Trần Hoàng Blog

►Hội đồng thẩm phán bác kháng nghị vụ án Hồ Duy Hải — Vì sao ? (8-5-2020)

Posted by hoangtran204 trên 08/05/2020

Cuối cùng, Hội đồng thẩm phán có chấp nhận kháng nghị, hủy hai bản án phúc thẩm và sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra bổ sung hay không chấp nhận kháng nghị?

—Kết quả 17/17 thành viên biểu quyết “Không chấp nhận kháng nghị“.

Nghĩa là: Hồ Duy Hải bị tử hình.

Vì sao Nguyễn Hoà Bình phải xét xử tử hình HD. Hải?

Tuy nhiên, Hồ Duy Hải vẫn còn hy vọng được cứu vớt…


08/05/2020 15:42 GMT+7

TTO – Sau 3 ngày làm việc, chiều nay 8-5, HĐXX giám đốc thẩm kỳ án Hồ Duy Hải đưa ra phán quyết.

Hội đồng thẩm phán bác kháng nghị vụ án Hồ Duy Hải - Ảnh 1.

Toàn cảnh phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải – Ảnh: GIANG LONG

Đúng 15h35, đại diện Hội đồng thẩm phán bắt đầu đọc bản án. Ông Nguyễn Trí Tuệ, phó chánh án TAND tối cao công bố bản án.

Hội đồng thẩm phán nhận định quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng không có căn cứ khẳng định Hồ Duy Hải có mặt tại hiện trường. Tuy nhiên căn cứ lời khai của nhiều người, trong đó có lời khai của Hải về việc đến Bưu điện Cầu Voi dựng xe bên ngoài. Nhân chứng Đinh Vũ Thường cũng cho hay nhìn thấy chiếc xe này khi đến bưu điện để gọi điện về Cà Mau. 

Như vậy lời khai của Hải về việc sử dụng xe máy để đến hiện trường là phù hợp. Anh Thường còn khai nhìn thấy thanh niên ngồi trong bưu điện để tóc hai mái. Lời khai của Hải phù hợp với lời khai của một số người làm chứng về đặc điểm nhận dạng mái tóc của Hải, trước khi gây án Hải để tóc dài.

Anh Thường cũng khai nhìn thấy thanh niên trong bưu điện mặc áo ngắn tay. Hải cũng khai mặc áo ngắn tay, sau khi gây án đã mang áo đốt ở vườn. Cơ quan điều tra thu giữ tro của chiếc áo này. “Như vậy lời khai của Hải và những người khác là phù hợp, có căn cứ”, Hội đồng thẩm phán nhận định.

Cũng theo Hội đồng thẩm phán, lời khai của Hải còn phù hợp với lời khai người làm chứng khác, phù hợp với lời khai của chị Nguyễn Thị Kim Ngân. 

Chị Ngân khai nạn nhân của vụ án đến mua hoa quả và nói có người đưa tiền nên mua nhiều. Như vậy, đủ cơ sở kết luận Hải có mặt tại hiện trường vụ án, do đó kháng nghị cho rằng không có nhân chứng, kết luận Hải không có mặt tại hiện trường là không đúng.

Về khoảng thời gian xác định Hải có mặt tại hiện trường, theo lời khai của anh Thường, anh đến Bưu điện Cầu Voi gọi điện lúc khoảng 20h trở lại. Anh Thường thấy có 1 thanh niên ngồi trong bưu điện. Cuộc gọi của anh Thường lúc 19h30, như vậy anh Thường phải có mặt trước đó làm thủ tục gọi điện. 

Đối với việc Hải khai đi cầm đồ, theo biên bản kiểm tra lời khai, Hải có mặt tại bưu điện lúc 19h30. Lời khai này phù hợp với lời khai của anh Bình (gửi xe ở bưu điện) và anh Thường là người đến gọi điện. 

Cơ quan điều tra kết luận Hải có mặt ở bưu điện lúc 19h30 là có căn cứ. Do đó kháng nghị của viện kiểm sát là không có căn cứ.

Đối với nội dung kháng nghị Hải có những lời khai mâu thuẫn nhau và mâu thuẫn với kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, Hội đồng thẩm phán cho rằng lời khai của Hải phù hợp với diễn biến tâm lý tội phạm.

Ban đầu Hải khai dùng dao sát hại chị Hồng, sau đó lại khai đập đầu bị hại vào lavabo… Hải còn khai có việc khống chế chị Hồng để giao cấu.

Hải còn khai có một số mâu thuẫn. Tòa thấy điều này phù hợp với diễn biến tâm lý tội phạm. Ngoài ra, Hải còn thừa nhận không có sự ép cung, mớm cung.

Hải nói cố tình khai giấu một số tình tiết, khai thêm một số tình tiết vì sợ mức án cao, không được gặp gia đình nên sợ hãi.

Hội đồng thẩm phán nhận định lời khai của Hải phù hợp với bản án hiện trường, biên bản khám nghiệm hiện trường. Lời khai không hiếp dâm chị Hồng phù hợp với biên bản pháp y. “Những tình tiết này chỉ người thực hiện hành vi mới biết. Điều này khẳng định Hải có mặt tại hiện trường”, bản án giám đốc thẩm quy kết.

Cũng có lời khai ban đầu Hải đòi quan hệ với chị Hồng nhưng không thành nên đã nảy sinh ý định sát hại nạn nhân. Tòa cho rằng, những tình tiết đó chỉ có người thực hiện hành vi mới rõ như vậy.

Tòa thấy không cần thiết hủy án để điều tra lại.

Kháng nghị cho rằng mẫu tàn tro thu giữ được mà cơ quan điều tra kết luận do Hải đốt áo là không có giá trị trong vụ án. Tuy nhiên theo Hội đồng thẩm phán, hồ sơ thể hiện biên bản hỏi cung, Hải khai đốt quần áo, thắt lưng sau khi gây án. Việc đốt áo ở nơi khác hiện trường vụ án, nếu không có lời khai của Hải thì không ai biết. Việc tiến hành thu giữ, mở rộng khám nghiệm hiện trường là cần thiết.

Tại kết luận giám định, trong mẫu tàn tro có thành phần vải, kết luận này phù hợp với lời khai của Hải về việc đốt áo sau khi gây án. Điều này có giá trị chứng minh Hải có mặt tại hiện trường. Việc kháng nghị cho rằng mẫu tàn tro không có giá trị là không đúng.

Cũng theo nhận định của Hội đồng thẩm phán, lời khai của Hải sau khi giết hai nữ nhân viên bưu điện, lấy tiền, trang sức, căn cứ vào bản ảnh khám nghiệm hiện trường, các dấu vết để lại trên chiếc ghế là do hành vi của Hải gây ra.

Có cơ sở kết luận Hải đã chiếm đoạt các tài sản của bị hại. Từ lời khai về địa điểm bán các nữ trang của Hải, chủ cửa hàng điện thoại khai có mua điện thoại Nokia của bị hại… cho thấy chỉ người đi bán tài sản mới biết được địa điểm bán những tài sản này.

Mặc dù cơ quan điều tra thiếu sót trong thu thập chứng cứ song hội đồng thẩm phán thấy không làm thay đổi bản chất vụ án nên không cần thiết để điều tra lại hành vi này.

Về dấu vân tay thu tại hiện trường, trong quá trình khám nghiệm hiện trường, cơ quan điều tra đã thu giữ một số vân tay và truy nguyên nhưng không có kết quả.

Theo Hội đồng thẩm phán, mặc dù không thu được dấu vân tay, song căn cứ vào biên bản, khám nghiệm hiện trường… đủ cơ sở xác định Hải là người thực hiện hành vi phạm tội.

Kháng nghị cho rằng một số biên bản nhận dạng không có người chứng kiến, một số biên bản ghi lời khai, hỏi cung có sự sửa chữa. Qua thẩm tra, hội đồng thấy đây là thiếu sót, nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án nên không cần điều tra lại.

Quá trình xem xét, đánh giá từng kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao, Hội đồng thẩm phán cũng cũng kiến nghị cơ quan điều tra tỉnh Long An kiểm điểm nội dung liên quan tới sai sót.

Về nội dung kháng nghị cho rằng một số lời khai của nhân chứng không được đưa vào hồ sơ vụ án, theo Hội đồng thẩm phán, kiến nghị này là đúng nhưng những sai sót này không làm thay đổi bản chất vụ án. Hội đồng thẩm phán đề nghị Cơ quan điều tra Công an tỉnh Long An tiến hành kiểm điểm làm rõ việc này.

Một trong những vấn đề mà kháng nghị đưa ra được dư luận đặc biệt quan tâm là hai vật chứng được cơ quan điều tra yêu càu nhân chứng trong vụ án mua rồi đưa vào hồ sơ. Theo Hội đồng thẩm phán, việc mua dao là để nhận dạng, phục vụ điều tra, không phải là công cụ gây án.

Hội đồng thẩm phán đưa ra thêm phân tích, ở những thời điểm quan trọng, Hồ Duy Hải luôn nhận tội. Lời nhận tội của bị cáo đã được các cơ quan tố tụng từ sơ thẩm đến phúc thẩm và đoàn liên ngành thẩm định, đánh giá.

“Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm kết án Hồ Duy Hải tội giết người, cướp tài sản là có căn cứ. Tòa các cấp xử phạt Hồ Duy Hải tử hình về tội giết người, 5 năm tù về tội cướp tài sản là đúng quy định pháp luật”, Hội đồng thẩm phán nhận định.

Theo Hội đồng thẩm phán, dù quá trình điều tra, xét xử còn một số thiếu sót nhưng việc này không làm thay đổi bản chất vụ án. Bởi thế không cần thiết phải hủy các bản án sơ thẩm, phúc thẩm để điều tra lại theo kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao.

Hội đồng thẩm phán còn cho rằng quyết định kháng nghị của Viện KSND tối cao là không đúng quy định pháp luật. Lý do được đưa ra là Chủ tịch nước đã có quyết định bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải và quyết định này đang có hiệu lực pháp luật.

Từ các lý lẽ trên Hội đồng thẩm phán kết luận: “Không chấp nhận quyết định kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao”.

Trước đó, trong buổi sáng, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao giữ nguyên quan điểm đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xem xét hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm đã xét xử bị cáo Hồ Duy Hải về các tội “giết người” và “cướp tài sản” để điều tra lại theo đúng quy định của pháp luật. Cần khắc phục sai sót để bảo đảm giải quyết vụ án đúng pháp luật.

Tuy nhiên Hội đồng thẩm phán thống nhất quan điểm rằng Hồ Duy Hải không bị ép cung, mớm cung, lời khai tổng cung phù hợp với chứng cứ khác như lời khai của các nhân chứng, biên bản khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi… nên xác định Hải phạm tội “giết người, cướp tài sản” là đúng.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình, chủ tọa phiên giám đốc thẩm, đã tiến hành lấy biểu quyết các thành viên trong Hội đồng thẩm phán về 4 vấn đề:

Thứ nhất, vụ án đã có những sai sót về tố tụng như đã nêu. Những sai sót đó có làm thay đổi bản chất vụ án hay không?

Kết quả 17/17 thành viên biểu quyết quá trình điều tra vụ án có những sai sót về tố tụng nhưng “không thay đổi bản chất vụ án”.

Thứ hai, bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm kết án Hồ Duy Hải có đúng người, đúng tội, đúng mức án hay không?

Kết quả 17/17 thành viên biểu quyết các bản án xét xử Hồ Duy Hải là “đúng người, đúng tội, đúng mức án”.

Thứ ba, quyết định số 639/QĐ-CTN ngày 17/5/2012 của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải đang có hiệu lực như vậy quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát có đúng pháp luật hay không?

Kết quả 17/17 thành viên biểu quyết “Không đúng pháp luật”.

Cuối cùng, Hội đồng thẩm phán có chấp nhận kháng nghị, hủy hai bản án phúc thẩm và sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra bổ sung hay không chấp nhận kháng nghị?

Kết quả 17/17 thành viên biểu quyết “Không chấp nhận kháng nghị”.

========


Đại biểu Quốc Hội (làm luật): Nguyễn Hoà Bình.

+Phó Thủ trưởng cơ quan Điều Tra Bộ Công an: Thiếu tướng Nguyễn Hoà Bình.

+Viện trưởng Viện Kiểm Sát Nhân dân Tối Cao: Nguyễn Hoà Bình.

+Chánh án Toà Án Nhân dân Tối Cao: Nguyễn Hoà Bình.

——————


Kỳ án tử tù Hồ Duy Hải – Kỳ 1: Mua con dao ở chợ làm tang vật thay hung khí bị mất

Pháp luật 04/05/2020

(Tổ Quốc) – Con dao gây án được đưa vào hồ sơ trên thực tế chỉ là con dao “ảo”. Bởi, hung khí đầu tiên do những người dọn dẹp hiện trường phát hiện đã bị đốt bỏ.

Những ngày đầu tháng 5, dư luận đổ dồn sự quan tâm về phiên toà giám đốc thẩm ngày 6/5 tới – xét xử tử tù Hồ Duy Hải (34 tuổi). Anh ta bị cáo buộc sát hại 2 nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi (ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) vào năm 2008. 

12 năm kể từ khi án mạng xảy ra, 11 năm kể từ lúc Hồ Duy Hải mang trên mình bản án tử hình thứ 2 của toà phúc thẩm, mẹ bị cáo vẫn gõ cửa từng cơ quan tố tụng kêu cứu cho con. 

Buổi sáng kinh hoàng tại Bưu điện Cầu Voi 

Anh Phùng Phụng Hiếu (nhân viên Bưu điện Thủ Thừa) và người dân xã Nhị Thành hẳn không thể quên buổi sáng kinh hoàng ngày 14/1/2008. Theo hồ sơ vụ án, khoảng 7h hôm ấy, anh Hiếu đến Bưu điện Cầu Voi để giao báo. Song, khi đến nơi nam nhân viên thấy cửa vẫn còn đóng kín.  

Gọi nhiều lần nhưng không thấy ai lên tiếng, anh Hiếu bèn vòng ra phía sau leo rào vào. Thấy cửa khép hờ, anh kéo ra thì hoảng hốt phát hiện 2 thi thể nằm bất động dưới nền gạch bê bết máu.

Kỳ án tử tù Hồ Duy Hải - Kỳ 1: Mua con dao ở chợ làm tang vật thay hung khí bị mất - Ảnh 1.

Cơ quan điều tra khám nghiệm hiện trường vụ án mạng xảy ra tại Bưu điện Cầu Voi. Ảnh: NLĐ

Nạn nhân được xác định là 2 nữ nhân viên Nguyễn Thị Ánh Hồng (23 tuổi) và Nguyễn Thị Thu Vân (21 tuổi). Hồng và Vân là chị em chú bác ruột, cùng ngụ khu phố Nhơn Cầu, phường Tân Khánh, TP Tân An (Long An).

Hồng bị cắt lìa cuống họng, trên mặt đầy thương tích, nằm ngửa bên dưới chân cầu thang, áo bị cuốn lên khỏi ngực. Cạnh đó, Vân cũng trong tư thế nằm ngửa, đầu gối lên đùi trái của Hồng, chân trái dang ra và gác lên một cái ghế xếp, cổ của cô gái có vết cắt và trên đầu còn có nhiều dấu vết do vật cứng gây ra.

Khám nghiệm hiện trường, cơ quan điều tra thu thập được nhiều dấu vân tay và vết máu trên cửa nhà vệ sinh và lavabô. Trên chiếc bàn salon đặt tại phòng khách vẫn còn nguyên 2 túi trái cây chưa mở và chiếc xe Wave màu xanh của nạn nhân cũng còn đó. Song, một khoản tiền mặt và hàng chục simcard, thẻ cào điện thoại di động… đều bị lấy cắp.

Bước đầu, nhà chức trách xác định không có dấu hiệu của tội hiếp dâm. Điều đáng lưu ý, họ cũng không thu thập được hung khí gây án.

Dấu vân tay không khớp, tang vật mua ở chợ 

Quá trình lấy lời khai, các nhân chứng cho biết khoảng 20h30 đêm xảy ra vụ án (ngày 13/1/2008), trong lúc Vân ra ngoài mua trái cây đèn trong bưu điện vẫn còn sáng. Trước đó, họ nhìn thấy một thanh niên đi xe gắn máy xuất hiện ở bưu điện này.

Khi người bán trái cây thắc mắc hỏi “sao mua nhiều vậy” thì Vân trả lời “vì tối nay có tài trợ của bạn trai”. Từ đó, cơ quan điều tra lúc đầu nhận định có khả năng hung thủ là người quen hoặc người yêu của 2 nạn nhân. Đồng thời, cảnh sát không loại trừ “động cơ gây án chỉ vì tình”.

Kỳ án tử tù Hồ Duy Hải - Kỳ 1: Mua con dao ở chợ làm tang vật thay hung khí bị mất - Ảnh 3.

Bản vẽ mô phỏng con dao được người dọn hiện trường mua mới. Ảnh: Thanh Niên

Khoảng nửa tháng sau án mạng, cơ quan điều tra tiếp tục lấy lời khai của các nhân chứng dọn dẹp hiện trường gồm ông Nguyễn Văn Thu, Võ Văn Hùng, Nguyễn Văn Vàng.

Những người này cho biết, trong lúc dọn dẹp đã phát hiện một con dao “rất sạch, không có vết máu” nằm trong kẹt giữa tấm bảng và vách tường, gần chỗ 2 nạn nhân bị giết. Các nhân chứng đã báo cho công an xã và huyện. Song, sau khi công an bảo “chắc không có gì đâu, bỏ đi”, họ đã dùng nó để cạo vết máu còn dính trên nền gạch rồi đem đi đốt bỏ.

Ngày hôm sau, cơ quan chức năng cho tìm lại con dao nhưng không thấy, kể cả phần lưỡi dao bằng kim loại. Theo hồ sơ vụ án, ông Thu xác nhận đã ra chợ mua một con dao khác để giao nộp cho công an.

Hơn 5 tháng sau, theo yêu cầu của cơ quan điều tra, ngày 24/6/2008 bà Lê Thị Thu Hiếu (bạn của 2 nạn nhân) cũng đi mua một tấm thớt gỗ khác về nộp cho cảnh sát để làm vật mô phỏng.

Sau khi lấy lời khai hơn 20 người, ngày 21/3/2008 cơ quan điều tra khởi tố và bắt tạm giam Hồ Duy Hải. Nhà chức trách xác định Hải chính là hung thủ đã sát hại dã man 2 nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi.

Kỳ án tử tù Hồ Duy Hải - Kỳ 1: Mua con dao ở chợ làm tang vật thay hung khí bị mất - Ảnh 4.

Kết luận giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Long An ngày 11/4/2008. Ảnh: Thanh Niên

Tuy nhiên, bản kết luận giám định số 158 ngày 11/4/2008 lại chỉ ra: Các dấu vết vân tay thu được tại hiện trường vụ án không trùng khớp với điểm chỉ 10 ngón in trên chỉ bản của Hồ Duy Hải.

Tương tự, những mẫu máu thu được tại hiện trường vụ án, mãi 4 tháng sau mới được đưa đi giám định. Phân viện Khoa học hình sự tại TP.HCM chỉ có thể kết luận “là máu người, nhưng không xác định được nhóm máu do mẫu đã bị phân hủy”.

Cáo buộc giết người, cướp tài sản 

Viện KSND tỉnh Long An sau đó cáo buộc Hồ Duy Hải tội “Giết người” và “Cướp tài sản”. Theo cáo trạng, Hải thường đến Bưu cục Cầu Voi cách nhà 2 km đặt mua báo thể thao nên quen Hồng.

19h30 ngày 13/1/2008, anh ta đến nơi làm việc của Hồng chơi. Đêm đó còn có em họ 21 tuổi của Hồng là Vân đến. Ngồi một lúc, Hải nảy sinh ý định quan hệ tình dục với Hồng nên đưa tiền cho Vân đi mua trái cây. Khi cô em ra ngoài, Hải kéo người chị vào phòng ngủ nhưng bị cự tuyệt.

Kỳ án tử tù Hồ Duy Hải - Kỳ 1: Mua con dao ở chợ làm tang vật thay hung khí bị mất - Ảnh 5.

Hồ Duy Hải trước khi bị bắt (gia đình cung cấp). Ảnh: Báo Gia đình & Xã hội

Hồng dùng chân đạp vào bụng Hải rồi đi về phía cầu thang. Nam thanh niên liền đuổi theo đẩy Hồng vào góc tường khiến cô gái kêu la. Sợ bị phát hiện, Hải dùng tay bóp cổ, đẩy nạn nhân ngã xuống sàn rồi lấy tấm thớt gỗ đập vào đầu Hồng nhiều lần đến khi bất tỉnh. Sau đó vào bếp lấy con dao inox ra cắt cổ nạn nhân rồi lôi xác vào giấu ở góc cầu thang.

Lo sợ sự việc bại lộ, Hải cầm ghế inox phục sẵn tiếp tục giết cô em. Khi Vân mua trái cây về phát hiện thi thể Hồng liền hoảng hồn quay đầu bỏ chạy thì Hải đuổi theo, dùng ghế đập vào đầu làm nạn nhân ngã xuống sàn gạch bất tỉnh.

Tiếp đó, Hải kéo xác Vân nằm cạnh Hồng, dùng dao cắt cổ nạn nhân rồi ra phòng vệ sinh rửa dao và tay, bỏ dao vào trong kẹt giữa tấm bảng và vách tường.

Cũng vẫn theo cáo trạng, sau khi gây án, Hải lấy 1,4 triệu đồng, khoảng 40 simcard, thẻ cào điện thoại di động, điện thoại Nokia, dây chuyền, nhẫn, bông tai của 2 nạn nhân rồi ra phía sau đóng cửa lại, leo cửa rào ra sân trước lấy xe gắn máy chạy về nhà.

Sợ bị phát hiện, khoảng một tuần sau Hải lấy quần áo và sợi dây nịt mặc lúc gây án đem đốt phi tang. (Cáo trạng)

Vụ án Hồ Duy Hải sẽ được xét xử giám đốc thẩm từ 6/5 – 8/5; dự kiến do Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình làm chủ tọa.

+++++++++


Chánh Án Trương Hoà Bình nhúng tay rất sâu vào vụ Hồ Duy Hải. Ngay sau vụ này, T.H. Bình được đề bạc lên làm Phó Thủ tướng.

Còn Chánh án Nguyễn Hoà Bình nhúng tay vào vụ Hồ Duy Hải cả 3 khâu: bắt giữ, điều tra, và nay xét xử.

Nếu ngày 8-5, tha tội chết cho Hồ Duy Hải, thì N.H. Bình có được giới thiệu lên làm Phó Thủ tướng không?


Đại biểu Quốc hội chất vấn quyết liệt 5 vụ án đặc biệt nghiêm trọng

 13/03/2015 13:03  Ngọc Quang

(GDVN) – Chánh án Trương Hòa Bình cho biết Hồ Duy Hải vẫn nhận tội; Nguyễn Văn Chưởng không oan; đang xem xét bồi thường cho ông Nguyễn Thanh Chấn…

Sáng nay (13/3), Ủy ban thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao – ông Trương Hòa Bình liên quan tới công tác của ngành tòa án, trong đó đề cập tới các vụ án oan sai xảy ra trong thời gian gần đây.

Đại biểu Đỗ Văn Đương (đoàn TP.HCM) là người đầu tiên chất vấn đã nêu ra 5 vụ án đặc biệt nghiêm trọng mà dư luận hết sức quan tâm:Bản án tử hình với Hồ Duy Hải tội giết người cướp tài sản ở Cầu Voi tỉnh Long An có oan không? Tại sao Chủ tịch nước bác đơn, tại sao đến nay hoãn thi hành lại,

Cùm chân có phải là… nhục hình?

Về các vấn đề nổi cộm trên, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết, vụ án Hồ Duy Hải khi xảy ra sự việc hai nhân viên bưu điện ở Cầu Voi, Long An bị giết gây bức xúc lớn trong cộng đồng, gia đình và xã hội yêu cầu điều tra làm rõ. Cơ quan điều tra đã tiến hành truy xét, điều tra phát hiện nghi can Hồ Duy Hải và Hồ Duy Hải đã nhận tội có giết người.

Quá trình điều tra có luật sư, sau đó, Viện kiểm sát đã truy tố và đưa ra tòa xét xử. Tại tòa sơ thẩm bị cáo nhận tội, tự nhận không có bức cung, nhục hình nên sơ thẩm kết án Hồ Duy Hải có tội. Qua quá trình phúc thẩm, bị cáo có một phần không phạm tội nhưng không rõ nên không làm thay đổi bản chất vụ án và đã kết tội Hồ Duy Hải.

Vậy đặt vấn đề có oan hay không? Ông Trương Hòa Bình nói: “Xin thưa, tòa án trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ vụ án chưa phát hiện ra có căn cứ để kháng nghị mặc dù phát hiện ra một số thiếu sót trong quá trình điều tra. Chủ tịch nước cũng bác đơn đề nghị ân xá của Hồ Duy Hải. Việc có oan hay không căn cứ vào việc người có thẩm quyền có kháng nghị hay không? Chúng tôi đã lập 1 tổ liên ngành do viện kiểm sát chủ trì làm việc tích cực, quyết liệt. Khi đoàn liên ngành vào hỏi Hồ Duy Hải vẫn nhận tội. Đơn của Hồ Duy Hải xin giảm án, chúng tôi sẽ rất thận trọng xem xét, nếu có đủ căn cứ kháng nghị thì sẽ kháng nghị”.

Chánh án TAND Tối cao – ông Trương Hòa Bình khẳng định vụ án Nguyễn Văn Chưởng tại Hải Phòng không oan sai. ảnh: Ngọc Quang.

Về câu hỏi của đại biểu Đương, tại sao Chủ tịch nước bác đơn nhưng hoãn thi hành  án, Chánh án Trương Hòa Bình cho hay, đây là vấn đề pháp lý, nhưng tôn trọng nguyện vọng gia đình bị cáo. Mẹ bị cáo đến yêu cầu tòa án xin hoãn, báo chí cũng đề cập đến việc này. Chủ tịch nước cũng yêu cầu tòa và viện kiểm sát xem xét thận trọng, xem kỹ lại xem có oan không?

“Theo nguyện vọng thì TAND tỉnh Long An tạm hoãn thi hành án. Chúng tôi thành lập đoàn liên ngành như đã nói để xem xét thận trọng. Sơ bộ đã có một số nhận định, tuy nhiên đoàn liên ngành yêu cầu kiểm tra kỹ lần nữa, sẽ họp lại đánh giá thật toàn diện, đầy đủ, khách quan”, ông Bình khẳng định.

Tuy nhiên, một số Đại biểu Quốc hội chưa thấy thỏa mãn với một số nội dung trả lời của Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình và tiếp tục đặt câu hỏi…

Đại biểu Lê Thị Nga cũng đề cập rất thẳng thắn tới vụ án Hồ Duy Hải và khẳng định, quy trình thực hiện của các cơ quan chức năng có rất nhiều điểm không đúng.

Bà Nga cho biết: “Với tư cách là Đại biểu Quốc hội, tôi thấy bản án kết tội Hồ Duy Hải chưa đủ căn cứ vững chắc. Tôi đã gửi bản kiến nghị dài 10 trang trong đó chỉ ra hàng chục điểm sai sót và vi phạm trong bản án này. Chúng tôi đã có kiến nghị tới Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, rất mong đồng chí Chánh án, đồng chí Viện trưởng xem xét thận trọng để trả lời cho gia đình bị cáo, trước khi thi hành án tử hình đối với một con người thì cần đảm bảo khách quan”.

=========


Người Buôn Gió.

Cùm chân.

Bây giờ mình không nhớ được tên người tù bị đánh chết hôm đó, anh ta tên là Dũng thì phải, cứ tạm gọi thế. Nhà anh ta ở Chợ Giời, anh ta trắng trẻo, béo tốt, có điều kiện. Tội anh ta là cờ bạc bị kết án 6 tháng tù.

6 tháng tù quá ngắn so với những tù nhân ở trại cải tạo, lẽ ra anh ấy cứ ở trại tam giam thì tốt hơn. Nhưng vì nhà anh ta có điều kiện, nên chạy cho anh ta xuống trại cải tạo để được thoáng hơn. Vì ở tạm giam suốt ngày trong buồng, còn ở trại cải tạo có tiền thì ra ngoài lao động, vào nhà dân gọi điện về nhà hay ăn nhậu trong nhà dân đều được hết.

Còn 2 tháng nữa về thì anh ta về đội của mình, tức anh ta đã ở trại tạm giam được 4 tháng. Hai tháng ở đội mình, anh ta hàng ngày ra đồng chẳng làm gì cả, chỉ vào nhà dân xem phim, ăn nhậu, đến chiều hết giờ thì theo đội về trại.

Anh ta chắc chẳng phải dạng máu mặt, nhưng thời lúc ấy là thời tù tiền, những phạm nhân có tiền là trở thành máu mặt. Loại người như anh ta, nếu gặp ngoài đời, có va chạm gì ngoài đường mà không gần nhà , chắc mặt mũi tái mét. Thế nhưng ở trong trại tù  với toàn bọn đầu gấu, anh ta chẳng sợ thằng nào, bởi nhà anh ta hối lộ cho ông trưởng ban gíam thị, cho anh ta được thành người nhà ông ấy, nên chẳng tù nào dám đụng đến anh ta.

Ở trong tù có một ban gọi là ban Thi Đua,  hay còn gọi là đội Thi Đua, ban này do những đầu gấu nhất trại được tuyền vào, làm việc giữ gìn trật tự trong trại, kiểu tự quản. Thành viên ban Thi Đua được ông trực trại giao cho cầm chìa khoá các buồng giam, mỗi buồng giam là một đội tù. Mỗi sáng người ban thi đua đi mở khoá cho các đội đi làm, chiều về mở khoá để cho các đội vào vàò buồng khi cán bộ trực trại điểm số xong. Ban Thi Đua thích thì có thể khám xét các đội đi làm về hay ai đi gặp gia đình mang quà vào, qua việc khám xét để trấn lột, đòi tiền tù nhân.

Còn một ngày nữa là anh Dũng ” diều kiện ” hết án tù, hôm ấy anh đánh chén liên hoan một bữa no say ở nhà dân, rồi chân nam đá chân xiêu theo đội về trại. Lúc anh Sơn thi đua và thằng Mạnh thi đua mở cửa buồng cho đội vào, anh Dũng khệnh khạng đi cuối cùng trợn mắt nhìn bọn Thi Đua. Anh Sơn nói.

– Thằng này uống rượu à?

Anh Dũng chửi luôn.

– Đm mày, uống rượu thì đã sao?

Anh Sơn và Mạnh túm anh Dũng bảo lôi đi cho cán bộ cùm. Mình đi vào buồng trước rồi,  vội quay ra can, nói là mai anh Dũng về rồi, anh ấy say, thôi bỏ qua cho anh ấy.

Anh Sơn và Mạnh thấy mình xin, chửi vài câu rồi thôi, kéo chốt cửa khoá lại, mình đi vào trong buồng tắm cởi quần áo để tắm. Bỗng nghe tiếng anh Dũng chửi bới, tiếng mở khoá, tiếng đánh đấm, vội chạy ra thấy anh Sơn cầm ổ khoá, thằng Mạnh cầm suốt khoá, còn anh Dũng nằm im dưới đất. Mình đẩy anh Sơn và Mạnh ra khỏi buồng. Quay lại thấy anh Dũng mắt trợn ngược, người giật giật. Mình hô mấy thằng cùng đội đưa anh ấy xuống trạm xá. Anh Sơn và Mạnh khoá cửa lại rồi bỏ đi.

Lúc sau ông Phu Béo cán bộ trực trại cầm chìa khoá mở cửa buồng, giọng nghiêm trọng.

– Hiếu đâu, mặc quần áo ra ngoài.

Mình đi theo ông Phu Béo lên phòng trực trại, ông ấy lấy giấy tờ ra hỏi vụ việc, mình kể lại y sì những gì diễn ra mình thấy. Ông Phu Béo chửi.

– Đm mày điên à Hiếu, thằng Dũng bị hai thằng kia đánh chết, ai cũng thấy, sao mày không nói là nhìn thấy hai thằng đấy nó đánh.

Mình nói mình nhìn thấy gì thì kể thế, ông Phu đuổi mình vào buồng rồi gọi người khác ra hỏi.

Một tuần sau, thằng Dũng Hoa ở Tôn Đức Thắng đánh nhau với thằng Lân Bột ở Tạ Hiện. Mình can xong rồi, thằng Dũng Hoa cậy chỗ người nhà ông Hưng nhân lực, xông vào đánh thằng Lân Bột tiếp, mình điên mới tóm cổ nó bóp đầy nó ra. Thế là nó và thằng Hội Con bàn nhau đưa nó đi khám chấn thương và ông Hưng nhân lực đưa mình đi cùm. Thằng Hội Con là dân anh chị, bộ đội già có tên tuổi ở Hà Nội, nó tù tội nhiều và có thế lực, nó ghét mình vì nó bắt ép  tù nhân khác phục vụ giặt quần áo hầu hạ đấm bóp, cơm nước cho nó, thằng bé bị nó bắt nạt ấy không chịu làm. Nó và thằng Dũng Hoang định đánh thằng bé mấy lần, nhưng lần nào mình cũng nhảy ra ngăn chặn, nên cả hai chúng nó thù sẵn mình. Hôm mình ở biệt giam hết án về,  trại đưa thằng Dũng Hoa đi đâu không rõ. Bọn tù bảo mới hôm qua nó còn ở đội, đến sáng sớm thì ông Hưng nhân lực vào đưa nó đi, chắc sợ mày ( là mình ) báo thù nên đưa nó đi tránh.

Nhưng đó là chuyện sau, chuyện hôm ấy mình đi cùm vào xà lim, thế nào cùng buồng với thằng Mạnh. Mạnh năm đó chỉ 20 tuổi, bố nó là một tay anh chị có tiếng ở khu Vân Hồ, làm nghề sang băng đĩa.

Mạnh than thở.

– Đm số thằng đó chết anh ạ, lúc bọn em thôi rồi, nó còn chửi chúng em là nó uống trượu đấy thì làm sao, bú c.. nó trừ à? Bọn em không đánh thì còn mặt mũi nào là Thi Đua.

Lúc ấy giữa mùa hè, cái xà lim bằng bê tông, nóng như rang người, bọn mình cởi trần, chân ở trong cùm. Thằng Mạnh bị cùm hai chân, còn mình chỉ bị một. Cái cùm thuộc loại cùm chết, cùm hộp. Nó có một đế sắt lõm nửa vòng tròn, trên là thanh sắt bản rộng 8 cm, dầy 1 cm uốn lõm nửa vòng tròn nửa. Cho chân vào sập xuống thì không cựa quậy. Cái chốt cùm nó thông qua bức tường ra bên ngoài và khoá ở đấy. Quản giáo mở cùm thì mở khoá bên ngoài , tù bên trong rút chốt ra mới mở được cùm. Loại cùm thế là cùm lâu, phạm nhân được mở đi không nổi, chỉ bò lê lết.

Mình có may là quen ông Hùng Mõm trực trại, đến phiên ông ấy trực mình xin đổi chân cùm. Ông Hùng Mõm lúc đầu là phụ tá quản giáo cho ông quản giáo chính của mình, nên ông ấy có sẵn tình cảm với mình thời gian ông ấy trông đội. Việc đổi chân cùm bình thường có giá 200 nghìn ở thời điểm năm 1997, nhưng ông Hùng Mõm không nghĩ chuyện đòi tiền, thậm chí có lần đổi cùm lại cho mình bao thuốc. Thực tình đến bây giờ mình vẫn phải ghi nhận có nhiều ông quản giáo, cán bộ sống rất tình cảm với mình, họ coi mình như là bạn chứ chẳng phải tù , họ còn cho mình thuốc lá, trà, bánh kẹo và chưa bao giờ họ nghĩ mình có tiền cho họ, vì mình thuộc loại tù nghèo. Khi mình ra tù, mình đi làm có tiền, cũng có quay lại thăm họ với chai rượu, gói quà. Sau này thành phản động, không muốn đến thăm sợ phiền họ.

Giờ mà mình có về nước, chắc chắn sau khi thăm gia đình,  mình sẽ đến thăm họ rồi mới đến thăm các bạn bè. Đấy là những người mà khi số phận mình trong tay họ, mình không có vật chất gì để trao đổi, họ vẫn dành cho mình những ưu ái nhất trong quyền hạn của họ. Muôn đời mình không quên ơn họ,  dù họ có là những người của chế độ mình đang chống lại.

Nói lại chuyện cùm chân, những người bị vướng án giết người, khung hình phạt từ 20 năm đến chung thân, đến tử hình thì sẽ bị đưa vào buồng giam riêng và cùm chân.

Cái cùm mà mình bị là loại cùm dã man nhất, chỉ ngồi dậy và nằm, không thể xoay chuyển được gì. Đi vệ sinh có một cái bô bên cạnh, ăn và vệ sinh tại chỗ, dù trời nóng hay lạnh thì người cùm cũng chẳng thiết mặc quần nếu bị cùm cả hai chân. Ngày không ngủ được vì nóng, đêm không ngủ được vì muỗi đốt. Mỗi lần cựa quậy, cạnh của miếng cùm lập là cọ vào chân thành vết xước, mồ hôi và và bụi bẩn sẽ khiến vết xước thành lở loét, hoại tử khiến nhiều người sau những ngày dài bị cùm thành liệt vĩnh viễn.

Nếu là kẻ có tội, phạm nhân lâu ngày sẽ mong được ra pháp trường sớm để thoát cảnh đày ải đấy.

Nhưng nếu không có tội mà bị cùm vậy từ năm này sang năm khác, dần dần sự tha thiết với cuộc sống cũng sẽ mất đi, người ta tự nhận mình số phận đã định vậy, dẫn đến ước mong được chết sớm để thoát cảnh đoạ đầy.

Thế là một ngày khi quản giáo mở cửa để đưa cơm, họ ngỏ lời xin giấy bút…

==========

Rất đầy đủ,
https://vi.wikipedia.org/wiki/Vụ_án_Hồ_Duy_Hải





Bạn cứ phịa ra một email hoặc tên nào đó để viết ý kiến. Comment của tất cả các bạn đọc sẽ được hiện ra.

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.