24-8-2016
Nguyễn Hữu Thiên An (trái) và Nguyễn Hữu Quốc Duy tại tòa hôm 22/8/2016. Ảnh: Báo Hà Nội Mới.
Mời nghe phần âm thanh:
Phỏng vấn bà Nguyễn Thị Nay
Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa hôm 23 tháng 8 xét xử Nguyễn Hữu Quốc Duy với bản án mà dư luận cho rằng án bỏ túi cùng với sự bắt giam trái phép người theo dõi.
Không những đã giam giữ 11 người từ Sài Gòn ra quan sát, và tham dự phiên tòa mà công an Khánh Hòa còn tùy tiện giam giữ mẹ của Quốc Duy trong suốt thời gian tòa xét xử. Bà Nguyễn Thị Nay kể lại diễn tiến câu chuyện của chính bà:
Công an phường trước đó có tới nói với gia đình tôi là Nguyễn Hữu Quốc Duy, con của ông bà ngày mai ra tòa, ông bà ra dự phiên tòa, công an phường họ nói vậy.
Gia đình chúng tôi gồm có hai vợ chồng tôi và hai đứa con ra tòa nhưng vào cổng tòa không được, công an tứ phía chặn quá đông nên gia đình tôi xin vô tòa thì khởi đầu họ nói có giấy mời không? Không có giấy mời thì không được vô.
Tôi mới nói chúng tôi là ba là mẹ mà cũng không được sao? Thì một công an nói thôi tôi cho ông vô chứ không cho bà vô. Chồng tôi nghe vậy thì ảnh đi vô nhưng tới cổng thì nó không cho ông xã tôi vô nữa nó nói bây giờ tôi không cho ai vô nữa hết khi nào có giấy tòa mời tôi mới cho vô. Tôi đứng ở ngoài tôi nói: trời ơi con tôi bị xử mà sao vợ chồng tôi không được vô?
Khi tôi nói như vậy thì công an nó chặn chung quanh còn công an nữ nó tới quây tôi lại như vách tường. Tôi không biết có phải công an hay là ai mà làm kỳ cục, tôi hỏi chị có phải là công an không, nếu công an thì xưng danh ra còn không phải mà ôm người tôi như vậy chị móc túi tôi hay sao? Lúc đó thì họ dang ra và thằng công an mà bắt con tôi nó thấy tôi móc điện thoại ra để ghi âm thì nó tới nó chụp tay tôi nó đẩy tôi lên xe Jeep của nó.
Lúc đó tôi loạn xạ không biết gì, nó bấm hai tay của tôi bầm như thế này. Nó đưa tôi lên xe Jeep chở về Vĩnh Lương xa tới mười mấy cây số, nó đưa tôi tới công an phường và cho tôi ngồi ở đó. Lúc tôi đói bụng quá thì nó mua bánh mì cho tôi ăn. Nó nói khi tòa xử xong thì bà mới được về.
Mặc Lâm: Trong suốt thời gian Nguyễn Hữu Quốc Duy bị giam giữ bà có được phép thăm gặp Quốc Duy hay không?
Bà Nguyễn Thị Nay: Nó không bao giờ cho tôi được thăm nuôi. Có lần tôi nghe phong phanh con tôi bị nhốt tại Ninh Hòa thì tôi đem đồ ăn ra công an nó nhìn tên nó nói là anh Nguyễn Hữu Quốc Duy không được nhận đồ ăn tại đây, tại trại giam Ninh Hòa. Tôi trở về tỉnh trở về công an tỉnh tôi mới nói là tại sao tôi không được đem đồ ăn ra?
Họ nói bà cứ để đồ ăn tại tỉnh chúng tôi đem ra. Họ nói ở đó không có căng tin tôi không biết mua gì nên chỉ mua mấy bánh tráng, mấy gói mì gói hay chà bông. Tuần nào cũng vậy cháu nó trong suốt 9 tháng tháng nào cũng vậy tôi đều đặn là giấy do phường khóm chứng rồi gửi đồ cho trại giam rồi trại giam gửi cho đồn công an cứ như vậy.
Luật sư bào chữa
Mặc Lâm: Chúng tôi được biết trước đây bà có yêu cầu hai luật sư Võ An Đôn và Nguyễn Khả Thành bảo vệ quyền lợi cho Quốc Duy, không biết lý do gì mà hôm nay luật sư của em lại là ông Phan Bạch Mai?
Bà Nguyễn Thị Nay: Tôi nghe phong phanh con tôi ra tòa tôi lên Viện kiểm sát tôi xin mời luật sư ở ngoài bào chữa con tôi thì họ nói đã có luật sư bào chữa rồi, thằng Duy nó chọn luật sư rồi. Tôi làm cái đơn khiếu nại, tôi nói tại sao con tôi trong trại giam chưa từng biết luật sư nào mà lại biết ông luật sư Bạch Mai này?
Tôi tìm tới nhà ông luật sư Bạch Mai tôi hỏi tại sao ông chưa gặp con tôi mà ông bào chữa thì ổng nói là lúc ổng bào chữa cho một người nơi đó thì thằng Duy nó thấy nó qua nó nhờ bào chữa cho nó.
Tôi mới hỏi anh bào chữa cho con tôi bao nhiêu án phí thì anh ta nói miễn phí. Tôi run quá tôi nói anh bào chữa cho con tôi miễn phí thì tôi rất là sợ. Vì không ai tốt đến nỗi không quen biết mà bào chữa miễn phí cho con tôi cả. Vậy thì anh chính là người của công an đưa tới, tôi khẳng định như vậy. Tôi làm đơn khiếu nại thì chẳng ai trả lời tôi.
Mặc Lâm: Tội danh của Quốc Duy là tuyên truyền chống nhà nước, cụ thể em đã làm gì thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Nay: Nó viết trên mạng cái mặt trái của xã hội nói về những người trong đảng chuyên môn ăn hối lộ, nó có viết như vậy. Nó đưa ra cụ thể những người nào làm việc bao nhiêu năm mà tiền đâu xây nhà 5-10 tỷ? tôi không biết cụ thể nhưng nhiều người đọc trang của nó nói rằng không có gì đáng để nói trong khi người khác viết còn nhiều hơn nữa.
Nó chụp con tôi là nó muốn làm điển hình đề hù dọa người khác. Pháp luật nhà nước như vầy thì sao con tôi nó không chửi cho được? Nó chửi nhà nước giống như mớ giẻ rách. Mấy ổng nói với tôi con bà chửi như vậy thì bà không có quyền gặp nó không có quyền thấy nó.
Mặc Lâm: Cuối cùng xin bà cho biết bản án 3 năm tù cho Quốc Duy theo bà có chấp nhận được không vì nếu theo đúng điều 88 Bộ luật hình sự thì hình phạt cao hơn rất nhiều.
Bà Nguyễn Thị Nay: Chiều nó thả tôi ra tôi về hỏi thăm thì người chung quanh họ nói con tôi bị kết án 3 năm thì tôi rất bức xúc. Con tôi phải trắng án vì luật sư là của công an đưa ra nên tôi rất bức bối vì con tôi không có tội gì hết. Tôi thấy phiên tòa này tôi chưa từng thấy vì con tôi không có tội mà nó cố ghép tội cho con tôi nó cố làm như vậy không cho tôi gặp con tôi.
Mặc Lâm: Xin cám ơn bà.
______
Tự do cho Nguyễn Hữu Quốc Duy
FB Nguyễn Ngọc Như Quỳnh
21-8-2016
Đơn khiếu nại của cô Nguyễn Thị Nay, mẹ TNLT Nguyễn Hữu Quốc Duy. Ảnh: FB Nguyễn Ngọc Như Quỳnh
Sáng thức dậy giữa thành phố xa lạ và nghĩ về Duy, về mẹ của em là cô Nguyễn Thị Nay. Cô Nay từ một người phụ nữ buôn bán, chạy chợ gồng gánh gia đình mỗi ngày, giờ thêm gánh nặng đi tìm công lý cho con.
Trong lá đơn mới nhất gửi TAND và Công an tỉnh Khánh Hoà cô viết: “Hiện con tôi đang bị tạm giam tại trại giam Phước Đồng đang chờ ngày ra toà. Con tôi đã kết thúc hồ sơ điều tra, tôi không hiểu vì sao Công an Điều tra (PA92) tỉnh Khánh Hoà ra lệnh không cho gia đình tôi gặp mặt con tôi tại trại giam Phước Đồng và cũng không được gửi đồ thăm nuôi tại trại giam, chỉ được gửi đồ thăm nuôi tại Cơ quan ANĐT (PA92).
Công an điều tra Phan Bình Dương có nói với tôi là: “Bà có quyền mời luật sư bào chữa cho con bà”. Nhưng khi tôi mời luật sư bào chữa cho con tôi và muốn cho con tôi biết thì công an an ninh không cho tôi báo. Tôi xin được ghi vào giấy gửi đồ thăm nuôi để báo cho con tôi biết là gia đình đã mời luật sư rồi. Nhưng nhiều lần công an điều tra tỉnh Khánh Hoà không cho ghi. Và có nói với tôi: “Nếu bà ghi để báo cho con bà biết thì chúng tôi cũng xoá bỏ tin này”.
Thật không hiểu công an tỉnh Khánh Hoà tài ba là thế, giỏi giang đến vậy mà sợ gì phải bịt đầu này, chặn đường nọ để ngăn cản việc gia đình Duy mời luật sư cho em?!
Cùng với động thái ngăn chặn quyền mời luật sư bào chữa, thì một luật sư khác là LS Phan Bạch Mai lại được sự hỗ trợ của công an để gặp Duy trong trại giam và nhận bào chữa miễn phí?!
Tốt đến thế là cùng nhỉ?!
Tôi biết với trực giác của một người mẹ, những người như cô Nay, như mẹ tôi sẽ không bao giờ bỏ rơi con mình dù gặp bao nhiêu trắc trở.
Thật lòng tôi cảm thấy ngậm ngùi, khi chứng kiến nguyên hệ thống thừa hành luật pháp đối phó với một bà mẹ hết lần này đến lần khác, hết cách này đến cách khác chỉ để người mẹ ấy thừa nhận con mình sai khi bày tỏ tư tưởng trên mạng.
Trường hợp của Duy tuy nhận được sự quan tâm từ lãnh sự quán Hoa Kỳ nhưng tôi biết vẫn chưa đủ, bởi trong mắt nhiều người Duy không phải là một nhà hoạt động.
Tôi nghĩ Duy giống như nhiều người thầm lặng khác. Họ phải đối diện với sự đe doạ, áp bức từ phía công an mà không có ai bên cạnh.
Điều 88 Bộ luật Hình sự nếu hôm nay được sử dụng như một thứ vũ khí mơ hồ để tuỳ tiện bắt giữ Duy thì ngày mai, ngày kia sẽ còn nhiều người bị bắt giữ như vậy.
Phiên toà xét xử Nguyễn Hữu Quốc Duy dự kiến sẽ diễn ra lúc 8h sáng ngày 23/8/2016 tại Toà án Nhân dân tỉnh Khánh Hoà, số 2 đường Phan Bội Châu, p.Xương Huân tới đây.
Để Duy không cô đơn, tôi nhất định sẽ có mặt để em biết rằng dù có thế nào tôi vẫn đồng hành cùng em trên con đường tranh đấu cho quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ.
Tự do cho Nguyễn Hữu Quốc Duy chính là tự do cho tôi và cho nhiều người khác!

Những dòng chữ (báo cho con biết đã mời được luật sư) đã bị xóa. Ảnh: FB Nguyễn Ngọc Như Quỳnh
______
Gửi cho Duy một tấm lòng
Phạm Thanh Nghiên
16-8-2016
Kêu gọi trả tự do cho Nguyễn Hữu Quốc Duy. Ảnh: DLB
“Chúng ta đấu tranh để loại bỏ điều 88 BLHS nhưng có những người bị bắt giam theo điều 88 đang bị chúng ta dần lãng quên…” – Tôn Nữ Khiêm Cung. Người “đang bị chúng ta dần lãng quên” mà cô gái trẻ Tôn Nữ Khiêm Cung nhắc đến là Nguyễn Hữu Quốc Duy, một thanh niên Khánh Hòa đang bị giam giữ trong tù hơn 9 tháng nay.
Đầu đuôi câu chuyện thế này: Cậu thanh niên Nguyễn Hữu Thiên An bị tình nghi là đã xịt sơn chữ “ĐMCS” lên tường trụ sở công an phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang. Thế là sau đó An bị công an bắt.
Khi An bị bắt, thì Duy -anh họ của An -cũng bị công an Khánh Hòa sách nhiễu, khủng bố, gây khó khăn như câu lưu, đe dọa, thu giữ tài sản…
Sau hơn một tháng trời không có tin tức của An, Duy vì thương em, và vì yêu lẽ phải nên mới đi tìm công lý cho An. “Tìm công lý” trong khả năng của Duy khi ấy, là lên mạng công khai quan điểm bênh vực cho An, và nhờ người đưa tin, lên tiếng cho em họ mình. Sở dĩ phải “nhờ người đưa tin, lên tiếng” vì theo nhận định của Facebookee Tôn Nữ Khiêm Cung thì Duy “không thuộc phe phái, không tổ chức, không được ai biết đến và không có sức ảnh hưởng” trong giới tranh đấu.
Rồi Duy cũng bị bắt. Các hành vi bị cho là “chống nhà nước CHXHCNVN” của Duy là công khai lên án những sai trái, bất công với một thái độ còn dè dặt, và … động chạm đến nhân quyền. Nếu coi tất cả những việc làm đó là có “tội”, thì tội của tôi và của nhiều người khác còn tày đình hơn tội của Duy nhiều.
Vụ bắt giữ Duy là một trong những trường hợp điển hình của nạn bắt giữ tùy tiện. Cái gọi là luật pháp đã bị công an Khánh Hòa coi là trò chơi và không quá lời khi nói “Công Lý chỉ là một anh hề” để miêu tả cho vụ việc này. Chỉ có điều, màn hài kịch không có tiếng cười, thay vào đó là một phận người bị định đoạt, một bà mẹ tuyệt vọng và một gia đình bị xáo trộn.
Bản tin Mạng Lưới Blogger Việt Nam tiếp xúc với đại diện Lãnh sự quán Hoa Kỳ đưa ra hôm 08/01/2016 có nhắc đến trường hợp của Nguyễn Hữu Quốc Duy như sau: “Một công an đã thông báo miệng với gia đình rằng anh Duy bị bắt vì “sử dụng Facebook vi phạm pháp luật vì tuyên truyền chống phá nhà nước theo điều 88”.
Người thân và gia đình Duy không nhận được bất kỳ văn bản nào về việc bắt giữ người ngoài lệnh miệng. Hai tuần sau khi con trai bị bắt, bà Nguyễn Thị Nay đã đến công an chất vấn, yêu cầu phải có các văn bản liên quan đến việc bắt Nguyễn Hữu Quốc Duy thì phía công an mới cung cấp cho bà giấy khám nhà và lệnh bắt.”
Chi tiết này làm tôi nhớ đến mẹ mình. Hồi tôi bị bắt, mẹ tôi- khi ấy đã 70 tuổi- phải gõ cửa hết chỗ này đến chỗ khác để tìm con mình, xem tôi bị giam ở đâu. Khi biết tôi ở Trần Phú, mẹ tôi lại tiếp tục chặng đường đòi quyền được tiếp tế cho con. Tôi đã mong biết bao nhiêu cái ngày ra tòa, và trông đợi chuyến chuyển trại để được gặp mẹ mình. Tôi từ chối kháng án cũng là để được gặp mẹ tôi sớm hơn. Vả lại tôi nghĩ, mình không có tội, không nhận tội thì dù có ra tòa phúc thẩm, cũng y án mà thôi.
Sau này, tôi đã rất ân hận vì có lần trách mẹ mình về việc bà không thông báo cho công luận biết chuyện tôi tuyệt thực trong tù. Tôi tuyệt thực ba lần, để tranh đấu cho quyền lợi chính đáng của những người tù khác. Không phải mẹ tôi không muốn. Bà không biết phải liên lạc hay thông báo với ai, lên tiếng ở đâu để hỗ trợ cho con mình.
Bây giờ, tôi coi việc phải chống chọi một mình trong những cơn nguy khốn trên bước đường đấu tranh không những là cách để mình trưởng thành, mà coi đó là cơ hội để chinh phục thử thách. Nhưng tôi không thoát khỏi cảm giác ngậm ngùi và tủi thân cho Duy (mặc dù chưa chắc Duy đã thích điều ấy) khi cảm nhận rằng vì lý do nào đó, Duy ít được nhắc đến. Tôi, Nguyễn Hữu Quốc Duy, Nguyễn Hữu Thiên An hay bất cứ ai cũng không có quyền, không có tư cách đòi hỏi người khác quan tâm đến mình. Nhưng trên phương diện của một người tranh đấu cho lẽ phải, lên tiếng cho một người bị đối xử bất công, cũng là việc nên làm. Nguyễn Hữu Quốc Duy đã làm được điều đó, và hiện người thanh niên ấy đang phải trả giá cho hành động đẹp đẽ của mình.
Tôi và Duy có nhiều điểm chung như cùng bị bắt ở tuổi 30, cùng bị buộc tội “chống nhà nước”. Và đáng hãnh diện hơn, tôi và Duy đều có người mẹ hết lòng bênh vực, bảo vệ và ủng hộ cho lý tưởng của con mình. Khác là, nếu coi việc nhận được nhiều sự đồng cảm và sẻ chia là điều may mắn, thì tôi may mắn hơn Duy.
Trong một lá thư gửi cho tôi, nhạc sĩ Đình Đại đã viết: “trừng phạt lớn nhất đối với người có tội chính là sự cầm tù. Và tội ác lớn nhất cũng chính là sự cầm tù những người vô tội.”
Tôi, và những người yêu lẽ phải đều tin rằng Nguyễn Hữu Quốc Duy vô tội. Tôi không làm được gì để giúp Duy, giúp cô Nay, nhưng cũng xin hướng về em như một niềm an ủi để sau này khi trở về, em biết rằng em không cô đơn.