Trần Hoàng Blog

►Chủ tịch An Giang ‘bảo kê cát tặc’: thu lời bất chính hơn 250 tỉ đồng (26-03-2024)

Posted by hoangtran204 trên 27/03/2024

Đại diện Bộ Công an xác định trong vụ án đường dây khai thác cát trái phép ở An Giang, các bị can đã lợi dụng việc cấp phép để khai thác vượt quy định 3,2 triệu m3, không đưa vào mua bán theo giấy phép mà tuồn ra bán ngoài thị trường, thu lời bất chính 253 tỉ đồng

TIN LIÊN QUAN

Ông Nguyễn Thanh Bình khi mới bị khởi tố. Ảnh: Bộ Công an
Chủ tịch UBND tỉnh An Giảng Nguyễn Thanh Bình khi mới bị khởi tố. Ảnh: Bộ Công an

——-

Doanh nghiệp ‘cát tặc’ mua chuộc nhiều lãnh đạo An Giang 

Theo Bộ Công an, Công ty Trung Hậu – Tổng 68 khai thác cát vượt trữ lượng cấp phép 3,2 triệu m3, trị giá 253 tỷ đồng, rồi dùng tiền kiếm được mua chuộc hàng loạt lãnh đạo tỉnh An Giang.

Công ty Cổ phần đầu tư Trung Hậu – Tổng 68 có trụ sở tại huyện Bình Chánh, TP HCM, do ông Lê Quang Bình là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc. Doanh nghiệp này được UBND tỉnh An Giang cấp phép khai thác tại mỏ cát trên địa bàn xã Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.

Theo đó, Trung Hậu – Tổng 68 được phép khai thác hơn 1,5 triệu m3 cát để cung cấp cho 4 công trình: dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ; tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP Long Xuyên; công trình đường kênh Long Điền A-B và dự án thành phần đoạn Cần Thơ – Hậu Giang và Hậu Giang – Cà Mau thuộc Dự án công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định, ông Lê Quang Bình đã lợi dụng giấy phép khai thác khoáng sản được cấp, chỉ đạo nhân viên và thuê người tổ chức khai thác hơn 4,7 triệu m3 cát – vượt trữ lượng được cấp phép trên 3,2 triệu m3. Trị giá khoản dư này tạm tính là 253 tỷ đồng.

Tiếp đó, Trung Hậu – Tổng 68 đã bỏ ngoài sổ sách không khai báo và nộp nghĩa vụ tài chính với số cát khai thác vượt giấy phép.

Để tiêu thụ số cát khai thác trái phép, ông Bình cùng đồng phạm lập nhiều công ty trung gian, quản lý mua bán hóa đơn đầu vào khống để hợp thức nguồn gốc cát lậu. Số tiền thu được, tổng giám đốc này khai chi cho một số cán bộ cơ quan chức năng, trong đó có ông Nguyễn Việt Trí, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang.

Sau 4 tháng điều tra sai phạm của Trung Hậu – Tổng 68, nhà chức trách xác định, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư đã lợi dụng vị trí công tác, chỉ đạo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tạo điều kiện cho doanh nghiệp này được cấp phép thăm dò, khai thác, nâng trữ lượng, công suất khai thác, bỏ qua những sai phạm trong quá trình khai thác tại mỏ cát. Ông Thư sau đó được Tổng giám đốc Công ty Trung Hậu 68 chung chi 1,2 tỷ đồng.

Còn ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, bị cáo buộc can thiệp, chỉ đạo giúp Trung Hậu – Tổng 68 được cấp phép khai thác, điều chỉnh trữ lượng, công suất và khai thác trái quy định của pháp luật. Cơ quan điều tra xác định hành vi này giúp doanh nghiệp thu lợi bất chính số tiền đặc biệt lớn, gây thiệt hại tài sản Nhà nước.

Ngày 25/12, ông Bình bị bắt tạm giam về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Trước đó, ông Trần Anh Thư và Nguyễn Việt Trí bị bắt về hành vi Nhận hối lộ.

Đến nay, Bộ Công an đã khởi tố tổng cộng 22 người, trong đó có 7 cựu cán hộ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang và Trung tâm quan trắc, bị điều tra về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thành công vụ. Ông Lê Quang Bình, Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc Trung Hậu 68, bị điều tra tội Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên; Đưa hối lộ và In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước.

Ông Trần Anh Thư (trái) và Nguyễn Việt Trí. Ảnh: Bộ Công an
Ông Trần Anh Thư (trái) và Nguyễn Việt Trí. Ảnh: Bộ Công an

Bộ Công an đang mở rộng điều tra vụ án. Còn trước đó, hồi cuối tháng 7, Thanh tra Chính phủ từng chỉ ra nhiều sai phạm trong cấp phép khai thác cát tại An Giang, giai đoạn từ 1/7/2011 đến 31/12/2020. Thời gian này, UBND tỉnh An Giang cấp 4 giấy phép thăm dò khoáng sản, cát sông tại khu vực không đấu giá, nhưng không thực hiện thủ tục lựa chọn tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản theo quy định.

Từ sau ngày 1/7/2011, UBND tỉnh An Giang thực hiện gia hạn đối với 15 giấy phép khai thác cát cấp trước đó; cấp 7 giấy phép khai thác cát thuộc khu vực khoanh định không đấu giá, nhưng không xác định phục vụ riêng cho các công trình xây dựng sử dụng ngân sách nhà nước, công trình khắc phục thiên tai, địch họa, công trình hạ tầng giao thông…

Cơ quan quản lý nhà nước bị cho là không thực hiện việc kiểm kê trữ lượng cát tại các mỏ cát lòng sông đã cấp phép, không có biện pháp đảm bảo giám sát chặt chẽ khối lượng cát khai thác thực tế hàng năm tại các mỏ được cấp phép. Cục Thuế và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang không phối hợp thực hiện đối chiếu khối lượng cát khai thác của tổ chức được cấp phép giai đoạn 2015-2020.

Từ đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh An Giang thu hồi các giấy phép khai thác cát đã cấp mới sau ngày 1/7/2011, và các giấy phép được cấp từ trước nhưng được gia hạn sau ngày 1/7/2011 còn hiệu lực hoạt động (ngoại trừ các giấy phép được cấp thông qua đấu giá) mà không chỉ định cung cấp phục vụ cho các công trình theo quy định.

“Trong thời hạn 30 ngày, kể từ khi công bố kết luận, tỉnh An Giang chưa hoàn thành việc thu hồi, điều chỉnh đối với các giấy phép khai thác cát đã cấp và gia hạn còn hiệu lực hoạt động như trên thì sẽ chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xử lý”, kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu.

Ngoài ra, tỉnh An Giang bị yêu cầu phải thực hiện kiểm kê, giám sát chặt chẽ trữ lượng cát và khối lượng cát khai thác thực tế của các tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác cát trên địa bàn tỉnh, làm cơ sở để đối chiếu.

Hiện ĐBSCL có hơn 80 doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát, khối lượng khoảng 28 triệu tấn mỗi năm. Cùng vấn nạn khai thác cát lậu ở nhiều nơi, khối lượng cát mất đi là không thể kiểm soát. Đây được cho là nguyên nhân khiến các tỉnh miền Tây bị sạt lở nghiêm trọng.

Bạn cứ phịa ra một email hoặc tên nào đó để viết ý kiến. Comment của tất cả các bạn đọc sẽ được hiện ra.

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.