Cố Tổng thống Ngô Đình Diệm, là “một bọn vong bản vô gia đình, vô tổ quốc, vô tôn giáo” (nhân dịp khánh thành đập Đồng Cam, Tuy Hòa 17.9.1955). Chế độ quân phiệt ở Myanmar dù sao đi nữa, cuối cùng đã chọn đặt quyền lợi của Tổ quốc, nhân dân lên trên quyền lợi của đảng cầm quyền. Nhưng còn đảng cộng sản, dù là đảng cộng sản Bắc Hàn, Trung Quốc hay VN thì luôn luôn đặt quyền lợi của đảng lên trên tất cả và nhất định nắm quyền đến cùng.

4. Khác với xã hội Myanmar nơi Phật giáo có ảnh hưởng rất lớn trong đời sống, hướng dẫn con người biết sống cho tử tế, thiện lương, biết sợ nhân quả, chủ nghĩa cộng sản và đảng cộng sản đã phá nát xã hội VN, từ cấu trúc xã hội, hình thái gia đình, tôn giáo, văn hóa, giáo dục, đạo đức, lương tri của con người… đều bị hủy hoại. Con người trở nên thờ ơ với chính trị, vô cảm với vận mệnh của đất nước, không quan tâm đến những khát vọng về tự do dân chủ, chỉ quan tâm đến đời sống vật chất, đến những lợi ích của bản thân và gia đình, mặc kệ đảng cộng sản đưa đất nước này, dân tộc này đi về đâu.

Còn rất nhiều nguyên nhân khác nữa, nhưng chỉ trong 4 nguyên nhân trên, thì ngoài cái “tội” của chủ nghĩa cộng sản, của hệ thống sai lầm, yếu tố con người vô cùng quan trọng. Chúng ta có thể chưa có một Aung San Suu Kyi, cũng chưa nhìn thấy bất cứ ai sẽ là Gorbachev hay Thein Sein trong những nhân vật chính khách thuộc bộ máy đảng và nhà nước cộng sản VN, nhưng ngay trong từng người dân VN, nếu nhu cầu về tự do dân chủ chưa thật bức thiết; hay đứng trước thực tế một Việt Nam lạc hậu, thua kém bao nhiêu nước khác và khoảng cách ngày càng rộng hơn, một hình ảnh VN trong mắt bạn bè quốc tế gắn liền với nhiều tiêu cực hơn tích cực, người Việt ra ngoài đi đâu cũng thấy nước mình, dân mình chịu thiệt thòi hơn nước người ta, dân người ta, nếu cái thực tế ấy vẫn chưa đủ để tạo nên nỗi đau nỗi nhục lớn trong mỗi người, từ đó bùng lên thành khát vọng mãnh liệt muốn thay đổi thể chế chính trị để con cháu sau này có thể sống tốt đẹp hơn, sống đúng là con người hơn…thì đó chỉ có thể là lỗi của chúng ta.

Chiến thắng của người dân Myanmar hôm nay đã phải đổi bằng máu, bằng cái chết của hàng ngàn người và hàng ngàn người khác bị cầm tù, còn người Việt có chịu trả giá như vậy? Và nếu người Việt trong nước chấp nhận xuống đường, gây sức ép với nhà cầm quyền đòi thay đổi, người Việt ở nước ngoài có đồng lòng hỗ trợ như người Ba Lan ở nước ngoài đã dồn tiền, dồn sức cho phong trào đấu tranh của Công đoàn Đoàn Kết đi đến thắng lợi?

Một ví dụ nhỏ, họ Tập sang thăm VN hứa Trung Quốc sẽ viện trợ cho VN một tỷ nhân dân tệ trong 5 năm. Nói như nhà báo Lê Đức Dục:

“1 tỷ nhân dân tệ quy đổi theo tỷ giá USD hiện nay sẽ bằng 154 triệu USD.
154 triệu USD lớn hay nhỏ?
Không nhỏ, nhưng cũng có thể là …rất nhỏ!
Ngoại hối của người Việt gửi về VN trong năm nay dự kiến là 15 tỷ USD, những năm trước bình quân là 12-14 tỷ USD,
15 tỷ USD chia cho 365 ngày, mỗi ngày người Việt gửi về nước 41 triệu USD
số tiền 154 triệu USD Tập ban ơn mưa móc ấy chưa bằng tiền Việt kiều gửi về nước trong 4 ngày
 (facebook Le Duc Duc).

Trong nhiều năm qua, người Việt ở nước ngoài chăm chỉ làm việc, gửi tiền về giúp thân nhân, làm từ thiện, đầu tư kinh doanh rồi lại thường xuyên đi về thăm quê hương, chi tiêu…Số kiều hối này cứ mỗi năm mỗi tăng, góp phần nuôi sống chế độ cộng sản dài dài. Biết rằng người Việt nặng tình với gia đình nhưng nếu mỗi người Việt ở bên ngoài chỉ cần hy sinh không gửi tiền về nước một thời gian mà dành tiền đó cho phong trào dân chủ, giúp người trong nước khi họ chấp nhận xuống đường, chấp nhận trả giá thì (đại cuộc) mới có thể thành công.

Tuy nhiên, với một quốc gia đã sống quá lâu dưới một chế độ độc tài lại do một đảng cộng sản cầm quyền như VN, mọi sự thay đổi tức thì, đột ngột, từ dưới lên sẽ dẫn đến hỗn loạn và dân chủ thực sự rất khó trở thành hiện thực. Phải có sự phối hợp thay đổi từ cả trên xuống và từ dưới lên, như Myanmar, chính phủ của Tổng thống Thein Sein đã có những bước đi cải cách chính trị, nới lỏng tự do dân chủ trong 2, 3 năm qua, góp phần vào cuộc bầu cử lịch sử của dân Myanmar ngày hôm nay.

Con đường này cũng có thể gọi là tốt đẹp nhất cho đảng cộng sản VN. Thay đổi theo chiều hướng này, chỉ trừ một thiểu số phạm tội phản quốc, bán nước hay tội ác diệt chủng cần phải trả lời trước nhân dân, trước lịch sử, còn lại những người đã từng cộng tác, làm việc cho đảng và nhà nước cộng sản từ trên xuống dưới không những giữ được sinh mạng, tài sản mà nếu có thực tâm thực tài, họ vẫn có thể tiếp tục làm việc với chế độ mới, góp phần xây dựng lại đất nước.

Chỉ có bằng cách thay đổi trong hòa bình, hòa giải hòa hợp, nhưng là một sự thay đổi triệt để, không nửa vời, bắt nguồn từ khát vọng xây dựng lại một đất nước VN tự do dân chủ hùng cường, sánh vai với các nước, người dân VN được sống trong một xã hội ngàn lần tốt đẹp hơn, mới có thể giúp cho đất nước này, dân tộc này thoát khỏi số phận nghiệt ngã cay đắng suốt nhiều thập kỷ qua. Và chỉ có như thế, từ người trong nước cho tới ngoài nước, người từng có liên quan đến chế độ VNCH cũ hay từng làm việc cho chế độ cộng sản mới có thể dốc lòng dốc sức kiến thiết lại quê hương. Và biết đâu lúc đó thế giới lại chứng kiến một dòng thác lũ người Việt tử các nước trở về lại VN, như đã từng chứng kiến một dòng lũ theo chiều ngược lại sau khi VN thống nhất, và cho tới tận bây giờ xu hướng đó vẫn đang diễn ra.

Lịch sử VN đã trải qua quá nhiều bi kịch. Dân tộc này đã quá chậm, quá thua thiệt, dân tộc này lẽ ra phải tỉnh thức mạnh mẽ hơn bất cứ dân nào khác.

Posted in Ở Miến Điện, Chinh Tri Xa Hoi, Kiều Hối - Nguồn Ngoại tệ cứu nền Kinh tế và nuôi đảng, Thời Sự, Đổi Mới | Leave a Comment »

►Myanmar lại làm người Việt ngạc nhiên

Posted by hoangtran204 trên 12/11/2015

BBC

Nguyễn Giang

11-11-2015

H1

Tướng Thein Sein chúc mừng đối thủ là bà Aung San Suu Kyi. Photo: EPA

Tổng thống Myanmar, ông Thein Sein vừa chúc mừng đảng ̣đối lập của bà Aung San Suu Kyi thắng lợi trong kỳ bầu cử vừa qua (90% phiếu sơ bộ).

Lời chúc là chỉ dấu quân đội Myanmar, được đảm bảo 25% ghế trong Quốc hội, chấp nhận cuộc chơi chuyển quyền qua lá phiếu.

Nhưng họ sẽ vẫn muốn ‘bảo kê’ chính trị, hay chuyển đổi thành quân đội chuyên nghiệp thì chúng ta còn phải chờ xem.

NLD thắng lớn nhưng gần 90 đảng phái khác cũng muốn có vai trò của họ, nhất là ở các vùng sắc tộc.

Dù sao thì Myanmar đã bước qua ngưỡng đầu của quá trình dân chủ hóa mà cả ông Thein Sein và bà Suu Kyi đều có vai trò quan trọng.

Có người bạn của tôi mới viết trên Facebook rằng “Việt Nam cần một Aung San Suu Kyi nhưng còn cần hơn là một Thein Sein”.

Quả vậy, dù có khác biệt phe phái, quân đội Myanmar đã đồng ý ‘dấn thân’ vào cuộc chuyển đổi hòa bình với ông Thein Sein là một biểu tượng.

Chuyện Myanmar không xảy ra bất chợt mà đã có đó cả 5-10 năm nay.

Nhưng nhìn chung, người Việt Nam theo mọi xu hướng lại một lần nữa tỏ ra ngạc nhiên, thậm chí bất ngờ trước biến chuyển ngoạn mục tuần qua.

Các nhà lãnh đạo cao nhất hình như chưa từng tiếp xúc và cũng chưa thấy phát biểu gì mấy ngày qua về bà Aung San Suu Kyi.

Một lần nữa, dù cùng trong ASEAN với Myanmar, Việt Nam lại đi sau Trung Quốc trong chính trị khu vực.

Hồi tháng 6, ông Tập Cận Bình đã mời bà Aung San Suu Kyi sang Bắc Kinh trong giao lưu hai đảng vì bà chỉ mới là dân biểu không có chức danh nhà nước.

Giao lưu lãnh đạo hai đảng CSTQ và NLD tại Bắc Kinh. Photo: AP

Giao lưu lãnh đạo hai đảng CSTQ và NLD tại Bắc Kinh. Photo: AP

Trước đó, Đảng đoàn Trung Quốc cũng mời Đoàn Thanh niên của NLD sang thăm, điều chưa thấy xảy ra với Đảng và Đoàn Thanh niên Cộng sản ở Việt Nam.

Photo: Getty

Photo: Getty

Báo chí ‘cách mạng’ Việt Nam cũng tránh nói đến cách mạng dân chủ Myanmar.

Báo Đảng Trung Quốc khôn ngoan hơn, đã qua bài trên Global Times khẳng định “dân chủ hóa tại Miến Điện không phải là Cách mạng Màu”.

Trên thực tế, màu hay không màu thì cũng là chuyển đổi lớn ngay biên giới phía Nam khiến báo Trung Quốc phải phù phép về ngôn từ để mở đường giao lưu một khi NLD lên nắm quyền.

Quyền lợi kinh tế Trung Quốc tại Myanmar lâu nay dựa trên ‘guanxi’ với quân đội và bị phê phán là “gắn chặt với tham nhũng”, theo ông Moe Myint Kyaw, Tổng thư ký Phòng thương mại và công nghiệp Myanmar nói với BBC Tiếng Trung.

Ai sẽ lo các quyền lợi kinh tế của Việt Nam tại Myanmar khi chính quyền Nay Pyi Daw thay đổi?

Đi sau và chỉ nhìn phần ngọn?

Nụ cười cả gia đình người Myanmar mùa bầu cử. Photo: EPA

Nụ cười cả gia đình người Myanmar mùa bầu cử. Photo: EPA

Hai sinh viên Pimwipa Chantrawat, Duangkamol Sinchaikij từ ĐH Chulalongkorn, Bangkok sang quan sát bầu cử Myanmar. Photo: Thai Students

Hai sinh viên Pimwipa Chantrawat, Duangkamol Sinchaikij từ ĐH Chulalongkorn, Bangkok sang quan sát bầu cử Myanmar. Photo: Thai Students

Nhưng người Việt Nam ở hải ngoại và giới vận động dân chủ nhân quyền trong nước cũng không nhanh và đi xa hơn chính quyền bao nhiêu trước chủ đề Myanmar.

Trước bầu cử, nhiều nhóm xã hội dân sự từ Indonesia, Singapore, Thái Lan…đã tự tổ chức đoàn sang Myanmar làm quan sát viên.

Xin nhắc họ cứ đi với tư cách cá nhân, hội đoàn sinh viên, NGO chứ không đại diện cho các chính phủ, không phải quan sát viên của EU hay ASEAN.

Còn người Việt Nam thì sao?

Theo những gì tôi biết thì không có nhóm nào như vậy từ Việt Nam sang Myanmar.

Sau cuộc bỏ phiếu lịch sử, các ý kiến thể hiện ra trên mạng xã hội tiếng Việt cũng không có gì mới mẻ, chủ yếu nói theo báo chí quốc tế.

Một số nhà vận động nhân đây đòi hỏi chính quyền Việt Nam phải thay đổi tương tự.

Nhưng cũng chỉ là đòi hỏi chung chung, ai nghe?

Thậm chí không ít người Việt còn coi nước này còn nghèo – thu nhập bình quân chừng 1200 USD, thấp hơn Việt Nam (2000 USD -2013), nên không có gì đáng học.

Đây là tư duy rất ngắn hạn, khiến ta không hiểu vì sao bà Aung San Suu Kyi và Myanmar được quốc tế ngưỡng mộ đến thế.

Một cử tri Myanmar. Photo: Reuters.

Một cử tri Myanmar. Photo: Reuters.

Chính sự hình thành của dân chủ từ nền tảng kinh tế lạc hậu, chia rẽ sứ quân, xung đột sắc tộc như Myanmar mới đáng nói.

H1

Photo: AFP

Khi các lý thuyết xã hội, các giá trị cơ bản bị thử thách mà vẫn thắng lợi, bài học dân chủ Myanmar có ý nghĩa hơn nhiều cho loài người, so với dân chủ ở các nơi ổn định, thịnh vượng lâu đời như Na Uy, Canada, Iceland…

Nó cũng bác bỏ thuyết rằng phải có dân trí thật cao hoặc thu nhập đến mức nào đó mới có thể bầu cử dân chủ.

Công dân Myanmar ở nước ngoài cũng có quyền bỏ phiếu trong khi một số nước khác thì không.

Chưa rõ cuộc bầu cử có tạo ra động lực mới cho ASEAN vốn thường tập trung bảo vệ ‘status quo’ sao cho chính giới yên thân mọi bề.

Nhưng tại Myanmar, những gương mặt tươi trẻ, đầy hy vọng đang toát ra độ tự tin của thế hệ ‘tôi nghèo nhưng tôi là ông chủ’ quyết định vận mệnh dân tộc.

Họ khiến những người dân Đông Nam Á khác thấy tự hào lây.

Posted in Ở Miến Điện, Chinh Tri Xa Hoi, Dân Chủ và Nhân Quyền, Thời Sự, Đổi Mới | Leave a Comment »

►Miến Điện và Quá Trình Dân Chủ Hóa

Posted by hoangtran204 trên 12/11/2015

Viet-studies

Nguyễn Huy Vũ

9-11-2015

Những ngày còn là sinh viên đại học ở Singapore, khoảng những năm 2004, khi đi làm thêm ở khách sạn, các bạn của tôi chủ yếu là người Miến Điện. Tò mò muốn xem thử dân Miến Điện nghĩ gì về Aung San Suu Kyi và tình hình dân chủ, tôi hỏi các bạn người Miến. Bạn e dè gọi Aung San Suu Kyi là Madam; khi hỏi bạn có dấn thân cho phong trào dân chủ không, bạn lắc đầu: họ có súng. Với rất nhiều người Miến Điện lúc bấy giờ, tình hình chẳng mấy khả quan, và dân chủ theo nghĩa được có tự do báo chí và tự do bầu chọn ra những người lãnh đạo bất kể đảng phái nhằm dẫn dắt đất nước là một điều gì đó xa vời. 

Cuối năm 2007, cuộc biểu tình của các nhà sư bùng nổ, bắt nguồn từ việc chính phủ Miến Điện giảm trợ cấp xăng dầu. Chính quyền quân sự quyết định đàn áp cuộc biểu tình và bắt giữ những người cầm đầu. Cuộc biểu tình dẹp yên và Miến Điện lại trở nên yên bình. Những diễn biến cho thấy phe quân sự nắm giữ mọi phương tiện và dễ dàng xử lý phong trào dân chủ Miến Điện. Một lần nữa hẳn nhiều người sẽ thấy con đường dân chủ còn xa lắm. 

Năm 2009, lúc tôi ở Thụy Điển, thông qua một người bạn quen một anh người Miến Điện, là con quan chức trong chính quyền và qua Thụy Điển học, tôi nghe được thông tin rằng anh sẽ về Miến Điện và sắp tới sẽ có cải cách lớn. Một thông tin thú vị nhưng khó tin vì mới cách đây không lâu chính quyền thẳng tay đàn áp biểu tình. Tôi nghe với mục đích lưu giữ thông tin. 

Bốn năm sau, đến năm 2011 thì chính quyền quân sự Miến Điện hoãn dự án xây đập của Trung Quốc và mạnh dạn bắt đầu những cải cách chính trị.  

Nối kết những sự kiện trên cho thấy rằng chính quyền Miến Điện lúc đầu thực chất không muốn cải cách, vì cải cách đồng nghĩa với quyền lực bị giảm đi. Họ cũng đã tìm đến Trung Quốc như một phao cứu sinh cho nền kinh tế khủng hoảng của mình, nhưng cuối cùng cảm thấy con bài Trung Quốc cũng không thể cứu vãn được, và do đó quyết định chọn lựa cải cách chính trị có kiểm soát. Giới cầm quyền quân nhân Miến Điện đã chơi một ván bài đặt nhiều cửa khác nhau. Vậy đâu là thách thức to lớn khiến giới  quân đội Miến Điện bắt buộc cải cách? Không gì hơn, đó là những thách thức và lợi ích về kinh tế, vì về quyền lực cách đây không lâu họ sẵn sàng và dễ dàng ra tay đàn áp các cuộc chống đối.  

Sau khi độc lập khỏi Anh năm 1948, Miến Điện trở thành một nước dân chủ. Dưới sự dẫn dắt của thủ tướng U Nu theo mô hình phúc lợi xã hội chủ nghĩa, Miến Điện từ một nước thịnh vượng dưới sự bảo hộ của Anh bước vào một cuộc khủng hoảng kinh tế. Hàng hóa khan hiếm, ngân sách không đủ, chính phủ giải quyết khủng hoảng bằng cách in thêm tiền khiến lạm phát tăng và khủng hoảng thêm trầm trọng. 

Khủng hoảng kinh tế kéo theo khủng hoảng chính trị. Tướng Ne Win đảo chính năm 1948 và thiết lập chế độ xã hội chủ nghĩa trên toàn Miến Điện kể từ đó. Dưới quyền tướng Ne Win, chính quyền quốc hữu hóa tất cả các doanh nghiệp và ngành công nghiệp, chỉ trừ nông nghiệp.  

Đói khổ và vô vọng dẫn đến các cuộc biểu tình liên tiếp. Chính quyền phản ứng lại bằng cách đàn áp đẫm máu.

Năm 1962, sinh viên trường Rangoon biểu tình, bị đàn áp khiến 15 người chết. Gần mười năm sau, nhân đám tang U Thant — cựu Tổng Thư Kí Liên Hiệp Quốc người Miến Điện — năm 1975, biểu tình lại một lần nữa diễn ra và lại bị đàn áp. Các cuộc biểu tình sau đó lần lượt diễn ra trong các năm 1975, 1976, 1977 và đều bị dập tắt.

Tuy vậy, các cuộc biểu tình là một môi trường tốt đã rèn luyện và gắn bó những người dấn thân cho dân chủ của Miến Điện lại với nhau. Để rồi mười năm sau, năm 1988, phong trào phản kháng của sinh viên Rangoon một lần nữa lan ra toàn quốc và qui tụ mọi thành phần xã hội. Do bắt đầu từ ngày 8/8/1988, cuộc phản kháng được lấy tên gọi là 8888. Cuộc phản kháng kéo dài được chừng một tháng thì đảo chính quân sự xảy ra, chính quyền quân nhân thiết lập và như mọi lần ra tay dập tắt.  Cuộc phản kháng bị dập tắt nhưng một hệ quả to lớn của nó là sự hình thành một đảng chính trị, với các thành viên nòng cốt được tôi luyện từ các phong trào biểu tình trước đây: đảng Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ (NLD) hình thành với Aung San Suu Kyi đóng vai trò một biểu tượng. 

Sự hình thành một tổ chức đối lập ở Miến Điện cùng với các áp lực quốc tế khiến giới cầm quyền Miến Điện lúc bấy giờ phải tìm một giải pháp thoát hiểm. Họ mạo hiểm tổ chức một cuộc tổng tuyển cử nhằm chọn ra các thành viên cho một ủy ban soạn thảo hiến pháp. Trong tổng số 492 ghế, đảng NLD của Aung San Suu Kyi chiếm 392 ghế. 392/492 hay 80% một tỉ số áp đảo thể hiện sự phẫn nộ của nhân dân với giới cầm quyền. Chính quyền quân nhân không công nhận kết quả bỏ phiếu và đặt NLD ra ngoài vòng pháp luật. Các lãnh tụ NLD tiếp tục bị bắt giam và Aung San Suu Kyi bị giam lỏng tại gia.

Đàn áp chính trị ở Miến Điện khiến chính phủ các nước phương Tây gia tăng cấm vận và nền kinh tế Miến Điện trở nên bi đát hơn. Hàng hóa khan hiếm cùng với quản lý kinh tế yếu kém khiến kinh tế ngày càng lún sâu vào khủng hoảng. Trong khoảng những năm 1990 đến 2007, mức lạm phát trung bình ở Miến Điện là 25%. Đi kèm với nó là thiếu hụt ngoại tệ. Tỉ giá hối đoái niêm yết chính thức của chính phủ thường thấp hơn mức giá chợ đen đến khoảng 200 lần.

Nghèo đói, vô vọng và các cuộc phản kháng không đủ để làm chùn bàn tay đàn áp của chính quyền quân nhân cho đến khi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2007-2009 diễn ra. Lúc bấy giờ giới quân nhân mới lựa chọn cửa thứ hai của ván bài: cải cách có kiếm soát, thay cho tiếp tục đàn áp.

Dù bị cấm vận và cô lập bởi các nước phương Tây, Miến Điện vẫn có những trao đổi và đầu tư từ một số nước châu Á như Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Ấn Độ và Hàn Quốc. Các công ty giao dịch của Miến Điện chủ yếu nằm trong tay các gia đình tướng lĩnh. Thu nhập của Miến Điện chủ yếu đến từ xuất khẩu gỗ, đá quý, du lịch và một phần đáng kể kiều hối. Cuộc khủng hoảng kinh tế sâu đậm 2007-2009 do đó không những làm cho các khoản thu của chính quyền suy giảm mạnh mà còn làm cho thu nhập của giới doanh nghiệp trong tay gia đình các tướng lĩnh trở nên điêu đứng. Và chỉ khi có sự đồng thuận của hội đồng tướng lĩnh, tướng Than Shwe và người kế nhiệm Thein Sein mới có thể nhanh chóng triển khai các cải cách một cách có kiểm soát một cách trôi chảy. Gọi là các cải cách có kiểm soát vì giới quân nhân vẫn còn nắm trong tay quân đội và tự cho mình quyền giữ 25% tổng số ghế trong quốc hội.

Dù cuộc cải cách dân chủ Miến Điện chưa trọn vẹn, những tiến triển trong quá trình dân chủ hóa Miến Điện đã đi những bước dài và khó có thể quay trở lại. Tuy vậy, vẫn còn rất lâu trước khi NLD và giới quân nhân tạo được sự tin tưởng chính trị với nhau. Chỉ khi NLD có thể trấn an giới cầm quyền quân nhân rằng quá khứ là quá khứ và hòa giải là con đường phía trước cho một quốc gia thì Miến Điện mới có thể tiến gần hơn đến một thể chế dân chủ đầy đủ. Mà một cuộc hòa giải có khi phải mất cả thế hệ.

Nếu có một bài học rút ra từ cuộc cải cách dân chủ ở Miến Điện thì đó hẳn là các cuộc phản kháng là môi trường gắn kết các cá nhân dấn thân cho đất nước. Cuộc gắn kết đó cuối cùng dẫn đến sự hình thành một tổ chức đối lập qui tụ đủ mọi thành phần. Và cuối cùng, đối diện với một chính quyền độc tài đang chơi bài nhiều cửa, đối lập áp lực và thuyết phục chính quyền rằng cải cách dân chủ hóa hòa bình là con đường thoát hiểm của giới cầm quyền và cũng là con đường đem lại lợi ích của dân tộc.

 

Minneapolis9/11/2015

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 9-11-15

Posted in Ở Miến Điện, Chinh Tri Xa Hoi, Dân Chủ và Nhân Quyền, Thời Sự, Đổi Mới | Leave a Comment »

►Sự tái thiết lập quan hệ Mỹ – Miến Điện là điều TQ không ngờ tới

Posted by hoangtran204 trên 19/03/2013

Miến Điện cung cấp cho Trung Quốc tài nguyên, năng lượng và đường ra Ấn Độ Dương nên khi mối quan hệ của Miến Điện và Trung Quốc trở chiều gió, “TQ đã mất rất nhiều, cả về chính trị và chiến lược. “Trung Quốc hoàn toàn không thấy trước được điều này.”

Miến Điện và Mỹ là điều TQ không ngờ tới?


BBC – Cập nhật: 16:38 GMT – thứ ba, 19 tháng 3, 2013


Việc trả tự do cho lãnh đạo đảng đối lập, bà Aung San Suu Kyi đã khởi đầu cho hàng loạt cải cách tại Miến Điện

Cây bút Chris Horton ngày 19/3 đã có bài viết nói về ảnh hưởng của sự mở rộng quan hệ giữa Miến Điện với Phương Tây đối với Trung Quốc.
Bài viết được đăng trên trang Thealantic.com, với tựa đề “Điều Trung Quốc không lường trước” (China didn’t see this coming).
BBC Vietnamese xin được giới thiệu với bạn đọc những ý chính của bài này.

‘Đồng minh thân cận’

Bài viết mở đầu bằng việc nhìn lại mối quan hệ Miến Điện – Trung Quốc.
Chỉ trong thời điểm từ 2010 đến 2011, đầu tư từ Trung Quốc vào Miến Điện đã vượt mức 12 tỷ đôla, gấp 8 lần tổng vốn đầu tư của Trung Quốc vào nước này trong thời điểm từ 1988 tới 2009, theo thống kê của báo JETRO của Nhật.
Phần lớn số tiền đầu tư này tập trung vào năng lượng và khai thác khoáng sản.
Những điểm chung trong cách đàn áp người dân để bảo vệ giới cầm quyền, theo Chris Horton đã đẩy hai nước lại với nhau gần hơn.
Đó là một mối quan hệ giữa một Miến Điện – nước từng là điểm sáng kinh tế của Châu Á, nay bị cấm vận bởi sự đàn áp bạo lực của quân đội với các cuộc biểu tình năm 1988 và Trung Quốc – nước bị xa lánh bởi cuộc thảm sát Thiên An môn chỉ 1 năm sau đó.
Hội đồng Khôi phục Trật tự và Luật pháp Liên bang của Miến Điện lúc đó đã cử phái đoàn đứng đầu bởi Phó Chủ tịch Than Shwe sang Trung Quốc nhằm tìm kiếm viện trợ quân sự và kinh tế từ nước này.
Trong suốt thập niên 90, Trung Quốc cử kỹ sư sang Miến Điện để giúp xây dựng cảng dân sự và căn cứ hải quân. Ngoài ra, nước này còn là ô dù cho Miến Điện ở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc.
Đổi lại, Miến Điện cung cấp cho Trung Quốc tài nguyên, năng lượng và đường ra Ấn Độ Dương thông qua những dự án lớn.

Vào tháng 5 năm 2011, khi Hiệp ước hợp tác chiến lược được Chủ tịch Trung Quốc, ông Hồ Cẩm Đào ký với Tổng thống Miến Điện, ông U Thein Sein, người ta tưởng rằng quan hệ giữa hai nước đã ‘chắc như đá’.

Tiếng nói của người dân

“Giới lãnh đạo Miến Điện đã rút kinh nghiệm từ Mùa xuân Ả rập và tiếng hành các cải cách để tránh phải đối mặt với một cuộc nổi dậy tương tự.”

Vào tháng Chín năm 2011, Thein Sein làm Trung Quốc bất ngờ khi đình chỉ dự án đập Myitsone trị giá 3,6 tỷ đôla của Trung Quốc. Điều này được nhiều người cho rằng sự phụ thuộc của Miến Điện vào Trung Quốc đang có dấu hiệu rạn vỡ.

Thein Sein nói lý do cho quyết định này, là vì ý muốn của người Miến Điện phải được tôn trọng. Hay nói cách khác, người dân Miến Điện không phải chứng kiến cảnh tài nguyên của nước mình bị đưa hết sang Trung Quốc nữa.

“Có một tâm lý chống Trung Quốc ở Miến Điện bởi nhiều người cho rằng nước này quá gần với Trung Quốc, và bản chất Trung Quốc thì quá hiển nhiên,” David Steinberg, một chuyên gia về quan hệ Trung Quốc – Miến Điện nói.

“Trung Quốc có hàng chục dự án đập thủy điện ở Miến Điện. Tuy nhiên với dự án Myitsone, 90% điện sẽ được chuyển về Trung Quốc, và đó là vấn đề.”

Cũng từ khi kiểm duyệt báo chí ở Miến Điện bị bãi bỏ tháng Tám năm 2011, truyền thông Miến Điện đã tận dụng tối đa quyền tự do của mình nhằm nói lên tiếng nói của người dân.

Tất nhiên, sự cải cách vẫn còn mong manh khi không phải ai trong chính phủ Miến Điện cũng có cái nhìn tích cực về nó. Dự thảo của Bộ Thông tin gửi lên Quốc hội hồi đầu tháng Ba đòi đảo ngược lại nhiều thay đổi gần đây là một ví dụ.

Mở đầu quan hệ với Mỹ


Chuyến thăm của các lãnh đạo cấp cao của Mỹ tới Miến Điện là điều mà cả chính phủ ông Thein Sein cũng không ngờ tới

Tự do báo chí đang cho thấy một nền dân chủ thực sự ở Miến Điện là hoàn toàn có thể.

Bãi bỏ kiểm duyệt báo chí chỉ là một phần trong hàng loạt cải cách khác như việc trả tự do cho lãnh đạo đảng đối lập bà Aung San Suu Kyi cũng như các tù chính trị khác và việc phi tội phạm hóa các công đoàn.

Tất cả các điều kiện đang dẫn đến một điều mà hàng thập kỷ qua không ai dám nghĩ tới: Sự tái thiết lập quan hệ Mỹ – Miến Điện.

Chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Clinton vào năm 2011 và Tổng thống Obama vào năm 2012 có lẽ không chỉ khiến Trung Quốc phải bất ngờ.
“Chính phủ Thein Sein cũng chưa bao giờ lường trước được đối thoại ở cấp độ này với Mỹ,” một quan chức cấp cao giấu tên tại Bộ Ngoại giao Miến Điện bình luận.
Người này cũng cho rằng giới lãnh đạo Miến Điện đã rút kinh nghiệm từ Mùa xuân Ả rập và tiến hành các cải cách để tránh phải đối mặt với một cuộc nổi dậy tương tự.
“Họ muốn an toàn, nhất là Than Shwe”, ông này nói.
“Thein Sein là người đã cứu mạng Than Shwe và luôn là một trong những người được ông này tin cậy. Các lãnh đạo quân đội muốn một chiến lược rút lui tốt, nếu không muốn bị lãnh hậu quả khi cải cách chính trị thức sự xảy ra.”

Quan ngại của Trung Quốc

“Về mặt kinh tế, Trung Quốc không mất nhiều từ vụ Myitsone. Tuy nhiên nước này đã mất rất nhiều, cả về chính trị và chiến lược”

David Steinberg, chuyên gia quan hệ Miến Điện – Trung Quốc

Tất cả các phát ngôn chính thức của Trung Quốc đều ủng hộ sự cải cách tại Miến Điện, tuy nhiên có một điều ai cũng biết là Bắc Kinh lo lắng về các dự án đầu tư của mình sẽ bị tinh thần người Miến Điện làm ảnh hưởng.
Dự án khai thác mỏ Wanbao – dự án hợp tác giữa hai tập đoàn Nhà nước khổng lồ, Norinco của Trung Quốc và Tập đoàn Kinh tế Miến Điện là một ví dụ.
Ngay sau tuyên bố của Norinco nói dự án sẽ giúp “tăng cường nguồn dự trữ đồng ở nước chúng ta, cũng cũng như tăng cường ảnh hưởng của chúng ta lên Miến Điện,” 3 tháng sau, dự án này đã gây sự nên sự giận dữ đối với người Miến Điện vì nhiều lý do:
Ép buộc giải tỏa, phá hoại đến chùa cổ, ô nhiễm nguồn nước và tâm lý bất mãn trước tài nguyên Miến Điện bị Trung Quốc lấy đi.
Nhiều cuộc biểu tình đã bùng nổ từ tháng Sáu năm ngoái khi các nhà sư, nông dân và những nhà hoạt động bảo vệ môi trường cùng diễu hành yêu cầu hủy bỏ dự án hàng tỷ đôla này.
Miến Điện đã luôn trấn an Bắc Kinh rằng đầu tư của nước này là an toàn, tuy nhiên Trung Quốc vẫn giữ thái độ thận trọng.

Lá bài dân tộc thiểu số


Giới lãnh đạo quân đội Miến Điện muốn một lối ra an toàn trong trường hợp cải cách chính trị thực sự nổ ra?

Xung đột giữa các dân tộc thiểu số cũng là một điều có thể gây phức tạp thêm cho mối quan hệ giữa hai nước.
Hậu quả từ xung đột của của Quân đội Độc lập Kachin (KIA), Tổ chức Độc lập Kachin (KIO) và quân đội Miến Điện đang lan dần đến Trung Quốc. 90 nghìn dân di cư hay bốn quả tên lửa rơi trung lãnh thổ Trung Quốc ở khu vực biên giới hồi tháng 12 là một ví dụ.
Với hơn 1 triệu người Kachin sống ở phía Miến Điện của biên giới, và 130 nghìn người Jinpo (người Kachin sống ở gần Ruili), đây chỉ là một trong số những nhóm dân tộc thiểu số có thể gây ảnh hưởng đến quan hệ hai nước.
Giới chức trách ở Côn Minh ( thành phố chính tỉnh Vân Nam) và ở Bắc Kinh đã tỏ ý kiến muốn ủng hộ chiến lược với các nhóm phiến quân phía Bắc Miến Điện, vốn có quan hệ với Trung Quốc.
Hồi tháng Một, Trung Quốc bác bỏ báo cáo của Jane’s Intelligence Review rằng nước này đã cung cấp hai xe chống tăng cho Quân đội bang Wa thống nhất.
Dù điều này có thật hay không, thì nỗi ám ảnh về một biên giới ổn định sẽ sớm đẩy Trung Quốc lún quá sâu vào phía Bắc Miến Điện

Mỹ: Cơ hội và rủi ro


Ông Thein Sein thăm Hoa Kỳ trong năm ngoái.

Quan hệ gần gũi với Miến Điện giúp Washington có một cơ hội vàng để đạt các mục tiêu kinh tế và chiến lược ở Châu Á.
Tuy nhiên, nước này cũng cần phải cẩn thận không làm gia tăng quan ngại của Bắc Kinh rằng Washington đang thực hiện chính sách ngăn chặn đối với Trung Quốc mà kết quả là sự thay đổi chế độ như Chiến Tranh lạnh đã làm đối với Liên Xô.
“Trung Quốc coi Đông Nam Á là sân sau của mình, và họ muốn duy trì tầm ảnh hưởng lớn,” ông Steinberg nói.
“Họ sẽ cảm thấy lo ngại nếu Miến Điện tiến quá gần về phía Mỹ. Tôi nghĩ họ sợ rằng đây sẽ là chiến lược ngăn chặn Trung Quốc lần hai của Mỹ.”
Tuy nhiên ông này cũng cho rằng Miến Điện sẽ muốn đi theo một con đường cân bằng giữa Washington và Bắc Kinh.
“Họ không muốn trở thành nước lệ thuộc vào Mỹ cũng giống như họ không muốn lệ thuộc vào Trung Quốc.”
Một cựu quan chức ngoại giao Miến Điện cho rằng, dù sự đổ vỡ hoàn toàn quan hệ Miến Điện – Trung Quốc là khó có, sự quay lại của mối quan hệ ‘anh em’ ngày xưa là không thể.
“Miến Điện sẽ cố giữ cho Trung Quốc hài lòng, trong lúc mở cửa để phương Tây hiện diện nhiều hơn,” ông nói.
“Về mặt kinh tế, Trung Quốc không mất nhiều từ vụ Myitsone. Tuy nhiên nước này đã mất rất nhiều, cả về chính trị và chiến lược.”
“Trung Quốc hoàn toàn không thấy trước được điều này.”

Posted in Ở Miến Điện, Đổi Mới | Leave a Comment »

Những bài học từ Miến Điện

Posted by hoangtran204 trên 08/04/2012

Những bài học từ Miến Điện

Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Hillary Clinton và Tổng thống Miến Điện Thein Sein

Trong cuộc bầu cử ngày 1-4-2012 để bổ sung 45 ghế tại Quốc Hội Miến Điện, Liên Minh Quốc Gia Dân Chủ do Bà San Suu Kyi lãnh đạo đã thắng 43 ghế. Đó là một thành công to lớn không riêng cho Bà San Suu Kyi và đảng của bà mà là của toàn thể 60 triệu dân Miến Điện.

Biến cố đó xảy ra như một phép lạ đã làm thế giới ngạc nhiên thán phục. Sau ngót 50 năm bị quân phiệt thống trị, Miến Điện đã lột xác để tiến lên dân chủ. Việt Nam cũng đang bị độc tài, tham nhũng và bất công như Miến Điện. Chín mươi triệu dân Việt cũng mong sớm thoát khỏi ách thống trị của CSVN để dân tộc để dân tộc có thể tiến nhanh trên con đường dân chủ, phú cường và không còn bị Trung Cộng khống chế như hiện nay.

Nhân dịp nầy, chúng ta thử tìm xem đâu là những bài học từ Miến Điện?

Muốn cho một cuộc đấu tranh đạt được thắng lợi, tối thiểu cần phải có đủ ba điều kiện, đó là thiên thời, địa lợi và nhân hòa. Trong trường hợp Miến Điện, chúng ta sẽ xét đến các yếu tố đó qua hai mặt khách quan và chủ quan.

Trước hết, về mặt khách quan, chúng ta thấy gì?

Trong khi thế giới ngày càng dân chủ, giàu mạnh, thì Miến Điện, sau 50 năm dưới chế độ quân phiệt độc tài, dân chúng ngày càng cơ cực và đất nước ngày càng suy yếu. Vì bị các nước Tây phương trừng phạt và cấm vận, Miến Điện phải sống nhờ viện trợ Trung Cộng, nhưng người Hoa ngày càng kiêu căng, ức hiếp Miến Điện, dân chúng hết sức lo âu và bất mãn . Các tướng lãnh yêu nước đã thuyết phục Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng đưa ông Thein Sein, một tướng lãnh đã về hưu ra tranh cử Tổng Thống nhằm thực hiện cải cách, mở đường dân chủ hóa Miến Điện để cứu nguy tổ quốc.

Sau hơn 30 năm canh tân, kinh tế phát triển không ngừng, ngày nay Trung Cộng đã trở thành một cường quốc kinh tế, chỉ đứng sau Hoa Kỳ. Trung Cộng ngày càng hống hách, tuyên bố chủ quyền trên biển Đông theo hình lưỡi bò, gồm hết các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Thế giới rất quan ngại trước mộng bá quyền của Trung Cộng và quyền tự do lưu thông trên Biển Đông. Năm ngoái, Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Clinton tuyên bố Hoa Kỳ đã trở lại Á Châu và duy trì vai trò siêu cường tại vùng nầy. Hoa Kỳ đã tăng cường thế liên minh với Nhật Bản, Phi Luật Tân, Ấn Độ và Châu và tăng cường hợp tác thương mãi và quân sự với Đài Loan và Việt Nam.

Các cuộc cách mạng thành công tại Tunisia, Ai Cập và Libya từ Bắc Phi và Trung Đông đã góp phần đẩy mạnh trào lưu dân chủ khắp nơi. Nhà cầm quyền Miến Điện thấy rõ chế độ độc tài  không thể kéo dài mãi, và các chế độ đó chỉ tồn tại nhờ sự trấn áp của lực lượng an ninh và sự sợ hãi của dân chúng. Khi bị áp bức quá đáng không thể chịu nỗi, dân chúng sẽ đứng lên đạp đổ vì không còn gì để sợ.

Miến Điện cũng đang vận động để được bầu vào chức vụ Chủ Tịch Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2014 và kêu gọi các nước Tây phương bãi bỏ cấm vận, vì thế họ phải chứng tỏ cho thế giới thấy thiện chí cải thiện nhân quyền và dân chủ của Miến Điện. Ngoài ra, các Tướng lãnh cũng thực tâm muốn thực hiện dân chủ từng bước trong ôn hòa và trật tự để giúp đất nước không bị bạo loạn và bảo toàn được tánh mạng cũng như tài sản của họ.

Về mặt chủ quan, chúng ta thấy những điểm sau đây.

Trước hết là sự hy sinh cao cả, tinh thần đấu tranh kiên cường, không khiếp sợ bạo lực và niềm tin sắt đá về sự tất thắng vào cuộc đấu tranh bất bạo động của bà San Suu Kyi và Liên Minh của bà.

Năm 1988, bà rời Anh quốc, về Miến Điện chăm sóc mẹ già đang điều trị tại bệnh viện. Nhưng chỉ vài tuần sau khi bà hồi hương, ngày 8-8-1988 đã xảy ra biến cố sinh viên biểu tình đòi dân chủ, quân đội Miến Điện đã thẳng tay đàn áp, bắn chết gần 5 ngàn người. Xúc đông và căm phẩn trước hành dộng dã man của quân phiệt, bà đã cùng với các đồng chí thành lập Liên Minh Quốc Gia Dân Chủ để đấu tranh chống độc tài quân phiệt. Vì nhu cầu hoạt động, bà đã không về đoàn tụ với chồng con tại Anh. Dù bị cầm tù hơn 15 năm và được hứa sẽ trả tự do nếu chịu xuất ngoại, bà đã nhất quyết ở lại tiếp tục cuộc đấu tranh. Ngay cả lúc chồng bà bị bệnh sắp chết mà chính phủ không cho phép sang Miến Điện gặp bà nhưng họ lại khuyên bà nên sang Anh quốc thăm chồng. Bà đã từ chối vì tin rằng nếu ra đi, bà sẽ không được hồi hương. Do đó, chồng bà đã qua đời mà không được thấy mặt vợ trước khi nhắm mắt. Sư hy sinh của bà ít có ai theo kịp!

Không những thế, sự đàn áp và đe dọa của bạo lực không làm bà run sợ. Trái lại, bà đã xem đó là thử thách và cơ hội rèn luyện tinh thần can đảm. Bà không oán hận những người đã gây nên tội ác với đồng bào và cá nhân bà, vì bà nghĩ rằng họ cũng là nạn nhân của thời cuộc. Bà chủ trương lấy tâm từ bi làm trọng điểm cho cuộc đấu tranh và bà đã khuyên các đồng chí từng bị tù đày như bà: “Chúng ta không thể quên quá khứ, nhưng không nên chỉ nhớ về quá khứ để nuôi hận thù”.

Chính vì vậy, khi bà tuyên bố không trả thù và sẽ tôn trọng tài sản của những viên chức chế độ cũ, các Tướng lãnh tin lời bà cũng như chính bà đã tin vào thực tâm đẩy mạnh dân chủ hóa của Tổng Thống Thein Sein. Hai bên tin tưởng lẫn nhau, đó là một yếu tố hết sức quan trọng.

Tổng Thống Thein Sein đã trả tự do cho bà San Suu Kyi và hàng ngàn tù nhân chính trị, đồng thời ban hành sắc lệnh cho phép công nhân được quyền tổ chức đình công, báo chí hết bị kiểm duyệt và Internet khỏi bị kiểm soát nên dân chúng hết sức vui mừng. Các tổ chức xã hội dân sự được tự do sinh hoạt trở lại, tạo nên không khí cởi mở và dân chủ trước ngày bầu cử.

Liên Minh Quốc Gia Dân Chủ là một tổ chức có thực lực, hoạt động kiên trì và được dân chúng tin tưởng. Vì thế, dù đảng nầy đã bị chính quyền ngăn cấm và hàng ngàn đảng viên, trong đó có bà San Suu Kyi đã nhiều lần bị khủng bố và cầm tù trong nhiều năm, nhưng Liên Minh vẫn âm thầm hoạt động nên đến khi hoàn cảnh cho phép, dù chỉ trong vài tháng ngắn ngũi, với sự lãnh đạo khôn khéo và uy tín của bà San Suu Kyi, đảng đã có thể huy động quần chúng ủng hộ và đạt được thắng lợi vẻ vang trong cuộc bầu cử vửa qua.

Chắc chắn cuộc đấu tranh của nhân dân Miến Điện vẫn còn nhiều khó khăn trước mặt, nhưng đến nay, chúng ta vẫn có thể học được nhiều kinh nghiệm từ Miến Điện, và chúng ta phải quyết tâm kiên trì đẩy mạnh công cuộc đấu tranh cứu nguy dân tộc và tổ quốc trong tinh thần vô úy, bao dung và bất bạo động.

Nguồn: Chuyenhoa

danchimviet.info

Một số hình ảnh về cuộc hòa giải giữa chính quyền Miến Điện và bà Aung San Suu Kyi, người đã hoạt động chính trị và thành lập đảng đối lập để tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền của Miến Điện. Bà đã bị bỏ tù và quản chế kể từ 1991 cho đến khi được trả lại tự do vào tháng 11/2011.

Aung San Suu Kyi talks with Border Affairs Minister, Major General Thein Htay on August 20, 2011.

Bà Aung San Suu Kyi vói Bộ Trưởng Biên Giới, Thiếu tướng Thein Htay, ngày 20-8-2011

https://i0.wp.com/lh3.ggpht.com/-6pXNjI3SjIE/Tnp8dQbvtxI/AAAAAAAAAsE/mxzSMumdAb4/Aung%252520San%252520Suu%252520Kyi%252520Thein%252520Sein%25255B2%25255D.jpg

Bà Aung San Suu Kyi và Cựu tướng lãnh Thein Sein, nay là Tổng Thống. Ông được nhóm tướng lãnh quân phiệt đưa ra tranh cử chức tổng thống trong 1 cuộc bầu cử được nhiều người Miến Điện cho là không công bằng.

…”Trước đây có ai dám nghĩ rằng tình hình Miến Điện thay đổi như ngày hôm nay. Lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi, 66 tuổi, vừa được dân chúng Myanmar bầu vào Quốc Hội Miến Điện vào ngày Chủ Nhật 1 tháng 4. Một người phụ nữ can trường, liên tục tranh đấu cho tự do và dân chủ cho người Miến, bị chính phủ quân nhân nhốt tù bao nhiêu năm trời và vẫn giữ vững kiên trì, không sợ chết, tiếp tục đương đầu với mọi trở ngại từ cái nhóm lãnh đạo độc tài quân phiệt đến độ nhóm lãnh đạo Miến đã phải trả tự do cho bà. Và nay kết quả là một tù nhân lương tâm của thế giới trở thành đại diện dân cử hơp pháp của Miến Điện, dọn đường cho vai trò tổng thống của bà trong tương lai gần vào năm 2015 sắp tới.

Có ai ngờ là cái nhóm quân phiệt Miến ngoan cố dường ấy chỉ mới trong khoảng một năm nay đã thay đổi ngoạn mục như thế. Họ thả hết tù nhân chính trị, ngưng chiến với phe đối lập, nới lỏng kiểm duyệt báo chí và đồng ý nói chuyện với bà Suu Kyi, người mà trước đây họ chỉ muốn giết cho xong. Và rồi chính các quân nhân này đã tham gia sinh hoạt chính trị bắng cách cởi bỏ bộ đồng phục, mặc quần áo dân sự, ra tranh cử vào Quốc Hội Miến giống như các công dân khác!”…(Ng Văn Huy)

***********************************

Dân biểu Aung San Suu Kyi & tương lai của Myanmar

Trong cuộc bầu cử bổ túc 45 ghế dân biểu (cho các đơn vị tân lập) ngày 1 tháng 4 vừa qua, Liên minh Quốc gia Vì Dân chủ – LMQG/DC (National League for Democracy –NLD) của bà Aung San Suu Kyi đã

đề cử 44 đại diện ra tranh cử tại 44 đơn vị toàn quốc, và đã thắng lớn tại 43 đơn vị. Bà Suu Kyi là một trong những dân biểu đắc cử. Có nhiều đơn vị đảng viên LMQG/DC thắng với 90% số phiếu đi bầu. Chính quyền của tổng thống Thein Sein đã công nhận kết quả bầu cử.

Không ai ngạc nhiên về kết quả của cuộc bầu cử. Nhưng nếu nhân dân toàn quốc phấn khởi, không phải thành phần nào cũng phấn khởi. Tại thủ đô Naypyidaw, các ký gỉa nước ngoài ghi nhận sự than phiền của một số quân nhân ngoài đường phố, bày tỏ sự lo ngại của họ trước thắng lợi quá to lớn này của LMQG/DC.

Tuy nhiên người ta không biết sự lo ngại của thành phần sĩ quan và quân nhân cấp thấp có phải là mối lo của các tướng lãnh đang thật sự cầm quyền không.

Theo dõi tiến trình dân chủ trong hai năm qua, nguời ta có lý do để yên tâm, vì những nhân vật liên hệ – các tướng lãnh cầm quyền và bà Aung San Suu Kyi – đều trải qua một qúa trình đấu tranh dai dẳng cho đến khi nhận ra rằng quốc gia đang bị một thế lực khổng lồ bên cạnh khống chế  (chứ không phải là các đế quốc Tây phương),  họ đã tìm cách làm hòa với nhau để cứu nước.

Quá trình tranh chấp quyền lực tại Myanmar  khởi đầu từ năm 1990 sau khi LMQG/DC thắng lớn chiếm 80% ghế quốc hội trong một cuộc bầu cử toàn quốc, nhưng không được các tướng lãnh trong Hội đồng Lãnh đạo công nhận. Bà Suu Kyi bị quản thúc tại gia nhiều lần – khi bắt khi thả – dai dẳng trong gần 20 năm. Cho đến cuối năm 2010 bà được tân tổng thống Thein Sein, một tướng lãnh hồi hưu trả tự do.  Bà dùng uy tín cá nhân vận động thế giới Tây phương giải tỏa dần sự bao vây kinh tế và chính trị đối với Myanmar. Đổi lại tổng thống Thein Sein thả tù nhân chính trị, nới lỏng sự tự do ngôn luận và cho phép các đảng chính trị, trong đó có LMQG/DC của bà Aung San Suu Kyi hoạt động. 

Đắc cử dân biểu, từ nay bà Aung San Suu Kyi và LMQG/DC có tiếng nói tại quốc hội. Và tiếng nói của bà là tiếng nói uy tín được chính quyền và nhân dân lắng nghe, và quốc tế theo dõi. Tuy nhiên sức mạnh nghị trường, nếu có, sẽ do ảnh hưởng cá nhân của bà hơn là sức mạnh của lá phiếu. Với 43 ghế dân biểu LMQG/DC chiếm 6.7% trong hơn 664 ghế trong cả hai viện quốc hội. Theo Hiến pháp Hội đồng Quân nhân Quốc Phòng (Commander-in-Chief of Burma’s Defence Services) đề cử 25% đại biểu (166 người) trong giới quân nhân tại chức hay đã nghỉ hưu. Số 68.3% còn lại  đều là đảng viên của đảng Đoàn kết Xây Dựng (ĐKXD – Union Solidarity and Development Party -USDP), đắc cử từ cuộc bầu cử do các tướng lãnh đạo diễn năm 2010.  LMQG/DC đã tẩy chay cuộc bầu cử này.

Tuy nhiên thế chính trị giữa các tướng lãnh và LMQG/DC có thể thay đổi một cách căn bản trong cuộc bầu cử toàn quốc năm 2015 tới. Với sự ủng hộ của dân chúng như trong cuộc bầu cử vừa qua, LMQG/DC sẽ thắng dễ dàng và có thể chiếm hầu hết trong số 75 % ghế trong hai viện quốc hội.

Với đa số đó LMQG/DC có thể kiểm soát nghị trình quốc hội và làm lu mờ thế của Hội đồng Quân nhân Quốc Phòng. Theo Hiến pháp 2008 bà Aung San Suu Kyi không đủ điều kiện để ứng cử tổng thống (Hiến pháp đòi hỏi chồng/vợ và con cái không được mang quốc tịch nước ngoài trong khi chồng và các con bà đều có quốc tịch Anh). Nhưng LMQG/DC  có đủ phiếu để bầu một ứng viên khác của Liên Minh làm tổng thống.

Các tướng lãnh và đảng ĐKXD có chịu nhường quyền hành một cách dễ dàng như vậy không? Câu hỏi là một vấn nạn lớn của Myanmar trong thời gian tới. Vấn đề ổn định chính trị của Myanmar sẽ tùy thuộc vào sự khéo léo và tế nhị của bà Aung San Suu Kyi và thái độ của các nước Tây Phương. Tại trụ sở của LMQG/DC trong đêm chiến thắng 1/4 bà nói với đảng viên và dân chúng nhu cầu của tự chế.

Âu châu và Hoa Kỳ cũng cần thận trọng vì nắm trong tay chìa khóa của cấm vận. Trong hai lĩnh vực kinh tế và quốc phòng cần ưu tiên giải tỏa kinh tế để đời sống của nhân dân Myanmar sau nhiều thập niên thiếu thốn được cải thiện nhanh chóng. Phần quân sự đi sau sẽ làm cho các tướng lãnh bị ràng buộc đôi chút đồng thời không làm cho Trung quốc lo ngại. Sự đóng góp ảnh hưởng của bà Aung San Suu Kyi đối với chương trình giải tỏa cấm vận cũng cần được bà Suu Kyi cân nhắc kỹ lưỡng.

Nhìn con đường tiến tới dân chủ trước mắt của Myanmar qua hai nhân vật: tướng Thein Sein và bà Aung San Suu Kyi chúng ta có quyền hy vọng mặc dù vẫn chưa cất bỏ hoàn toàn được sự lo âu…(www.tranbinhnam.com)

Trần Bình Nam

Burma- perestroika or ploy?

Miến Điện đang Đổi Mới

Giữa một loạt các phát triển kỳ lạ có (còn tiếp)

Amongst a strange combination of developments there is one question on the minds of all Burma watchers and activists right now: what is the regime up to?

Aung San Suu Kyi Thein SeinOn the one hand is a seemingly historic shift: Aung San Suu Kyi, released last year, has held an unprecedented face-to-face meeting with President Thein Sein; she has stated that she is happy with the outcome and a senior official has reportedly surmised that “we see her as a potential partner, not an adversary.”  Meanwhile, bans have been lifted on websites such as BBC Burmese, Radio Free Asia and Democratic Voice of Burma; exiles have been promised leniency and invited to return home; and the military-controlled parliament has passed a motion calling for a mass release of political prisoners.

Yet at the same time journalists are being locked up and media outlets shut down, political prisoners are being denied adequate medical treatment; and brutal attacks against ethnic minority villages, most likely amounting to Crimes Against Humanity, are continuing unabated.

We could of course, be witnessing something a slow transformation from a low base.  Indeed, democracy campaigners would be unwise to write off the apparent progress in some areas because of a failure to move on on in others.  There are certainly changes to be welcomed and it should always be borne in mind that any transition will never occur overnight.  The regime, following revolution in 2007 and huge international pressure in the wake of Cyclone Nargis in 2008, recognising that Aung San Suu Kyi remains enormously popular and watching dictators across the Arab World topple, may have genuinely decided that the time has come for gradual liberalisation.

Equally, it would be naive to view developments without scepticism and appreciation that we could instead be witnessing a cynical government ploy rather than a Burmese perestroika.  There is just too much that does not add up: why would a liberalising government launch fresh attacks on ethnic minority groups?  Why would a government seeking to engage Aung San Suu Kyi, ruthlessly evict patients from an HIV/AIDS hospital in response to her visit there? Why would a political elite with their eyes on transition go to such pains to rig an election?  And why, if they were easing up on political prisoners, would they carry out a sham amnesty, branded a ‘sick joke’ by human rights organisations?

The regime certainly stands to gain from appearing to give ground: it has its sights set on the Chair of ASEAN in 2014 and holds out hope of weakening the international sanctions regime that it currently faces.  There is also the ominous possibility that the apparent relaxation is designed to ‘lure out’ opponents: Reporters Without Borders noted surveillance in internet cafes was upped just before opposition sites were unblocked, whilst the call for exiles to return would leave them vulnerable to re-arrest or worse.  It would not be the first time that a dictatorship has apparently relaxed its stance, only to crack down hard on those taking advantage of political breathing space.

The third possibility is that this is neither Naypyidawan opening up nor a calculated scheme but simply the latest in the regime’s long line of bizarre and irrational moves.  General Then Shwe, who held power since 1992 and still pulls the strings behind the nominally civilian government, constructed a new capital city in the jungle surrounded by stone statues of worrier gods, apparently at the advice of fortune tellers or out of a paranoid fear that the USA would invade.  His government transferred Suu Kyi from house arrest to Insein Jail-one of the most notorious in the world, just eighteen months before going on to release her from detention altogether.  And they recklessly jeopardised relations with China, their patron and one of their only allies, by launching a sudden attack on the Kokang region and driving ten thousand refugees across the Chinese border.

These are not the acts of rational men, but rather of eccentric and somewhat unstable tyrants.  It is perfectly conceivable therefore, that this latest round of apparent liberalisation may not fit into any kind of structured plan at all but simply be a continuation of the kind of political idiocy Burma has suffered under for decades.

Nevertheless, whatever the rationale (or lack of) behind these moves, Aung San Suu Kyi and the democracy movement will soon face a tough choice:

They could continue with dialogue and risk legitimising or easing the lot of a regime that may go on persecuting the Burmese people.

Or they could demand the release of all political prisoners and an end to attacks on ethnic minorities as a pre-requisite to talks continuing; but in doing so risk jeopardising, perhaps permanently, any chance of further conversation.

All the while, the duty of activists around the world should be to follow democracy campaigner Ben Roger’s advice of ‘work and see’ not ‘wait and see’.  With so little certainty and so much at stake we must do what we can for the Burmese people right now: by financially and practically supporting the democracy movement, protecting refugees and encouraging international pressure against the regime. 

This could be a historic time – it is up to campaigners inside and outside Burma to make it historic for all the right reasons.

Suu Kyi

Posted in Ở Miến Điện, Đổi Mới | Leave a Comment »

Chỉ có chế độ dân chủ là ổn định

Posted by hoangtran204 trên 08/04/2012

Ngô Nhân Dụng

Miến Ðiện được dư luận người Việt chú ý vì ở gần nước Việt Nam. Vì vậy, chúng ta đang chia mừng với 60 triệu dân Miến Ðiện, khi thấy chính quyền quân phiệt có vẻ thành thật muốn nước họ được sống trong tự do dân chủ. Nếu tình trạng này tiếp tục, trong ba, bốn năm nữa, quyền hành sẽ được chuyển giao cho một chính phủ do dân Miến Ðiện bầu lên.

Nhưng có một quốc gia khác ở tận Phi Châu cũng rất đáng quan sát và đáng khen ngợi, không thua gì Miến Ðiện. Ðó là Sénégal, một cựu thuộc địa của Pháp với 13 triệu dân, nằm bên bờ Ðại Tây Dương. Ðiều đáng khen ngợi ở Sénégal là họ vừa thực hiện một cuộc chuyển giao quyền hành trong hòa bình, nhiều người ở bên ngoài phải kinh ngạc. Trước khi dân Sénégal bỏ phiếu ngày 25 Tháng Hai, nhiều tòa đại sứ Tây phương đã khuyên kiều dân của họ hãy tạm rời xứ này, đi đâu thì đi chớ không nên ở lại. Họ tiên đoán sẽ có hỗn loạn sau cuộc bỏ phiếu. Ông tổng thống cũ thế nào cũng đắc cử vì ông rất nhiều thủ đoạn. Ứng cử viên đối lập chắc chắn sẽ tố cáo gian lận. Hai phe sẽ đổ ra đường đánh nhau, giết nhau. Có hỗn loạn thì có cướp bóc. Dân Sénégal cũng lo. Họ đã được người Pháp trao trả độc lập từ 1960. Ông tổng thống đầu tiên Léopold Senghor nổi tiếng là một thi sĩ viết tiếng Pháp, đã tạo được truyền thống tương đối dân chủ khi sau 20 năm ông tự rút lui khỏi cái ghế tổng thống, về hưu thật sự để làm thơ!

Nhưng kết quả khiến nhiều người kinh ngạc. Cựu Tổng Thống Abdoulaye Wade quả nhiên có tham quyền cố vị thật. Ông đã làm hai nhiệm kỳ rồi, đáng lẽ theo Hiến Pháp không được ứng cử nữa. Năm ngoái Quốc Hội bù nhìn của ông tu chính Hiến Pháp, cho phép ông tranh cử thêm. Ông Putin sửa Hiến Pháp Nga để kéo dài nhiệm kỳ, ông Abdoulaye Wade đâu kém gì? Ðiều ông Abdoulaye Wade không ngờ là dân chúng Sénégal đã chán chế độ tham nhũng, bất lực của ông quá rồi. Ông chỉ được 34% số phiếu trong vòng đầu, đến vòng thứ hai thì thua đối thủ, Macky Sall, một cựu thủ tướng. Ông Wade sau cùng đã hành động một cách đáng khen ngợi, ông công nhận mình đã bị dân cách chức! Ông muốn đóng vai một chính khách về hưu còn đầy đủ tư cách, hơn là một bạo chúa tham lam ngu ngốc.

Chuyển giao quyền hành là một cuộc trắc nhiệm cho tính chất ổn định của một chế độ. Nó cũng là một thử thách cho sự trưởng thành của một quốc gia. Nước Sénégal mới vượt qua được thử thách quan trọng đó; ít nhất trong năm 2012 này. Nước Miến Ðiện cũng mới vừa đi qua cuộc thử thách khác. Người dân Miến Ðiện đã dám bỏ phiếu theo lựa chọn của họ, không sợ hãi. Những người cầm quyền ở Miến Ðiện cũng đáng khen, không khác gì cựu Tổng Thống Wade ở Senegal. Họ chấp nhận kết quả phản ảnh ý nguyện của người dân.

Năm nay, bên Trung Quốc cũng sẽ diễn ra một cuộc chuyển giao quyền hành. Không phải dân chúng chọn một lớp lãnh đạo mới, vì dân Trung Hoa chưa có quyền đó. Họ sẽ phải chờ Ðại hội thứ 18 của đảng Cộng Sản Trung Quốc chọn lựa, rồi toàn dân sẽ được vỗ tay hoan hô. Cộng Sản Trung Quốc muốn tập trung quyền hành trong tay đảng của họ, lấy lý do là làm như vậy để bảo đảm sự ổn định, không để xáo trộn chính trị làm cho kinh tế chậm phát triển. Nhiều người Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ lý luận đó, họ đều bị bịt miệng hết.

Nhưng thật sự nền chính trị ở Trung Quốc có ổn định hay không? Qua những tin tức được lọt ra ngoài, dù đảng Cộng Sản đã kiểm soát chặt chẽ, thì không thể nói là có ổn định. Mọi người đều biết trong kỳ đại hội tới, Cộng Sản Trung Quốc sẽ chọn ông Tập Cận Bình làm chủ tịch đảng, chủ tịch nước thế chỗ Hồ Cẩm Ðào; còn ông Lý Khắc Cường sẽ lên ghế thủ tướng thay Ôn Gia Bảo. Nhưng guồng máy quyền lực ở Trung Quốc còn rất nhiều ghế mà người ta đã và đang giành giật. Nhưng ai theo dõi tin tức đều biết, trong nội bộ đảng Cộng Sản Trung Quốc đang diễn ra một cuộc đấu đá giữa hai phe, bên ngoài coi bộ êm đềm nhưng bên trong không biết những cơn sóng ngầm nào sẽ bất ngờ nổi lên từ nay cho đến cuối năm. Phe thứ nhất là những “vương tôn” vào hùa với nhau vì là con cháu của những lãnh tụ đảng thời trước; họ được cựu Chủ Tịch Giang Trạch Dân và nhóm lãnh tụ Thượng Hải hỗ trợ; họ chú trọng đến việc bảo vệ các quyền lợi với các khẩu hiệu tả phái mị dân. Phe thứ hai thường gọi là “Ðoàn Phái” vì từng tập trung trong Ðoàn Thanh Niên Cộng Sản thời Hồ Cẩm Ðào cầm đầu, có khuynh hướng muốn cải cách nhanh hơn. Họ giành nhau ngồi vào những chiếc ghế trong Thường Vụ Bộ Chính Trị; trong Ban Bí Thư, trong Quân Ủy Trung Ương, vân vân.

Chúng ta đã chứng kiến cảnh một lãnh tụ phe Vương Tôn là Bạc Nhất Ba, bí thư Trùng Khánh bất ngờ mất chức. Sau đó, có tin đồn trên Internet là xe tăng kéo ra đường phố Bắc Kinh để ngăn đảo chính. Tin đảo chính bị bác bỏ, nhưng cuộc đấu lại diễn ra trên các mạng Internet. Ngay sau khi họ Bạc thất thế, một mạng tả khuynh ở Trung Quốc gọi là Utopia đã viết rất nhiều bài bênh vực ông ta (http://www.wyzxsxcom). Trên mạng này, họ tố cáo Ôn Gia Bảo vận động hạ bệ Bạc Nhất Ba theo chỉ thị của Mỹ quốc! Mạng này còn nhận định: Nếu cuộc tranh chấp quyền lực không khéo giải quyết thì “Ðảng Cộng Sản Trung Quốc có thể sẽ tách làm hai!”

Ngày hôm qua, mạng Utopia bị công an mạng ra lệnh đóng cửa trong một tháng. Lý do được đưa ra là Utopia đã nói xấu giới lãnh đạo, dèm pha đại hội đảng thứ 18 sắp tới. Người quản đốc mạng là Phạm Cảnh Cương (Fan Jinggang), hỏi bằng cớ thì công an mạng không đưa bằng cớ nào cả. Nhà nước muốn đóng là đóng, không được thắc mắc.

Nhưng cuộc tranh chấp giữa hai nhóm Ðoàn Phái và Vương Tôn không phải do vấn đề chủ trương, chính sách khác nhau. Thực chất là họ tranh giành quyền hành và lợi lộc do quyền hành đem lại. Bạc Nhất Ba tuy tự quảng cáo các chiến dịch chống băng đảng tham nhũng, và hô hào trở lại các khẩu hiệu và bài hát thời Mao Trạch Ðông làm một “Mô hình Trùng Khánh,” nhưng trong thực tế lại cầm đầu một mạng lưới tham nhũng khổng lồ. Những tin tức mới được tiết lộ sau khi Bạc mất chức cho thấy bà vợ của ông ta là Cốc Khai Lai (Gu Kailai). bị nghi ngờ liên can đến cái chết của Neil Heywood, một thương gia người Anh quốc; cái chết ở Trùng Khánh được giải thích là vì uống rượu quá chén, nhưng bị đem thiêu xác ngay.

Viên giám đốc công an Trùng Khánh Vương Lập Quân đã đặt câu hỏi về vụ này với Bạc Nhất Ba, nên bị cất chức. Quân sợ mất mạng, đã xin hẹn gặp lãnh sự Anh ở Trùng Khánh, rồi lại đổi ý, xin tị nạn với tòa Tổng Lãnh Sự Mỹ ở Thành Ðô, cho nó xa hơn. Hành động đó đưa tới những biến cố dây chuyền khiến Bạc Nhất Ba bị cách chức.

Nhưng phe Ðoàn Phái đã chặt chân tay của họ Bạc từ trước. Một người em vợ Bạc Nhất Ba là Thiếu Tướng Cốc Tuấn San (Gu Junshan) đã bị cất chức và bị bắt vì tội tham nhũng. Cốc Tuấn San từng đứng đầu Cục Hậu Cần, lo về tiếp liệu trong quân đội, một chức vụ tha hồ rút ruột các dự án. Người đã điều tra và truy tố San là Lưu Nguyên, một con trai của Lưu Thiếu Kỳ. Nguyên được Ðặng Tiểu Bình cứu, đưa về học ở Bắc Kinh, sau khi Lưu Thiếu Kỳ bị Mao Trạch Ðông làm nhục đến chết. Năm ngoái Lưu Nguyên (Liu Yuan) mới được Hồ Cẩm Ðào đích thân thăng lên hàng tướng, và đang hy vọng sẽ được vào Quân Ủy Trung Ương trong nhiệm kỳ tới. Việc bắt giam Cốc Tuấn San xẩy ra vài ngày trước khi Bạc Nhất Ba mất chức, là một “công trạng” giúp Lưu Nguyên lên cao hơn.

Khác với những vụ điều tra và truy tố tham nhũng ở các nước dân chủ tự do, các biến cố ở Trung Quốc diễn ra hoàn toàn thầm lặng, theo truyền thống “thâm cung bí sử.” Người dân Trung Quốc chỉ được biết tin tức sau khi một phe đã hoàn toàn chịu thua phe bên kia. Việc thay bậc đổi ngôi trong hàng ngũ lãnh đạo chỉ những lãnh tụ trong đảng biết với nhau mà thôi. Từ khi thành lập nhà nước Cộng Sản Trung Quốc, chỉ có hai lần việc chuyển quyền diễn ra một cách êm thấm, là khi Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Ðào lên. Nhưng cả hai người này đều do một tay của Ðặng Tiểu Bình chỉ đích danh chọn lựa!

Dân Trung Hoa, với dân số đông gấp 100 lần nước Sénégal, vẫn chưa có quyền quyết định chọn người lãnh đạo đất nước họ, như những người dân ở nước Phi Châu nhỏ bé kia. Ðiều khiến những người như Ôn Gia Bảo lo lắng là nếu không dân chủ hóa sớm, thì xã hội Trung Quốc sẽ bất ổn, gây chướng ngại cho việc phát triển kinh tế. Ông Ôn Gia Bảo hô hào cải tổ chính trị, không chắc đã vì ông ta yêu dân chủ tự do. Các nhà độc tài muốn dân chủ hóa, lý do chính là họ cần bảo vệ ngay địa vị và quyền lợi của gia đình, của con cháu họ. Một chế độ với những tranh chấp quyền lực trong hậu trường như ở Bắc Kinh không bảo đảm tương lai, những những kẻ có tiền thấy đầy rủi ro. Bất cứ ai, sau bao năm lo tích lũy của cải, cũng có thể bị mất, như Lưu Thiếu Kỳ, như Giang Thanh, hay Bạc Nhất Ba, Cốc Tuấn San! Chỉ có một xã hội sống trong pháp luật và mọi người bình đẳng trước pháp luật mới bảo đảm được sinh mạng và tài sản cho mọi người.

Ðó cũng là lý do chính khiến chính quyền Miến Ðiện chịu trả tự do cho người dân, chấp nhận các luật chơi dân chủ. Vì chỉ chế độ Dân Chủ mới bảo đảm được đời sống ổn định, cho tất cả mọi người. Trong chế độ dân chủ, quyền hành của cả guồng máy nhà nước, của chính phủ, của công an hay quân đội, luôn luôn bị ràng buộc bởi những hạn chế ghi rõ trong Hiến Pháp, trong luật lệ. Bất cứ ai đóng vai trò lãnh đạo đều phải chịu trách nhiệm, có chức trách (accountability) do vai trò mà họ phụ trách. Nếu thiếu các yếu tố này, xã hội không thể nào ổn định.

Nguồn: báo nguoi-viet.com

nguồn: http://danluan.org/node/12256

Posted in Ở Miến Điện, Dân Chủ và Nhân Quyền, Đổi Mới | Leave a Comment »

Miến Điện: Tự do không sợ hãi

Posted by hoangtran204 trên 05/04/2012

Tự do không sợ hãi

Tác giả Ngô Nhân Dụng

Nguồn: báo Người Việt

Tại cố đô Pagan xứ Miến Ðiện (Myanmar), giữa hàng chục ngàn bảo tháp, ngôi tháp Manuha có một sự tích đặc biệt. Vua Anawrahta trị vì vương quốc Pagan hùng mạnh nhất trong thời đó đã quy y đạo Phật theo truyền thống Bắc Tông.

Ông yêu cầu Manuha, một vị vua người Môn ở phía Nam phải thần phục và cống tiến tam tạng kinh điển Nam Tông; nhưng không toại nguyện. Anawrahta tấn công, bắt Manuha cầm tù, vẫn đối đãi như hàng vương giả. Mấy năm sau Manuha đã xin phép Anawrahta cho mình xây một bảo tháp mới làm nơi thiền định và được chấp thuận. Ngày nay du khách vào thăm di tích Bảo Tháp Manuha tại Pagan được chiêm ngưỡng một tượng Phật nằm rất đẹp. Nhưng ai cũng phải ngạc nhiên là gian phòng bên trong ngôi tháp quá nhỏ, pho tượng Phật như bị bó chặt giữa mấy bức tường kín bưng.

Năm 1059 Vua Anawrahta được mời tới khánh thành ngôi bảo tháp, ông bước vào, chắc cũng phát sinh cảm giác đó. Và ông hiểu ngụ ý của Manuha: Phật cũng như người ta, không thể sống trong tù ngục, không được tự do.

Tổng Thống Thein Sein chắc còn nhớ và muốn bắt chước bài học của vua Anawrahta, cho nên ông cũng bắt đầu thả các tù nhân của ông, 60 triệu dân Myanmar, cho họ được sống tự do hơn. Cuối tuần qua, dân Miến Ðiện đã bỏ phiếu bầu bổ túc 45 ghế đại biểu Quốc Hội. Họ thật sự được tự do chọn lá phiếu, cho nên đảng đối lập Liên Minh Dân Tộc Dân Chủ (National League for Democracy, NLD) thắng hầu hết các đơn vị; trong đó có bà Aung Sang Suu Kyi. Ðảng NLD thắng cả 4 ghế đại biểu ở thủ đô mới lập Naypyitaw, là nơi hầu hết dân cư là công chức lãnh lương chính phủ, và gia đình họ. Nếu chính quyền Thein Sein giả dối vì còn nuôi tham vọng kéo dài chế độ độc tài quân phiệt thì khó có kết quả như vậy.

Dân Myanmar như đã sống lại. Người ta reo hò mừng rỡ. Tại trụ sở đảng NLD, vào buổi tối Chủ Nhật nóng bức, các thanh niên nhẩy múa ngoài đường, đầu tóc họ cũng nhuộm mầu mè như giới trẻ khắp nơi. Các nhà sư đứng ngắm mỉm cười, tay phe phẩy cái quạt. Nhiều gia đình mang theo cả con nhỏ đến ăn mừng: Dân Chủ đã thắng Ðộc Tài!

Ðây là lần thứ ba dân dân Myanmar đi bầu trong nửa thế kỷ. Năm 1962 các tướng lãnh đã cướp chính quyền, dẫn cả nước đi theo một thứ Chủ Nghĩa Xã Hội bế tắc, như các nước xã hội chủ nghĩa khác. Năm 1990 họ cho dân bỏ phiếu lần đầu, và đảng NLD đã thắng lớn, chiếm 59% số phiếu bầu và 392 trong số 485 ghế đại biểu; mặc dù bà Suu Kyi đã bị bắt giam từ năm trước. Bà từng sống ở ngoại quốc nhiều năm, chỉ về nước năm 1988 để trông nom mẹ già đang bệnh nặng. Ðứng trước cảnh nghèo đói và áp bức do chế độ độc tài gây ra cho dân, bà quyết định ở lại cùng đồng bào đứng lên đòi tự do dân chủ. Bà bị giam cầm hơn 15 năm; chính quyền mặc cả sẽ trả tự do nhưng bà phải đi ngoại quốc, bà từ chối. Cứ như thế, chính quyền quân phiệt tiếp tục cai trị Myanmar với một guồng máy tham nhũng và những chính sách ngu dốt, bất lực thêm 20 năm nữa, trong khi đảng NLD bị cấm hoạt động, các người lãnh đạo bị bắt giam. Dưới chế độ độc tài dân Myanmar không có tự do báo chí, không được tự do hội họp; bị cả thế giới văn minh tẩy chay, nhóm người cầm quyền chỉ trông cậy Trung Quốc ủng hộ. Năm 2010, Tướng Thein Sein cởi bỏ áo lính, trở thành vị tổng thống “dân sự” đầu tiên. Chính quyền tổ chức bầu cử lần thứ nhì, nhưng đảng NLD tẩy chay không dự vì bà Suu Kyi vẫn bị cấm tranh cử.

Thein Sein đã bày tỏ thiện chí dân chủ hóa bằng nhiều bước, để thuyết phục phe đối lập và thế giới là tiến trình dân chủ hóa là một sự thực, chứ không phải chỉ có bề ngoài để được các nước Tây phương bãi bỏ phong tỏa kinh tế. Ông đã trả tự do cho bà Suu Kyi và các lãnh tụ đối lập. Cho báo chí được tự do, ngưng kiểm soát cả Internet. Làm luật cho dân được phép biểu tình; công nhân được phép đình công, và được tự do thành lập công đoàn. Mỗi bước của chính quyền Thein Sein được bà Suu Kyi và các nước Tây phương đáp lại bằng hành động hợp tác tương ứng.

Từ năm ngoái, Myanmar bắt đầu sống trong một không khí chính trị mới, trong tinh thần tin cậy và hợp tác. Bà Suu Kyi xứng đáng là người lãnh đạo khi thẳng thắn và thành tâm cộng tác với những kẻ đã giam cầm mình. Bà nói với các đồng chí đã bị tù đầy: “Chúng ta không thể quên quá khứ. Nhưng không nên chỉ nhớ về quá khứ để nuôi hận thù.” Bà công nhận trong chính quyền quân phiệt cũng “có những người muốn làm điều có ích lợi cho quốc gia.” Không phải ai trong bọn họ cũng muốn dân chủ hóa, “Nhưng trong phong trào dân chủ có phải ai cũng muốn cộng tác với họ đâu? Ðó là điều bình thường trong chính trị.”

Thái độ ngay thẳng, chân thành và đức độ của bà Suu Kyi là nền tảng giúp cho dân tộc Myanmar bắt đầu xây dựng dân chủ. Ðiều gì đã khiến bà sẵn lòng cộng tác với một chế độ đã bỏ tù mình và đàn áp dân như vậy? Vì bà không sợ hãi. Năm 1990, Suu Kyi đã viết một bài chính luận: Tự do không sợ hãi.

Suu Kyi nhìn lại các đồng bào của mình, bà nói: Người dân Miến Ðiện nào cũng biết có bốn con đường lầm lạc, a-gati. Thứ nhất là Chanda-gati, sai lầm do lòng Tham. Dosa-gati do Sân hận. Moga-gati do Ngu si. Nhưng tai hại nhất là sai lầm vì Sợ: Bhaya-gati. (Bốn đường tà này cũng tương tự “Bốn mũi tên độc” trong truyền thống Bắc Tông: Tham, Sân, Si và Mạn). Suu Kyi ca ngợi Thánh Gandhi: Cống hiến lớn lao nhất của Gandhi cho dân tộc ông là khơi dậy tấm lòng không sợ hãi. Gandhi đã tìm học lại truyền thống Ấn Ðộ, và nhận ra, “Thiên khiếu lớn nhất của một cá nhân hay một dân tộc là abhaya, tấm lòng không sợ hãi.”

Áp dụng vào hoàn cảnh dân tộc Miến Ðiện đang chịu cách áp bức, bất công, bà nói: “Chúng ta có thể đều có những hạt giống không sợ hãi, nhưng đáng quý hơn nữa là có được tấm lòng can đảm nhờ rèn tập, không để cho lòng sợ hãi chi phối các hành vi của mình… Trong một chế độ từ chối không công nhận các quyền căn bản của con người, sợ hãi dễ trở thành một thói quen bình thường. Tai hại nhất là người ta che đậy lòng sợ hãi của mình, biến thành một thái độ thường tình, có khi lại coi là khôn ngoan. Người ta sẽ chê bai những người dũng cảm là khờ dại, là liều lĩnh, khi họ biểu lộ những hành động can đảm, dù nhỏ nhặt, để bảo vệ phẩm giá con người và lòng tự trọng.”

Suu Kyi ca ngợi các sinh viên biểu tình trong những năm 1988, 89, vì họ muốn xã hội phải có luật pháp công bằng. “Pháp luật công bình không phải chỉ ngăn không cho người dân bị đối xử oan ức. Chúng còn giúp nuôi dưỡng một xã hội trong đó mọi người có thể được hưởng những điều kiện căn bản tối thiểu để bảo vệ phẩm giá con người…” Cuộc cách mạng quan trọng nhất, Suu Kyi nói, là một cuộc cách mạng tinh thần; do “Một cuộc cách mạng nếu chỉ nhắm thay đổi các chính sách và định chế chính trị để cải thiện đời sống vật chất thì khó thành công đích thực.”

Cuộc cách mạng mà Suu Kyi theo đuổi đang bắt đầu. Ðảng cầm quyền của các vị tướng và tướng về hưu vẫn chiếm đa số trong Quốc Hội gồm 664 ghế; trong đó Hiến Pháp dành một phần tư số đại biểu cho các ông tướng chọn. Ðảng NLD sẽ đóng vai đối lập với một số ghế rất nhỏ. Nhưng đây vẫn là một thắng lợi. Không riêng gì cho bà Suu Kyi mà cho toàn thể 60 triệu dân. Bước đầu tiên trên tiến trình dân chủ hóa đã thành công. Ba năm nữa, Quốc Hội sẽ được bầu lại, và lúc đó hy vọng sẽ dân chủ hóa thực sự.

Một điểm đáng khen ngợi phe các tướng lãnh là họ đã ý thức được là không thể nào kéo dài chế độ độc tài mãi mãi. Khi ngay ở thế giới Á Rập cách mạng cũng bùng lên thì phong trào dân chủ sẽ còn lan rộng mãi. Họ nhận ra quyền lợi của chính họ và gia đình họ chỉ được bảo đảm lâu dài nếu mọi người Miến Ðiện được sống trong một xã hội với luật pháp công bằng. Mà muốn được như vậy, chỉ có một cách là mở con đường xây dựng một thể chế dân chủ tự do.

Giới quân phiệt cũng chỉ thay đổi thái độ dưới áp lực của dân chúng biểu tình chống Trung Quốc. Trung Quốc đã lôi kéo được chính quyền quân phiệt rơi vào quỹ đạo của họ. Các công ty Trung Quốc tha hồ khai thác mỏ, rừng, đá quý của Myanmar. Họ mở các hải cảng và quân cảng trong vùng vịnh trông qua Ấn Ðộ. Họ khai thác dầu, khí của Myanmar, lại đặt ống dẫn dầu kéo qua xứ này để chuyên chở dầu nhập cảng từ Trung Ðông và Phi Châu về thẳng Vân Nam, khỏi qua eo biển Malacca. Dân Myanmar bất mãn đã đặt bom phá đập thủy điện Myitsone vào tháng 10 năm 2010. Năm sau, chính quyền quân phiệt phải đình chỉ dự án trị giá 3.6 tỷ đô la này, để chứng tỏ họ biết chiều theo ý dân. Ðó cũng là một tín hiệu đưa ra để được bà Suu Kyi tin tưởng rằng họ cũng là những người yêu nước. Chế độ quân nhân ở Myanmar tuy cũng đàn áp dân nhưng họ không phá hủy nền văn hóa cổ truyền. Các lãnh tụ quân phiệt vẫn đi lễ chùa, cùng dường chư tăng, chứ họ không tôn thờ một chủ nghĩa duy vật ngoại lai nào. Vì vậy, người ta còn sẵn lòng tin nhau.

Nhưng điều đáng lo ngại là hiện nay cả diễn trình dân chủ hóa tùy thuộc vào hai cá nhân. Bà Suu Kyi đã 66 tuổi, mới bị xỉu ba lần trong thời gian đi vận động tranh cử. Ông Thein Sein cũng 67 tuổi, đang bị bệnh tim. Vì hai người này tin ở thiện chí và tình yêu nước của người kia, cho nên mọi việc tiến hành tốt đẹp. Nếu một trong hai người qua đời trong năm, ba năm sắp tới thì không biết con đường dân chủ hóa sẽ ra sao? Trong hàng ngũ tướng lãnh vẫn có những người bảo thủ, ngoan cố. Như Suu Kyi nói năm 1990: “Không phải quyền hành làm người ta thối nát, mà là lòng sợ hãi. Những người đang nắm quyền sợ mất quyền. Những người đang run sợ trước cường quyền cũng bị nỗi sợ làm đồi trụy.” Cho nên, bà công nhận: “Con đường trước mặt còn đầy khó khăn. Con đường dân chủ hóa sẽ rất dài.”

Xây dựng một đất nước là con đường rất dài. Vào thế kỷ thứ 11, Vua Anawrahta đã hòa giải với Vua Manuha. Sau đó sắc dân dựng lên vương quốc Pagan, gốc Tầy Thái từ Vân Nam tới, đã chung sống hòa hợp với dân Môn, một sắc tộc Nam Á vốn chung gốc rễ với người Khmer, người Mã Lai (và một phần cả người Việt Nam thời cổ). Họ đã xây dựng một nền văn minh mới, tổng hợp các thành tựu của nhiều giống dân, tất cả cùng theo Phật Giáo Nam Tông, tạo thành dân tộc Miến Ðiện sau này. Tương lai dân tộc Miến Ðiện trong thế kỷ 21 sẽ là con đường dân chủ hóa. Ðường còn xa, nhưng chắc họ không sợ, vì đã có một nền tảng tinh thần vững chắc.

Posted in Ở Miến Điện, Đổi Mới | Leave a Comment »