Trần Hoàng Blog

►Phó thủ tướng Campuchia nói : Chính phủ Việt Nam không phản đối dự án kênh đào Phù Nam Techo (24-5-2024)

Posted by hoangtran204 trên 26/05/2024

Cựu Thủ tướng Campuchia Hun Sen vừa tuyên bố mạnh mẽ rằng việc xây dựng kênh đào Phù Nam (Funan) Techo sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch, bất chấp những phản đối liên tục của chính phủ Việt Nam, và khẳng định không cần đàm phán với Hà Nội về kênh đào đang gây tranh cãi này, theo truyền thông Campuchia.

VOA Tiếng Việt 24-5-2024

Phó thủ tướng Campuchia Sun Chanthol.
Phó thủ tướng Campuchia Sun Chanthol

———-

VOA Tiếng Việt. 24/5/2024

Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 23/5 lên tiếng rằng những lời lẽ công kích nhà lãnh đạo Campuchia Hun Sen trên mạng xã hội về dự án kênh đào Funan Techo ‘không đại diện cho quan điểm của Chính phủ và nhân dân Việt Nam’ và ‘chia rẽ quan hệ hai nước’.

Trước đó, hôm 20/5, ông Hun Sen, Chủ tịch Thượng viện Campuchia cho biết gần đây đã có nhiều lời lẽ ‘mang tính xúc phạm’ đối với ông xung quanh dự án kênh đào Funan Techo trên TikTok mà ông cho là ‘xuất phát từ những người Việt Nam’, Khmer Times cho biết.

Trả lời báo chí về phản ứng của Việt Nam, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng hôm 23/5 gọi những bình luận này là ‘mang mang tính kích động, chia rẽ tình cảm tốt đẹp giữa nhân dân Việt Nam và Campuchia, công kích cá nhân lãnh đạo hai nước’, theo Tuổi Trẻ.

“Chúng tôi không đồng tình với các ý kiến, bình luận này,” bà Hằng được dẫn lời nói và nhấn mạnh rằng những bình luận này chỉ là ‘ý kiến cá nhân’ chứ ‘không đại diện cho quan điềm của chính phủ và nhân dân Việt Nam’, trang mạng VnExpress cho biết.

Bà kêu gọi nhà chức trách hai nước ‘có các biện pháp thiết thực hiệu quả để giúp nhân dân và thế hệ tương lai của hai nước hiểu rõ và đầy đủ về mối quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia’.

Nhân dịp này, bà Hằng cũng lặp lại đề nghị của Hà Nội rằng Phnom Penh cần tiếp tục phối hợp chia sẻ thông tin về dự án kênh đào Phù Nam Techo cũng như nghiên cứu về tác động xuyên biên giới của dự án, theo Tuổi Trẻ.

Trên trang Facebook của mình, ông Hun Sen hôm 20/5 viết: “ Tôi thật sự ngạc nhiên khi thấy những bình luận trên một thông điệp mà tôi đăng tải trên TikTok. Tôi không biết chính xác người Việt Nam xúc phạm tôi bằng cách bình luận trên tài khoản TikTok của tôi khi nào, bởi vì tôi chỉ đăng có bốn video nhưng hàng chục người Việt Nam đã xúc phạm tôi.”

Khmer Times cũng dẫn lời ông Hun Sen nhắc lại hồi năm 2016-2017 khi ông đưa ra những phát biểu về tranh chấp trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc, đã có hơn 2.000 người Việt ‘đã lên Facebook để xúc phạm ông’, trong đó có ‘một tài khoản tự xưng là một bí thư huyện ủy’. “Sau đó tôi đã nói việc này với Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, thì những lời lẽ này đã im,” ông cho biết.

“Bây giờ họ lại lên TikTok chửi rủa tôi sau khi tôi trình bày về kênh đào Funan Techo,” ông nói thêm nhưng cũng nói rõ rằng ông ‘không chắc những lời lỡ xúc phạm này xuất phát từ công dân Việt Nam hay từ nơi khác’.

“Liệu họ có phải là người Việt sống ở Việt Nam, hay người Việt Nam ở hải ngoại chống đối chính quyền Việt Nam, hay là kiều dân Việt sống ở Campuchia, hay họ có phải là người Khmer Kampuchea Krom có tài khoản TikTok hay không? Họ có thể viết bằng cả tiếng Việt và tiếng Khmer,” ông Hun Sen viết trên Facebook.

Kampuchea Krom là cách gọi của Campuchia đối với vùng Nam Bộ của Việt Nam nơi có nhiều người Việt gốc Khmer sinh sống.

Cựu Thủ tướng Campuchia cũng nhấn mạnh rằng ông ‘không cáo buộc giới lãnh đạo Việt Nam kích động người Việt công kích ông’ mà ‘yêu cầu hai bên hợp tác để điều tra truy ra thủ phạm nhằm ‘ngăn chặn những kẻ xấu phá vỡ mối quan hệ giữa hai nước’.

Trong một dấu hiệu cho thấy những bình luận này đã leo thang thành sự cố trong quan hệ ngoại giao hai nước, Khmer Times cho biết theo lệnh của ông Hun Sen, Ngoại trưởng Campuchia Sok Chenda Sophea đã tiếp Đại sứ Việt Nam Nguyễn Huy Tăng ở Bộ Ngoại giao hôm 20/5 để nói với ông Tăng rằng Chính phủ Campuchia ‘đã sốc trước những lời lẽ tiêu cực xúc phạm lãnh đạo Campuchia như vậy’.

Ông Sophea cho rằng những lời lẽ như vậy ‘đã gây ra những thù hằn không cần thiết giữa nhân dân hai nước’.

Cũng Khmer Times cho biết Đại sứ Tăng trong cuộc gặp này đã nói với Ngoại trưởng Campuchia rằng lên mạng bình luận thù địch như vậy là ‘hành động không tốt’ và Việt Nam sẽ phối hợp với Campuchia để ‘truy tìm những kẻ đứng sau’.

Bộ Nội vụ Campuchia đã chuyển vụ việc đến bộ phận điều tra của họ, ông Touch Sokhak, phát ngôn nhân cơ quan này, được Khmer Times dẫn lời cho biết.

Hồi tuần trước, bất chấp lời kêu gọi chia sẻ thêm thông tin và đánh giá thêm tác động của dự án kênh đào Funan Techo từ phía Việt Nam, ông Hun Sen đã kêu gọi chính quyền triển khai dự án càng sớm càng tốt để chấm dứt tranh cãi.

Chính quyền của Thủ tướng Hun Manet cho rằng kênh đào dài 180 km này ‘được người dân Campuchia ủng hộ rộng rãi’ và nó sẽ được khởi công vào cuối năm nay nhằm mở thêm một tuyến đường vận chuyển hàng hóa từ thủ đô Phnom Penh ra biển mà không cần phải mượn đường qua Việt Nam.

VOA tiếng Việt

——

Cựu Thủ tướng Campuchia Hun Sen yêu cầu điều tra những người mạt sát ông bằng tiếng Việt trên TikTok

BBC tiếng Việt 21-5-2024

Ông Hun Sen và các bình luận
Chụp lại hình ảnh, Cựu Thủ tướng Hun Sen, Chủ tịch Thượng viện Campuchia, muốn điều tra để xác định ai đã xúc phạm ông trên TikTok bằng tiếng Việt

21 tháng 5 2024

“Tôi không rõ những người Việt Nam này là ai. Người Việt Nam ở Việt Nam hay người Việt Nam ở nước ngoài? Một số người chống chính phủ Việt Nam? Nững người Việt sống ở Campuchia? Hay người Khmer Krom có một vài tài khoản mạng xã hội và có thể viết tiếng Việt và đọc tiếng Khmer?”

Ông Hun Sen muốn điều tra để xác định ai đã xúc phạm ông trên TikTok.

“Tôi không cáo buộc các lãnh đạo Việt Nam về việc đã sử dụng những người này để xúc phạm tôi, vì vậy tôi yêu cầu phối hợp để ngăn chặn các phần tử ly khai.”

Dưới các bài viết và video của ông Hun Sen trên mạng xã hội, có nhiều người bình luận bằng tiếng Việt rằng cha con ông Hun Sen là “đồ vô ơn”, “con rối của Trung Quốc”, sử dụng các từ như “ngu dốt”, “tham lam”, hoặc nói kiểu “biết thế này Việt Nam đã không cứu”, ý nhắc lại vai trò của quân đội Việt Nam trong việc đánh Khmer Đỏ.

Hiện tài khoản TikTok chính thức của ông Hun Sen có hơn 900.000 lượt theo dõi và hơn 20 triệu lượt yêu thích. 

Ông Hun Sen thông báo trên Facebook vào ngày 3/9/2023:

“Tôi quyết định sử dụng lại Facebook, kết hợp với Twitter, YouTube, TikTok, Telegram và Instagram sau khi Facebook bác những đề nghị của nhóm xấu xa và trả lại sự công bằng cho tôi.”

Trước đó, hồi tháng 7/2023, ông Hun Sen đã xóa Facebook và đe dọa sẽ chặn nền tảng này tại Campuchia sau khi tài khoản của ông bị ban giám sát của Meta đề nghị đình chỉ trong 6 tháng.

Khi đó, ông Hun Sen đã kêu gọi người Campuchia chuyển sang các nền tảng truyền thông xã hội khác mà ông đã chuyển sang, bao gồm Telegram và TikTok.

Ông Hun Sen là một chính trị gia hoạt động tích cực trên các nền tảng mạng xã hội, đây cũng là điểm khác biệt, nếu so với các chính trị gia Việt Nam.

Trung Quốc, Campuchia tập trận lớn, Việt Nam lo ngại gì? 15 tháng 5 năm 2024

Kênh Phù Nam Techo: Việt Nam ‘rất quan tâm’, Campuchia tuyên bố đanh thép7 tháng 5 năm 2024

Kênh đào Phù Nam Techo ‘sẽ đem về 88 triệu USD mỗi năm’5 tháng 5 năm 2024

Ông Sok Chenda Sophea gặp ông Nguyễn Huy Tăng
Chụp lại hình ảnh, Phó Thủ tướng, Ngoại trưởng Sok Chenda Sophea đã có cuộc gặp với Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng vào ngày 20/5

Hôm qua (20/5), Phó Thủ tướng, Ngoại trưởng Campuchia Sok Chenda Sophea đã có cuộc gặp với Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng liên quan đến vấn đề này, theo thông tin đăng trên trang web chính thức của Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền.

Ông Sok Chenda Sophea nói rằng chính phủ Hoàng gia Campuchia bị sốc trước các lời bình luận trên TikTok xúc phạm lãnh đạo cấp cao của Campuchia liên quan đến dự án Phù Nam Techo.

Theo tường thuật của CPP, ông Nguyễn Huy tăng đồng ý rằng việc đăng những nội dung thóa mạ là hành động tiêu cực và cần có sự hợp tác giữa giới chức hai nước trong việc điều tra xem ai đứng đằng sau vụ việc.

Siêu dự án Phù Nam Techo đang thổi bùng căng thẳng ngoại giao giữa Việt Nam và Campuchia. 

Ông Hun Sen và ông Hun Manet liên tục đưa ra những tuyên bố đanh thép về quyết tâm thực hiện dự án.

Tập đoàn Cầu đường Trung Quốc được xác nhận là công ty thực hiện nghiên cứu khả thi dự án kênh đào Phù Nam Techo và cũng là công ty đầu tư vào kênh đào này.

Campuchia luôn bác bỏ việc vay tiền Trung Quốc để xây kênh đào, mà chỉ đề cập sẽ tiến hành theo cơ chế đối tác công-tư (PPP), không theo khuôn khổ khoản nợ từ đối tác phát triển nào.

Thủ tướng Hun Manet đã khẳng định siêu dự án Phù Nam Techo sẽ do các đối tác Trung Quốc xây dựng, theo hợp đồng BOT (xây dựng – vận hành – chuyển giao).

‘Hãy động thổ sớm’ kênh đào Phù Nam Techo

Ông Hun Sen và ông Hun Manet
Chụp lại hình ảnh, Kênh đào Phù Nam Techo đã thổi bùng căng thẳng giữa Việt Nam và Campuchia

Ông Hun Sen gần đây đã lên tiếng phủ nhận siêu dự án này thuộc sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.

“Dự án này hoàn toàn không liên quan gì đến Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Dự án 100% do Campuchia khởi xướng,” ông tuyên bố, theo Khmer Times tường thuật vào ngày 20/5.

Ông Hun Sen đã đáp trả trước nhiều bình luận trong giới đối lập tại Campuchia và lời kêu gọi từ phía Việt Nam về việc chia sẻ thêm thông tin về dự án kênh đào Phù Nam Techo.

Ông Hun Sen gần đây cũng hối thúc đẩy nhanh tiến độ khởi công siêu dự án này.

“Tôi đề nghị tân thủ tướng và chính phủ không chờ đợi quá lâu. Nếu có thể động thổ sớm thì hãy thực hiện bởi vì sẽ có thêm nhiều phản ứng. Chúng ta cần suy nghĩ cho nền kinh tế của mình. Chúng ta cần suy nghĩ cho nền độc lập của chúng ta.”

“Tôi tin rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng muốn Campuchia có một tuyến đường thủy độc lập và không muốn tàu chở container của Campuchia vướng thông quan trong tuyến đường thủy của họ,” Khmer Times dẫn lời ông Hun Sen.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ba lần lên tiếng chính thức về dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia, tính từ ngày 11/4 đến nay.

Ủy ban sông Mekong Việt Nam đã từ chối trả lời yêu cầu phỏng vấn của BBC. Bộ Giao thông Công chánh Campuchia cho đến nay chưa phản hồi trước yêu cầu bình luận của BBC qua email từ ngày 8/3.

Phó Thủ tướng Campuchia Sun Chanthol nói với Reuters hôm 7/5 rằng kênh đào Phù Nam Techo sẽ cắt giảm tới 70% lượng hàng hóa vận chuyển qua các cảng Việt Nam.

Trong khi đó, vào ngày 24/4, một bài viết trên tạp chí Giao thông thuộc Bộ Giao thông – Vận Tải Việt Nam nêu nhận định từ Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho thấy dự án này không mang lại lợi ích cho Campuchia xét về vận tải đường thủy vì tuyến đường di chuyển sẽ dài hơn.

“Khi dự án hoàn thành, trong trường hợp hàng hóa từ Phnom Penh đi các quốc gia phía Đông như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… qua tuyến kênh Funan Techo ra cảng biển Kampot, sau đó tiếp tục vòng qua mũi Cà Mau của Việt Nam khi ngang qua khu vực Cái Mép-Thị Vải thì chiều dài quãng đường sẽ là 900 km.

Như vậy, khi so sánh với tuyến vận tải truyền thống theo Hiệp định giữa hai Chính phủ Việt Nam và Campuchia qua tuyến sông Tiền đến Cái Mép-Thị Vải hiện nay với quãng đường gần 400 km thì quãng đường mới sẽ dài hơn 500 km. Vì thế, tuyến kênh đào Fu-Nan Techo mới chưa thật sự mang lại hiệu quả xét về góc độ vận tải đường thủy.”

Trong khi đó, ông Hun Sen và ông Hun Manet luôn giữ vững lập trường rằng dự án chỉ thuần túy mang mục đích phát triển kinh tế-xã hội cho Campuchia, cải thiện đời sống cho 1,6 triệu cư dân sống dọc theo tuyến kênh, kịch liệt bác bỏ khả năng kênh đào có thể được sử dụng vì mục đích quân sự và nói rằng kênh đào không có tác động xấu đến môi trường.

Sông Mekong

Getty Images

Quy mô kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia

180 km và 1,7 tỷ USDĐộ dài và chi phí ước tính

—Rộng 100 m ở thượng nguồn

—Rộng 80 m ở hạ nguồn

—Độ sâu 5,4 m

—Thời gian xây dựng 4 năm

Nguồn: Thông tấn xã Campuchia (APK)

BBC tiếng Việt 21-5-2024

———

Ông Hun Sen nói Campuchia ‘không nhượng bộ’ hay ‘đàm phán’ về kênh đào Phù Nam bất chấp Việt Nam phản đối 

VOA Tiếng Việt 29/04/2024

Cựu Thủ tướng Campuchia Hun Sen vừa tuyên bố mạnh mẽ rằng việc xây dựng kênh đào Phù Nam (Funan) Techo sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch, bất chấp những phản đối liên tục của chính phủ Việt Nam, và khẳng định không cần đàm phán với Hà Nội về kênh đào đang gây tranh cãi này, theo truyền thông Campuchia.

Trích: “Hun Sen vừa tuyên bố mạnh mẽ rằng việc xây dựng kênh đào Phù Nam (Funan) Techo sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch, bất chấp những phản đối liên tục của chính phủ Việt Nam, và khẳng định không cần đàm phán với Hà Nội” (trích) Wow ! Một cái tát tai nẫy lửa dzô mặt khiến CsVN tối tăm mặt mũi ! Hun Sen là thằng đàn em mà bây giờ cũng coi khinh VC ra mặt. (Trích một bình luận ở cuối bài này).

Tuyên bố của ông Hun Sen, hiện là chủ tịch Thượng viện Campuchia, được đưa ra chỉ vài ngày sau khi các chuyên gia Việt Nam công bố một báo cáo cho thấy tác động bất lợi của kênh đào mà Campuchia sắp xây dựng với sự trợ giúp của Trung Quốc tới môi trường và sản xuất của Việt Nam cũng như kêu gọi Campuchia minh bạch thêm thông tin về tuyến đường thủy nhân tạo này.

Bộ Ngoại giao Việt Nam trong tháng này cũng đưa ra lời kêu gọi đến chính phủ Campuchia, hiện do con trai ông Hun Sen điều hành, để chia sẻ thông tin và đánh giá tác động đến công trình. Tại một buổi tiệc của Hiệp hội Oknha Campuchia hôm 26/4, ông Hun Sen nói rằng ông phải “làm cho rõ” vấn đề về kênh đào Phù Nam vì dự án này lần đầu tiên được đề xuất và phê duyệt khi ông còn là thủ tướng Campuchia, theo Khmer Times và Phnom Penh Post.

“Tôi sẽ không để bất cứ ai đốt nhà của mình để nấu một quả trứng, cho dù đó là đồng minh hay là kẻ thù đi chăng nữa,” ông Hun Sen, người từng sống ở Việt Nam trong thời gian thanh trừng của Khmer Đỏ cuối thập niên 1970 đầu những năm 1980, được tờ báo tiếng Anh Khmer Times trích lời nói với nghĩa ẩn dụ. “Cho dù đó là quốc gia nào đi nữa, tôi cũng phải bảo vệ đất nước mình.”

Đầu tháng này, ông Hun Sen đã bác bỏ thông tin cho rằng dự án kênh đào Phù Nam sẽ tạo thuận lợi cho hải quân Trung Quốc hoạt động gần biên giới Việt Nam và nói rằng dự án hoàn toàn phục vụ các mục đích kinh tế xã hội của Campuchia. Tuyên bố của ông Hun Sen được đưa ra để đáp lại bài báo của The Straits Times của Singapore cho rằng kênh đào trị giá 1,7 tỷ USD sẽ là cửa ngõ cho hải quân Trung Quốc tiếp cận biên giới Việt Nam.

Ông Hun Sen, người trở thành thủ tướng Campuchia vào năm 1985 với sự hậu thuẫn của Việt Nam, khẳng định lại điều này khi chủ trì buổi tiệc hôm 26/4.

“Đầu tiên và quan trọng nhất, tại sao Campuchia lại phải cần quân đội Trung Quốc? Thứ hai, Campuchia và Việt Nam là láng giềng tốt, hợp tác trên mọi lĩnh vực. Thứ ba, Trung Quốc và Việt Nam có quan hệ tốt và là đối tác chiến lược toàn diện. Cuối cùng, tại sao Campuchia lại cho phép quân đội Trung Quốc vào đây nếu việc này vi phạm Hiến pháp?,” ông Hun Sen được Khmer Times, tờ báo thân Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) của vị cựu thủ tướng này, trích lời nói thêm.

Mỹ đã kêu gọi Campuchia minh bạch hơn về dự án kênh đào mà một số nhà quan sát cho rằng có thể được quân đội Trung Quốc sử dụng để tăng cường sự hiện diện tại đây và gây ra mối đe dọa an ninh tiềm tàng cho các nước láng giềng.

Nhằm xoa dịu thêm lo ngại này, ông Hun Sen nói hôm 26/4 rằng “Campuchia không ngu ngốc đến mức cho phép quân đội Trung Quốc đồn trú trên lãnh thổ của chúng tôi, vi phạm hiến pháp của chúng tôi,” theo Phnom Penh Post.

Ông Hun Sen cũng lưu ý rằng hiện tại đang có tình trạng thiếu nước ở Đồng bằng Sông Cửu Long dù việc xây dựng kênh đào này thậm chí còn chưa bắt đầu và cho rằng đây là hiện tượng tự nhiên và đã xảy ra ít nhất từ năm 2016.

Đồng bằng Sông Cửu Long, nơi được xem là vựa lúa của Việt Nam, đang trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng khiến nhiều tỉnh ở đây phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Năm 2016 đánh dấu đợt hạn hán nặng nhất của Việt Nam trong vòng 100 năm qua ở khu vực nơi người dân phụ thuộc vào nuôi trồng lúa gạo và thủy sản.

Các chuyên gia Việt Nam, trong một hội thảo ở thành phố Cần Thơ hôm 23/4, nói rằng kênh đào Phù Nam Techo, nếu được vận hành, sẽ làm giảm mất đến 50% lượng nước chảy vào Việt Nam và điều này “có thể tác động nghiêm trọng đến tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn của Đồng bằng sông Cửu Long.”

Nhưng ông Hun Sen hôm 26/4 nói rằng Campuchia “không sử dụng sông Mekong” mà “đang sử dụng sông Bassac, vốn chỉ là một nhánh.”

“Về vấn đề này, chúng tôi không cần tham vấn gì cả vì chúng tôi chỉ sử dụng một nhánh sông Mekong,” ông Hun Sen được Phnom Penh Post dẫn lời nói.

Phản bác lại những tuyên bố của các học giả tại Đại học Cần Thơ, ông Hun Sen đặt câu hỏi về khẳng định của họ rằng “việc xây dựng kênh đào có thể dẫn đến việc mất đi tới 70% lượng nước” cung cấp cho ĐBSCL của Việt Nam.

“Không có con kênh này, chúng tôi giống như phải phụ thuộc vào oxy của người khác để thở. Họ có thể cắt nó bất cứ lúc nào họ muốn. Tôi muốn Việt Nam hiểu rằng đây chính là lý do Campuchia phải hoàn thành dự án này,” ông Hun Sen nói.

Theo Phnom Penh Post, ông Hun Sen – người được con trai Hun Manet nối nghiệp làm thủ tướng Campuchia từ tháng 8 năm ngoái – cảnh báo rằng nếu Việt Nam không hài lòng với dự án này thì Campuchia có thể buộc phải cấm hàng hóa của họ đi qua Việt Nam theo đường sông Mekong.

“Tôi sẽ không lùi bước về vấn đề này và tôi muốn thẳng thắn nhấn mạnh rằng không cần phải đàm phán. Đừng cố ép Campuchia vào bàn đàm phán,” ông Hun Sen nói.

Cũng ghi nhận về tuyên bố của ông Hun sen, Khmer Times cho biết ông nói rằng Campuchia không cần đàm phán với Việt Nam về kênh đào Phù Nam và rằng các nhà lãnh đạo Hà Nội nên hiểu tại sao ông lại nêu vấn đề này trước công chúng. Tại buổi tiệc hôm 26/4, ông kêu gọi người dân Campuchia đoàn kết bảo vệ lợi ích quốc gia cũng như yêu cầu một số quốc gia ngừng phản đối dự án kênh đào này.

Được biết, việc xây dựng dự án kênh đào Phù Nam – nhằm tạo ra tuyến đường thủy có chiều dài 180km, kết nối thủ đô Phnom Penh và 4 tỉnh của Campuchia với biển – dự kiến sẽ bắt đầu vào cuối năm nay. Tổng Công ty Cầu đường Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước đạt được thỏa thuận xây dựng kênh đào này trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Vành đai và Con đường hồi tháng 10. Theo kế hoạch, dự án này sẽ đi vào hoạt động vào năm 2028.

Tiếp thêm những lời tuyên bố của ông Hun Sen, con trai ông, Thủ tướng Hun Manet, hôm 28/4 nói rằng dự án kênh đào Phù Nam Techno không phải vì lợi ích riêng của gia đình nhà “Hun” mà là nhằm mục đích nâng cao phúc lợi của tất cả người dân Campuchia, theo Khmer Times ghi nhận trong một bản tin riêng biệt.

Ông Hun Manet, trong cuộc gặp với hơn 5.000 đại diện của khu vực kinh tế phi chính thức tại Phnom Penh, nói rằng không có trở ngại nào có thể ngăn cản việc xây dựng dự án Phù Nam Techo và khẳng định dự án đã được nghiên cứu kỹ lưỡng trong khoảng 26 tháng.

VOA đã gửi yêu cầu bình luận tới Bộ Ngoại giao Việt Nam trước những tuyên bố của ông Hun Sen và ông Hun Manet.

Theo thông tin của Ủy hội sông Mekong quốc tế được Tuổi Trẻ trích dẫn, phía Campuchia vẫn chưa có thông tin về một số yếu tố kỹ thuật của dự án kênh đào Phù Nam như lưu lượng xả nước hay quy tắc hoạt động trong mùa khô và mùa mưa.

Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt hôm 11/4 nói rằng “Việt Nam rất quan tâm đến dự án kênh Phù Nam Techo và cũng đã đề nghị phía Campuchia phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và Ủy hội sông Mekong quốc tế trong việc chia sẻ thông tin và đánh giá tác động đến công trình này đối với tài nguyên nước và môi trường sinh thái của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.”

Xem  49 bình luận

1. “Hun Sen vừa tuyên bố mạnh mẽ rằng việc xây dựng kênh đào Phù Nam (Funan) Techo sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch, bất chấp những phản đối liên tục của chính phủ Việt Nam, và khẳng định không cần đàm phán với Hà Nội” (trích)

Wow ! Một cái tát tai nẫy lửa dzô mặt khiến Trọng lú tối tăm mặt mũi dzăng … c’t tùm lum ! Đến thằng đàn em mà bây giờ cũng coi khinh VC ra mặt. Ha ha ha !
——-

VOA Tiếng Việt 07-05-2024

Các bài liên quan

Kênh đào Phù Nam-Techo của Campuchia và những tác động đến kinh tế Việt Nam

Funan Techo: Dấu ấn triều đại, tác hại muôn đời?

Kênh Phù Nam-Techo của Campuchia có thể giảm 30-50% lượng nước chảy vào Việt Nam

Dự án Kênh Đào Funan Techo và cách ứng xử giữa Việt Nam và Cambodia

Kênh đào Phù Nam: Việt Nam kêu gọi chia sẻ thông tin, Mỹ lo ngại, Campuchia quyết tâm làm

Phù Nam Techo: ‘Tiên trách kỷ, hậu trách nhân’

Bạn cứ phịa ra một email hoặc tên nào đó để viết ý kiến. Comment của tất cả các bạn đọc sẽ được hiện ra.

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.