Trần Hoàng Blog

Archive for Tháng Sáu 10th, 2013

►Cù Huy Hà Vũ tuyệt thực để đấu tranh cho quyền lợi của tù nhân…

Posted by hoangtran204 trên 10/06/2013

Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ

và tù-nhân quyền

Nguyễn Tường Tâm (luật gia)

Đã tới lúc TS CHHV ngưng tuyệt thực. TS CHHV cần phải sống để tiếp tục hướng dẫn phong trào tranh đấu cho những quyền cơ bản của người dân, xây dựng một nhà nước pháp quyền, một chế độ đa nguyên, đa đảng, một chế độ thực sự hòa hợp hòa giải. TS CÙ HUY HÀ VŨ NÊN NGỪNG NGAY CUỘC TUYỆT THỰC ĐỂ BẢO TỐN SỨC KHỎE CHO CÁC CUỘC TRANH ĐẤU TRONG TƯƠNG LAI.

Ngày 27/5/2013, tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ đã tuyệt thực để phản đối việc “Giám thị Lường Văn Tuyến xâm phạm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của tôi như không trả lời Đơn tố cáo, không cho gặp vợ không quá 24 giờ ở phòng riêng, không cho gửi thư cho gia đình, không cho nhận một số đồ vật thiết yếu không thuộc danh mục cấm, 10 đầu tài liệu mà Tòa án đã dùng làm chứng cứ kết tội tôi để tôi kháng cáo.” Giám thị Lường Văn Tuyến là trại trưởng trại giam số 5 của Bộ Công An.

Qua 5 đòi hỏi của người tù Cù Huy Hà Vũ, người ta thấy 5 đòi hỏi đó có vẻ không có gì là quan trọng nếu nhìn như những đòi hỏi cá nhân. Nếu quả thực đó là “quyền” của mọi tù nhân đang bị giam giữ thì người Giám thị trưởng có thể thi hành ngay và phải thi hành ngay. Tại sao vài vấn đề nhỏ như thế mà trại giam và bộ Công An để xảy ra chuyện lớn? Rõ ràng đây có chủ trương gây khó dễ cho đời sống của tù nhân Cù Huy Hà Vũ. Một khi Bộ Công An có chủ trương gây khó dễ cho tù nhân Cù Huy Hà Vũ, thì số phận của các tù nhân khác cũng tương tự, hay còn tệ hơn nữa. Như vậy vấn đề TS CHHV nêu lên không còn là nhỏ nữa, không còn mang tính cách cá nhân nữa, mà là một vấn đề rất lớn, có tính cách toàn quốc, liên hệ tới phúc lợi và quyền của cả trăm ngàn tù nhân khác.

Nhìn dưới góc độ toàn quốc như vậy mới thấy ông CHHV, ngay trong gông cùm vẫn nghĩ tới tranh đấu cho quyền cơ bản của những người thấp cổ bé miệng nhất trong xã hội: những tù nhân. Cho dù đó là những tù nhân lương tâm hay tù nhân hình sự, hoặc tù nhân trọng án, thì họ vẫn còn một số quyền tối thiểu mà luật pháp qui định. Và những quyền đó phải được chính quyền tôn trọng. Không ai có thể tước đoạt quyền sống cơ bản của những người tù.

Chưa kể theo nhiều tin tức của gia đình các tù nhân đi thăm nuôi về kể lại, nhiều tù nhân khác chẳng những bị sách nhiễu mà còn bị trại cho côn đồ đánh đập trong tù. Có thể nói tất cả những tù nhân lương tâm đều bị Bộ Công An dùng luật rừng hành hạ, trả thù. Tình trạng đó phải chấm dứt. Phải có người trong cảnh ngộ lên tiếng. Những người tù khác không dám lên tiếng vì sợ bị trả thù. Ông CHHV một lần nữa, dù trong ngục tù, vẫn tỏ rõ tư cách của một người trí thức dũng cảm.

Ông xứng đáng được nhân dân ngưỡng mộ. Hành động tranh đấu quyết liệt của ông, hành động tuyệt thực của ông, nâng cao kiến thức pháp lý và lòng dũng cảm của các tù nhân khác để họ biết và dám lên tiếng đòi hỏi quyền sống tối thiểu của họ. Hành động tranh đấu, tuyệt thực của luật gia CHHV cũng nâng cao kiến thức pháp lý cho người dân, để họ hỗ trợ cho những đòi hỏi của các tù nhân khác.

Ông CHHV chưa bao giờ tranh đấu cho quyền lợi bản thân. Ông luôn luôn nghĩ tới quyền và quyền lợi của toàn dân. (Trước đây) Ông đã từng nạp đơn tranh cử chức Bộ Trưởng Văn Hóa, không phải vì ông ham chức quyền, một điều ông đã từ bỏ để đi vào con đường tranh đấu cho một nền dân chủ pháp trị, không còn sự độc tài đàn áp của Cộng sản. Ông tranh cử là để nâng cao trình độ pháp lý của người dân, để họ hiểu rằng, tất cả mọi người đều có quyền tranh cử vào mọi chức vụ dân cử, mà không một qui định nào có thể gạt bỏ một trong các quyền cơ bản đó của mọi công dân.

Ông CHHV thừa hiểu biết để thấy rằng tên giám thị trại giam Lường Văn Tuyến chỉ là một con chốt trong một hệ thống cai trị vô luật lệ, không đáng để ông đánh đổi thân xác. Ông tuyệt thực tranh đấu đây là tranh đấu đòi cải thiện toàn bộ chế độ lao tù. Đó là nét đẹp của người trí thức CHHV.

Nay cuộc tuyệt thực của ông CHHV đã được toàn dân chú ý và biểu đồng tình; đã được nhiều chính phủ các nước dân chủ văn minh chú ý và hỗ trợ, trong đó có Hoa Kỳ. Mục tiêu nâng cao ý thức về quyền của các tù nhân coi như đã đạt được. Mục đích đánh động lương tâm của các chính phủ và nhân dân các nước dân chủ văn minh đã đạt được, và họ đang áp lực nhà cầm quyền Cộng Sản phải cải tổ chế độ lao tù, phải trả tự do cho những người bất đồng chính kiến ôn hòa.

(vì vậy), Đã tới lúc ông CHHV ngưng tuyệt thực. Ông CHHV cần phải sống để tiếp tục hướng dẫn phong trào tranh đấu cho những quyền cơ bản của người dân, xây dựng một nhà nước pháp quyền, một chế độ đa nguyên, đa đảng, một chế độ thực sự hòa hợp hòa giải.

ÔNG CÙ HUY HÀ VŨ NÊN NGỪNG NGAY CUỘC TUYỆT THỰC ĐỂ BẢO TỐN SỨC KHỎE CHO CÁC CUỘC TRANH ĐẤU TRONG TƯƠNG LAI.

———–

Tôi tuyệt thực để ủng hộ

 
Phạm Hồng Sơn

Ngày 08/06/2013 khi vụ tuyệt thực của người tù lương tâm Cù Huy Hà Vũ đã bước sang ngày thứ 13 trong nhà tù – Trại giam số 5 Thanh Hóa – để phản đối những hành xử phi pháp và phi nhân của nhà chức trách, tác giả Từ Linh đã đưa ra nhiều gợi ý có tính đồng hành với ông Vũ.

Dĩ nhiên, có nhiều điểm trong những gợi ý đó không hẳn đã phù hợp với hiện trạng và tâm thức của giới đấu tranh tại Việt Nam, nhưng tôi tuyệt đối tâm đắc và chia sẻ về một tinh thần toát lên trong đó:

Chúng ta – những người yêu mến Tự do và đang còn ở ngoài nhà tù – cần phải làm một điều gì đó nhiều hơn là viết bài hay chỉ xướng lên tiếng nói ủng hộ xót xa.

Cho đến nay không có dấu hiệu nào cho thấy ông Vũ đã dừng tuyệt thực.

Vì những lẽ trên, tôi quyết định tự nguyện tuyệt thực 07 ngày đêm kể từ ngày 10/06/2013 đến ngày 17/06/2013 tại nhà riêng (Số 21 ngõ 72B Thụy Khuê, Hà Nội) để bày tỏ sự khâm phục và chia sẻ tinh thần đấu tranh và những rủi ro mà Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ đang đối mặt. Đồng thời sự tuyệt thực này cũng là một bày tỏ đồng cảm, chia sẻ với tất cả những người đã và đang chịu sự sách nhiễu, bách hại của cường quyền tại Việt Nam.

Tôi biết có thể còn có nhiều cách bày tỏ khác hiệu quả hơn là đồng tuyệt thực và cũng có thể có nhiều cách tuyệt thực khác hiệu quả hơn cách tuyệt thực của riêng tôi. Nhưng trong bối cảnh hiện nay của tôi sự tự nguyện, tự phát đồng tuyệt thực là một cách bày tỏ khả thi và hiệu quả nhất đối với sự dũng cảm của ông Cù Huy Hà Vũ và các nhà đấu tranh khác.

Trong thời gian tuyệt thực tôi sẽ giữ nhịp độ sinh hoạt và làm việc bình thường khi cơ thể vẫn cho phép.

Tôi tin sẽ có những nghi vấn về tính xác thực của sự tuyệt thực này. Đó là những nghi vấn hữu lý. Nhưng trong trường hợp này tôi không còn cách nào khác là đặt niềm tin tuyệt đối vào sự tin tưởng tuyệt đối của mọi người. Bởi mọi phương tiện thông tin (hữu hay vô tuyến) của tôi đều có thể bị nhà chức trách cắt bỏ bất cứ lúc nào. Và theo tôi đây cũng là một cơ hội để chúng ta tự củng cố và xây dựng niềm tin, chữ tín cho bản thân mình, cho nhau và cho những vận động tiến bộ chung của toàn xã hội.

***

Bản tiếng Anh của tác giả

I begin a supportive hunger strikePham Hong Son

On June 08, 2013, the 13th day of hunger strike, on which a prisoner of conscience, Mr Cu Huy Ha Vu, has been going in prison since May 27, 2013 to protest illegal and inhumane conduct of the authorities, Tu Linh wrote an article proposing many ideas to support Mr Cu Huy Ha Vu’s brave protest. I do not think all of these ideas are feasible in or fit to the current circumstances/pro-democracy strugglers of Vietnam but I do agree to the main idea:

We – people aspiring to Freedoms and still un-imprisoned – should do more than writing or voicing for Mr Cu Huy Ha Vu’s life-risking action.

And so far there have been no signs to indicate Mr Vu stops hunger strike.

Therefore, I decide to begin a 7-day hunger strike at my home (No 21 Alley 72B, Thuy Khue Street, Hanoi), starting from June 10, 2013 through June 17, 2013, in order to express my admiration and support to Mr Vu and also to other Vietnamese non-violent strugglers.

I will maintain daily activities as normal as my health permits.

Though there may be other more effective methods than hunger strike and even other more impressive ways of hunger strike than mine to support Mr Cu Huy Ha Vu a personal, spontaneous hunger strike now seems the most feasible and effective to me in standing by Mr Cu Huy Ha Vu and other courageous fellow compatriots.

I do know there may be doubts on the authenticity of my hunger strike at home. These questions are reasonable and understandable. However I allow myself to entrust my absolute confidence in your absolute trust because I could not rely on any means of communication, both wire or wireless, due to the authorities’ capacity in absolute control. In addition, it is providing us a great opportunity to build up or strengthen self-confidence, mutual trust and the credibility for a progressive movement.

© 2013 Phạm Hồng Sơn & pro&contra

——

Tuyệt thực trong tuyệt vọng?

Từ Linh
 

Nhân ngày tuyệt thực thứ 13 của người tù lương tâm Cù Huy Hà Vũ, 8/6/2013

1.

Tôi tưởng tượng:

người tù tuyệt thực đến ngày thứ 13 đang ngồi trước mặt tôi.

Anh ngồi bất động

ngực nhô lên, hạ xuống, rất chậm

hơi thở mỏng

tôi ngửi được cái mùi nao nao quen thuộc của người tuyệt thực.

Không có âm thanh gì

cũng nhiều giờ rồi anh không nói gì

có lẽ

đây là lúc những người yêu mến anh phải nói.

* * *Tôi tưởng tượng:

Vợ anh lòng như lửa đốt

chị gọi người này, hỏi người kia

chị kêu cứu khắp nơi, mong mọi người can thiệp.

Chị được đáp ứng chân tình

nhưng tiếc thay

chỉ nhỏ giọt

đếm trên đầu ngón tay.

Chị làm hết cách rồi

chị viết rồi, kêu cứu rồi, gào thét rồi, tự làm khổ rồi

giờ chị cũng không nói thêm được gì.

Sức chị cũng yếu dần

như hơi thở anh yếu dần.

2.

Giữa tĩnh lặng của những ngày qua, và của ngày thứ 13, tôi tưởng tượng ra một cảnh tượng khác, thế này:

13 trí thức thân thiết với anh quyết định tuyệt-thực-đồng-hành-cùng-tù-nhân-lương-tâm.

Cuộc tuyệt thực đồng hành diễn ra ở một nơi nào đó bí mật, để không bị ngăn cản, nhưng hình ảnh sẽ được truyền hình trực tiếp trên YouTube.

Hưởng ứng việc này, rất nhiều người khác, thoạt đầu là 7 thanh niên trong đội bóng chống đường lưỡi bò, cũng tuyệt thực.

Một ngày sau, 77 người khác ở Sài Gòn, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, California, Sydney, Paris, Toronto… cũng tuyệt thực.

Con số cứ thế tăng dần, có người tuyệt thực 24 giờ, có người 12 giờ, có người 6 giờ, 3 giờ.

Và sẽ có lúc được 1.000 giờ, 10.000 giờ, 100.000 giờ tuyệt thực cùng tù nhân lương tâm, thu hút 1 triệu view, 10 triệu view, 100 triệu view.

Lại có người mở blog với đồng hồ tuyệt thực đếm xuôi: ngày thứ 13, ngày thứ 14, 15… Mỗi ngày sẽ có hàng chục, hàng trăm người lên tiếng, câu chuyện của anh được kể lại, hình ảnh của anh được nhắc lại.

Không có cửa cơ quan hữu trách nào trên thế giới không được gõ, không có nhà đấu tranh nhân quyền nào không được báo động để lên tiếng cho anh, kể cả các nghệ sĩ dấn thân, kể cả Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, Tổng thống các nước tự do.

Rất nhiều nhà thờ, chùa chiền, đền đài, thánh thất sẽ thắp nến trong những đêm không ngủ cầu nguyện cho anh.

Tất cả đều nói rằng:

Này nhân loại, có một người đang vì người mà thoi thóp!

Không cần phong thánh cho người đâu,

Người ấy chỉ bằng xương thịt, cũng biết căm ghét, cũng giận dữ, cũng đói khát như mọi người bình thường,

Nhưng người ấy tin vào sự thật,

Và người ấy sắp chết.

Chỉ cần vậy thôi.

Chỉ một người còn chịu bất công trong cõi ta bà này thì cũng đủ cho bồ tát từ chối niết bàn rồi.

* * *Đó là điều tôi tưởng tượng.

Không tưởng tượng thì thấy im ắng quá.

Chưa nhiều người nói gì, trừ một vài cá nhân, vài bài tường trình, vài tổ chức phi chính phủ.

Cũng có thể thấy đàng sau người tù tuyệt thực chẳng có “thế lực thù địch” nào hậu thuẫn, chẳng có tổ chức, đơn vị nào đỡ đầu.

Chỉ là một người đơn độc, với vài người thân thiết, chống chọi với thần chết.

Và thần chết đang đứng ngoài đầu ngõ.

3.

Một điều tôi xin được chia sẻ cùng mọi người, nhỏ thôi, là chuyện này:

Người làm kinh doanh, marketing, PR, quảng cáo, truyền thông… thường tin rằng: Chẳng có gì hữu xạ tự nhiên hương! Tất cả phải dùng đến “PR”, marketing, quảng cáo… gọi chung là quảng bá.

Không quảng bá thì chẳng ai biết sản phẩm của anh, cái đẹp của em, nỗi khổ của mẹ, sự oan ức của bà, hay cả cái chết vì lương tâm rất đẹp của anh.

Quảng bá từ lâu đã trở thành một công nghiệp, với đầy đủ hệ thống nhân sự, quy trình làm việc, mạng lưới các công ty khách hàng, công ty cung cấp dịch vụ, công ty sản xuất, đơn vị tổ chức sự kiện, in ấn, phát sóng, phát hình… Người ta nói đến kế hoạch quảng bá cho từng giai đoạn, ý tưởng sáng tạo, chất lượng nghệ thuật, chất lượng hình ảnh và ngôn ngữ của các mẫu quảng bá, cũng có rất nhiều giải thưởng quốc tế cho hoạt động quảng bá hàng năm.

Hợp chung lại, đó là một lực lượng hùng hậu tạo dư luận xã hội, điều hướng tuyệt đại đa số người dân (được xem như khán giả, thính giả, độc giả) vào những trận khóc cười, phấn khích, thổn thức, phẫn nộ hay hành động.

Dĩ nhiên, quảng bá cho đảng và cho đời thì lúc nào cũng vui vẻ: Quảng bá chính trị thì tô vẽ chính khách như giáo chủ tốt lắm, tô vẽ chế độ như đất thánh sướng lắm! Quảng bá kinh doanh thì thúc mua, kích cầu, cứ tiêu đi, thụ đi, chơi đi, đời vẫn đẹp lắm!

4.

Vậy thì ai sẽ quảng bá cho những người tù lương tâm?

Không có câu trả lời, tôi chỉ xin phép nêu ra ở đây vài ý ngắn, ít nhiều chủ quan, để tham khảo:

Việc quảng bá luôn là quảng bá trên một kênh thông tin.

Đảng có trên 700 tờ báo và đài khắp các địa phương chỉ đế nói một điều: Đảng là đúng! Vậy để quảng bá cho người tù lương tâm hiện đang có kênh thông tin nào?

Tất nhiên không thể không kể đến lực lượng hàng trăm, hàng ngàn tờ báo mạng, blog, Facebook của những cá nhân tự nguyện lên tiếng vì sự thật, nhân quyền, dân chủ. Họ đã hoạt động hiệu quả.

Nhưng có lẽ chỉ hiệu quả trên mặt trận tiếng Việt, cho độc giả người Việt là chính.

Bài báo đọc được hôm nay, 8/6/2013, trên Bauxite Vietnam của giáo sư Tương Lai, “Những bàn chân nổi giận / Vietnam’s Angry Feet” được dịch qua tiếng Anh đăng trên The New York Timeshôm 6/6 cũng nhắc đến một cách nhìn mới, hướng đến độc giả nói tiếng Anh toàn cầu.

Và đây vẫn là một thiếu sót lớn trong công cuộc vận động, quảng bá cho nhân quyền của người Việt.

Một thực tế nên được nhìn ra là: Hiện có 3 triệu người Việt hải ngoại, trong số có rất nhiều người giỏi, kể cả những nhà báo quốc tế, nhưng đến nay vẫn chưa có tờ báo tiếng Anh nào sánh được với tờIrrawaddy [i] của người lưu vong Miến Điện.

Đó là tờ báo có lập trường độc lập, với phong cách làm báo chuyên nghiệp, tiếng Anh đẳng cấp quốc tế, và tạo được ảnh hưởng toàn cầu.

Trong khi đó, các đơn vị thông tin lớn dành cho khán giả người Việt hiện nay vẫn chỉ là các đài Việt ngữ của chính phủ Mỹ, Anh, Pháp, Úc, không phải của “mình”.

(Đó là chưa kể đến chuyện BBC tiếng Việt hiện đang dùng một thứ tiếng Việt “làng xa” nào đó trong cách dịch, cách viết tựa, cách đưa tin. [ii] Thiếu hẳn tính chuyên nghiệp cần có, ít nhất tương tự như phiên bản BBC tiếng Anh.)

* * *Cũng ngày tuyệt thực thứ 13 hôm nay, khi lướt qua các trang văn học có uy tín như Tienve.org, Damau.org… tôi cũng thấy buồn buồn.

Rất đông các nhà văn, nhà thơ Việt ở nước ngoài, trong nước cũng vậy, nhiều người có tài năng, nhưng cứ như lạc loài sao ấy.

Trong khi họ làm công việc rất chính đáng, cần được bảo vệ và cổ vũ, là sáng tác những gì trái tim và cái đầu mách bảo, thì phần lớn những gì họ viết ra dường như lại cho thấy họ đang ở một cõi nào đó lẻ loi lắm.

Rất ít người cho thấy họ đang thực sự nối mạng với định mệnh của đồng bào mình, với thực tại đau đớn từng ngày của nhiều người trong nước.

(Đó cũng là tình trạng chung của nhiều trí thức, nghệ sĩ lưu vong Tiệp Khắc, Ba Lan, Nga… thời cộng sản, không chỉ của người Việt.)

* * *Không chỉ những nghệ sĩ nhạy cảm, hơn 30 triệu người Việt dùng internet trong nước cũng vậy, họ cũng chưa thực sự nối mạng với nhau.

Biết rằng ai nấy trên thế giới đều dùng Facebook, Twitter để hẹn cà phê, hỏi thăm sức khỏe, khen chê, tán tỉnh, mua bán… nhưng ở xứ tự do, khi có thiên tai, biến động, nạn nhân cần trợ giúp thì lập tức Facebook, Twitter trở thành những bệ phóng thông tin siêu nhanh.

Ở Việt Nam khi có “biến” như chuyện người tù lương tâm tuyệt thực thì mới thấy sự lỏng lẻo của mạng liên kết những trái tim và những cái miệng này.

Nỗi sợ vẫn còn đó, như bức tường sừng sững.

Nhưng sự thờ ơ, không biết mình không biết, thiếu thông tin, thiếu quảng bá lại còn lớn hơn nhiều.

* * *Quảng bá cũng cần một nhạc trưởng.

Nhưng nhạc trưởng ấy, trong trường hợp người tù tuyệt thực ở đây dường như chưa thấy.

(Hay người tù lương tâm kia cũng không đáng được chú ý đến thế? Nếu đúng vậy thì tôi và quần chúng bình thường không được biết. Nó khác hẳn với sự ủng hộ đầy ngưỡng mộ và rầm rộ khi ông chứng tỏ sự bất khuất trước tòa, biểu tượng bằng hình ảnh ông tay bị còng nhưng đầu vẫn ngẩng cao.)

5.

Tôi thích Ngải Vị Vị, dù có bài báo chê ông gần đây, nhưng tôi cho đó là tiếng chê lẻ loi, dù đáng trân trọng.

Ngải hay ở chỗ ông rất giỏi quảng bá nỗi đau của dân mình, bằng các hình thức nghệ thuật, và tác phẩm của ông không phải là tuyên truyền.

Tôi tự hỏi những nghệ sĩ lớn của Việt Nam mình hiện nay, trong lẫn ngoài nước, có ai có thể nói về nỗi đau của dân mình và khiến dư luận thế giới chú ý ở mức tương tự như Ngải không?

Dư luận thế giới không phải là kẻ mù mờ, không biết thế nào là nghệ thuật. Sự tự phong không có giá trị gì trước một dư luận như thế.

Mới nhất, tôi thích đoạn clip Dumbass [xuẩn động] vừa post trên YouTube của Ngải, ông tự đóng vai người tù, kể lại chuyện ăn, ngủ, tắm, vệ sinh, linh tinh gái gú 24/24 cùng hai tên cai ngục tả hữu. [iii]

Cũng trong clip này, Ngải tự hát lời rock do mình viết.

Trước đây ít tháng ông cũng từng nhảy, hát, giễu nhại với cái còng số 8 trên nền nhạc Gangnam Style, phiên bản “Địt-Mẹ-Mày Style” (Ciaonima Style) [iv] báng bổ nhà nước cộng sản Trung Quốc.

Nếu Ngải góp phần cải hóa hai cai tù tả hữu và giúp họ bộc lộ tính người, thì 81 ngày giam dữ cũng lại biến Ngải thành một kẻ quái gở khác, và đó là kết thúc gây sốc của clip này.

Kể chuyện tù bằng clip nhạc rock gây sốc rồi đăng trên YouTube và tạo hiệu ứng như Ngải quả là không dễ!

Cũng là chuyện người tù, nhưng câu chuyện của ông được biết đến và lan nhanh như một cơn sốt.

6.

Một ghi chú nhỏ: Cùng lúc với chuyện người tù tuyệt thực, cũng có một bài viết khác trên mạng về một người tù khác bị biệt giam 10 ngày.

Nhưng, câu chuyện 10 ngày biệt giam có kết thúc hết biệt giam này đã được kể với tất cả sự trịnh trọng, trong khi chuyện người tù tuyệt thực thì không.

Sự quảng bá có khác nhau.

Hữu xạ không còn tự nhiên hương nữa, ở xứ sở có quá nhiều thông tin tranh nhau số pixel giới hạn trong đầu người đọc.

Dân gian đã nói lâu rồi: Con không khóc làm sao mẹ cho bú!

Nhưng khóc ra sao cũng là vấn đề rất cần bàn.

7.

Trở lại câu chuyện người tù lương tâm đang tuyệt thực.

Rất có thể anh sẽ chết.

Tôi lại tự hỏi: Liệu cái chết của anh có gây được một tác động lớn như cái chết của Hồ Diệu Bang mà cuộc tưởng niệm đã biến thành cuộc đấu tranh cho dân chủ tại Thiên An Môn kết thúc ngày 6/4/1989; hay cái chết của Mohamed Bouazizi mở màn cho những cuộc xuống đường khổng lồ lật đổ nhà độc tài Ben Ali tại Tunisia năm 2011?

Rồi tôi tự trả lời: Không nối mạng, thì dù có tin cũng sẽ không thông. Không có người, không có phương tiện, không có bài bản thì nhiều sự kiện sẽ trôi qua mà không có bất cứ cơn sốt nào.

Hay mọi sự đã sẵn sàng rồi cho một mồi lửa, chỉ cần thời điểm đến?

Không ai dám chắc điều gì.

Nhưng có lẽ ai cũng hiểu: để quảng bá tốt cần có sự kiện tốt.

Và sự kiện tốt chỉ xuất phát từ trái tim.

Václav Havel từng nói rằng ranh giới của thiện ác chạy qua trái tim từng người. Nó không nằm ngoài, không nằm nơi trái tim người khác.

Trong tim mỗi người cũng có những dãy số 1-0, yes-no, có- không, khi “click” một trong hai thì làn ranh thiện ác được phân định. Và điều đó diễn ra từng giây, ngay lúc này, tại đây, trong lòng tôi, chứ không phải lòng ai khác.

Nhiều khi lịch sử thay đổi nhờ sự đồng cảm của hàng ngàn người hành động cùng lúc.

Cũng nhiều khi lịch sử thay đổi vì cú click trong lương tri của chỉ một người, sự tỉnh thức hốt nhiên của một người.

Vậy thì tôi phải làm gì, bây giờ?

Hay là tôi tự thiêu trên YouTube?

© 2013 Từ Linh & pro&contra

__________________

[i] Irrawaddy là tờ báo mạng, báo giấy – có phiên bản tiếng Anh và tiếng Miến – của người lưu vong Miến Điện, đặt trụ sở tại Thái Lan. Ra đời từ năm 1992, do những người trẻ thuộc “Thế hệ 88” thành lập, tờ báo tồn tại đến nay, có đông đảo độc giả khắp thế giới, tạo được nhiều ảnh hưởng và điều đáng chú ý là họ có cách làm báo chí rất chuyên nghiệp và độc lập, không lệ thuộc đảng phái nào. Xem: Irrawaddy.org

[ii] Trong khi độc giả chờ xem Tập Cận Bình và Obama gặp nhau bàn chuyện gì, thì trong mục “Tin hàng đầu” của BBC Tiếng Việt đọc được sáng ngày 8/6/2013, tiêu đề đầu tiên lại có tựa “Tập Cận Bình còn gặp Obama nhiều”. Bài này cũng có một loạt các sai sót lặt vặt – ví dụ: “Dù beef ngoài có vẻ dễ ưa” : vài giờ sau “beef” được sửa thành “bề”; “Christopher K. Johnson từ Viện nghiên cứu CSIS”: quên khoảng cách trước chữ “từ” – và những cách dịch tối nghĩa – ví dụ:“Dù có vẻ dễ gần, ông Tập đã cho thấy xu hướng dễ gây căng thẳng …”: “xu hướng” này là của ông Tập hay của Trung Quốc?; “Ông Tập phải tỏ ra là ông sẽ không chịu để Hoa Kỳ kiềm chế Trung Quốc, hay coi một công dân hạng hai. Ông Obama thì phải tỏ ra là ông tấn công Trung Quốc mạnh mẽ về chuyện tội phạm trên mạng và bệnh bảo hộ mậu dịch” [gạch dưới và in đậm là của người viết]

[iii] Đọc thêm bài “81 ngày giam giữ của Ngải Vị Vị tại Triểm lãm Venise”, của Trọng Thành, trên RFI Tiếng Việt, ngày 1/6/2013

[iv] Ciaonima: Thảo-Nễ-Mã: Cỏ- Bùn-Ngựa. Âm của cụm từ này nghe như câu chửi trong tiếng Hoa, tương đương “đ-mẹ-mày” (nễ: nị; mã: mẹ). Biểu tượng của nó là hình con “ngựa cỏ” nhìn giống con lạc đà không bướu Lama Nam Mỹ. Mỗi lần nguyền rủa, thay vì nói thẳng “ĐM mày Trung Quốc!” thì chỉ cần nói “Thảo-nễ-mã Trung Quốc!” Cụm từ tiếng Việt tương đối gần về âm có thể là “đèo-mạ-mi/ đèo-mã-mây”.

———-

Hãy Tuyệt Thực Cùng Cù Huy

Hà Vũ

Đỗ Thành Công
 

Luật sư Cù Huy Hà Vũ đã tuyệt thực hơn 13 ngày, mỗi ngày trôi qua là một giai đoạn thử thách. Trong hoàn cảnh bị áp bức, phẩn nộ và đối đầu với cơ chế bạo quyền, chọn một thái độ thách đố với chế độ toàn trị bằng cả mạng sống của mình là giải pháp cuối cùng của những người đang ở trong tù.

Chúng ta không thể dửng dưng để Luật sư Cù Huy Hà Vũ phải tuyệt thực trong cô đơn. Chúng ta không những phải lên tiếng, vận động dư luận và Cộng Đồng Quốc Tế can thiệp mà còn phải tích cực tham gia tuyệt thực cùng Cù Huy Hà Vũ. Cần khẩn cấp phát động chiến dịch “Hãy Tuyệt Thực Cùng Cù Huy Hà Vũ” trong lẫn ngoài nước để làm hiệu ứng đấu tranh, để đánh động dư luận.

Một con ngưạ đau cả tàu không ăn cỏ. Một Cù Huy Hà Vũ đang tuyệt thực cho đến chết trong tù thì cả Cộng Đồng Dân Chủ Việt Nam không thể khoanh tay đứng nhìn. Sự tham gia cùng tuyệt thực của tất cả anh chị em đấu tranh cho dân chủ, thanh niên, sinh viện, công nhân, nông dân, các bậc tu hành, và cả đảng viên cấp tiến đảng CSVN v.v.. sẽ là những chất xúc tác dân chủ để đánh thẳng vào bản chất tàn bạo và phi nhân tính của chế độ.

Ở trong nước, anh chị em dân chủ và những người tham gia cùng tổ chức tuyệt thực, ngắn hạn nhưng nhiều lần, cùng phân tán ra làm nhiều nhóm và chọn những địa điểm thích hợp cho mặt trận tuyên truyền thì sẽ gây lên những tác động vô cùng tích cực. Biểu tình tuyệt thực cùng Cù Huy Hà Vũ, để không những giống lên tiếng chuông báo động về tình trạng tuyệt thực cho đến chết của Cù Huy Hà Vũ, buộc nhà cầm quyền CSVN không thể làm ngơ trước công luận, mà còn là thái độ nhập cuộc, tỏ tình đoàn kết trong Cộng Đồng Dân Chủ Việt Nam và mở ra một hướng đấu tranh mới cho cuộc Cách Mạng Dân Chủ Việt Nam. Cách mạng tuyệt thực, đấu tranh ôn hoà, bất bạo động, đòi hỏi Vì Tự Do, Dân Chủ, Nhân Quyền và Toàn vẹn Lãnh thổ cho Việt Nam.

Ở hải ngoại, các tổ chức, cá nhân, mỗi người chọn một phương cách, điạ điểm để cùng tham gia tuyệt thực với Cù Huy Hà Vũ. Sứ quán CSVN tại Hoa Thịnh Đốn, sứ quán CSVN tại San Francisco, sứ quán CSVN tại Houston, sứ quán CSVN tại Úc, Canada, tại Pháp, Tiệp Khắc, Ba lan v.v…là những địa điểm để chúng ta cùng tuyệt thực với Cù Huy Hà Vũ và đồng hành cùng với anh chị em trong nước đang tuyệt thực, đang trực tiếp đối đầu với an ninh mật vụ, công an, đang bị đàn áp, đánh đập từng phút từng giờ.

Tôi đã từng chọn thái độ tuyệt thực nhiều ngày ở trong tù kể từ khi bị công an CSVN bắt giam hồi tháng 8 năm 2006. Tôi cũng ý thức được hiểm nguy đến cho mình. Nhưng trong hoàn cảnh cô đơn, phẩn nộ và phải chọn tư thế đấu tranh bằng chính mạng sống của mình là giải pháp cuối cùng. Không ai muốn liều mạng và cũng không ai muốn chết. Nhưng cũng có lúc phải chọn cái chết để giữ khí tiết của minh. Luật sư Cù Huy Hà Vũ đã làm, và đang làm. Chúng ta, những kẻ đồng hành với Luật sư Cù Huy Hà Vũ không thể thụ động, bàng quan và đứng nhìn. Hãy nhập cuộc hỡi những người yêu dân chủ, thương nước quên mình. Hãy can đảm dấn thân, giờ lên đường đã đến đỉnh điểm.

Hãy nhập cuộc và làm tất cả những gì có thể làm để đánh động dư luận. Hãy tham gia chiến dịch “HãyTuyệt Thực Cùng Cù Huy Hà Vũ”. Hỡi những kẻ sĩ của dân tộc Việt Nam. Hãy đứng lên, ngẩng mặt và nhìn thẳng vào bạo quyền để nói với họ, chúng tôi sẽ tuyệt thực cùng Cù Huy Hà Vũ, chúng tôi sẽ tuyệt thực vì Tự Do, Dân chủ, Nhân Quyền và Toàn vẹn Lãnh thổ cho Việt Nam.

Ngày 14 tháng 6 năm 2013 tôi sẽ chính thức tuyệt thực trước sứ quán CSVN tại San Francisco để đánh động dư luận quốc tế về trường hợp Cù Huy Hà Vũ. Hãy cầu nguyện cho Luật sư Cù Huy Hà Vũ, hãy cầu nguyện cho tôi, và cầu nguyện cho tất cả những anh chị em trong và ngoài nước sẽ tham gia chiến dịch tuyệt thực cùng Luật sư Cù Huy Hà Vũ.

Đỗ Thành Công
congtdo@gmail.com
www.facebook.com/cong.do.96343
San Jose, California – Ngày 10 tháng 6 năm 2013

—————

Posted in Dân Chủ và Nhân Quyền, Trại Tù | Leave a Comment »