Trần Hoàng Blog

Archive for Tháng Sáu 14th, 2013

►Vụ bắt nhà văn Phạm Viết Đào, blogger T. Duy Nhất, và Đinh Nhật Uy

Posted by hoangtran204 trên 14/06/2013

Bất thường vụ bắt khẩn cấp anh Phạm Viết Đào

…tuy CA ập vào đọc lệnh bắt khẩn cấp và khám nhà anh Đào theo điều 258 Bộ luật Hình sự (lợi dụng các quyền tự do dân chủ) nhưng họ đặc biệt quan tâm tới việc thu giữ các tài liệu về chiến tranh chống Trung Quốc...

Tối qua, 13/6/2013, nhiều Công an tiến hành phong tỏa khu vực bên ngoài nhà riêng anh Đào ở ngõ 460 Thụy Khuê, phường Bưởi (Tây Hồ, HN) để một lực lượng vào bắt khẩn cấp anh Phạm Viết Đào và thực hiện lệnh khám xét chỗ ở của anh.

Anh Phạm Viết Đào quê Tân Kỳ (Nghệ An), từng du học ở Rumani, sau về công tác tại Thanh tra Bộ Văn hóa, anh nói rất sõi tiếng Ru. Anh còn là hội viên Hội nhà văn Việt Nam và là dịch giả nhiều cuốn sách. 

Gần 30 năm qua, anh dành nhiều tâm huyết vào nghiên cứu về Trung Quốc, dành nhiềucông sức vào tập hợp, thu thập tư liệu về cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược, bảo vệ biên giới phía Bắc – một cuộc chiến đã thật sự bị lãng quên. Nhiều tư liệu anh có trong tay thuộc loại “giật mình” nếu được công bố. Trên cơ sở các tư liệu và nghiên cứu khoa học, cùng nhiều tướng lĩnh, anh đã có những kiến nghị lên lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong công tác giáo dục lịch sử, tư tưởng về cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược.

Những nội dung kiến nghị, những đề xuất đánh giá lại về cuộc chiến này mang đầy tính thời sự và đặc biệt hữu ích trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng xâm chiếm biển đảo của ta.

Cần nói thêm, anh Đào có người em ruột là liệt sỹ Phạm Hữu Tạo đã hy sinh anh dũng trong trận đánh ác liệt nhất của lịch sử chiến tranh Việt Nam. Ngày 12/7/1984, chú Tạo xung phong chỉ huy một đơn vị cảm tử gồm những người con ưu tú nhất, quả cảm nhất của Nghệ An (E356) thực hiện nhiệm vụ áp sát, đánh mở chốt tái chiếm cao điểm 772 trong chiến dịch chiếm lại điểm cao 1509 tại mặt trận Hà Tuyên.

Riêng đêm 12 rạng 13/7/1984, để đánh bật quân Trung Quốc, ta tung 4 sư đoàn thiện chiến tinh nhuệ nhất vào trận và đây là trận chiến đấu quy mô lớn nhất, ác liệt nhấttrong lịch sử quân sự Việt Nam qua 4 cuộc chiến (chống Pháp, chống Mỹ, đánh Campuchia và chống Trung Quốc bảo vệ biên giới phía Bắc). Các cán bộ bước ra từ khói lửa và máu của trận đánh này đều được tôi luyện thành những lãnh đạo, tướng lĩnh cao cấp: tướng Lê Trọng Tấn, tướng Lê Ngọc Hiền, tướng Phạm Văn Trà, tướng Nguyễn Hữu An, tướng Vũ Lập, tướng Lê Duy Mật, tướng Hoàng Đan, tướng Phùng Quang Thanh, tướng Đỗ Bá Tỵ, tướng Nguyễn Văn Được, tướng Nguyễn Đức Soát, tướng Phùng Khắc Nghiên …

Về vụ bắt anh Đào, theo một đồng chí Đảng viên sinh hoạt tại chi bộ cụm dân cư số 4, phường Bưởi, Tây Hồ,  tuy CA ập vào đọc lệnh bắt khẩn cấp và khám nhà anh Đào theo điều 258 Bộ luật Hình sự (lợi dụng các quyền tự do dân chủ) nhưng họ đặc biệt quan tâm tới việc thu giữ các tài liệu về chiến tranh chống Trung Quốc, truy tìm những mối liên hệ với một số tướng lĩnh, cán bộ …

Tiếng là PA92 của Hà Nội làm án, nhưng kỳ thực mọi việc khám xét thu giữ đều do các cán bộ trên Bộ chỉ đạo. Hoạt động ”gí án” này trong ngành CA chỉ thấy ở các vụ án chính trị quan trọng, gần đây nhất là vụ bắt Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ. Tức, Bộ Công an (thậm chí có chỉ đạo cao hơn nữa) lên kế hoạch, chỉ đạo từng bước đánh án, chủ trì huy động phối hợp từ các cơ quan khác (Ngoại giao, Tuyên giáo, Tư pháp, báo chí …), rồi giao xuống cho Công an Hà Nội “hót” nốt công đoạn cuối nhằm làm giảm tai tiếng. Còn những cáo buộc mà CA đưa ra đối với anh Đào thì chẳng có gì là khẩn cấp cả. Có những việc diễn ra cách đây 2 năm rồi và anh Đào làm rất công khai.

Thời điểm bắt giữ anh Đào thì đặc biệt nhạy cảm. Trung Quốc từng giờ lấn tới, gia tăng xâm chiếm biển đảo của ta. Phản ứng của Việt Nam thì hầu hết vẫn chỉ dừng lại ở … đưa ra tuyên bố từ bàn giấy. Tuần tới, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đi gặp Tập Cận Bình (từ 19/6 – 21/6/2013) “nhằm tăng cường sự tin cậy chính trị và hợp tác hữu nghị giữa hai Đảng, hai nhà nước, định ra phương hướng lớn cho mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc – Việt Nam“. Đây là chuyến đi TQ đầu tiên của đ/c Trương Tấn Sang trên cương vị Chủ tịch nước. Như vậy, thời điểm bắt anh Đào rất gần với chuyến thăm hữu nghị Trung Quốc của đ/c Sang. Phái nào và động cơ gì đằng sau vụ bắt anh Đào thì chưa rõ.

Ngày giỗ nữa của chú Tạo đang đến rất gần nhưng anh Đào lại phải ra đi. Kỷ niệm trận chiến đấu ác liệt nhất bảo vệ biên giới phía Bắc năm nay, đồng đội của chú Tạo lại vắng đi người anh vẫn thường giữ lửa cuộc chiến này cho đất nước và các thế hệ mai sau.

Được biết, khi đối mặt các điều tra viên cao cấp của An ninh, cũng với khí tiết ngoan cường như chú Tạo lúc xung trận mở chốt đánh quân bành trướng bá quyền Trung Quốc năm xưa, anh Đào rất hiên ngang kiên cường bảo vệ quan điểm của mình.
http://caunhattan.wordpress.com/2013/06/14/bat-thuong-vu-bat-khan-cap-anh-pham-viet-dao/

—————–

Vụ bắt ông Phạm Viết Đào: Nguồn tin mới là vấn đề chính?

Nhà báo Phạm Chí Dũng (@anhbasam)

Nhà báo Phạm Chí Dũng (@anhbasam)

Như tin chúng tôi đã loan ở phần trên, blogger nổi tiếng Phạm Viết Đào đã bị bắt hôm qua 13/06/2013 vì tội danh ” lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo điều 258 Luật hình sự Việt Nam. Trước đó, một blogger tên tuổi khác làTrương Duy Nhất cũng đã bị bắt ngày 26/05 với tội danh tương tự.

Ông Phạm Chí Dũng tại Sài Gòn

14/06/2013

Với việc bắt giữ nhà văn kiêm blogger Phạm Viết Đào, như vậy là đã có thêm một nhà văn nữa bị bắt trong vòng một năm. Người trước đây là nhà văn Phạm Chí Dũng, bị bắt vào tháng 7/2012 với cáo buộc âm mưu lật đổ chính quyền.

Trả lời RFI Việt ngữ tối qua, ngay sau khi thông tin ông Phạm Viết Đào bị bắt được đăng tải, nhà văn kiêm nhà báo tự do Phạm Chí Dũng ở Thành phố Hồ Chí Minh đã trao đổi với chúng tôi về một số nhận định ban đầu.

RFI : Xin chào nhà báo Phạm Chí Dũng. Thưa anh, anh có nhận xét như thế nào về tin blogger Phạm Viết Đào bị bắt ?

Nhà báo Phạm Chí Dũng : Như vậy là trong vòng nửa tháng trời đã có hai vụ bắt giữ liên tiếp đối với giới blogger, liên quan tới cùng một điều 258, và cũng liên quan tới những vấn đề có những thông tin nội bộ trên blog. Nửa tháng trước, việc này xảy ra đối với trường hợp của blogger Trương Duy Nhất. Và đến bây giờ thì vụ bắt giữ mới nhất xảy ra đối với ông Phạm Viết Đào, một blogger và cũng đồng thời là một nhà văn.

Theo tôi thì hai vụ này có những điểm tương đồng nhất định, không chỉ về điều 258. Với blog của nhà văn Phạm Viết Đào, tôi để ý tới những thông tin nội bộ, đặc biệt được đưa lên blog này trong thời gian gần đây. Và có lẽ là tôi cũng giống như nhiều người khác, thường đặt câu hỏi là tại sao những blogger này lại có được những thông tin quá đặc biệt như vậy.

Một điểm tương tự nữa của vụ bắt giữ ông Trương Duy Nhất và ông Phạm Viết Đào là ngay sau khi có thông tin ông Phạm Viết Đào bị bắt, thì blog của ông cũng đã bị khóa. Tôi có thử mở, nhưng không được, trên mạng đòi hỏi phải có mật khẩu.

Có một chi tiết đáng chú ý nữa là việc bắt ông Phạm Viết Đào lại diễn ra ngay sau khi Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm, với kết quả là khá nhiều quan chức chính phủ bị tỉ lệ phiếu cao liên quan tới loại phiếu « tín nhiệm thấp ». Và đồng thời việc bắt giữ ông Phạm Viết Đào vẫn diễn ra trong bối cảnh quốc tế đang gây áp lực nhân quyền liên tục với Nhà nước Việt Nam, liên quan tới hàng loạt nhân vật bất đồng chính kiến bị bắt giữ, và cũng liên quan tới bầu không khí « tuyệt thực cùng Cù Huy Hà Vũ ».

RFI : Như vậy theo anh vấn đề chính là việc các blog này đưa ra những thông tin trong nội bộ mà ít người có được ?

Có một chi tiết cũng nên tham khảo mà tôi muốn nêu ra – có lẽ chỉ để tham khảo thôi. Có một blog được dư luận gần đây khá quan tâm vì đưa ra những thông tin cũng không kém phần nội bộ – tên là « Tư Sang nham hiểm ». Trước đây vào ngày 04/05/2013 trên blog này có bài « Toàn bộ hệ thống bảo vệ pháp luật và chính quyền đã chết lâm sàng ? », và trong bài này có điểm về blogger Phạm Viết Đào, trong đó có một đoạn đánh giá về ông Phạm Viết Đào như thế này : « Tiết lộ bí mật Nhà nước bằng cách công bố các công văn mật, lan truyền các tin đồn sai sự thật, xuyên tạc tình hình nội bộ Đảng ».

Sau khi việc này xảy ra, thì tôi mới nhớ lại là trước đây blog Phạm Viết Đào cũng có đưa một số tin tức, phải nói là đọc khá thú vị, vì rất nội bộ. Rất may là tôi còn lưu lại được một đoạn của blog Phạm Viết Đào. Có một người nào đó tên là Hai Xe Ôm – chắc chắn là một bút danh – vào ngày 16/04/2013, tức là trước Hội nghị trung ương 7, có đưa một cái tin là « Tin cung đình lọt ra vỉa hè », trong đó có những nội dung đáng chú ý như thế này :

Thứ nhất là các cấp thượng đỉnh đã có những thay đổi trong quan hệ Đông-Tây, nếu tinh ý quan sát những động thái gần đây trên báo chí về vấn đề hiến pháp, về chủ quyền biển đảo. Thứ hai là Hội nghị kiểm điểm BCT giữa nhiệm kỳ vẫn tiếp tục triển khai. Thứ ba là sắp tới sẽ bổ sung thêm 3 đồng chí vào BCT để đủ 17 vị đó là: NBT, NXL và NTKN.
Thứ tư là Hai Xe Ôm có đề nghị kiểm chứng một nguồn tin do một blogger cung cấp: Có hai vụ hối lộ lớn tại Tập đoàn dầu khí bị lập biên bản, một vụ 600.000 USD và 1 vụ 200.000 USD. Thông tin này đã bị dập đi: không khẳng định và cũng không phủ định, và yêu cầu Hai Xe Ôm không bắt đối tác trả lời, kiểm chứng thông tin này.

Nhưng có lẽ thông tin quan trọng nhất trong lời bình của Hai Xe Ôm trong blog Phạm Viết Đào, theo tôi là nội dung « Đã lấy phiếu tín nhiệm để giới thiệu nhân sự BCT nhiệm kỳ Đại hội XII tới. Theo nguồn tin này thì đồng chí 4S cao phiếu nhất, đồng chí X. thấp nhất ».

Tóm lại là những thông tin tôi muốn nêu về việc bắt giữ nhà văn và cũng là blogger Phạm Viết Đào đặt ra cho dư luận một số ẩn ý, hàm ý và những câu hỏi, cũng giống như đối với trường hợp bắt giữ blogger Trương Duy Nhất.

Vấn đề còn lại với tôi, và vẫn là câu hỏi thường trực trong tôi, là đối với những người như Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào, thì cái gì là chính ? Cái gì là chính liên quan tới vụ bắt giữ đối với họ ? Phải chăng từ những blog này đã có những tin tức rất nội bộ, và nếu đúng đó là những tin nội bộ và những tin tối mật, thì nguồn tin ở đâu ?

Nguồn tin có thể mới là vấn đề chính. Và nếu như dư luận có thể đánh giá được vấn đề nguồn tin từ đâu ra, thì dư luận cũng có thể dự báo được những động thái liên quan tới việc chỉ đạo bắt giữ những blogger này.

RFI : Giới blogger có xôn xao nhiều sau khi hai blogger có tiếng đều bị bắt ?

Việc này chắc chắn là các blogger không những xôn xao mà còn xáo động. Chắc chắn là như vậy. Tôi có trao đổi với vài blogger, họ rất chú ý việc này, cũng như đã từng rất chú ý vụ Trương Duy Nhất. Và không thể nói là họ không có phần lo lắng.

RFI : Xin chân thành cám ơn nhà văn, nhà báo tự do Phạm Chí Dũng ở Thành phố Hồ Chí Minh đã vui lòng dành thì giờ tham gia chương trình của RFI Việt ngữ.

http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20130614-vu-bat-giu-nha-van-pham-viet-dao-nguon-tin-moi-la-van-de-chinh

——-

*Đối với luật pháp VN, Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào bị bắt vì tội: Nói xấu lãnh đạo. 

*Thật ra, Nhà nước VN đàn áp tự do ngôn luận nên đã bắt 3 blogger Phạm Viết Đào, Trương Duy Nhất và Đinh Nhật Uy.

Trong các nước dân chủ, các nhân vật lãnh đạo trong chính quyền được gọi là các public figure, người của công chúng, người làm việc cho công chúng, người thay mặt dân chúng để điều hành việc nước …vì thế, dân chúng có quyền chỉ trích (viết bài trên blog, đi biểu tình…) về  các hành động và lời nói của các nhân vật trong chính quyền mà họ vẫn không bị cáo buộc vào bất cứ tội gì hết. Dân chúng được bảo vệ bởi quyền tự do ngôn luận. 

Trái lại, ở các nước độc tài, dân chúng sẽ bị các nhà lãnh đạo này sai công an bắt, giam giữ và bỏ tù vì tội nói xấu lãnh đạo. Nhưng để cho có vẻ không quá lộ liễu, những người bị bắt sẽ bị xử phạt bằng các tội trạng khác như vụ Ls. Cù Huy Hà Vũ. Đây là hình thức đàn áp quyền tự do ngôn luận của dân chúng, gây sợ hải trong dân chúng, và để các nhà lãnh đạo:  tiếp tục lãnh đạo.

Thêm vào đó, người VN nào cũng có thể bị  bắt nếu phản đối chống lại Trung Quốc. Lý do: Trung Cộng bổ nhiệm chức vụ TBT đảng CSVN, chức vụ thủ tướng VN, và một số nhân vật then chốt vào trong nhóm ủy viên Bộ Chính Trị.  Cứ xem mỗi lần được bầu vào ủy viên BCT, thì ngay sau đó, hững tân ủy viên (sẽ giữ những nhiệm vụ quan trọng) bao giờ cũng qua thăm viếng trình diện TQ. Do đó, các nhân vật được bổ nhiệm vào các chức vụ then chốt ở VN rất sợ làm mất lòng  Trung Cộng. Họ sẽ bịt miệng bỏ tù những ai to tiếng chống đối TQ. Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần là những người tù điển hình chống TQ và bị chính quyền VN cho vào tù hàng chục năm. (TH)

Trương Duy Nhất: Cái còng và khẩu súng không thể chĩa vào Nhất

————————–

Khẩn: CA bắt giam Đinh Nhật Uy, anh trai Đinh Nguyên Kha

Đinh Nhật Uy cầm biểu ngữ ‘Tàu khựa cút khỏi Biển Đông’ ủng hộ em trai Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên
CTV Danlambao – Lúc 13h trưa nay, 15/6/2013, CA Long An đã bất ngờ huy động lực lượng kéo đến khám xét khu đất nhà bà Nguyễn Thị Kim Liên, mẹ ruột Đinh Nhật Uy và Đinh Nguyên Kha. Tại thời điểm CA kéo đến, bà Liên không có ở nhà.
Đến khoảng 15h30 cùng ngày, tiếp tục có tin khẩn báo cho biết: anh Đinh Nhật Uy (anh trai Đinh Nguyên Kha) đã bị công an áp giải về nhà để đọc lệnh khám xét và ‘bắt khẩn cấp’, cùng với quyết định tạm giam 3 tháng.
Theo lời gia đình, Đinh Nhật Uy bị CA bắt đi với tội danh cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo điều 258 bộ luật hình sự. Đây là điều luật mà trước đó đã được nhà cầm quyền CS mang ra áp dụng với các blogger Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào, Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh…Trong quá trình khám xét, cơ quan công an đã thu giữ nhiều đồ đạc của gia đình như máy móc, điện thoại, ổ cứng máy tính…
Anh Đinh Nhật Uy, sinh năm 1983, là anh ruột của sinh viên yêu nước Đinh Nguyên Kha, người vừa bị kết án 8 năm tù giam cùng với Nguyễn Phương Uyên tại phiên tòa Long An hồi tháng 5 vừa qua.Từ khi em trai bị công an bắt giữ, anh Đinh Nhật Uy và gia đình liên tục bị CA sách nhiễu và đe dọa. Công ty riêng của Uy cũng từng nhiều lần bị công an kéo đến khám xét, cướp tài sản một cách tùy tiện.
Thời gian gần đây, Đinh Nhật Uy đã có rất nhiều nỗ lực kêu gọi sự quan tâm của dư luận đối với trường hợp em trai mình là Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên. Cụ thể, Uy đã cùng bạn bè cầm biểu ngữ có nội dung ‘Tàu khựa cút khỏi Biển Đông’ đăng công khai trên facebook. Đây là biểu ngữ trước đó đã được Nguyễn Phương Uyên dùng máu viết lên, bày tỏ nỗi uất ức của cô sinh viên trẻ trước giặc Tàu xâm lăng.Biểu ngữ có nội dung ‘Tàu khựa cút khỏi Biển Đông’ cũng được tòa án CS xem là ‘tang vật’ nhằm bỏ tù 2 sinh viên yêu nước Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên. Cáo trạng của Viện kiểm sát khẳng định đây là biểu ngữ ‘có nội dung không hay về Trung Quốc’Sự kiện CA bắt giam Đinh Nhật Uy diễn ra trước chuyến đi TQ của ông chủ tịch nước Trương Tấn Sang chỉ vài ngày. Vụ bắt người xảy ra ngay tại Long An, cũng là quê hương của ông Trương Tấn Sang.
—————

Cảm nhận trong 3 vụ bắt người liên tiếp vừa qua.?

by Người Buôn Gió (Notes) on Saturday, June 15, 2013

Một nhà báo muốn thể hiện một góc nhìn khác, một nhà văn muốn luận đàm thế sự văn chương. Thêm một cậu sinh viên muốn thể hiện tinh thần phản đối Trung Quốc. Cả ba đại diện khá tiêu biểu cho các quan điểm của một số tầng lớp blogge ở Việt Nam hay còn gọi là những cây viết lề bên trái. Trong vòng một tháng, cả 3 nhân vật này, cứ gọi là tạm đại diện cho các luồng viết đi lệch với truyền thông nhà nước, đã bị bắt.

Nhìn riêng rẽ thì có thể thấy mỗi người trong số họ bị bắt ở một lý do khác nhau Người ta suy luận họ bị bắt bởi phe cánh này nọ trong bộ máy chính phủ, sự chia rẽ bè phái, thanh trừng , triệt hạ nhau. Những suy luận kèm theo căn cứ khó mà bác bỏ rằng suy luận không đúng.

Nhưng chúng ta thấy họ đều là những cây viết có quan điểm mà nhà nước không thích. Họ cùng bị bắt với một điều luật giống nhau, điều 258 Bộ luật Hình sự. Cùng có dấu hiệu của V5 thuộc BCA trong việc bắt giữ ba người. Nếu nhìn xa để đánh giá thì cảm giác ( tất nhiên vẫn là suy luận ) 3 vụ bắt bớ này là nằm chung trong một chiến dịch thì đúng hơn. Và cả 3 nhân vật bị bắt họ đều đơn lẻ, không có những bạn bè, đồng đội nhiều. Cả ba người ấy đều dạng anh hùng nhất khoảnh. Duy có Đinh Nhật Uy và mẹ cậu có chịu khó qua lại với mọi blogge khác. Nhưng Long An là nơi khá biệt lập. Cả 3 blog ở 3 miền Bắc – Trung – Nam. Dường như cả ba người đều được chọn lựa từ trước.

Sự chọn lựa bắt người sao cho không có những biến động tập hợp phản ứng của các nhóm trong xã hội. Mà vẫn gây lên hiệu quả sợ hãi bao trùm.Toan tính này thật chính xác. Trường hợp Trương Duy Nhất còn gây tranh cãi loạn xạ giữa các blogge với nhau. Nhất không được cảm tình chung của giới bloge lề bên trái. Phạm Viết Đào lâu nay một mình một cõi, việc ông bị bắt chỉ ồ lên những tiếng xôn xao trong dư luận. Đinh Nhật Uy ở vùng tỉnh lẻ đơn côi, may lắm rồi có bà mẹ đi lang thang kêu cứu.  Cả ba người này đều không có những người đọc , bạn bè ủng hộ nhiều.

Nếu nói về những bài viết của họ là căn cứ khép vào điều 258 thì chúng ta thấy rõ rằng nhiều blog khác cũng có hành vị tương tự. Tuy nhiên nếu trong số các blogge đó bị bắt, như một số người dự đoán Nguyễn Quang Lập, Ba Sàm, Bauxie Vietnam… thì chắc phản ứng từ giới blogge sẽ nhất quán hơn so với  3 người bị bắt kia nhiều.

Giáo sư Thayer cho rằng việc bắt bớ này là chiến lược phục vụ quan hệ cho chuyến đi của chủ tịch nước Trương Tấn Sang trước khi sang Trung Quốc. Như một món quà dâng tiến về cam kết trung thành giữ vững đường lối CNXH theo nước bạn.

Nhận định của giáo sư Thayer nếu đúng, thì số phận của 3 người bị bắt không đáng lo lắm. Như thế khả năng sau chuyến đi của ông Sang. Những người bị bắt có thể được trở về. Thường thì điều 258 không phải là điều luật nặng nề đến mức phải đem ra xử. Trước đó nhiều blogge đã bị bắt về tội này, bị giam giữ thời gian và được tự do không phải ra tòa.

Bắt toàn diện 3 miền, không gây cho đám đông bức xúc dẫn đến hành động phản đối tập thể, bắt với tội danh có độ du di lớn về xử phạt như án treo, cảnh cáo, xử phạt hành chính đến vài năm tù. Phục vụ mục đích chính trị đối ngoại ở thời điểm. Xong việc có thể tha về, thể hiện tinh thần nhân đạo khoan hồng của đảng và nhà nước, đồng thời cũng cảnh cáo các blooge khác coi chừng. Chỉ chừng đó thôi đã cho thấy nghệ thuật bắt người ở xứ ta đã đến bậc thầy về toan tính lợi hại của những người ra lệnh bắt.

Chưa kể vụ bắt bớ sẽ là câu nhắc nhở tới ngày 21.6 ngày Nhà báo những người cầm bút phải thận trọng. Chưa kể vụ bắt bớ xảy ra đầu mùa hè, thời gian những vụ biểu tình chống Trung Quốc thường xảy ra. Những vụ bắt bớ này chắc chắn sẽ khiến tâm lý của giới viết lách, biểu tình phải đắn đo hơn. Những ngọn lửa của mùa hè ít nhiều bị giảm nhiệt.

Nhưng nếu nhận định giáo sư Cathey không đúng. 3 người bị bắt bị đem ra xét xử. Thì đó sẽ là một câu chuyện khủng khiếp hơn nhiều, nó là phát mở đầu thăm dò để phát động một chiến dịch thanh trừng các cây viết đối lập trên diện rộng toàn quốc. Mà bước khởi đầu đánh những nhân vật riêng lẻ trước, cho đám đông tập làm quen với việc người bị bắt mà không gây phản ứng mạnh đồng loạt nào.

Phần 2. Dư âm.

Chả phải giờ chúng ta nghe tin tàu lạ hoành hành ngoài khơi, thấy cũng bình thường như nghe tin tai nạn giao thông chết mấy chục người.

Có lúc chúng ta vô tình bị cuốn cảm giác mình đi theo một định hướng của một thế lực mà chúng ta không biết rằng đang bị họ dẫn đi, cảm xúc của chúng ta nhạt dần, ý chí cũng xuống dần. Sự chán nản dần chiếm chỗ cho tinh thần hăng hái nói đến sự thật, phản kháng bất công, sai trái đang diễn ra. Rồi ngày nào đó những tin tức đáng lẽ khiến chúng ta sôi sục vì tính chất phi nhân, thì chúng ta lại thấy nó bình thường. Như chúng ta thấy việc lót tay, hối lộ đã là nếp sống quen thuộc trong xã hội. Chúng ta đánh giá việc hối lộ khi rít xong hơi thuốc.

– Ôi dào, chuyện đó giờ đâu chả thế.!

Chúng ta nghe tàu lạ đâm chết ngư dân, ta nhấp ngụm cà fe buông một câu.

– Vùng đang tranh chấp, né ra chỗ khác mà đánh cá, ra đó làm gì.!

Chúng ta nghe tin tai nạn thảm khốc giao thông chết mấy chục người, hay kẻ cướp giết cả nhà từ già lẫn trẻ, ta chép miệng thở dài.

– Thôi thì chết có số, ở Mỹ hay ở đâu nó cũng xảy ra như thế là thường.

Hay ta nghe tin người bạn nào đó viết blog, thậm chí là cái blog ta vẫn đọc. Ta chép miệng.

– Viết làm gì cho khổ, thiếu gì cái để viết cơ chứ.

Cho người ta quen dần với những điều bất thường để đến khi cần dùng những biện pháp bất thường khiến thiên hạ dửng dưng. Nghệ thuật cai trị là ở chỗ đó.

Tôi thấy quen rồi, thậm chí khi nghe vợ tôi loáng tháng nói chuyện điện thoại với ai. Con trai tôi 6 tuổi đang chơi đồ chơi , ngẩng đầu hỏi mẹ nó.

– Mẹ ơi bố lại bị công an bắt rồi à.?

Vợ tôi gật đầu. Con trai tôi cắm đầu xuống món đồ chơi im lặng. Nếu tôi bị bỏ tù lâu không về, chắc con trai tôi cũng không ngạc nhiên hay mong bố về lắm, đứa bé 6 tuổi ấy đã có suy nghĩ bố bị công an bắt đi tù là điều chả có gì lạ. Nó chỉ hơi buồn vì thiếu bố chơi cùng thôi.

Nào các bạn, chúng ta hãy bắt đầu làm quen với chuyện ngày nào đó sẽ bị bắt. Trước tiên hãy luyện tâm lý cho người quen của mình. Chúng ta đã quen với hối lộ, quen với tai nạn, quen với bất công, giờ hãy tập làm quen với việc bày tỏ suy nghĩ của mình dễ vào tù như tham gia giao thông trên đường gặp tai nạn vậy.

http://vietinfo.eu/cung-suy-ngam/cam-nhan-ve-chuyen-bat-nguoi-lien-tiep-gan-day.html

Một blogger viết comment cho rằng: “bắt người để cống nạp”;
Có blogger khác viết: “bắt người để  lập thành tích chào mừng/và cảnh cáo …nhân  ngày nhà báo 21-6-2013”
———————-

Điều 258: Quá tội nghiệp cho Tự

Do Dân Chủ

blog Huỳnh Ngọc Chênh

Thế là tiếp theo blogger Trương Duy Nhất, blogger Phạm Viết Đào bị bắt vì tình nghi vi phạm điều 258 bộ luật hình sự: Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

Cả hai anh đều là blogger nên quyền tự do dân chủ mà hai anh có thể lợi dụng là quyền tự do ngôn luận, có nghĩa là các anh đã dùng trang blog của mình xâm phạm lợi ích một số đối tượng. Các đối tượng ở đây là Nhà nước, là tổ chức, là công dân.

Dùng trang blog để xâm phạm lợi ích các đối tượng thì có nghĩa là hai anh bị nghi đã viết những điều không có thật, những điều bịa đặt về các đối tượng mà mình có ý định xâm phạm. Như vậy gọi là vu khống. Mà hành vi vu khống lại nằm trong phạm vi điều chỉnh bởi điều 122 cũng của bộ luật hình sự.

Điều 122. Tội vu khống

  1. Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
  2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm:
    • a) Có tổ chức;
    • b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
    • c) Đối với nhiều người;
    • d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình;
    • đ) Đối với người thi hành công vụ;
    • e) Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

Thế thì tại sao không truy tố hai blogger trên theo điều 122? Cái khác nhau giữa 122 và 258 chỉ ở phần đối tượng bị hại – Một bên là cá nhân, một bên là Nhà nước, tổ chức và cá nhân – còn hành vi thì như nhau.

Thật ra, một khi không cần lợi dụng vào cái gì cả nhưng anh đã có hành vi xâm phạm lợi ích kẻ khác thì anh đã mắc tội rồi. Và tùy vào cái hành vi anh sai phạm mà có các điều khoản tương ứng của bộ luật hình sự điều chỉnh.

Ví dụ tên A được tự do đi lại khắp nơi trên đất nước nầy mà không cần báo cáo và xin phép. Y tự do đi đến một tiệm vàng rồi xông vào giết chủ tiệm và cướp vàng. Chẳng lẽ lại truy tố tên A theo điều 258 là đã lợi dụng các quyền tự do dân chủ (ở đây là quyền tự do đi lại) để xâm phạm lợi ích của tiệm vàng? Không thể ngớ ngẩn như thế được vì hành vi giết người cướp của đã được điều chỉnh bởi điều khoản khác trong bộ luật hình sự.

Tương tự một chức sắc tôn giáo thường xuyên lui tới nhà con chiên để làm công việc tôn giáo nhờ vậy ông ấy tiếp cận mọi thành viên trong gia đình dễ dàng và vì thế, vào một hôm, ông lợi dụng việc giảng đạo, giở trò đồi bại với cô gái dưới 18 tuổi trong gia đình đó. Chẳng lẽ lại truy tố vị chức sắc tôn giáo ấy theo điều 258 là lợi dụng các quyền tự do dân chủ (ở đây là quyền tự do hoạt động tôn giáo) xâm phạm lợi ích của cháu gái?

Đặt ra các ví dụ ấy để thấy rằng điều 258 bộ luật hình sự là một điều dư thừa bởi lẽ khi luận tội ai đó thì luận trên hành vi gây ra tội chứ không luận trên việc đối tượng lợi dụng cái gì đó để thực hiện hành vi.

Sự tồn tại của điều 258 làm mọi người có cái nhìn sai lệch về tự do dân chủ. Thiết chế cao đẹp mà nhân loại đang vươn tới bị xem như là nơi dung túng, nơi để kẻ xấu lợi dụng gây ra chuyện xấu xa, gây ra hành vi xâm phạm đến lợi ích nhà nước và kẻ khác.

Chẳng lẽ vì tự do đi lại mà anh giết người cướp của, vì tự do tôn giáo mà anh hiếp dâm, vì tự do ngôn luận mà anh vu khống? Người xấu thì có thể gây ra mọi tội mà chẳng cần phải lợi dụng quyền tự do dân chủ nào cả.

Chưa hề thấy dân chúng trong các nhà nước tự do dân chủ trên thế giới lợi dụng các quyền tự do dân chủ để làm hại đất nước hay lợi ích hợp pháp của cá nhân nào. Có chăng là họ lợi dụng tự do dân chủ để mưu cầu một cuộc sống tốt đẹp cho họ hoặc họ lợi dụng tự do dân chủ để truất phế ngay tức khắc một chế độ thối nát, một cá nhân lãnh đạo chưa tốt để đưa lên một cá nhân lãnh đạo khác tốt hơn, một chế độ mới hoàn thiện hơn nhằm mang lại những điều tốt đẹp cho đất nước họ. Họ làm việc đó thông qua biểu tình gây sức ép hoặc đơn giản thông qua bầu cử tự do. Ở tất cả những đất nước tự do dân chủ thực sự nầy không hề có điều 258 trong bộ luật hình sự của họ là vậy.

Kéo dài trong bóng đêm của chế độ độc tài phong kiến rồi chế độ thực dân áp bức cho đến gần cuối thế kỉ 20 đất nước ta mới được hoàn toàn thống nhất và xây dựng nên chế độ mới trên toàn quốc: Chế độ cộng sản.

Chế độ cộng sản nhưng mà dân chủ, không những thế mà còn tự do dân chủ gấp vạn lần các chế độ đang hiện hành trên thế giới như tuyên bố cửa miệng của nhiều lãnh tụ cộng sản.

Và không chỉ khẳng định bằng miệng, tự do dân chủ còn được xác định rõ qua hiến pháp và thể hiện ra các quyền làm người phổ quát được công nhận như: Tự do đi lại, tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tự do hội họp, tự do biểu tình, tự do lập hội….

Sống quá lâu từ đời nầy qua đời khác dưới các chế độ độc tài áp bức không có chút tự do, nay được hít thở không khí dân chủ tự do tươi đẹp, người dân sung sướng lắm. Nhẻ ra người dân được thụ hưởng tự do dân chủ, được lợi dụng tự do dân chủ để sống cho ra sống chứ không như cha ông trước đây, hở ra chút gì là bị bắt bớ, bị đàn áp thảm khốc ngay tức khắc…

Nhưng đó là trên lý thuyết. Còn thực tế thì khác xa. Phải mãi đến sau những năm 90, người dân mới có quyền tự do đi lại trong nước mà không cần xin phép công an, mới có quyền tự do mưu sinh và một phần quyền tự do cư trú. Rồi sau năm 95 mới có quyền tự do đi ra nước ngoài mà không cần phải xin phép công an xuất cảnh. Quyền tự do lập hội, lập đảng và quyền tự do biểu tình đến nay hầu như vẫn chưa có. Quyền tự do ngôn luận thì chỉ có chút đỉnh sau khi có internet và có các trang nhật ký điện tử (blog).

Những người thông qua trang blog để nói lên suy nghĩ, tâm tư và nhận thức của mình dễ dàng bị điều chỉnh bởi điều 88 rồi thêm điều 258 khá mông lung: Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

Ai có hành vi xâm phạm lợi ích nhà nước, tổ chức, công dân như vu khống, xâm phạm tài sản, giết người, cưỡng hiếp…thì đã có từng điều khoản thích hợp điều chỉnh, tại sao lại có điều 258 thừa ra như vậy?

Điều 258 dường như chỉ đi theo một chiều là nhắm vào những cá nhân xâm phạm đến lợi ích của đối tượng là Nhà nước, tổ chức đảng và các cán bộ cao cấp. Đến nay, chưa thấy có chiều ngược lại là: Cơ quan Nhà nước, các tổ chức đảng, cán bộ cao cấp bị đưa ra tòa vì tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích cá nhân.

Các cá nhân bị các cơ quan truyền thông nhà nước xâm phạm lợi ích qua việc vu khống và bôi nhọ danh dự đang mỏi mòn kiện tụng nhưng chưa vụ nào được các cơ quan tư pháp thụ lý. Có thể đơn cử ra một số vụ:

  • Đài TH Hà Nội vu khống và bôi nhọ các nhân sĩ trí thức đi biểu tình chống Trung cộng.
  • Báo, đài Hà Nội vu khống và xâm phạm đời tư chị Bùi Hằng, đời tư của LS Cù Huy Hà Vũ
  • Báo Công An TP HCM đăng bài vu khống vị nữ luật sư thuộc luật sư đoàn TP HCM tiếp xúc với LS Cù Huy Hà Vũ trong đêm ông bị bắt là gái mãi dâm.

Còn các trang blog bậy bạ đang mở ra nhan nhãn, được cho là của các dư luận viên, thì tha hồ chửi bới, văng tục, vu khống, đe nẹt, hăm dọa các nhân sĩ trí thức tiến bộ, các blogger và các người biểu tình yêu nước mà không thấy cơ quan luật pháp nào đụng đến. Có những trang mang hẳn tên các lãnh đạo Nhà nước nữa đấy, như: Nguyentandung, Truongtansang, tusangnhamhiem…

Ngược lại, hai blogger Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào bị bắt rất nhanh chóng và rất khẩn cấp.

Tôi đọc không được nhiều bài của hai blogger Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào nên không biết hai anh đã có những bài viết nào vi phạm vào việc lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích Nhà nước và các đối tượng khác. Nhưng nếu các anh ấy có vi phạm thì có nghĩa là các anh ấy đã viết điều gì đó bịa đặt, sai sự thật về các đối tượng mà các anh ấy xâm phạm lợi ích. Đó là tội vu khống. Có lẽ phải chờ kết luận điều tra mới biết cơ quan pháp luật dựa vào các bài viết nào để quy các anh ấy phạm tội.

Trong khi đó, dư luận lại cho rằng hai blogger ấy bị bắt khẩn cấp vì các lý do sâu xa khác.

Tuy nhiên khởi tố hai blogger ấy theo điều 258 thì vừa mơ hồ lại vừa tội nghiệp cho tự do dân chủ quá.

Posted in Chinh Tri Xa Hoi | Leave a Comment »

►Đảng đi đường đảng, dân đường dân

Posted by hoangtran204 trên 14/06/2013

Trên thế giới này chưa có nước nào, và chưa có ai từng hình dung chủ nghĩa xã hội nó ra làm sao? mặt tròn mặt méo như thế nào, nhưng đảng CSVN cứ một hai đòi cho bằng được: nước ta phải tiến lên XHCN! Đúng là hâm.

Đảng đi đường đảng, dân đường dân

Blog / Bùi Tín

VoA – Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ

Thứ sáu, 14/06/2013


Việc sửa đổi Hiến pháp được lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam coi là sự việc hệ trọng nhất trong năm nay. Họ dự định phiên họp đầu năm đưa ra bản dự thảo đầu tiên, phiên họp giữa năm – hiện đang diễn ra – bổ sung thành một bản dự thảo mới, và cuối năm vào tháng 10 sẽ thông qua bản dự án cuối cùng, thành bản Hiến pháp mới.

Hà Nội long trọng tuyên bố Hiến pháp là đạo luật gốc của quốc gia, rằng ý chí của nhân dân có ý nghĩa quyết định, rằng sẽ lấy ý kiến của toàn dân và những ý kiến xác đáng của nhân dân sẽ được tiếp thu trong bản Hiến pháp mới, theo tinh thần lấy dân làm gốc.

Cho đến nay, ai cũng có thể thấy rõ là họ nói vậy nhưng không mảy may làm như họ nói. Việc lấy ý kiến của nhân dân chỉ là hình thức, có thể nói trắng ra là «vờ vịt». Trên thực tế, mọi sự đều phải theo ý kiến của Bộ Chính trị, không được trệch ra ngoài một ly. Các cuộc thảo luận ở Quốc hội chỉ là trò độc diễn nhạt nhẽo, những màn kịch vụng về, thách thức trí tuệ của mọi công dân đã trưỏng thành, am hiểu tình hình.

Đã có nhiều lập luận kỳ khôi. Có đại biểu muốn giữ nguyên tên nước là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN), biện luận rằng danh xưng như thế đã quá quen thuộc với nhân dân ta và nhân dân thế giới hơn 30 năm rồi, biết bao ký kết với quốc tế, với Liên Hiệp Quốc đã dùng danh xưng ấy rồi, nên không nên xáo trộn nữa. Hơn nữa đây là định hướng cho tương lai cả nước quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) với mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội tiến bộ, dân chủ bình đẳng, văn minh, không nên bỏ đi. Lại có đại biểu viện cớ là thay danh xưng của nước ta sẽ dẫn đến phải thay trong biết bao danh xưng khác, trên công văn, giấy tờ, bảng hiệu ở khắp mọi nơi, mọi cấp, mọi ngành, chi phí hành chính sẽ vô cùng tốn kém.

Toàn là những điều ngụy biện, không mảy may có giá trị, trước lập luận vững vàng rằng CNXH chưa ai hình dung nổi hình thù ra sao, bao giờ đạt đến, lại đã phá sản hoàn toàn trong các thể nghiệm ở hàng chục nước, bị coi là tội ác, không có một lý do gì để giữ lại.

Còn 2 cái cớ là «đã quen» và «tốn kém» rất dễ bị bẻ gẫy. Tại sao trước kia danh xưng VN Dân chủ Cộng hòa tồn tại hơn 35 năm, với nhiều hội nghị và ký kết với quốc tế, với Liên Hiệp Quốc, đã quen với Việt Nam và thế giới, khi cần vẫn phải thay bởi danh xưng CHXHCNVN vào năm 1980? Lúc ấy sao lại bỏ qua cái cớ «đã quen» và «tốn kém» để thay tên nước? Hóa ra họ muốn nói xuôi hay nói ngược đều được, rất tùy tiện.

Còn việc chi phí hành chính quá lớn, cần tiết kiệm, cũng là lý sự cùn. Chi phí hành chính cần thiết có thấm vào đâu so với lãng phí hàng ngàn tỷ đồng ở Dung Quất, hàng mấy chục ngàn tỷ cho Vinashin, với cái núi nợ của các tổng công ty quốc doanh lên đến mấy trăm nghìn tỷ đồng nữa, có đại biểu nào dám ngăn ngừa trước?

Cuộc thảo luận về sửa đổi Hiến pháp là sự kiện nổi bật về tình trạng «anh đi đường anh, tôi đường tôi». Nói rõ ra là « đảng đi đường đảng, dân đường dân». Dân muốn thay đổi vài điều cơ bản cần thiết rất hợp với thực tế, còn đảng muốn thay hàng trăm chỗ lặt vặt nhưng không đổi một điều nào có thể gọi là đổi.

Hiện nay các vấn đề cơ bản nhất đều đối lập triệt để như vậy.

Bộ Chính trị của đảng muốn duy trì tên nước là CHXHCNVN, muốn giữ tên đảng là đảng Cộng sản, mà không lý giải nổi thế nào là CNXH, thế nào là chủ nghĩa CS, bao giờ thì có CNXH và CNCS, trong khi đại bộ phận nhân dân, nông dân, lao động, trí thức, doanh nhân đều muốn từ bỏ những danh xưng cổ lỗ, giáo điều, ảo tưởng, không thực tế ấy.

Bộ Chính trị muốn duy trị bằng mọi giá nền độc quyền đảng trị thể hiện trong Điều 4, trong khi một tỷ lệ lớn nhân dân, trí thức, nông dân, lao động muốn bỏ, cho rằng niềm tin phải tự nó tồn tại và luôn biến đổi không thể áp đặt và bất biến. Dân nhìn rất rõ độc đảng là phản dân chủ, là nuôi dưỡng tệ chuyên quyền, quan liêu, tham nhũng, là phá hoại đất nước.

Để cố áp đặt bằng mọi giá, kể cả bằng cái giá trơ mặt trước sự lật tẩy thái độ giả dối, ăn gian của Bộ Chính trị do những công dân bình thường thực hiện, lãnh đạo đã tỏ rõ thêm thái độ khinh dân, xa dân, một mực đối lập với dân, trái ngược với phương châm họ vừa đưa ra ở Hội nghị Trung ương 7 vừa qua là «trọng dân, gần dân, hiểu dân và tin dân».

Việc gì mà Bộ Chính trị phải ra lệnh bắt khẩn cấp blogger Trương Duy Nhất, vội đóng blog Một góc nhìn khác của nhà báo này, khi ông Nhất vừa làm một cuộc thăm dò của riêng mình về mức độ tín nhiệm của một số uỷ viên Bộ Chính trị và các viên chức cao cấp nhất trong chính phủ và Quốc hội, ngay trước khi Quốc hội lấy (thăm dò) phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm 49 nhân vật.

Họ bị chạm nọc. Vì những con số họ đưa ra là đã có 26 triệu ý kiến góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp, rồi trên 70% ý kiến muốn giữ nguyên danh xưng của nước hiện nay…đều là ngụy tạo, bịa đặt, vô lý, dựng đứng tùy hứng, không có ai kiểm tra. Việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm sắp diễn ra cũng sẽ là những trò hề được biết trước như thế.

Nhà báo Trương Duy Nhất bộc trực, ngay thẳng, tuy không thuộc tổ chức nào, đảng phái nào, đã thực hiện việc thăm dò dư luận của riêng mình, và đưa ra những tỷ lệ ngược với những con số do bộ máy đảng sắp đưa ra. Nhà báo này đã không chịu đi theo con đường của đảng, dứt khoát đi vào con đường ngay thật, phản ánh đúng sự thật của lòng dân.

Cũng chính vì những lý do tương tự mà Bộ Chính trị đã giải thể trên thực tế Viện điều tra dư luận xã hội được lập ra ngay sau khi Việt Nam hội nhập với thế giới. Lúc này là dịp tốt để các chiến sỹ dân chủ và các blog tự do lập ra một cơ quan điều tra dư luận xã hội một cách công bằng, công khai, vô tư như ở nhiều nước dân chủ văn minh.

Điện thoại đã phổ cập, điện thoại cầm tay không còn hiếm, máy tính điện tử cũng được dùng rộng rãi, nhân dân sẽ rất hoan nghênh khi cơ quan điều tra dư luận xã hội định kỳ công bố kết quả điều tra của mình về sự kiện này, nhân vật nọ, theo nhiều mẫu người, độ tuổi, nghề nghiệp, địa phương trong xã hội (như trong chừng 1.000 người). Đây sẽ là một công cụ có hiệu quả và đáng tin cậy để phản ánh lòng dân một cách trung thực.

Lúc ấy cái hiện tượng «đảng đi đường đảng, dân đường dân» sẽ rõ rệt, không ai còn có thể nhập nhằng «lòng đảng là ý dân» được nữa. Lúc ấy các đại biểu Quốc hội sẽ phải suy nghĩ mình đại biểu cho ai đây, cho đảng hay cho đa số nhân dân.

Sự chia tay này sẽ là tất yếu, vì khi Bộ Chính trị đã coi dân là thù để đàn áp, đa số đảng viên CS ở cơ sở sẽ ngả về phía nhân dân . Lúc này còn có đảng viên CS nào tin rằng 16 ủy viên Bộ Chính trị nắm trọn quyền lực hiện nay đang đặt quyền lợi của toàn dân lên trên hết. Vì sự thật đã rõ ràng là họ đang đặt quyền lợi riêng tư của phe nhóm lên trên hết.

Posted in Chinh Tri Viet Nam | Leave a Comment »