Trần Hoàng Blog

►Thế hệ tướng Giáp và bi kịch của dân tộc – Bao nhiêu năm rồi mà vẫn u mê (Trần Hồng Tâm)

Posted by hoangtran204 trên 19/10/2013

    Trích “…một chủ nghĩa đúng chỉ khi nào nó áp dụng được, mang lại thịnh vượng, sung túc và hạnh phúc cho người dân. Chủ nghĩa cộng sản không có những điều đó. Và đó là bi kịch của dân tộc.”

Thế hệ tướng Giáp và bi kịch của dân tộc

Minh Việt

ethongluan.org

“…Một chế độ xã hội trong đó không cho phép người dân tư hữu thì lấy gì làm tưởng thưởng những người lao động tiếp tục hăng say làm việc? Và một “sáng kiến” để điều hành một chế độ như vậy là dùng luật lệ và trừng phạt, nhưng luật lệ và trừng phạt bản thân nó không phải là một chất xúc tác giúp tăng năng suất lao động…”  Minh Viet

Tướng Giáp ra đi, hàng dài người đứng xếp hàng chỉ để mong dâng ông một nén hương và cũng để chào ông lần cuối. Quan sát dòng người đến viếng, phải hơn một nữa là những người sinh ra sau chiến thắng Điện Biên Phủ và phải hơn 90% là những người không có một quan hệ nào với ông.

Người ta đến với ông đơn giản bởi vì ông đại diện cho một thế hệ đứng lên giành độc lập cho đất nước mà không màng đến danh lợi và vật chất. Ông là hình ảnh của những ông ngoại, ông nội, những người chồng, người cha đã bỏ cày, cầm súng chống Pháp giành độc lập như một lẽ thường “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Ông cũng như ông ngoại và ông nội tôi, bỏ tuổi trẻ để làm cách mạng mong nước nhà dành độc lập và cường thịnh. Người ta tiếc thương ông như tiếc cho một thế hệ bi hùng, “rũ bùn đứng dậy”, làm rạng ngời Việt Nam, trong khi bất lực với xã hội đương thời và khinh thường nhà nước.

Bi kịch của dân tộc nằm ở chỗ ông và các đồng chí của mình chọn chủ nghĩa cộng sản, thay vì chủ nghĩa quốc gia dân tộc, – một chủ nghĩa sai lầm và gây nhiều di hại cho đất nước đến ngày nay. Ở đây, tôi không muốn bàn đến cuộc chiến tranh giữa hai miền Bắc Nam, giữa một bên kiên trì theo chủ nghĩa cộng sản và một bên chủ trương tư bản như một phần của chiến tranh ý thức hệ và có tính quy ước, đã tàn phá đất nước, vì đó là một chủ đề dài và nằm ngoại phạm vi của bài này. Tôi muốn nói đến sự sai lầm về nội dung của chủ nghĩa cộng sản; những người thực hiện nó một cách cứng nhắc phần nào cũng là nạn nhân của sự thiếu hiểu biết.

Cho đến cuối đời, tướng Giáp, một người cộng sản trung kiên và kiên trì theo chủ nghĩa cộng sản, trăn trở nền kinh tế phát triển chậm. Có những lí do để hiểu điều đó. Hoặc là ông không tìm hiểu kĩ chủ nghĩa cộng sản và thấy nó sai. Hoặc là ông đã hiểu cặn kẽ và vẫn tin rằng nó là một chủ nghĩa đúng đắn.

Vậy như thế nào là một chủ nghĩa đúng. Đơn giản, một chủ nghĩa đúng không gì hơn là một chủ nghĩa đem lại sự cường thịnh cho đất nước, hạnh phúc cho nhân dân, và bắt buộc phải áp dụng được. Một chủ nghĩa bản thân nó là một định hướng về mặt kinh tế. Và một chủ nghĩa đúng trước hết nó phải đúng về mặt kinh tế, theo nghĩa nó làm cho xã hội tận dụng được những nguồn lực của mình một cách tối ưu, tạo ra của cải vật chất nhiều nhất với cùng một nguồn lực.

Chủ nghĩa cộng sản không phải là một định hướng kinh tế đúng đắn. Nếu bạn không có thời gian đọc hết những tác phẩm của Karl Marx để hiểu về chủ nghĩa cộng sản, có thể bạn chỉ cần đọcmột câu tóm lược của ông: “The theory of communism may be summed up in one sentence: abolish all private property”, dịch là “lý thuyết chủ nghĩa cộng sản có thể chỉ gói gọn trong một câu: xóa bỏ tất cả tài sản tư hữu”.

Một chế độ xã hội trong đó không cho phép người dân tư hữu thì lấy gì làm tưởng thưởng những người lao động tiếp tục hăng say làm việc ? Và một “sáng kiến” để điều hành một chế độ như vậy là dùng luật lệ và trừng phạt, nhưng luật lệ và trừng phạt bản thân nó không phải là một chất xúc tác giúp tăng năng suất lao động, tạo ra tối ưu của cải cho toàn xã hội và người dân hạnh phúc, mà ngược lại nó tạo ra một xã hội đàn áp, lo sợ và mất niềm tin. Một chế độ kinh tế đúng đắn phải là một xã hội cho phép người dân sở hữu tài sản và người giỏi cần được khuyến khích và tưởng thưởng bằng vật chất và tinh thần nhiều hơn.

Quan sát những gì diễn ra ở Việt Nam và các nước cộng sản, một mo-tip tương tự diễn ra: sau cách mạng, thực hiện mô hình đánh tư bản, bảo đảm không ai còn tư hữu. Đó là một phần của chủ nghĩa cộng sản và các nhà chính trị chỉ việc rập khuôn làm theo. Không may là họ rập khuôn một chủ nghĩa sai lầm và cuối cùng gây tai họa cho dân tộc.

Sau khi gây tai họa, các lãnh đạo chính trị ở Trung Quốc và Việt Nam bỏ theo nền kinh tế thị trường, mà thực chất là một nền kinh tế tư bản, hay nói một cách khác là một cách không chính thức vứt bỏ chủ nghĩa cộng sản.

Nhưng sai lầm của chủ nghĩa cộng sản không chỉ nằm ở định hướng kinh tế và bỏ đi nền kinh tế tập trung, quản lý bằng mệnh lệnh và thay bằng nền kinh tế thị trường thì sẽ giải quyết xong; mà chủ nghĩa cộng sản đưa ra một hệ thống chính trị tồi dở. Nếu hiểu một hệ thống chính trị tốt là một hệ thống chính trị kiến tạo ra những nhà lãnh đạo “bởi người dân và cho người dân” thì hệ thống chính trị cộng sản không có. Đó là một hệ thống mà chỉ một thiểu số đồng thuận với nhau cho những quyết định của toàn xã hội. Hệ thống đó không cho phép có sự đồng thuận của người dân trong các quyết sách lớn và nhỏ của đất nước, mà đó là sự đồng thuận của một nhóm người lãnh đạo. Và chính vì các chính sách không đại diện cho đồng thuận của dân tộc, rất nhiều lần các chính sách sai lầm tai hại đã xảy ra.

Tôi biết rất nhiều người như tướng Giáp, họ tin rằng chủ nghĩa cộng sản tốt đẹp và cho rằng chỉ những người thực hiện nó sai. Như đã phân tích ở trên, một chủ nghĩa đúng chỉ khi nào nó áp dụng được, mang lại thịnh vượng, sung túc và hạnh phúc cho người dân. Chủ nghĩa cộng sản không có những điều đó. Và đó là bi kịch của dân tộc.

Minh Việt

Nguồn:  ethongluan.org     reblog: danluan.org

Ý kiến bạn đọc

* Phiên Ngung:   …Thế hệ lãnh đạo trong hàng ngũ của tướng Giáp đã phạm những lỗi lầm sau đây:

(1) Tiêu diệt những người yêu nước trong hàng ngũ quốc gia từ thập niên 30s, 40, và 50s

(2) Thanh trừng những cán bộ, sĩ quan và bộ đội không thuộc thành phần vô sản trong cuộc Chỉnh cán, chỉnh quân 1953-54 và nhiều năm sau đó.

(3) Giết hại nhiều người yêu nước không thuộc thành phần vô sản trong chiến dịch cải cách ruộng đất.

Tướng Giáp là tổng tư lệnh quân đội NDVN nên phải trả lời với lịch sử về những sát hại, vùi dập những người con yêu nước và ưu tú của dân tộc trong những năm kháng chiến chống Pháp.

Muốn biết rõ cuộc chỉnh cán, chỉnh quân này, bạn có thể vào trang điện tử của đảng CSVN để đọc các lá thư do chính Hồ Chí Minh viết cho các đơn vị bộ đội để chuẩn bị cho chiến dịch chỉnh cán chỉnh quân này.

——————–

Để hiểu rõ Tướng Giáp, đọc 3 bài này

https://hoangtran204.wordpress.com/2013/10/11/%E2%96%BAai-la-anh-ca-quandoi-nhanzan-xu-lua/

https://hoangtran204.wordpress.com/2013/10/08/tuong-giap-trong-ben-thang-cuoc-vu-an-nam-chau-sau-su-1991/

—————–

Bao nhiêu năm rồi mà vẫn u mê

17-10-2013

Trần Hồng Tâm – Cựu trung úy QĐND

Theo FB Nguyễn Đình Trọng

Khi đoàn quân của tướng Giáp tiến vào Hà Nội, hàng triệu đồng bào công giáo miền Bắc bỏ xứ đạo ra đi trong khóc than uất hận. Khi những quân đoàn của Ông vây hãm Sài gòn, người Sài gòn tức tưởi trong sinh ly tử biệt. Hôm nay, Ông trở về cát bụi. Người ta khóc Ông. Tôi nhận ra những bi kịch và cả những nghịch lý trong từng giọt nước mắt của mỗi nạn nhân.

Những chàng trai chân đất cần cù đã nén bỏ những khát khao thầm kín, nhân bản, để trở thành những con người thép, rực lửa căm thù, quăng mình vào lửa đạn. Chiến tranh kết thúc, vòng nguyệt quế cho người chiến thắng là chiếc khung xe đạp trên vai, chiếc đồng hồ ba cửa sổ trên tay về quê lấy vợ sinh con. Những đứa con sơ sinh được quấn trong mớ tã lót còn vương mùi thuốc súng, được nghe tiếng ru của cha là những bài ca của người chiến thắng.

Tuổi tới trường, chúng lại được nhuộm đỏ thêm lần nữa bởi nền giáo dục đã được chính trị hóa đến từng nét chữ.

Tiếng bom càng lùi xa thì tiếng loa truyền thanh càng gần. Tin tức bị thao túng. Lịch sử được nhào nặn. Văn – nghệ chỉ được sáng tạo theo định hướng. Đảng được tôn lên bậc chí thánh. Việc điều khiển quốc gia diễn ra trong bóng đêm. Phẩm hàm được ban phát cho những ai biết ngoan ngoãn vâng lệnh. Quả đấm chuyên chính tung ra cho những kẻ cứng đầu.

Tất cả gia đình, nhà trường, và xã hội như một giàn giao hưởng hùng vĩ để dệt lên những công dân “sùng bái”. Thế hệ cha anh sùng bái đến cuồng tín sẵn sàng nhẩy vào vạc dầu để được ơn của đảng. Thế hệ con em sùng bái đến cả tin. Tin vào những điều mà mình chưa hiểu.

Tôi sẽ buồn, nếu con trai tôi chọn thần tượng là một thiên tài quân sự, bởi chiến tranh là những cuộc chinh phạt tha nhân.

Điều làm tôi xót xa hơn tất cả là nạn sùng bái không thể sinh ra một thế hệ công dân tự tin, trong sáng, giỏi giang, tháo vát. Sùng bái chỉ sinh ra những bầy tôi vâng lời, khúm núm qụy lụy, và nhu nhược. Những cuộc “lên đồng” than khóc tập thể chỉ thấy ở những quốc gia độc tài, bưng bít và lạc hâu.

Có người đánh giá công của Ông bằng số người đến dự đám tang, bằng số giọt nước mắt lăn trên gò má. Nhưng người ta lại quên rằng nếu có một sân chơi công bằng, số người phản đối Ông cũng chẳng kém gì. Nỗi đớn đau của nhiều người dân nước Việt chưa hẳn đã khôn nguôi.

Có người còn sùng bái đến mức phải kiến nghị với đảng để tấn phong Nguyên soái, phong Anh hùng dân tộc, hiển thánh, lập miếu thờ để Ông được ngang tầm với Trần Hưng Đạo. Tại sao chúng ta không chấp nhận một sự thực rằng có đến hơn nửa công dân nước Việt coi đội quân của Ông là đạo quân xâm lược, và những cuộc chiến tranh mà Ông phát động là cuộc áp đặt chủ nghĩa cộng sản và giành độc quyền lãnh đạo quốc gia.

Xin bạn đừng nổi nóng, buộc tôi vào tội khi quân. Việc đánh giá di sản của tướng Giáp để lại cho dân tộc chưa bắt đầu. Những gì bạn biết đều rất phiến diện bởi nó được viết ra bởi nhóm người quá sùng bái Ông. Chỉ khi nào quê hương chúng ta có được một nền dân chủ lành mạnh, mọi nhận thức đều được lắng nghe, mọi sự kiện phải được nhìn qua nhiều lăng kính, mọi khoảnh khắc phải được tái hiện, mọi vùng tối phải được chiếu sáng, mọi bằng chứng phải được khai quật, lúc đó mới ngã ngũ.

Chiến thắng không luôn có nghĩa là “Đúng”. Chiến bại không luôn đồng nghĩa với “Sai”.

Rất nhân bản khi chúng ta khóc cho một người vừa mất. Nhưng có lẽ cũng nên giành nước mắt cho những nấm mồ không hương khói của cả hai bên. Và, nhất là giành lại chút nước mắt khóc cho chính số phận mình đang chìm đắm nơi bờ mê bến lú.

17/10/2013
Trần Hồng Tâm
Cựu trung úy QĐND

8 bình luận to “►Thế hệ tướng Giáp và bi kịch của dân tộc – Bao nhiêu năm rồi mà vẫn u mê (Trần Hồng Tâm)”

  1. qx said

    Nhân vật Võ Nguyên Giáp đã làm những gì từ ngày 15 đến 19 tháng 8 năm 1945?

    qx

  2. hoangtran204 said

    Để hiểu rõ Tướng Giáp, đọc 3 bài này

    ►Ai là Anh Cả Quânđội Nhânzân Xứ Lừa?

    ►Ai là Anh Cả Quânđội Nhânzân Xứ Lừa?

    ►Tướng Giáp trong “Bên Thắng Cuộc”- Vụ án Năm Châu -Sáu Sứ 1991

    ►Tướng Giáp trong “Bên Thắng Cuộc”- Vụ án Năm Châu -Sáu Sứ 1991

    ►Tướng Võ Nguyên Giáp, như tôi từng biết

  3. […]              ►Thế hệ tướng Giáp và bi kịch của dân tộc » […]

  4. […]            ►Thế hệ tướng Giáp và bi kịch của dân tộc » […]

  5. […]              ►Thế hệ tướng Giáp và bi kịch của dân tộc » […]

  6. […] ►Thế hệ tướng Giáp và bi kịch của dân tộc » […]

  7. […] ►Thế hệ tướng Giáp và bi kịch của dân tộc » […]

  8. […] […]

Bạn cứ phịa ra một email hoặc tên nào đó để viết ý kiến. Comment của tất cả các bạn đọc sẽ được hiện ra.

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.