Trần Hoàng Blog

Archive for Tháng Mười Hai 24th, 2013

►Công an thuê người mua dâm “diễn kịch” để bắt chủ nhà nghỉ?

Posted by hoangtran204 trên 24/12/2013

21-12-2013

Báo doisongphapluat.com

Bị Tòa Án Nhân Dân huyện Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên) kết án 3 năm tù về tội “Chứa mại dâm”, bị cáo Bùi Thị Tình kêu oan cho rằng mình không chứa mại dâm nhưng vẫn bị khép tội.

Trước đó, người mua dâm đã khai trước tòa việc họ được công an dùng tiền thuê “diễn kịch” để bắt chủ nhà nghỉ chứ họ không mua dâm, chủ nhà nghỉ cũng không chứa mại dâm và xuất trình cả băng ghi âm giữa họ và công an thỏa thuận về việc này.

Vậy đâu là bản chất sự việc, có hay không việc dàn dựng chuyện mua dâm khiến chủ nhà nghỉ bị hàm oan?

Phạm tội quả tang, vẫn uẩn khúc

Theo hồ sơ vụ án, khoảng 16 giờ 35 ngày 25/9/2012, Công an huyện Phổ Yên (Thái Nguyên) đã bắt quả tang tại phòng 202, Nhà nghỉ Thùy Linh có đôi nam nữ đang hoạt động mua bán dâm. Danh tính người mua dâm là Nguyễn Văn Dũng, nhân chứng là Nguyễn Văn Cường, còn người bán dâm được xác định là Nguyễn Thị S., cùng với tên tuổi, địa chỉ cụ thể.

Các đối tượng khai họ đến nhà nghỉ, đặt vấn đề mua dâm với Bùi Thị Tình. Khi Dũng và S. đang chuẩn bị mua bán dâm thì công an ập vào bắt quả tang. Từ những lời khai trên, chủ nhà nghỉ Bùi Thị Tình bị bắt giam, khởi tố về hành vi “Chứa mại dâm”.

Ngay từ khi bị bắt, bị cáo Bùi Thị Tình đã kêu oan cho rằng chỉ cho 3 thanh niên kia thuê phòng chứ không biết, không thỏa thuận việc chứa mại dâm. Ông Hoàng Quốc Tuấn (chồng bà Tình) là người liên quan trong vụ án cho biết: khi công an đọc biên bản với nội dung là bắt quả tang đôi nam nữ trên phòng 202, tang vật thu giữ gồm có tiền mặt và bao cao su nhưng không nói rõ đôi nam nữ đang làm gì trong phòng.

Nghi ngờ đây là “màn kịch” dàn dựng để kết tội oan cho bà Bùi Thị Tình, gia đình đã mờiluật sư vào cuộc. Khi các luật sư tiến hành xác minh nhân thân, hộ khẩu thường trú của 4 người mua, bán dâm thì kết quả không có ai tên là Nguyễn Văn Dũng (người mua dâm) và Nguyễn Văn Cường (nhân chứng) có địa chỉ như trong hồ sơ vụ án.

Sau đó, Công an huyện Phổ Yên thừa nhận đã “bé cái nhầm” và xin xác định danh tính người mua dâm là Đặng Ngọc Duy (SN 1995, trú tại Phố Cò, TX. Sông Công) trước đây khai là Dũng; và nhân chứng là Dương Văn Trường (SN 1989, trú tại Đắc Sơn, Phổ Yên), trước đây khai là Cường.

Động trời nghi án oan sai?

Tại phiên tòa sơ thẩm bị hoãn vào ngày 29/3/2013, Đặng Ngọc Duy và Dương Văn Trường bỗng khai nhận: Họ được điều tra viên Nguyễn Văn Ng. trả tiền thuê họ giả vờ mua dâm để công an bắt chủ nhà nghỉ, chứ họ không mua dâm, mà bà Tình cũng không chứa mại dâm. Duy và Trường còn khai, nội dung lời khai của họ tại cơ quan điều tra đều do cán bộ điều tra hướng dẫn. Điều đáng nói, khi bị công an “dụ dỗ” giả vờ mua dâm, Duy mới 17 tuổi.

Sau đó, Duy và Trường còn có bản tường trình gửi đến cơ quan chức năng và ngôn luận về việc điều tra viên đã dùng tiền thuê họ giả vờ mua dâm để bắt bà Tình. Hai người này cũng giao nộp một băng ghi âm với nội dung cuộc thỏa thuận của Điều tra viên về việc “diễn kịch” dẫn đến án oan.

Trong băng ghi âm có đoạn bị tố là lời của điều tra viên Nguyễn Văn Ng. trấn an Duy khi Duy sợ diễn kịch giả nhưng phải ra tòa thật: “Chúng ta đang diễn kịch mà em, chứ có phải chúng ta ra hầu tòa đâu. Ra ngoài tòa, ông quan tòa cũng là người nhà mình. Quan tòa là ông Sửu – Phó Chánh án chứ gì? Ba anh em: kiểm sát, tòa án, công an sẽ là người một nhà với anh em mình đây.

Ý người ta hỏi là theo ý của mình rồi, cứ trả lời khẳng định ngày tháng ấy tôi đến nhà nghỉ ấy, rồi bị bắt. Chỉ có thế thôi. Còn luật sư hỏi thì bảo tôi khai hết với cơ quan điều tra rồi, đề nghị tòa công bố lời khai cho luật sư biết…”.

Luật sư của bị cáo Tình yêu cầu giám định xem giọng nói có phải của Điều tra viên Nguyễn Văn Ng. như tố cáo hay không, nhưng tòa không làm rõ được nội dung này. Cần khẳng định rõ, kể cả trường hợp công an sử dụng biện pháp nghiệp vụ nhưng nếu bị cáo đồng ý chứa mại dâm thì việc truy tố, xét xử là hoàn toàn đúng pháp luật.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là không đủ căn cứ khẳng định bị cáo Tình chứa mại dâm. Tuy nhiên, dù chứng cứ còn nhiều mâu thuẫn nhưng ngày 30/9/2013, bị cáo Bùi Thị Tình vẫn bị kết án 3 năm tù giam về tội “Chứa mại dâm”. Bị cáo và gia đình đã kháng cáo kêu oan, hy vọng những uẩn khúc sẽ được làm sáng tỏ trong phiên tòa phúc thẩm sắp tới.

Theo Báo Pháp Luật Việt Nam

————————————————–

Trần Hoàng: Trên đây là một trong những hậu quả của một nhà nước không có tam quyền phân lập. Chánh án và viện kiểm sát đều  sợ hãi phía công an. Viện kiểm sát có quyền lực truy tố tội hoặc không truy tố tội phạm, nhưng qua bản án này cho thấy họ sợ quyền lực của công an. Chánh án có quyền không tuyên án nếu xét thấy bị cáo bị gài bẩy, các nhân chứng đều là giả…Nhưng thực tế qua bản án này cho thấy chánh án  sợ công an, và phải hùa theo phe với công an. Lý do là về mặt đảng, công an được đảng tin tưởng hơn và bộ trưởng công an bao giờ cũng là ủy viên bộ chính trị. Trong khi viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao, chánh án tòa án tối cao  chỉ là các ủy viên trung ương đảng. 

Các blogger đấu tranh cho tam quyền phân lập là đúng. Nhưng sẽ không đi tới đâu vì cơ chế của đảng như đã nói ở trên: cả ba cơ quan viện kiểm sát, tòa án, công an đều cùng chung một đảng và dưới sự chỉ đạo của đảng CSVN. Trong đó, về mặt đảng, công an có quyền lực cao hơn hai cơ quan kia.  Ngày nào còn cơ chế này, thì ngày đó không có tam quyền phân lập. Hậu quả là người dân không được bảo vệ, bị bắt và nhốt tù tùy tiện. 

Trong bản án trên, nếu có quyền tự do ngôn luận, các phóng viên có quyền đưa tin trên trong lúc điều tra, xử án, thì công an không dám lộng quyền, và nạn nhân không bị án oan sai, không phải ở tù. 

Bằng cách này hay cách  khác, các bạn phải đấu tranh để thay đổi tình trạng hiện nay nếu các bạn không muốn bị rơi vào tình cảnh trên. Phải tranh đấu nếu muốn cuộc sống có hạnh phúc. Hiện nay, dù cả hai vợ chồng có việc làm, thì dù làm 20-30 năm, đa số cũng không thể mua được nhà riêng mà phải sống chung một nhà với cha mẹ, nhà cửa đông đúc chật hẹp, rồi bực bội mà sinh ra gây gỗ nhau. Nếu có nhà và có con cái, các bạn cũng phải đấu tranh nếu muốn cho con cái được học hành trong điều kiện có giáo dục tốt, không bị nhồi nhét chính trị như hiện nay, học sinh ngoài thời gian đi học ở trường mà khi về nhà còn phải đi hoc thêm cả ngày, không có thời gian vui chơi với cha mẹ, bạn bè suốt cả hơn 12 năm đi hoc. Đa số học xong ra trường thì không có việc làm…Như vậy cuộc sống còn gì gọi là vui vẻ? 

Kết quả của tất cả tình trạng xã hội, giáo dục, y tế, đời sống ở VN trong 38 năm qua là do chính quyền độc đảng cai trị, do những người điều hành chính phủ đều là bọn học lực quá thấp kém. Từ Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Nguyễn Tấn Dũng không ai học qua lớp 6, vậy mà dám đứng ra lãnh đạo đất nước và bọn này quyết định hết mọi việc. 

Trong 7 năm qua, các blogger đã ý thức được tình trạng đất nước và biết phải làm gì để có sự thay đổi.  Nhiều nhóm đòi hỏi tự do ngôn luận tức là đòi hỏi quyền tự do in ấn, xuất bản sách báo, ấn phẩm, đòi hỏi  có báo chí tư nhân, các tin bài viết lên báo không phải thông qua chế độ biên tập, hay bị cắt xén, duyệt bài trước khi đăng. Đấu tranh để có nhà xuất bản tư nhân có Nhà Xuất Bản Giấy Vụn của Bùi Chát, Khúc Duy, Lý Đợi, Trần Văn Hiến, Hoàng Long và Nguyễn Quán và nhiều người khác đang tiếp bước. Đấu tranh để đòi hỏi quyền đưa tin, bình luận, ra báo tư nhân có ban biên tập anh ba sam, và nhiều nhóm khác và nhiều blogger khác.

Thời gian gần đây, các blogger phát động đấu tranh đòi hỏi nhân quyền hay quyền con người, nhóm khác thì thành lập xã hội dân sự (tức là đòi hỏi quyền tự do lập hội)…Bằng cách này hay cách khác, các bạn nên gia nhập để góp phần vào sự thay đổi tình trạng hiện nay ở VN. 

Công an dàn dựng án ‘chứa mại dâm’ 
Monday, December 23, 2013 3:29:53 PM 

HÀ NỘI 23-12 (NV) .- Báo chí Việt Nam vừa đồng loạt nêu những nghi vấn về chuyện công an dàn dựng vụ án “chứa mại dâm” để đẩy bà Bùi Thị Tình vào tù. Vụ án này được xem như một oan án.

 

Bà Bùi Thị Tình tại phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 3 năm 2013. Bà Tình vẫn đang bị giam và người ta chưa rõ bà có được giải oan trong phiên tòa phúc thẩm, chưa biết khi nào sẽ xử, hay không. (Hình: Đời sống và Pháp luật)

Bà Bùi Thị Tình là chủ nhà nghỉ Thùy Linh, tọa lạc ở huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.

Chiều 25 tháng 9 năm 2012, công an ập vào nhà nghỉ này và “bắt quả tang” một cặp trai gái đang “mua bán dâm”. Dựa trên lời khai của người mua dâm là Nguyễn Văn Dũng và nhân chứng là Nguyễn Văn Cường, công an bắt bà Tình vì đã “chứa mại dâm”. Bà Tình bị Tòa án huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên phạt ba năm tù.

Suốt quá trình điều tra và tại Tòa, bà Tình không nhận tội, đồng thời liên tục kêu oan. Nhưng không có bất kỳ viên chức nào của Viện Kiểm sát và Tòa án đếm xỉa đến những lời kêu oan của bà.

Vụ án “chứa mại dâm” liên quan tới bà Tình bị coi là đáng ngờ vì có khá nhiều dấu hiệu cho thấy công an cố tình dàn dựng ra vụ án này để bắt bà Tình.

Ví dụ, các luật sư bảo vệ bà Tình phát giác, Nguyễn Văn Dũng (người mua dâm) và Nguyễn Văn Cường (nhân chứng) – những nhân vật mà công an sử dụng lời khai để bắt bà Tình, rồi Viện Kiểm sát, Tòa án dựa trên những lời khai đó để cáo buộc, kết tội bà Tình đều có lai lịch giả (tên, tuổi, địa chỉ của hai nhân vật này đều do công an ngụy tạo).

Đến lúc đó, công an huyện Phổ Yên mới “đính chính”. Theo “đính chính” này thì Nguyễn Văn Dũng tên thật là Đặng Ngọc Duy và Nguyễn Văn Cường tên thật là Dương Văn Trường.     

Chưa kể, tại Tòa, cả Đặng Ngọc Duy lẫn Dương Văn Trường cùng thú thật, một Điều tra viên đã trả tiền cho cả hai để cả hai cùng giả vờ mua dâm cho công an có cớ bắt bà Tình chứ họ không hề có ý định mua dâm. Duy và Trường còn kể thêm là Điều tra viên đã hướng dẫn cả hai cặn kẽ về việc khai như thế nào, lời khai ra sao để bà Tình phải ở tù.

Thậm chí, cả hai còn nộp một cuộn băng ghi âm cuộc nói chuyện giữa cả hai với Điều tra viên, trong đó, Điều tra viên cam kết, chỉ nhờ họ giúp để bắt và kết tội bà Tình, đồng thời cả hai sẽ không bị gọi ra Tòa. Nếu có ra Tòa thì cả thẩm phán lẫn kiểm sát viên giữ vai trò công tố “đều là người nhà nên chẳng có gì phải lo”.

Ngoài ra, còn một chi tiết khác khiến công chúng thêm phẫn nộ là khi được công an dụ dỗ giả vờ mua dâm để bắt bà Tình, Đặng Ngọc Duy chưa thành niên. Thế nhưng cả Viện Kiểm sát lẫn Tòa án cùng gạt hết tất cả những chi tiết, diễn biến  vừa kể để xác định bà Tình “chứa mại dâm” để kết án bà.

Vụ án Bùi Thị Tình “chứa mại dâm” chỉ là một trong gần 20 vụ án có dấu hiệu oan án mà trong vài tháng qua, sau khi oan án đối với ông Nguyễn Thanh Chấn được giải, báo chí Việt Nam mới xới lại.

Năm 2003, ông Nguyễn Thanh Chấn bị cáo buộc giết một người hàng xóm, dù ông liên tục kêu oan và có nhiều nhân chứng, bằng chứng cho thấy ông vô tội nhưng hệ thống tư pháp CSVN không thèm ngó ngàng tới. Ông Chấn bị phạt chung thân và ở tù suốt mười năm qua. Mãi tới gần đây, vì gia đình hung thủ có mâu thuẫn, thân nhân ông Chấn mới tìm ra thủ phạm và thủ phạm đã đầu thú. Ông Chấn được trả tự do, trở về nhà khi vợ đã hóa điên do tuyệt vọng, bốn đứa con phải bỏ học nửa chừng vì đói nghèo.  

Trước sự phẫn nộ của công chúng đối với hệ thống tư pháp của chế độ, tháng trước Quốc hội CSVN phải ban hành một nghị quyết, yêu cầu kiểm tra lại toàn bộ những bản án với hình phạt từ 20 năm tới tử hình mà hệ thống tòa án đã tuyên. Tuy nhiên đến nay, chưa có oan án nào được giải.(G.Đ)

Posted in Bắt bớ-Tù Đày-Đánh đập-Đàn Áp, Dân Chủ và Nhân Quyền | Leave a Comment »

►Hàng nghìn người đập phá công ty Vinaxuki phản đối thu hồi đất

Posted by hoangtran204 trên 24/12/2013

Hàng nghìn người đập phá công ty Vinaxuki phản đối thu hồi đất

17-12-2013

phanhamay

Hàng nghìn người dân xã Tiền Phong (huyện Mê Linh, Hà Nội) đã quây kín nhà máy ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) dùng gạch ném, thậm chí đốt nhà kho của công ty vì không đồng ý với phương án đền bù, giải phóng mặt bằng mở rộng nhà máy.

Cổng chính của nhà máy bị phá hỏng.

Sự việc bắt nguồn từ việc một số hộ dân trong xã không đồng ý với mức tiền đền bù, giải phóng mặt bằng phục vụ dự án mở rộng nhà máy ô tô Xuân Kiên. Đồng thời, nhiều người còn phản đối nhà máy này, cho rằng nhà máy hiện tại gây ra nhiều tiếng ồn và xả nước thải độc hại ra môi trường.

Sáng 17/12, khi UBND huyện tổ chức cưỡng chế thu hồi đất của các hộ thôn Do Thượng có đất trong dự án, rất đông người dân trong xã đã tụ tập, ngăn cản không cho máy xúc vào giải phóng mặt bằng.

Một số người đã dùng túi nước bẩn, gạch đá ném vào những người tổ chức cưỡng chế. Hàng nghìn người đứng chật kín đường dẫn từ đường cao tốc Thăng Long – Nội Bài vào xã Tiền Phong. Cột điện và các thân cây được kéo đến, chắn ngang đường, ngăn cách toàn bộ con đường khu vực trước cổng nhà máy.

Đã có xô xát giữa lực lượng chức năng và những người dân quá khích.

Sự việc trở nên thực sự trở nên căng thẳng vào đầu giờ chiều khi một số người tung tin rằng có 2 người đã thiệt mạng trong cuộc xô xát. Hàng trăm người đã ồ ạt ném gạch vào trong công ty. Nhiều người còn dùng cây gỗ to phá tường rào xung quanh, xông vào khu nhà kho của công ty châm lửa đốt.

Ngọn lửa bùng lên nhanh chóng, lan rộng, thiêu rụi toàn bộ khu nhà kho rộng hàng ngàn mét vuông. Các công nhân, nhân viên của công ty dùng vòi phun nước và các bình chữa cháy dập lửa nhưng không thể ngăn nổi ngọn lửa ngày càng bùng mạnh. Một ngôi nhà 2 tầng sát công ty cũng bị những người quá khích châm lửa đốt cháy trơ khung. Hơn chục chiếc ô tô trong kho bị thiêu rụi. Theo phản ánh của lãnh đạo công ty Xuân Kiên thì số ô tô này chủ yếu là của khách mang đến bảo dưỡng.

Sau khi tăng cường lực lượng an ninh, tình hình được ổn định hơn. Một số người đã bị bắt tạm giam.

Nhà kho bị thiêu rụi, hàng chục ô tô chỉ còn trơ khung.

Đến sáng 18/12, khu vực trước cổng nhà máy ô tô Xuân Kiên vẫn có hàng trăm người tụ tập, chửi bới. Tuy nhiên, lực lượng cảnh sát được tăng cường tối đa, bảo vệ toàn bộ các lối vào nhà máy nên không còn việc người dân ném gạch đá vào bên trong nữa.

Làm việc với UBND xã Tiền Phong để tìm hiểu nguyên nhân vụ việc, ông Vũ Văn Dương – Phó Chủ tịch xã phụ trách kinh tế – chỉ nói là do người dân không đồng ý với phương án đền bù giải phóng mặt bằng. Còn nội dung cụ thể của dự án mở rộng nhà máy ô tô Xuân Kiên và các phương án đền bù ông nắm không rõ.

Ông Dương cũng không cung cấp được cho phóng viên quyết định thu hồi đất cũng như quyết định cưỡng chế thu hồi đất của các hộ có đất trong dự án. Những quyết định trên, theo ông Dương thì phải lên huyện chứ “xã không nắm được”.

Hiện các cơ quan chức năng đang tiếp tục xử lý để ổn định tình hình.

Tiến Nguyên – Báo Mới

Posted in Cướp đất và chiếm đoạt tài sản của dân | Leave a Comment »