Trần Hoàng Blog

►Tranh Chấp Hoàng Sa và Trường Sa giữa VN và TQ rất khác nhau: bên có chủ quyền thì hờ hững, còn bên kia không được nước nào ủng hộ thì lại rất tích cực

Posted by hoangtran204 trên 18/07/2012

Trần Hoàng

Cách đưa tin tức cho dân chúng biết về chủ quyền của Hoàng Sa và Trường Sa giữa VN và TQ rất khác nhau: bên có chứng cớ về chủ quyền thì hờ hững, còn bên kia không được nước nào ủng hộ thì lại rất tích cực – Vì sao?

Trong khi các chứng liệu lịch sử về bản đồ cổ của Trung Quốc, bản đồ cổ của Việt Nam, các tài liệu lịch sử của nhà Nguyễn, các hiệp ước trước 1945 liên quan tới HS và TS, và hội nghị San Francisco về luật biển 1951 đều cho thấy rằng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. 

(Trong bản đồ của Trung Quốc không hề có Trường Sa, Hoàng Sa) (1904)

(Bản đồ Tây Phương từ năm 1525 đều công nhận Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam)[xem cuối trang này]

Đặc biệt tại hội nghị về Luật Biển tại San Francisco năm 1951, thủ tướng Trần Văn Hữu của VNCH đã tuyên bố, trước sự hiện diện của Trung Quốc và 151 nước,  rằng: Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của VN. Lời tuyên bố này đã không bị một quốc gia nào phản đối. 

Nhưng tất cả các bằng chứng lịch sử, địa lý, chính trị thế giới đều không có ý nghĩa gì hết VÌ chính đảng CSVN và Nhà Nước đã và đang KHÔNG muốn nhắc đến vấn đề chủ quyền của quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (trải dài trên 3 triệu km mét vuông) này nữa. TẠI SAO?  

Chiến tranh Việt Nam do đảng CSVN và Nhà Nước khởi động kéo dài 21 năm, từ 1954-1975, đã làm cho Việt Nam bị chia cắt và  suy yếu, chủ quyền về Hoàng Sa và Trường Sa đã và đang bị nhiều nước nhảy vào tranh chấp kể từ 1956.

Hiện nay, trong lúc TQ ra sức tuyên truyền cho dân chúng họ biết là HS và TS thuộc chủ quyền của TQ, và đang bị Việt Nam tranh chấp chiếm đóng…thì phía Đảng CSVN và Nhà Nước Việt Nam ra lệnh cho công an bắt tất cả những ai biểu tình, hoặc mặt áo có chữ HS-TS là của Việt Nam. Thế là nghĩa lý gì? 

Vì sao đảng va` Nhà Nước VN có thái độ CHẤP NHẬN rằng Hoàng Sa à Trường Sa thuộc chủ quền TQ?

Phải có một hiệp ước bí mật nào đó giữa 2 đảng CS 

Phải  có một bí mật nào đó được che dấu,  và  cả hai đảng CSVN và đảng CSTQ đều biết, nhưng cả hai đều không dám công bố, vì mỗi bên đều mắc phải những lỗi lầm trầm trọng, và nếu công bố thì sẽ bất lợi cho cả 2 đảng

Ông Hồ Chí Minh và đảng CSVN đã dùng Hoàng Sa và Trường Sa như một món hàng để trao đổi lấy vũ khí và sự hậu thuẩn của Trung Quốc vào năm 1950.  Rất nhiều nguồn tin nói về  chuyến đi TQ 1950 xin cầu viện của  ông HCM, dịp này ông cũng  qua Liên Xô gặp Staline xin giúp đỡ, nhưng Liên Xô ủy thác mọi chuyện cho Trung Quốc.

Năm 1950,  TQ cung cấp khí giới nhân sự quân dụng cho đảng CSVN (đảng LĐVN) đánh chiếm Điện Biên Phủ 1954 để lấy công, và từ đó làm bàn đạp để TQ hổ trợ k Hiệp Định Genee 1954 chia đôi đất nước.

Sau Hiệp định 20-7-1954, đảng CSVN từ một tổ chức tay trắng, không có dân, không có lãnh thổ, thậm chí không có cả 1  văn phòng liên lạc (đặt ỏ bất cứ tỉnh thành nào ở VN), đã nghiễm nhiên trở thành sở hữu chủ một nửa nước, tức Miền Bắc .

Hiệp ước bí mật giữa 2 đảng CSVN và đảng CSTQ vào mùa Xuân năm 1950, khi ông HCM đi qua cầu viện ngoại bang TQ  và Liên Xô, để nhờ hai nước này hổ trợ chiếm Việt Nam và các nước Cambodiav à Lào để thành lập một liên bang Đông Dương như tên gọi của đảng CSVN vào lúc thành lập 1932 là đảng CS Đông Dương….

Chuyến đi cầu  viện 1950 là khởi đầu cho việc mất Hoàng Sa và Trường Sa,  và kế đó là chiến tranh VN kéo dài 21 năm.

Trông người mà ngẫm đến ta

Ngày 13.07.2012

SGTT.VN – Cuối tháng 6 vừa qua, tôi được mời tham dự hội thảo với chủ đề “Củng cố và phát triển mạng lưới đô thị Đông Nam Á” với sự tham gia của các nhà khoa học và các nhà quản lý đại diện cho tất cả các thành phố lớn của ASEAN.

 

Những tiết học và chương trình giáo dục thế này cần phải “phủ sóng” với tần suất cao hơn. 

Sau phần khai mạc, một chuyện bất ngờ đã xảy ngoài chương trình nghị sự. Đó là khi GS Tereso Tullaos, một nhà khoa học nổi tiếng của Philippines, lên diễn đàn đọc thư của một số nhà trí thức và người dân Việt Nam gửi Tổng thống Philippines và đại sứ Philippines tại Việt Nam phản đối Trung Quốc lấn chiếm bãi cạn Scarborough và bày tỏ tình cảm ủng hộ Chính phủ Philippines.

GS Tullaos vừa đọc thư vừa rơi nước mắt. Ngoài việc nhờ tôi chuyển lời cám ơn vì bức thư, ông đã lớn tiếng đặt câu hỏi tại sao khi Philippines gặp nguy khốn chỉ có Việt Nam và Philippines bày tỏ thái độ kiên quyết phản đối đường chín khúc, trong khi các nước khác trong khối Asean giữ thái độ yên lặng hoặc trung lập. Câu hỏi của GS Tullaos làm cho không khí hội thảo chùng xuống và có phần nặng nề, làm cho nhiều người ngượng ngùng nhìn xuống đất, nhưng nó đã phản ánh một thực tế, Asean chưa phải là một cộng đồng mạnh, thống nhất cao. Một số nước không có biển cho rằng đó không phải là việc của họ, một số khác vì lợi ích kinh tế nên đã không bày tỏ thái độ, một số khác nữa lừng khừng vì thiếu thông tin, trong khi làn sóng tuyên truyền của Trung Quốc quá mạnh mẽ.

Người dân yêu đất nước, người dân phẫn nộ trước sự lộng hành, lộng ngôn của Trung Quốc, nhưng tình cảm máu thịt đó không thể chỉ xuất phát từ trái tim mà cần phải được nuôi dưỡng bằng sự thật chân lý, bằng kiến thức và sự hiểu biết.

Trong vài tháng gần đây, nếu ai đến Trung Quốc hay có điều kiện xem báo chí, các chương trình trên truyền hình, radio của Trung Quốc phát đi bằng nhiều thứ tiếng khác nhau mới thấy Trung Quốc đang huy động có chủ đích toàn bộ sức mạnh của bộ máy truyền thông đại chúng với tần số, tần suất rất cao, dày đặc, phủ sóng rộng khắp để tuyên truyền về chủ quyền biển đảo của Trung Quốc.

Thậm chí, nội dung này được mang vào cả trong các diễn đàn quốc tế, trong chương trình giảng dạy cho học sinh, sinh viên.

Các học giả nổi tiếng của Trung Quốc hàng đêm lên truyền hình tung ra các luận điệu, trưng ra các bằng chứng lịch sử (văn bản, bản đồ, đồ cổ, hình ảnh) để nói rằng Biển Đông là của họ, đường chín khúc là phải đạo.

Họ đã đạt được mục đích. Bằng chứng là hầu hết người Trung Quốc lục địa và người Trung Quốc hải ngoại đều hiểu rằng những gì Việt Nam, Philippines đang làm là không “phải đạo”, là “phi nghĩa” và chuẩn bị gây hấn với Trung Quốc. Hơn nữa, Việt Nam và Philippines còn đang mở cửa mời Mỹ quay trở lại châu Á để chà đạp lên các giá trị văn hoá, đạo đức truyền thống.

Nhà cầm quyền Trung Quốc thành công trong chiến dịch tuyên truyền không chỉ với người bình dân mà cả với giới trí thức và phần nào thành công trên trường quốc tế. Cách đây mấy ngày, tôi báo cáo chuyên đề khoa học cho tám nghiên cứu sinh của Mỹ đến từ trường đại học California và nhận thấy họ hiểu quá sai lệch về những gì đang diễn ra ở khu vực Biển Đông.

Có một thực tế không phủ nhận được là truyền thông về vấn đề Biển Đông của ta rất yếu ớt. Rõ ràng chúng ta có chính nghĩa, có rất nhiều bằng chứng về lịch sử, địa lý, dân số và pháp lý về Hoàng Sa, Trường Sa, nhưng thử hỏi bao nhiêu người dân được nghe, được thấy nó trên báo chí và đặc biệt là trên truyền hình?

Người dân yêu đất nước, người dân phẫn nộ trước sự lộng hành, lộng ngôn của Trung Quốc, nhưng tình cảm máu thịt đó không thể chỉ xuất phát từ trái tim mà cần phải được nuôi dưỡng bằng sự thật chân lý, bằng kiến thức và sự hiểu biết. Ngay cả các trí thức Việt Nam nếu không được trang bị những kiến thức như thế rất khó nói trong các hội nghị, hội thảo quốc tế.

Thật tiếc là những thông tin tối cần thiết như thế lại không được trình bày ngọn ngành hàng đêm trên truyền hình quốc gia (không phải như là một điểm tin hay một thông báo ngắn gọn). Lẽ nào vì thời gian phát sóng một giờ quá đắt, lẽ nào các nhà khoa học của chúng ta không tự tin và không đủ kiến thức?…(*)

Bối cảnh quốc tế hiện nay cho thấy, đã đến lúc và không thể muộn hơn phải đẩy mạnh chiến lược truyền thông quốc gia và quốc tế một cách bài bản để toàn thế giới biết sự thật, từ đó tìm được sự quan tâm ủng hộ của những người có lương tri. Song song đó là việc giao nhiệm vụ cho các trường đại học, các học giả, các bộ ngành có trách nhiệm mang những thông tin này chuyển ra thế giới qua các kênh thông tin khác nhau. Và hơn hết, cần công bố cho toàn dân biết một cách tường tận và khoa học về Biển Đông. Đó chính là cách nuôi dưỡng tình yêu tổ quốc một cách có lý trí, chứ không đơn thuần chỉ xuất phát từ tình cảm.

TS Nguyễn Minh Hoà

—–

Lời của Trần Hoàng:

*700 tờ báo, tất cả các đài truyền thanh và truyền hình thuộc quyền sở hữu của đảng và nhà nước. Quyền cho báo chí và đài truyền hình đăng tin gì là của đảng, của ban Tuyên Giáo Trung Ương và 14 ủy viên Bộ Chính Trị. Khi bọn này không ra lệnh, không lên tiếng phản đối Trung Quốc, thì báo và đài im thin thít, không dám làm gì hết. Báo và đài truyền thanh truyền hình không bao giờ loan tin về Hoàng Sa và Trường Sa, về các vụ Trung Quốc bắt nạt ngư dân VN… chứng tỏ Đảng và Nhà Nước cùng 1 phe với Trung Quốc. Đó là trên lãnh vực truyền thông. Còn thực tế thì những việc làm cụ thể của Đảng và Nhà Nước như sau càng chứng tỏ chúng là cùng một bọn với TQ:

Khi Trung Quốc chiếm Hoàng Sa lần đầu 1956, thì đảng và nhà nước viết công hàm – thủ tướng Phạm Văn Đồng ký- nội dung thừa nhận các vùng lãnh hải liên quan thuộc về Trung Quốc. Đảng và nhà nước lo như thế đó!

Khi Trung Quốc chiếm Hoàng Sa 1974, đảng và nhà nước nói là: Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa  giùm cho ta!Thế mới kinh dị. (mời các bạn đọc bài này, (đoạn tướng Ngô Du, tướng Lê Quang Hòa, và Lê Đức Thọ) Tư Liệu Lịch Sử)

Khi Trung Quốc chiếm quần đảo Trường Sa 1988 và bắn chết 64 bộ đội hải quân (phim hải quân TQ bắn 64 bộ đội hải quân VN), đảng và nhà nước giấu nhẹm chuyện này (20 năm sau, sau khi TQ tung phim này ra trên mạng internet, dân chúng VN mới biết) và nay đảng và nhà nước vẫn nói là để họ lo đấu tranh ngoại giao và chính trị với TQ để đòi lại. Nhưng hơn 20 năm trôi qua, kết quả của chuyện đấu tranh với TQ đến đâu rồi và như thế nào? 

Khi quân Trung Quốc bắt giam, đánh đập, bỏ tù, bắn giết,  và đòi tiền chuộc hàng trăm thuyền và hàng 500-600 ngư dân Việt Nam đang đánh bắt cá quanh quần đảo Hoàng Sa (như cha ông của họ vẫn đánh cá từ hơn 60-70 năm nay), đảng và nhà nước nói với dân là đừng phản đối, đừng biểu tình, có đảng và nhà nước lo.

Nhưng thực tế, Đảng và Nhà Nước có lo được gì không? Có dám công khai lên tiếng phản đổi Trung Quốc trên báo chí và đài truyền hình không? Có dám yêu cầu Trung Quốc thả ngư dân không? Cuối cùng, gia đình ngư dân phải nộp tiền chuộc người, chuộc tàu thuyền.  Chuyện bắt bớ đánh đập, bắn giết ngư dân, giam thuyền và đòi tiền chuộc đã  xảy ra từ lâu, và hiện vẫn tái diễn hàng năm nên không thể che dấu, cứ một vài tháng thì lại có tin này trên báo chí vài tuần. Thế Đảng và Nhà Nước lo như thế nào? Đảng và Nhà Nước đấu tranh chính trị và ngoại giao với Trung Quốc về chuyện Hoàng Sa và Trường Sa có kết quả đến đâu rồi? Chuyện này kéo dài 56 năm rồi.

Và bây giờ, khi Trung Quốc kéo tàu khoang dầu vào khu vực Hoàng Sa, chia lô và công khai gọi thầu bán 9 lô dầu khí nằm trong lãnh hải VN, đảng và nhà nước vẫn nói là để họ LO, dân chúng không nên biểu tình chọc giận Trung Quốc, chúng ta sống bên một nước lớn phải nhịn…Đảng và Nhà nước lo như thế ấy.

Các bài liên quan

►Trung Quốc vào khai thác dầu khí ở Biển Đông…

Biển Đông- Hoàng Sa và Trường Sa

Phụ lục:

*. Công Hàm 14-9-1958 do TT Phạm Văn Đồng ký  http://www.youtube.com/watch?v=JtyVPmQl_zM

*. Nhấp chuột vào hình của bản công hàm để đọc.

http://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%E1%BA%A1m_V%C4%83n_%C4%90%E1%BB%93ng

Công hàm Phạm Văn Đồng được một Việt Kiều ở Pháp công bố lên mạng internet vào năm 2000 sau khi Trung Quốc công khai đưa lên mạng. Từ ấy cho đến năm 2011, Đảng và Nhà Nước Việt Nam tìm đủ cách không cho báo chí đài phổ biến bức công hàm này. Khi mạng internet trở nên phổ biến và có hàng triệu người VN trong nước dùng vào năm 2005,  các blogger VN truyền nhau đọc bản công hàm này qua email và post trên blog của họ. Đảng và Nhà Nước mượn tay công an phá sập tất cả cá website nào có đăng về đề tài này. Nhưng, khi hàng ngàn blogger đăng bản công hàm này trên 360.yahoo. blog của họ  vào các năm 2006-2010, thì đảng và nhà nước biết răng không còn có thể ngăn chận được nữa. Thế là có bài báo này ra đời trên tờ Tuần Việt Nam.

Thế nhưng, bài báo này phải đương đầu với câu hỏi: Trong trường hợp nào mà Công Hàm do TT Phạm Văn Đồng ký 14-9-1958 ra đời? Trả lời: công hàm này không đứng riêng rẻ một mình, mà công hàm này để trả lời một bản công bố của Trung Quốc gởi đến VN vào ngày 4-9-1958, nội dụng bản công bố này các bạn có thể nghe và đọc được ở video youtube (post ở phía trên). Sau khi có bản công bố này thì 10 ngày sau, Đảng và Nhà Nước ban hành công hàm 14-9-1958. Vì vậy, bản công bố của TQ và Công Hàm 1958 của đảng và Nhà Nước đi đôi với nhau.

Có bạn lại hỏi: tại sao TQ đưa ra bản công bố này vào năm 1958, sau khi đem quân qua chiếm giữ một vài đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa vào năm 1956. Mời các bạn đọc các bài khác về chiến tranh VN trong blog của Trần Hoàng.

(Khi quân TQ mom men chiếm HS năm 1956, đoàn quân và ngư phủ TQ đã bị quân đội VNCH bắt giữ nhiều lần dưới thời TT Diệm và đã trảo trả cho Trung Quốc cùng năm ấy và nhiều lần khác vào năm 1959. Cần ghi nhận là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có hàng trăm hòn đảo và bãi đá ngầm, và phân bố trên diện tích rộng trên 2 triệu km vuông, nên rất khó tuần tra vào thời điểm 1954-1963, thời TT Ngô Đình Diệm).

         ****

Thấy gì qua những phát ngôn?

27-7-2012

DCVOnline: Trong lúc lãnh đạo Phi Luật Tân cất tiếng nói dõng dạc, phản đối hành động xâm lăng của Trung Quốc ở biển Nam Hải, thì trong khi đó, tại Việt Nam, các ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng – tất cả đều là ủy viên Bộ chính trị của đảng duy nhất đang cầm quyền – ở đâu trong lúc này?, theo Mẹ Nấm. 

DCVOnline trân trọng kính mời bạn đọc theo dõi bài viết rất thú vị “Thấy gì qua những phát ngôn” này, đã được đăng trên chính blog của Mẹ Nấm ngày 26 tháng Bảy mới đây.

Tháng 7 thành phố “Tam Sa” chính thức “ra đời” bởi mẹ mìn Trung Quốc, đánh dấu một mốc điểm lịch sử quan trọng cho tiến trình từng bước xâm chiếm Việt Nam trong chiến lược bành trướng của bá quyền phương bắc.

Chính sách phải và chỉ được để cho “đảng và nhà nước lo” đã lưu lại những dấu ấn của con mộc “made in China” tại Ải Nam Quan, Thác Bản Giốc, một vùng diện tích bằng tỉnh Thái Bình ở biên giới Việt Trung và bây giờ là Hoàng Sa – Trường Sa với bảng hiệu mới trương: Tam Sa.

Sự “bức sinh” của Tam Sa như là một hình thức “bức tử” Hoàng Sa – Trường Sa một cách chính thức, người ta thấy gì về phản ứng ở tầm lãnh đạo quốc gia? Và từ đó thấy gì ở bản chất qua những phản ứng này?

Ngày 19/7, Quân ủy Trung ương Trung Quốc chính thức quyết định thành lập “Cơ quan chỉ huy quân sự” của cái gọi là “thành phố Tam Sa”, đặt căn cứ trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, và việc ngày 21/7 Trung Quốc tổ chức bầu cử đại biểu Đại hội đại biểu Nhân dân khóa I của cái gọi là “thành phố Tam Sa”.

Đảng và Nhà nước Việt Nam đã “lo” gì trước hành động chính thức xâm lược này?

Đảng thì hoàn toàn im lặng mặc dù mọi hiệp ước ký kết giữa hai quốc gia đều do ông Tổng bí thư của đảng đặt viết ký.

Nhà nước thì phải đợi đến 5 ngày sau, 24/7, mới có động thái. Và động thái ấy không gì khác hơn là phản đối.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam – ông Lương Thanh Nghị ra tuyên bố:

“Những hoạt động này của Trung Quốc trái ngược với nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước, vi phạm Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc ký tháng 10/2011, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc, làm cho tình hình Biển Đông thêm phức tạp”.

Cùng ngày, Chủ tịch Thành phố Đà Nẵng Văn Hữu Chiến và Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng cùng ra tuyên bố phản đối những hành động trên của Trung Quốc. Đà Nẵng và Khánh Hòa là các địa phương có nhiệm vụ quản lý các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam:

“Chính quyền và nhân dân Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa một lần nữa hết sức lo ngại và bất bình. Những hành động sai trái của Trung Quốc không làm thay đổi thực tế hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận không tách rời của lãnh thổ Việt Nam”.

(Theo VNExpress)

Trong khi đó, tại Philippines trước hành động xâm lược leo thang của Trung Quốc tại khu vực bãi cạn Scarbourough, tổng thống Benigno Aquino – chứ không phải một nhân viên nào của Bộ ngoại giao – nhấn mạnh:

“Đây không phải là lúc nói về một cuộc chiến. Đây không phải là lúc nói về sự bắt nạt. Đây là lúc nói về việc đạt được hòa bình. Đây là lúc nhìn nhận khả năng của chúng ta để bảo vệ chính mình.” (This is not about picking a fight. This is not about bullying. This is about attaining peace. This is about our capability to defend ourselves).

“Nhưng nếu có ai đó vào sân nhà anh và nói với anh rằng đó là của sân của họ thì anh có đồng ý không? Nếu chúng ta từ bỏ những gì lẽ ra thuộc về chúng ta liệu có đúng không?” (But if someone entered your yard (territory) and told you he owned it, would you agree? Would it be right to give away that which is rightfully ours?)

“Tôi không nghĩ rằng có gì quá đáng khi yêu cầu quyền của chúng tôi phải được tôn trọng, cũng như chúng tôi tôn trọng quyền của họ với vị thế là một quốc gia láng giềng trong một thế giới mà chúng ta cần chia sẻ.” (I do not think it exccessive to ask our right be respected, just as we respect their rights as a fellow nation in a world we need to share)

Đó là lời người lãnh đạo của Philippines.

Trong khi đó, tại Việt Nam, các ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng – tất cả đều là ủy viên Bộ chính trị của đảng duy nhất đang cầm quyền – ở đâu trong lúc này?

Trước những động thái ngày càng gây hấn của Trung Quốc, nhà nước Việt Nam, chỉ qua vai trò của một người phát ngôn đang để cho cả thế giới thấy rõ phương thức bảo vệ lãnh thổ, và danh dự của quốc gia ở Việt Nam là cách phát đi phát lại đoạn băng rè được thâu sẵn từ năm 2007 cho đến nay.

Không có thêm động thái nào mới có tính chất quyết tâm khẳng định chủ quyền từ phía các lãnh đạo cao cấp Việt Nam.

Họ mắc nghẹn cái gì mà không nói nên lời?

Mất Hoàng Sa, mất Trường Sa, đâu phải chỉ có hai ông chủ tịch thành phố Đà Nẵng và chủ tịch tỉnh Khánh Hòa chịu đau, chịu nhục?Trước tình hình căng thẳng trên biển Đông, cùng với câu “trấn an” lòng dân bất hủ “mọi việc đã có đảng và nhà nước lo”, các nhà lãnh đạo Việt Nam hình như muốn chứng minh cho cả thế giới thấy khả năng chịu nhục của mình đã đạt đến cấp độ cao.
Và trên thực tế, bỏ qua các hành vi xâm chiếm leo thang của Trung Quốc từ năm 2007 cho đến nay, phiên tòa kín xét xử ba bloggers, các thành viên của Câu lạc bộ Nhà báo Tự do Điếu Cày (Nguyễn Văn Hải), AnhbaSG (Phan Thanh Hải), Tạ Phong Tần – những người đã từng tham gia biểu tình chống Trung Quốc, có những bài viết mạnh mẽ về chủ quyền biển đảo Việt Nam đầu tiên – dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 07/08/2012 sắp tới đây, như một minh chứng hùng hồn rằng: chỉ có người dân Việt Nam phản đối chính sách bành trướng bá quyền của Trung Quốc, còn chính phủ Việt Nam thì không.
2007 – 2012, 5 năm, không quá ngắn, cũng chẳng quá dài, với nhiều chuyến thăm viếng cả ngoại giao lẫn công vụ chính thức, với nhiều văn kiện được ký kết, trong đó, gần nhất là văn kiện Thỏa thuận những Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển năm 2011 căn cứ vào những nhận thức chung mà Lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc đã đạt được trong vấn đề trên biển, trên cơ sở “Thỏa thuận nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” năm 1993 thì kết quả cuối cùng là thành phố Tam Sa đã được thành lập, và phiên họp đầu tiên đã diễn ra tại đảo Vĩnh Hưng, tức đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Dẫu biết rằng mọi sự so sánh chỉ là khập khiễng, nhưng hãy thử ngẫm lại lời Tổng thống Philippines, ông Benigno Aquino trong thông điệp liên bang đọc trước quốc hội khi kêu gọi toàn dân hãy đoàn kết cùng với những nỗ lực của chính phủ để giải quyết tranh chấp lãnh thổ một cách hòa bình: “Không thể cho đi những gì hợp pháp thuộc về chúng ta. Vì vậy, tôi kêu gọi sự đoàn kết từ người dân về vấn đề này. Chúng ta hãy có chung một tiếng nói” để có thể thấy rõ hơn vị thế và vai trò cùng trách nhiệm của những người lãnh đạo Việt Nam. Họ có đi chung một con tàu với dân tộc này trong việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ hay không?  Ải Nam Quan, Thác Bản Giốc, Biên giới Việt Trung, Hoàng Sa, Trường Sa là câu trả lời. Những bản án, những cú đạp, cái đấm vào mặt nhân dân, những hàng rào người quanh nhà lẫn những những hàng rào song sắt với áo xanh lá cây, áo vàng, lẫn áo xanh da trời ngăn chận người dân thể hiện lòng yêu nước, khẳng định chủ quyền và phản đối Trung Quốc xâm lược là câu trả lời.Những Đại hội đại biểu toàn quốc hội hữu nghị VN-TQ, những cuộc thi Tiếng hát hữu nghị Việt-Trung là câu trả lời.Và sự im lặng của những người đang nắm quyền lãnh đạo cao nhất nước trước sự việc Tam Sa là câu trả lời.

DCVOnline


Nguồn:

(1Thấy gì qua những phát ngôn? Blogger Mẹ Nấm, 26 tháng Bảy năm 2012
————————————————————————————————–

Bản đồ Tây Phương từ năm 1525 đều công nhận Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam

Có thể nói, từ trước đến nay, ở VN, khó có ai có được bộ sưu tập bản đồ cổ đầy đủ và chi tiết về chủ quyền VN ở biển Đông như nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu.

 

 

 

Bản đồ Đại Việt trong “vùng Đông Ấn” vẽ năm 1613 (chụp từ tư liệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu). 

Ngoài một số bản đồ Trung Quốc do người bản xứ và giáo sĩ nước ngoài vẽ và ghi chú, bộ sưu tập của ông còn có cả những bản đồ của ngoại quốc, trong đó nhiều nhất là những bản đồ của Tây Phương công nhận Hoàng Sa, Trường Sa của VN từ năm 1525 cho đến nay.

Với tư cách là nhà khoa học chuyên nghiên cứu về bản đồ, nhân sự kiện TS Mai Hồng trao tặng bản đồ TQ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” 1904 (không có Hoàng Sa, Trường Sa) cho Bảo tàng Lịch sử, ông Nguyễn Đình Đầu nhìn nhận:

“Khi giải thích về tấm bản đồ này, TS Mai Hồng có nói, đây là bản đồ được rút kinh nghiệm từ bản vẽ của các giáo sĩ thừa sai bắt đầu từ M.Licci (Lợi Mã Đậu) và những người về sau cùng một Dòng tên Jésuite từ đầu thế kỷ 17. Sau đó, các giáo sĩ người Pháp cũng giúp Trung Quốc vẽ bản đồ cho đúng kinh tuyến, vĩ tuyến.

Trên tấm bản đồ 1904 này, địa chí từng vùng, miền đều được ghi bằng chữ Hán, nhưng bờ biển và các điểm quan trọng lại ghi bằng chữ Pháp. Đó là chuyện rất mới. Ví dụ, biển Trung Hoa (Mer de Chine) chỉ bắt đầu từ đảo Hải Nam lên tới Thượng Hải (tức nói biển Trung Hoa ở VN là vô lý). Đó là điều đính chính rõ ràng.

Thứ hai, tôi có khoảng 10 tấm bản đồ TQ. Trong đó, có những tấm bản đồ do người TQ và giáo sĩ vẽ và ghi địa danh tương đối đầy đủ tương đương như tấm bản đồ nói trên, mà cũ hơn. Một số bản đồ ấy tôi đã biếu Bộ Công an từ 2 năm trước. Tuy nhiên, tôi vẫn giữ một số bản đồ của TQ mà trên tất cả những bản đồ ấy đều vẽ biên giới của TQ về phía nam tới đảo Hải Nam là tận cùng.

Người TQ vẽ bản đồ thế giới, ví dụ như ông Ngụy Nguyên từng xuất bản sách “Hải Quốc đồ chí” cũng vẽ bản đồ Trung Quốc tới đảo Hải Nam là cực cuối. Khi vẽ tới VN thì cũng rõ ràng là nước VN lớn hơn biên giới VN bây giờ (tôi có cả cuốn sách và hình ảnh). Bờ biển ở VN được ông ghi lại là Đông Dương Đại hải, tức là biển Đông Lớn.

 

 

 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu chỉ quần đảo Paracel trên bản đồ thế giới là thuộc về VN do Tây Phương vẽ năm 1606. 

Việc đưa ra tấm bản đồ TQ năm 1904 gây được dư luận chung, làm cho nhiều người thấy được cương vực của nước ta về lãnh thổ, lãnh hải được rõ ràng. Còn trở ngược lại các mốc thời gian trước, cá nhân tôi nghiên cứu các bản đồ của ngoại quốc, trong đó có những bản đồ của TQ và nhiều nhất là các bản đồ của Tây Phương thì các cứ liệu trên đều công nhận Hoàng Sa, Trường Sa là của VN. Và những bản đồ cổ đó có ghi quần đảo Paracel (cả khối từ trên xuống dưới bao gồm cả Hoàng Sa, Trường Sa) như bản đồ của VN chính thức. Đặc biệt, các bản đồ Tây Phương trong bộ sưu tập của tôi từ năm 1825 đến thế kỷ 19 đều ghi: Bờ biển Paracel là ở khoảng Quảng Ngãi…

* Vậy người Trung Quốc đã lợi dụng điều ngộ nhận nào trong lịch sử để “biến” hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thành của họ?

– Những bản đồ cũ của TQ như Bản đồ chí vẽ theo tư liệu hải trình của Trịnh Hòa từ đầu thế kỷ 15, trong đó có vẽ VN và ghi là “Giao Chỉ Quốc”, tức nước Giao Chỉ. Biển của Giao Chỉ Quốc được ghi là Giao Chỉ dương. Người phương Tây đầu tiên đi khai phá dọc biển từ Malacca của Mã Lai (Malaysia) qua VN tới TQ, Nhật Bản. Khi tới VN, người Mã Lai ghi là có nước Giao Chỉ, nhưng họ viết chữ Giao Chỉ theo cách phát âm của người Nhật, người Mã Lai là Cochin.

Người Bồ Đào Nha là người đầu tiên khám phá ra Ấn Độ bằng đường thủy như cách vừa nói thì thấy bên Ấn Độ có một tỉnh là Cochin. Cho nên, tránh sự hiểu nhầm của cả hai bên, họ ghi là Cochinchina, nghĩa là nước Cochin (Giao Chỉ) ở giáp giới TQ (China – từ chữ Tần mà ra). Về sau, một số người hiểu nhầm biển Giao Chỉ gần Trung Hoa thành biển Trung Hoa (Chinasea, tức lấy túc từ mà bỏ chủ từ). Đến thế kỷ 20, địa danh biển Trung Hoa trở thành phổ biến.

* Chúng ta nên sử dụng những bản đồ cổ như những cứ liệu lịch sử và pháp lý như thế nào để bảo vệ chủ quyền ở biển Đông, theo ông?

– Sự hiểu nhầm này cần phải được đính chính. Đính chính không phải là việc duy nhất chúng ta làm, mà phải đưa những bản đồ cũ chúng ta có để nói rằng biển TQ (Mer de Chine) từ đảo Hải Nam đến Thượng Hải mà thôi. Không thể có vấn đề “lưỡi bò” ở đây. Trung Quốc không thể nói Trường Sa, Hoàng Sa là của họ.

Nói về chủ quyền, VN gần đây mới tuyên bố Luật Biển VN. Và Thủ tướng đã giải thích công khai trên Quốc hội, chủ quyền của VN không thể khác. Đã khẳng định VN luôn tranh đấu để biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa là của VN theo lịch sử. VN cần tranh đấu cùng các nước ASEAN để thực hiện việc giao thông trên biển được tự do và không chấp nhận cái biển Đông mà TQ gọi là “biển của tỉnh Hải Nam”.

Là một nhà khoa học, tôi luôn khẳng định một sự thực lịch sử theo tư liệu VN và ngoại quốc ít nhất từ năm 1525 đến nay với đủ căn cứ Trường Sa, Hoàng Sa là của VN. Bảo vệ biển, Hoàng Sa và Trường Sa là yêu cầu công lý và hòa bình để giải quyết vấn đề trên biển Đông.

– Xin cảm ơn ông!

Minh Thi thực hiện

Đọc bàiBản đồ Tây Phương từ năm 1525 đều công nhận Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam (Lao Động)

*********************************************

Gửi người đang yêu (Thư gửi tiến sĩ Đỗ Xuân Thọ)

Nhà văn Phạm Đình Trọng

*Tiến sĩ Đỗ Xuân Thọ: Tôi phải post ngay bức thư của nhà văn PHẠM ĐÌNH TRỌNG gửi cho tôi khi tôi muốn ông nhận xét bài viết này. Ông không muốn đăng cái comment này trực tiếp vì thương tôi!!! Cảm ơn ông anh Trọng!!!Không bao giờ em tự ái!!! Em chỉ muốn nghe lời nói thật, đặc biệt từ các “Con Ông, cháu Cha”

*Tin liên quan:

Nhà văn Phạm Đình Trọng
Với cảm hứng dạt dào nghệ sĩ, với tâm thế vừa siêu thoát như nhập đồng, vừa quằn quại đau đớn cho thân phận dân tộc Việt Nam trong cuộc đời thực, tiến sĩ Đỗ Xuân Thọ nức nở nói với đám Con Ông Cháu Cha, những người mà Đỗ Xuân Thọ coi đang là rường cột của thể chế chính trị này rằng: Hãy vạch mặt lừa bịp của lũ thầy cúng đang cố sơn son thếp vàng ngôi đền Mác Lê nin để hưởng lộc thánh, để chia nhau vớ bẫm món tiền công đức, hãy vất bỏ mớ kinh sách, giáo lí sai lầm và tội lỗi của họ đi để chuyển đổi đảng Cộng sản của giai cấp vô sản hư vô thành đảng của dân tộc Việt Nam có thật, rồi đảng Dân tộc đó trong quá trình chuyển hóa sẽ tự chia tách theo những khuynh hướng, màu sắc khác nhau như cuộc đời phong phú, sinh động, thành những đảng chính trị khác nhau cùng nói tiếng nói của cuộc đời có thật.

Đọc mà thấy thương anh tiến sĩ cơ học Đỗ Xuân Thọ. Thương vì anh trong sáng quá nên anh vẫn tin vào những người không còn đáng tin, anh vẫn chờ đợi ở một đảng đã bộc lộ quá rõ, không có gì để chờ đợi. Tiến sĩ Đỗ Xuân Thọ vẫn còn tin, vẫn còn chờ đợi vì tiến sĩ Thọ quá trong sáng, cả tin, vị tha, bao dung, độ lượng. Đảng của anh đã phản bội tình yêu của anh mà anh vẫn yêu, vẫn tin. Thư anh gửi cho Con Ông Cháu Cha là đề xuất của anh để cứu vãn cho tình yêu, cho lòng tin đã bị phản bội đó.

Những người đang còn đắm đuối, đau khổ, đang còn tin tưởng, chờ đợi ở đảng Cộng sản Việt Nam như tiến sĩ Thọ không phải là số ít, phải là con số hàng triệu. Chính số lớn người còn gửi lòng tin, tình yêu, sự chờ đợi vào đảng đã tạo nên sức ỳ của đảng, tạo nên sự sống lay lắt của một tổ chức chính trị đã không còn sức sống tự thân.

Cũng chính vì số lớn người còn đang yêu đắm đuối, đơn phương này mà tôi phải viết đôi điều với những người hồn nhiên, trong sáng, đáng yêu và đáng thương đó.

Tiến sĩ Đỗ Xuân Thọ vẫn tin: Sự thâm thúy này của Người có lẽ chỉ có Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Nguyễn chí Thanh cuối đời mới hiểu được…Anh tiến sĩ cơ học Đỗ Xuân Thọ đáng yêu ơi, từ năm 1951 ở Việt Bắc trong đại hội đổi tên đảng Cộng sản Đông Dương thành đảng Lao động Việt Nam chính ông Trường Chinh đã áp đặt tư tưởng Mao Trạch Đông cho đảng Lao động Việt Nam, rước tai họa về cho dân tộc Việt Nam từ ngày đó!

Chính ông Trường Chinh đã quyết liệt bóp chết tư tưởng giải phóng sức sản xuất cho người nông dân của ông Kim Ngọc. Còn ông Nguyễn Chí Thanh, một nông dân thâm căn cố đế? Chính ông Nguyễn Chí Thanh là người phất cao ngọn cờ tư tưởng Mao Trạch Đông, là người đứng đầu lực lượng đàn áp những người có tư tưởng đổi mới muốn thoát khỏi kinh sách giáo điều Mác Lê nin, muốn thoát khỏi đai sắt tư tưởng Mao Trạch Đông đang xiết trên đầu những người Cộng sản Việt Nam.

Những người tôn thờ tư tưởng Mao Trạch Đông như ông Nguyễn Chí Thanh đã ngụy tạo ra vụ xét lại chống đảng, đầy đọa những người thức thời, mẫn cảm, tinh hoa của trí tuệ Việt Nam trong cực hình ngục tù tăm tối.

Còn đám Con Ông Cháu Cha mà tiến sĩ Thọ kì vọng thì nhân cách như ông thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, con trai ông đại tướng Nguyễn Chí Thanh đấy, có đáng để tiến sĩ Đỗ Xuân Thọ gửi niềm tin không nhỉ? Mà Nguyễn Chí Vinh không phải là cá biệt. Không phải tất cả nhưng số lớn Con Ông Cháu Cha đều như Nguyễn Chí Vịnh cả thôi!

Tiến sĩ Đỗ Xuân Thọ vẫn chờ đợi: Anh đã hi vọng, hi vọng và hi vọng vào đại hội ĐCSVN lần thứ 11 và Sau đại hội ĐCSVN lần thứ 11 anh uất quá muốn khóc và hét lên… Có gì đáng để tiến sĩ cơ học Đỗ Xuân Thọ chờ đợi, hi vọng để rồi phải thất vọng đến thế đâu nhỉ. Một đảng đã đưa dân tộc Việt Nam đi từ thảm họa này đến thảm họa khác thì có gì để hi vọng, chờ đợi nhỉ?

Thảm họa chia cắt đất nước. Chia đôi dân tộc Việt Nam thành hai phe, hai trận tuyến chém giết nhau cả chục năm đằng đẵng, hàng triệu người lính Việt Nam, hàng triệu dân thường Việt Nam bị chính người Việt giết chết, hàng triệu người vợ góa bụa, hàng triệu người mẹ cô đơn, hàng triệu gia đình tan nát. Đất nước thành núi xương, sông máu. Cả dân tộc điêu linh, nghèo đói vì đất nước bị chia đôi, hai miền Nam, Bắc thành hai trận tuyến bắn giết nhau.

Thảm họa Cải cách ruộng đất. Chia một dân tộc vốn yêu thương đùm bọc nhau, thương người như thể thương thân, thành những giai cấp đối kháng luôn hằm hè đấu tranh giai cấp, luôn nung nấu hận thù giai cấp, đấu tố, thanh trừng, sát phạt, hãm hại nhau dẫn đến hàng trăm ngàn cái chết oan ức, tức tưởi cho người lương thiện. Cải cách ruộng đất hủy diệt những giá trị vật chất, hủy diệt cả những giá trị văn hóa, tâm linh. Khối đoàn kết dân tộc vốn là sức mạnh, là tài sản của dân tộc Việt Nam bị phá nát. Đạo lí, văn hóa dân tộc bị hủy hoại. Niềm tin tôn giáo thánh thiện bị loại bỏ để bây giờ chỉ còn niềm tin thô tục, thấp hèn, sì sụp lễ bái cầu tài, cầu lộc, cầu thi đỗ, cầu được cơ cấu, cầu được trúng cử trong đại hội đảng kì, cầu tiêu diệt, trừ khử được đối thủ cạnh tranh trong chính trị, trong làm ăn.

Thảm họa Nhân văn Giai phẩm. Đầy đọa cả một đội ngũ trí thức, nghệ sĩ, xóa sổ đội ngũ trí thức, nghệ sĩ đích thực, chân chính để chỉ còn những trí thức, những nghệ sĩ bị công chức hóa, nô lệ hóa, giết chết sự sáng tạo cả một nền văn học nghệ thuật.

Thảm họa tập trung cải tạo. Tù đày không án hàng trăm ngàn người Việt Nam khác biệt ý thức hệ. Đất nước thống nhất mà vẫn phân chia ta, địch trong lòng dân tộc, vẫn khoét sâu trận tuyến ý thức hệ trong lòng dân tộc, dân tộc mãi mãi li tán.

Thảm họa tha hương. Hơn ba triệu người phải xa người thân yêu ruột thịt, rời bỏ quê hương đất nước ra đi để chối bỏ sự phân biệt đối xử, trốn tránh cuộc đấu tranh giai cấp độc ác, vô lương. Nửa triệu người bỏ xác dưới đáy biển. Xa nước đã hơn ba chục năm, đến nay nhiều người vẫn chưa được một lần về thăm nước chỉ vì khác biệt ý thức hệ, bị chính quyền trong nước vẫn coi là thế lực thù địch, bị cấm cửa không cho về. Những ai đã xa nước mới thấm thía việc ngăn cấm con người trở về với quê cha đất tổ, trở về với cội nguồn dân tộc là độc ác, vô lương không còn tính người như thế nào!

Thảm họa Bắc thuộc. Chính quyền nhà nước ở Việt Nam hiện nay như không còn là chính quyền của nhân dân Việt Nam, như không còn là chính quyền của đất nước Việt Nam nữa mà là chính quyền của Đại Hán phương Bắc.

Chính quyền đó luôn mở lòng hướng về phương Bắc, tụng ca những chữ vàng, những điều tốt với phương Bắc, răm rắp lắng nghe ghi lòng tạc dạ từng lời ban phát của phương Bắc.

Chính quyền đó cắt đất, nhượng rừng, nhượng tài nguyên khoáng sản cho phương Bắc, giành hầu hết các công trình xây dựng lớn nhỏ cho phương Bắc để phương Bắc đưa người, đưa hàng hóa vào tràn ngập Việt Nam, làm chủ đất đai Việt Nam, nắm sinh mạng, quyết định sự sống còn của nền kinh tế Việt Nam, cướp cơm của người lao động Việt Nam, giết chết thị trường hàng hóa Việt Nam, tạo ra những lãnh địa rộng lớn của phương Bắc ở khắp nơi trên đất nước Việt Nam. Người Việt Nam không được bén mảng đến, chính quyền Việt Nam không được nhúng mũi vào trong việc quản lí hành chính những lãnh địa của Đại Hán Phương Bắc.

Chính quyền đó làm ngơ trước tội ác của phương Bắc bắn giết cướp bóc dân Việt Nam nhưng lại xây dựng một bộ máy cảnh sát đông đúc, hùng mạnh, khắc nghiệt đàn áp, kìm kẹp người dân Việt Nam. Nhà nước phương Bắc đã ngang ngược thực sự cướp đất, cướp biển của Việt Nam nhưng nhà nước Việt Nam vẫn coi phương Bắc là ân nhân để nhớ ơn, để hớn hở hiếu hỉ.

Phương Bắc xâm lược đã vào tận chốn thâm nghiêm của Việt Nam rồi mà nhà nước Việt Nam chỉ lo đối phó, đàn áp dân, làm lòng dân li tán, sức mạnh dân tộc suy yếu thì thảm họa Bắc thuộc đã treo trên đầu người dân Việt Nam rồi, mọi người có chút lòng với nước đều thấy, đều không yên, chỉ những kẻ giá áo túi cơm mới dửng dưng.

Còn nhiều lắm, thảm họa về văn hóa, thảm họa về giống nòi…Tất cả những thảm họa đó của dân tộc Việt Nam là do chủ nghĩa Mác Lê mang lại. Thế mà những người lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay vẫn kiên trì chủ nghĩa Mác Lê, kiên trì rước họa về cho dân tộc Việt Nam thì họ có còn chút lương tâm con người, chút hồn Việt Nam không mà tiến sĩ Thọ hi vọng, trông chờ?

Nhà lãnh đạo Cộng sản một nước châu Âu khẳng định dứt khoát rằng chế độ Cộng sản không thể cải tạo mà phải vất bỏ. Chế độ Cộng sản châu Âu phải vất bỏ thì chế độ Cộng sản châu Á càng đáng nhiều lần vất bỏ, anh Đỗ Xuân Thọ ạ. Đừng chờ đợi, hi vọng, gửi niềm tin vào đó nữa để rồi lại ê chề thất vọng!

Phạm Đình Trọng

——————————————

Tướng Ngô Du nói gì với tướng Lê Quang Hòa và Lê Đức Thọ vào ngày 21-1-1973

Tướng Ngô Du, đại diện cho VNCH tại Ủy Ban Quân Sự 4 bên

Tướng Lê Quang Hòa, đại diện cho VN DC CH

Lê Đức Thọ, Ủy viên Bộ Chính Trị của Đảng  CSVN, (tức đảng LĐVN),

Chuyện dưới đây do sĩ quan bảo vệ an ninh của đoàn do tướng Lê Quang Hòa cầm đầu phái đoàn, và các cựu cán bộ của đảng CSVN kể lại.

1. Quế Lâm >>>> 

Một bình luận to “►Tranh Chấp Hoàng Sa và Trường Sa giữa VN và TQ rất khác nhau: bên có chủ quyền thì hờ hững, còn bên kia không được nước nào ủng hộ thì lại rất tích cực”

  1. leo said

    xa rời thực tế. nhận xét chủ quan .duy ý chí. chỉ chú tâm vào việc hỏi mà k đáp. thưa những ng viết bài này. quí đag cố tuyên truyền 1thôg đjệp phản độg. tôj khẳg địh!

Bạn cứ phịa ra một email hoặc tên nào đó để viết ý kiến. Comment của tất cả các bạn đọc sẽ được hiện ra.

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.