Trần Hoàng Blog

► Nhà máy bia Heineken Quảng Nam đóng cửa – Số lượng VN xuất khẩu lao động tại Nhật lên tới 680.000 người (24-6-2024)

Posted by hoangtran204 trên 25/06/2024

Tình hình kinh tế khó khăn trên toàn quốc tiếp tục tác động trực tiếp đến đời sống người lao động, chi tiêu giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến việc tiêu thụ các sản phẩm đồ uống, đặc biệt là đồ uống có cồn.

Thị trường bia Việt Nam đã chứng kiến sự sụt giảm hai con số trong năm 2023 và tiếp tục sụt giảm một con số từ đầu năm đến nay. Tại Quảng Nam, trước dịch COVID-19, bình quân mỗi năm Nhà máy Bia Heineken Quảng Nam mỗi năm đã từng trả thuế hay đóng góp vào ngân sách tỉnh từ 1.000 – 1.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, vài năm gần đây, mức đóng góp liên tục sụt giảm, riêng 3 tháng đầu năm nay, đóng góp từ Nhà máy Bia Heineken cho ngân sách địa phương này khoảng 20 tỷ đồng.


Một nhà máy bia Heineken tại Việt Nam tạm dừng hoạt động

24-6-2024

Báo Quảng Nam đưa tin, công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam (Heineken Việt Nam) đã có văn bản gửi cơ quan hữu quan về việc tạm dừng hoạt động dự án nhà máy bia Heineken chi nhánh Quảng Nam.

Nội dung văn bản cho biết, từ sau giai đoạn COVID-19, ngành kinh tế nói chung, bao gồm ngành bia đã đối diện nhiều thách thức do tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm dẫn đến sụt giảm niềm tin và nhu cầu của người tiêu dùng.

Ngoài ra, việc triển khai Nghị định 100 về kiểm soát nồng độ cồn khi tham gia giao thông cũng dẫn đến những thay đổi trong hành vi và hình thành thói quen mới của người tiêu dùng. Kết quả, thị trường bia Việt Nam đã chứng kiến sự sụt giảm hai con số trong năm 2023 và tiếp tục sụt giảm một con số từ đầu năm đến nay.

Theo Heineken Việt Nam, để có thể thích ứng tình hình hiện tại và tiếp tục phát triển, đơn vị cần tối ưu hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh. Do đó, Heineken cần tinh giản hoạt động để tiếp tục đầu tư và phát triển tại thị trường Việt Nam.

Nhà máy Bia Heineken Quảng Nam hoạt động từ năm 2007, chuyên sản xuất các sản phẩm bia Heineken, Tiger, Larue… Đây là nhà máy bia nhỏ nhất về quy mô trong số 6 nhà máy bia của Heineken Việt Nam. “Chúng tôi cần tiếp tục tối ưu hóa với ít nhà máy hơn, nhưng mỗi nhà máy sẽ có quy mô lớn hơn”, thông báo nêu.

Heineken Việt Nam là liên doanh giữa Heineken và Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn. Từ nhà máy đầu tiên tại TP HCM năm 1991, công ty hiện có 6 nhà máy với 3.000 nhân viên trên khắp cả nước. 

Heineken Việt Nam đang đầu tư 1 tỷ euro tại Việt Nam, tạo ra gần 250.000 việc làm trong toàn bộ chuỗi giá trị, đóng góp 1,04% GDP quốc gia. Heineken Việt Nam cũng nằm trong số các doanh nghiệp đóng góp thuế nhiều nhất cho ngân sách nhà nước  nhiều năm liền.

Tại Quảng Nam, trước dịch COVID-19, bình quân mỗi năm Nhà máy Bia Heineken Quảng Nam đóng góp ngân sách tỉnh từ 1.000 – 1.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, vài năm gần đây liên tục sụt giảm, riêng 3 tháng đầu năm nay, đóng góp từ Nhà máy Bia Heineken cho ngân sách địa phương này khoảng 20 tỷ đồng.

——-

Người Việt Nam dẫn đầu số lượng lao động nước ngoài tại Nhật Bản : 518.364 người tính đến tháng 10-2023

Ricky Hồ

28/01/2024

——-

Khoa học

Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải: ‘Tôi giàu có’ 

Thứ tư, 26/1/2011

Trong khu nhà 70m2 tại một khu đông dân ở Hà Nội, Ts Nguyễn Văn Khải dành một phần đất để trồng rau, thả gà chạy rông, và ông khẳng định mình là một trong những người giàu có trên hành tinh này.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải là người khởi xướng việc áp dụng công nghệ ozone ở Việt Nam. Ông đã đi khắp các vùng nông thôn để hướng dẫn nông dân sử dụng nước ozone bảo vệ nông phẩm, gia súc.  Ông chia sẻ với VnExpress về hai điều mà ông dành nhiều tâm sức nhất: giúp nông dân thoát nghèo và giúp trẻ con thích học. 

– Mọi người luôn gọi ông là “ông già ozone”. Cái tên này do ai đặt cho ông?

– Tháng 1/2003, nhận lời mời của lãnh đạo huyện Đồng Văn (thuộc tỉnh Hà Giang ở cực bắc Việt Nam), tôi lên đó để cùng dân đuổi mọt khỏi ngô, nhưng người dân không ai đồng ý. Họ nói rằng, đang trồng giống cây ngô tốt, giờ chuyển sang loại ngô đó chưa mang về đã có mọt. Sáng hôm sau, tôi ra ủy ban xã, các em học sinh thấy tôi reo lên: “Thầy giáo trên tivi!”. Bọn trẻ trò chuyện với tôi và có một em bảo tôi về nhà diệt mọt cho ngô. Và tôi đã thành công. 

Trẻ con nhảy lên và la to “Ông già ozone đuổi mọt hay lắm chúng mày ơi”. 

Tháng 4/2003, khi tôi lên huyện Bắc Hà bảo quản mận, chè, thấy trẻ con bị trốc đầu, tôi dung nước ozone để gội lên đầu cho chúng. Bọn trẻ gặp tôi là xin “Ông già ozone ơi cho cháu nước ozone!”. Đấy, tên ông già ozone là do những trẻ em nghèo ở miền núi gọi. 

– Ông có hai bằng sáng chế về đầu thu laser, nhưng dường như ít người biết đến chuyên môn này?

– Lúc 35 tuổi tôi từng thất nghiệp. Vì lúc đó ở Việt Nam chưa trọng dụng nghề đầu thu laser, cho đến bây giờ cũng vậy. Tôi buộc phải tìm cách sống cho bản thân. Cũng trong thời điểm này, tôi nhận thấy tình trạng nông dân thật sự cấp bách. Lúc đó tôi chỉ nghĩ điều quan trọng là ăn, uống và học hành. Do đó, tôi cố gắng giúp họ vượt khổ. Tôi không đạo đức giả. Thực tế, cuối năm 1999 lụt ở Huế, tôi cùng sinh viên Đại học Tổng hợp trong ba ngày làm sạch 9 triệu lít nước cho bà con.

 Điều gì ông có tình cảm đặc biệt với người nông dân đến vậy?

Phải giúp nông dân vì họ nghèo. Nếu mùa đông trâu không chết, lợn gà không chết, sẽ có nhưng con bê, con nghé được ra đời, người nông dân sẽ bán được nhiều thức ăn gia súc gia cầm. Mỗi làng chết vài con cũng đủ dẫn đến cả nước này nghèo. Kể cả doanh thu doanh nghiệp Việt Nam có tăng đi chăng nữa, nhưng đời sống người dân vẫn thấp thì chưa thể nói Việt Nam giàu được.

Chỉ cần người nông dân gọi, tôi sẽ có mặt ngay. Tôi hạnh phúc vì giúp đỡ họ. 

Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải (áo xanh) giúp người nông dân giữ ấm cho bò trong đợt rét. Ảnh do ông cung cấp. 

– Đi giúp dân có lúc nào ông cảm thấy khó khăn không, có ai nghi ngờ cách làm của ông không?

– Trong khoa học thì cùng điều kiện như nhau sẽ cho kết quả như nhau. Nhưng trong xã hội thì không thế. Có lúc người bán thuốc thú y không muốn tôi chữa cho trâu bò, vì tôi chữa thì họ không bán được thuốc. Tuy nhiên tôi không để ý tới những điều người khác nói không đúng về tôi. 

Quan điểm sống của tôi là sống phải lao động. Muốn lao động phải học nghề, từ đó ngày càng nâng cao kỹ thuật, số lượng và chất lượng tăng lên. Và nữa, lao động thì phải lao động với cộng đồng. 

– Người ta thường cho rằng người làm khoa học nghèo? Ông là nhà khoa học, ông có nghèo không?

– Thế nào là nghèo? Khi tôi giúp người nông dân bội thu, họ có thể có rất nhiều quà tặng tôi. Họ không có tiền, nhưng vẫn đãi ngộ tốt với tôi. Họ vẫn mời tôi những món ăn ngon, cho tôi đi những nơi đẹp nhất. Tôi giàu vì điều này.

Tôi nghĩ, một nhà khoa học không làm ra tiền thì không phải nhà khoa học. Bởi vì khoa học bắt nguồn từ cuộc sống, khoa học quay lại phục vụ cuộc sống và cuộc sống kiểm định chất lượng của công trình khoa học ấy. Vì thế nếu làm khoa học mà tốt sẽ có người tâm phục khẩu phục. 

Cái giàu kiểu có tiền, có đất khác với giàu trí tuệ và giàu vô hình khác. Tôi tin rằng tôi là một trong những người gọi là giàu ở hành tinh này. Tôi không đủ tiền đề mở phòng thí nghiệm, nhưng kỳ tỉnh nào ở Việt Nam và trên thế giới có phòng thí nghiệm, tôi đều có thể đến để làm việc tại đó, vì họ chào đón tôi. Đấy là điều giàu. 

Cái giàu này không phải ai cũng mua được. Tôi được nhiều người yêu quý, nhất là người nông dân, đó cũng là cái giàu của tôi. Không phải cứ nhiều đô la, nhiều đất là giàu. 

Ông già ozone thắp đèn sưởi ấm gà giúp nông dân. Ảnh: N.V.K.

– Vậy còn quyền lực, ông có tham vọng quyền cao chức trọng không?

– Đã bao nhiêu gia đình tan vỡ vì chuyện quyền cao chức trọng, còn tôi chỉ muốn làm nhà khoa học, vận dụng kiến thức giúp đỡ người khác, nhất là nông dân.

Tôi luôn tâm niệm: ăn nhiều quá chóng chết, chơi nhiều quá thì hư thân. Do đó tốt nhất nên tránh xa. Thật lòng mà nói, tôi luôn mong cho hàng xóm mình giàu lên. Bởi vì họ giàu lên thì sẽ không còn ganh ghét, đố kỵ mình. Điều đó tốt cho cả họ và cũng tốt cho mình. Lấy ví dụ thế này, nếu hàng xóm của mình giàu lên, họ sẽ không đốt than tổ ong để đun nấu, môi trường không ô nhiễm, sức khỏe tốt hơn. 

Đó cũng là lý do giải thích vì sao gần 70 tuổi, nhưng tôi vẫn luôn cảm thấy trẻ khỏe, vui vẻ. Tôi không sợ kẻ cướp đến nhà, không sợ ghen tỵ chức vị, không sợ ai đòi nợ, luôn có học sinh vui xung quanh mình. Đi đến bất kỳ nơi nào tôi cũng được chào đón. 

– Không tiền, không quyền, vậy niềm vui lớn của ông là gì?

-Tôi không có niềm vui lớn, chỉ có niềm vui nhỏ. Đó là khi thấy suy nghĩ của người nông dân thay đổi, nhà cửa phố xá mọc lên, có chỗ ăn ở khang trang hơn, đặc biệt là tư duy thay đổi, trẻ con được đi học. Còn nỗi buồn lớn của tôi là chương trình giáo dục hiện nay còn hạn chế. Việc thi trắc nghiệm khiến cho học sinh bị kém lý luận, không cần học bài. 

 Vậy thì ông có ý kiến gì cho giáo dục hiện nay?

– Tôi có điều băn khoăn nhất bây giờ làm sao cho các cháu học sinh thích học. Tôi đã đi dạy rất nhiều nơi và thấy hiện nay giáo dục thật sự chưa đi sâu vào cái gốc, các vật dụng trong phòng thí nghiệm cũng như sách giáo khoa còn thiếu thốn. Hồi còn dạy học, tôi thường cho các em tự làm thí nghiệm trước ở nhà với những dụng cụ tự chế. Khi được tự tay làm, các em sẽ nhớ rất lâu. 

Ở cấp độ cao hơn, tôi thấy ngành Vật lý của Việt Nam đang xuống dốc dù đã cố chấn hưng. Muốn đời sống người dân nâng cao thì kinh tế phải phát triển. Muốn kinh tế phát triển thì khoa học công nghệ, trong đó có ngành Vật lý, phải phát triển. 

Để khoa học phát triển lâu dài, phải làm sao cho trẻ con thích học, tiếp đó để các cháu tự ứng dụng khoa học trong cuộc sống. 

Tôi biết phòng thí nghiệm ở Warsaw (thủ đô Ba Lan) trước đây trị giá có 1.500 USD, nhưng làm ra được các sản phẩm giá 2.000 USD. Hiện nay ở Việt Nam, có những phòng thí nghiệm cả chục tỷ đồng, nhưng chưa tạo ra thứ gì có giá trị cao. 

– Công nghệ ozone giờ đã được ứng dụng rộng rãi rãi, vậy kế hoạch tiếp theo của ông là gì?

– Tôi dự định tiến hành làm sạch môi trường, làm sạch không khí. Ở ta, đi đường cứ bụi mù, ở nước ngoài có mấy khi như thế đâu. Tôi đi Lào, thấy họ cũng làm đường, sửa đường. Đi vào đường nông thôn, thứ rác duy nhất chỉ là lá rụng thôi. Tôi đi nước ngoài không bị ho, nhưng về nhà là ho. Vấn đề ô nhiễm không khí đã được đưa ra tại nhiều hội thảo, những các biện pháp vẫn chưa có.

Tôi cũng sẽ tiếp tục đấu tranh để tất cả trường học có sách giáo khoa tốt và dụng cụ thí nghiệm hợp lý. 

Khi là người thầy, ta phải làm cho trò thích học và thích lao động. Kiến thức chỉ là nước ngầm dưới đáy núi đá. Đem kiến thức ra ứng dụng được vào cuộc sống thì giống như suối mới trong nguồn ào ào cuồn cuộn. Khi người ta áp dụng được thật nhiều kiến thức vào đời thì như dòng sông uốn lượn mang nặng trong lòng những hạt phù sa. 

Hương Thu

——

Để xuất khẩu lao động không chỉ là đi… bán sức

Hoàng Hạnh 26/09/2023

(KTSG) – Nhân lực được rèn luyện tại các nền sản xuất trình độ cao có thể góp phần nâng cao năng lực của lực lượng lao động trong nước.

Việt Nam đã trở thành nguồn cung ứng lao động lớn cho các nền kinh tế thiếu hụt lao động trẻ, chủ yếu cho các công việc đòi hỏi sức khỏe tốt. Trong ảnh: Một lao động người Việt tại Nhật Bản. Ảnh: ft.com

Gần 143.000 người Việt Nam đi lao động tại khoảng 40 nước trên thế giới năm 2022 và con số này dự kiến vẫn tiếp tục tăng lên với số tiền gửi về quê nhà từ lực lượng lao động (lũy tiến) này hơn 3 tỉ đô la Mỹ/năm, theo số liệu từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Lợi thế dân số vàng, nhân công giá rẻ cũng đã được tận dụng để đưa Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Việt Nam đã trở thành nguồn cung ứng lao động lớn cho các nền kinh tế thiếu hụt lao động trẻ, chủ yếu cho các công việc đòi hỏi sức khỏe tốt. Một nửa yêu cầu còn lại là làm sao để có được nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa, nhằm hóa giải vấn nạn thiếu lao động có kỹ thuật, có tay nghề cao đang cản bước Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Xét ở mục tiêu này, khi nhìn về nguồn nhân lực đã được tích lũy kinh nghiệm từ các nền sản xuất phát triển, vấn đề không còn là số tiền gửi về nước hay giải quyết công ăn việc làm với mức thu nhập cao hơn.

Tận dụng nguồn thực tập sinh từng đi lao động nước ngoài để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nước là gợi ý được Giáo sư Trần Văn Thọ (Nhật Bản) đưa ra cách đây nhiều năm. Chỉ riêng lực lượng thực tập sinh tới Nhật Bản, Báo cáo Nghiên cứu tổng thể về Thực trạng phát triển nguồn nhân lực công nghiệp Việt Nam được JICA công bố tháng 5-2022 cho biết, tính đến hết tháng 6-2021, người đến từ Việt Nam chiếm 63,8% trong số khoảng 317.000 thực tập sinh đang cư trú trên khắp Nhật Bản.

Các nghề thu hút nhiều thực tập sinh Việt Nam gồm xây dựng, máy móc, sản xuất dệt may, nông nghiệp, ngư nghiệp, những lĩnh vực đang có nhu cầu về lao động có kỹ thuật cao tại đất nước hơn 122 triệu dân. Nhưng nguồn lao động từ Nhật Bản trở về này lại không dễ tìm được việc làm ở trong nước. Đó là một nghịch lý.

Khảo sát của JICA cho thấy, so với các nước trong khu vực, tỷ lệ thực tập sinh Việt Nam về nước có việc làm chỉ 26,7%, rất thấp so với mức hơn 50% của Trung Quốc, Thái Lan, Philippines. Tỷ lệ thực tập sinh kỹ thuật của Việt Nam trở về làm công việc/loại công việc tương tự như họ đã làm ở Nhật Bản thấp hơn so với nhóm ba nước trên.

Từ chiều tuyển dụng, trong số 390 doanh nghiệp trả lời khảo sát được đưa vào báo cáo nêu trên, 43% đang tuyển dụng thực tập sinh có kỹ năng trở về từ Nhật Bản, 33% có nhu cầu với nhóm lao động này trong năm năm tới. Như vậy, mục đích chuyển giao kỹ năng thông qua chương trình thực tập sinh, để một lần nữa kỹ năng được chuyển giao tại môi trường lao động trong nước, dường như không đáp ứng được kỳ vọng.

Nguyên nhân của nghịch lý này có lẽ là ở chỗ phần lớn lao động tham gia vào chương trình thực tập sinh chỉ có năng lực phù hợp với những công việc lao động chân tay, nặng nhọc trong các nhóm ngành xây dựng, máy móc, nông nghiệp và phải tự học thêm các kỹ năng để bắt kịp đồng nghiệp nhưng thường trong phạm vi đơn giản và hạn chế. Khi trở về Việt Nam, họ không có nhiều ưu thế hơn so với lao động trong nước, nhưng lại mong muốn một vị trí và mức lương cao hơn khả năng hiện có.

Tích hợp lực lượng thực tập sinh từ Nhật Bản, Hàn Quốc… trở về vào lực lượng lao động hiện hữu thông qua các hội chợ giới thiệu việc làm là sáng kiến đã được thực hiện trong nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, nỗ lực nói trên vẫn chưa giải quyết được nút thắt về chất lượng nhân lực (xuất ngoại và trở về) và thúc đẩy chuyển giao kỹ năng.

Rõ ràng, để giải quyết nghịch lý trên thì mục tiêu ưu tiên khi đưa lao động ra nước ngoài phải thay đổi, thay vì coi đây như kênh để “xóa đói giảm nghèo”, giải quyết nhu cầu việc làm cho lao động vùng nông thôn với tiêu chí tuyển dụng phải “có sức vóc” để làm được những công việc nặng nhọc, người lao động Việt Nam cần được đào tạo để có thể đảm nhận những vị trí công việc đòi hỏi nhiều kỹ năng và tay nghề hơn khi ra làm việc ở nước ngoài.

Để làm được điều đó, vấn đề đào tạo trước khi đưa đi làm việc ở nước ngoài là rất quan trọng. Ngôi trường cấp 3 đầu tiên dạy học sinh kỹ thuật nông nghiệp theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến nông sản, thực phẩm theo mô hình Nhật Bản đã vận hành thành công ở Nam Định, được xem như một hình mẫu cho hướng đi này. Học sinh tốt nghiệp, ngoài khả năng ứng tuyển vào các doanh nghiệp FDI nông nghiệp của Nhật Bản, còn có thể tham gia chương trình thực tập sinh như những người có kỹ năng.

Hiện nay, tỷ lệ lao động xuất khẩu có tay nghề cao hay ở cấp chuyên gia của Việt Nam chiếm không quá 10%. Nếu không thay đổi được hiện trạng này thì Việt Nam sẽ chẳng thể biến việc xuất khẩu lao động thành một kênh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho nền kinh tế, mà chỉ là đi ra nước ngoài để bán sức mà thôi.

https://thesaigontimes.vn/de-xuat-khau-lao-dong-khong-chi-la-di-ban-suc/

——

Lối đi nào cho ngành bia?

Dự báo ngành bia, rượu vẫn sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2024 do sức mua sụt giảm, chuyên gia đề xuất nên lùi thời hạn tăng thuế và có thêm chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp.

Theo Euromonitor, năm 2010, tổng sản lượng bia tiêu thụ tại thị trường Việt Nam đạt khoảng 2,4 tỷ lít. Với dân số Việt Nam tại thời điểm đó ước tính khoảng 88,5 triệu người, bình quân mỗi người Việt năm 2010 đã uống khoảng 27,1 lít bia.

Đến năm 2022 – tức sau hơn một thập kỷ – mức tiêu thụ bia của Việt Nam đã đạt 3,8 tỷ lít, xếp thứ 9 thế giới. Việt Nam cũng trở thành quốc gia đứng đầu toàn khu vực ASEAN, đứng thứ 3 châu Á (sau Trung Quốc và Nhật Bản) về mức tiêu thụ bia.

Tuy nhiên, bước sang năm 2023, ngành bia trong nước đã phải chứng kiến lượng tiêu thụ sụt giảm chưa từng có. Những quy định liên quan đến xử lý vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông cùng xu hướng thắt chặt chi tiêu không thiết yếu đã khiến các doanh nghiệp, nhà máy bia, đồ uống có cồn “bốc hơi” hàng chục nghìn tỷ đồng doanh thu.

Sức mua chưa có tín hiệu cải thiện

Trong báo cáo gần đây, Công ty Chứng khoán Funan (FNS) cho rằng rủi ro quan trọng của ngành bia là sức cầu chưa có tín hiệu cải thiện, bởi người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, đặc biệt với những mặt hàng không thiết yếu như bia, rượu.

“Chi tiêu cho rượu bia giảm không chỉ là câu chuyện khó khăn nền kinh tế, ảnh hưởng bởi Nghị định 100. Bên cạnh đó, xu hướng tất yếu trong tương lai khi các mặt hàng đồ uống không tốt cho sức khỏe sẽ bị giảm dần chi tiêu cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến triển vọng ngành bia”, chuyên gia phân tích tại FNS đánh giá.

Tương tự, các chuyên gia phân tích tại SSI Research cũng tỏ ra thận trọng về triển vọng của ngành bia trong năm 2024. Bởi theo đơn vị phân tích này, mức tiêu thụ bia có thể tiếp tục chịu tác động kép từ Nghị định 100 và thu nhập của người tiêu dùng giảm trong năm nay. 

SSI Research lấy dẫn chứng từ thị trường Trung Quốc khi chính phủ nước này áp dụng luật lái xe nghiêm ngặt từ năm 2011 và có hiệu lực đến năm 2023, mức tăng trưởng tiêu thụ bia tại đất nước tỷ dân đã chững lại đáng kể.

“Do đó, các luật nghiêm ngặt tương tự được áp dụng tại Việt Nam kể từ năm 2020 sẽ là yếu tố chính khiến mức tăng trưởng tiêu thụ bia chậm lại”, SSI Research nhận định.

nganh bia kho khan anh 1
Ngành bia Việt Nam đang chứng kiến lượng tiêu thụ sụt giảm mạnh. Ảnh: Thụy Trang.

Bà Chu Thị Vân Anh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết năng lực sản xuất của nhóm doanh nghiệp đồ uống hiện nay đều hoạt động với công suất dưới 80% so với trước đại dịch Covid-19.

“Từ đầu năm 2020, ngành đồ uống Việt Nam liên tiếp gặp nhiều khó khăn, thách thức do chịu sự tác động của đại dịch Covid-19, ảnh hưởng của các chính sách hạn chế đồ uống có cồn, đặc biệt là cuộc xung đột Nga – Ukraine khiến nguyên liệu đầu vào tăng cao”, bà cho biết.

Trong khi đó, người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu, nhu cầu sử dụng bia rượu sụt giảm, kéo theo doanh thu của các doanh nghiệp, nhà máy giảm mạnh… “Nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với bao khó khăn, khó trụ nổi trước những gánh nặng liên tiếp trong 3 năm gần đây”. 

Đánh giá về ngành đồ uống, đặc biệt là bia, rượu, Phó chủ tịch VBA cho rằng ngành sản xuất và kinh doanh đồ uống luôn là một trong những ngành kinh tế quan trọng và đầy tiềm năng phát triển ở Việt Nam. Đây là ngành huy động nhiều nguồn lực xã hội, nhất là từ khu vực tư nhân trong và ngoài nước, tạo ra nhiều việc làm và tham gia đóng góp ngân sách mỗi năm; góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Gỡ khó về thuế cho doanh nghiệp

Trước những khó khăn bủa vây, theo lãnh đạo VBA, một trong những giải pháp quan trọng để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đồ uống chính là các loại thuế như thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt.

“Cần tiếp tục lùi thời hạn tăng thuế, chưa nên điều chỉnh tăng thuế tại thời điểm này mà cần giữ ổn định chính sách thuế cho ngành đồ uống, đặc biệt là với doanh nghiệp sản xuất bia, rượu”, bà Vân Anh nhìn nhận.

Bên cạnh đó, Phó chủ tịch Hiệp hội cho rằng để khắc phục khó khăn và phát huy nguồn lực nội tại, các doanh nghiệp đồ uống mong muốn Nhà nước nên có thêm chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt, phục hồi và phát triển sản xuất.

nganh bia kho khan anh 2
Việt Nam đang là quốc gia đứng đầu ASEAN và xếp thứ 3 khu vực châu Á (chỉ sau Trung Quốc và Nhật Bản) về mức tiêu thụ bia. Ảnh: Quỳnh Trang.

“Việc đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt trong giai đoạn này là chưa phù hợp bởi sẽ làm các doanh nghiệp thêm khó khăn, người tiêu dùng giảm mua, doanh thu sẽ tiếp tục giảm và việc nộp ngân sách sẽ giảm theo, người lao động mất việc làm…”, bà Vân Anh đánh giá.

Ngoài ra, theo lãnh đạo VBA, trong giai đoạn khó khăn hiện nay, các chính sách nên tạo điều kiện hơn nữa để doanh nghiệp phục hồi, yên tâm sản xuất, kinh doanh, từ đó sẽ có đóng góp nhiều hơn cho phát triển kinh tế đất nước, đảm bảo an sinh xã hội.

“Những thách thức phía trước sẽ nhiều hơn, khắc nghiệt hơn đòi hỏi các doanh nghiệp càng phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa để hoàn thành sứ mệnh nâng tầm vị thế của mình. Bên cạnh đó, ngành đồ uống vẫn hy vọng và lạc quan về sự phục hồi và phát triển với sự hỗ trợ từ Quốc hội, Chính phủ trong thời gian tới”, bà chia sẻ.

Mới đây, Chính phủ cũng đã cơ bản thống nhất nội dung đề nghị xây dựng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) của Bộ Tài chính, trong đó chưa bổ sung nội dung mới về phương pháp tính thuế hỗn hợp đối với mặt hàng rượu, bia…(znews.VN)

—-

Trong năm 2022, Công ty Heineken Việt Nam cũng đóng góp cho nền kinh tế ở mức tương đương 1,04% tổng GDP quốc gia – mức cao kỷ lục kể từ khi công bố số liệu này.

Trước khi tạm dừng hoạt động, nhà máy Heineken tại Quảng Nam từng đóng góp ngân sách hơn 1.000 tỷ đồng/năm, 3 tháng đầu năm nay chỉ còn 20 tỷ- Ảnh 1.
Nhà máy bia Heineken tại Quảng Nam.

Khả năng trong năm 2018 Nhà máy bia Heineken Việt Nam – Quảng Nam sẽ đóng góp cho ngân sách khoảng 1.200 tỷ đồng là điều có thể“, Kế toán trưởng Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam – Quảng Nam trả lời truyền thông hồi tháng 10/2018. 

Tại thời điểm đó, nhà máy Heineken Quảng Nam ghi nhận sản lượng tăng và tiêu thụ sản phẩm đạt doanh số cao, nên trong 10 tháng đầu năm 2018 đã nộp ngân sách nhà nước 877,4 tỷ đồng, đạt 117% chỉ tiêu. Vị kế toán trưởng lúc bấy giờ nói thêm rằng tình hình sản xuất vẫn tiến triển tốt, dự báo trong 2 kỳ nộp thuế của 2 tháng cuối năm, số nộp ngân sách của công ty sẽ khoảng 200 tỷ đồng/tháng.

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Nam, ở thời kỳ đỉnh cao này, Nhà máy bia Heineken Việt Nam – Quảng Nam có số nộp ngân sách nhà nước lớn nhất trong khối các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại tỉnh, tính chung toàn khối các doanh nghiệp thì đứng thứ hai sau Ô tô Chu Lai – Trường Hải. Trung bình mỗi năm, nhà máy này đóng góp ngân sách khoảng 1.000 – 1.200 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Covid-19 ập tới, khiến con số này liên tục sụt giảm trong vài năm gần đây. Kinh tế khó khăn khiến người tiêu dùng phải cắt giảm chi tiêu, sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu cũng khiến giá nguyên liệu ngành bia tăng phi mã. 

Thêm vào đó, Nghị định 100 về việc xử lý vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông được thực hiện vô cùng quyết liệt, với mức phạt tiền lên tới 6-8 triệu đồng cho xe máy và 30-40 triệu đồng với ô tô, tiếp tục trở thành “đòn giáng” mạnh mẽ vào các doanh nghiệp ngành bia nói chung và Heineken Việt Nam nói riêng.

Kết quả là trong 3 tháng đầu năm 2024, con số đóng góp của Heineken cho ngân sách Quảng Nam chỉ còn khoảng 20 tỷ đồng. Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam, Ban quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh đã nhận được báo cáo về việc tạm dừng hoạt động của nhà máy bia Heineken Quảng Nam. Phía Heineken cho biết ảnh hưởng của Covid-19 và việc triển khai Nghị định 100 đã khiến thị trường bia Việt Nam chứng kiến sự sụt giảm đáng kể.

Chúng tôi cần tiếp tục tối ưu hóa với ít nhà máy hơn nhưng mỗi nhà máy lớn hơn về quy mô“, văn bản của Heineken Việt Nam có đoạn.

Trước khi tạm dừng hoạt động, nhà máy Heineken tại Quảng Nam từng đóng góp ngân sách hơn 1.000 tỷ đồng/năm, 3 tháng đầu năm nay chỉ còn 20 tỷ- Ảnh 2.

Bạn cứ phịa ra một email hoặc tên nào đó để viết ý kiến. Comment của tất cả các bạn đọc sẽ được hiện ra.

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.