Trần Hoàng Blog

Archive for Tháng Mười 6th, 2010

Nguyễn Xuân Phước – Bàn về khái niệm “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” của người cộng sản Việt Nam

Posted by hoangtran204 trên 06/10/2010

Tác giả: Nguyễn Xuân Phước

07/10/2010

Để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long

Tại sao phải đặt lại vấn đề “Tổ quốc”

“Tổ quốc” là một khái niệm rất quen thuộc trong ngôn ngữ Việt Nam. Đại tự điển tiếng Việt[1] định nghĩa “Tổ quốc” là “Đất nước, gắn liền với bao thế hệ ông cha, tổ tiên của mình: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tổ quốc Việt Nam của chúng ta.”

Vấn đề tưởng như rất đơn giản nhưng lại không đơn giản!

Từ khi chủ nghĩa cộng sản Mác-Lênin du nhập vào Việt Nam, khái niệm “Tổ quốc” được hiểu một cách hoàn toàn khác với lối hiểu thông thường.

Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định khái niệm “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” như sau:

Từ khi Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập, nhân dân Việt Nam ta luôn hướng về Liên Xô, đất nước của Lênin vĩ đại và coi Liên Xô là Tổ quốc của cách mạng, Tổ quốc thứ hai của mình[2].

Quan điểm này được những người cộng sản Việt Nam coi là nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh về Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Trong truyền thống đó, ông Nguyễn Phú Trọng, GS TS Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, nhận định về khái niệm “Tổ quốc” như sau:

Khái niệm bảo vệ Tổ quốc cũng được xác định đầy đủ hơn: bảo vệ Tổ quốc không chỉ là bảo vệ lãnh thổ, biên giới, hải đảo, vùng trời, vùng biển mà còn là bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân; bảo vệ kinh tế, văn hóa dân tộc, bảo vệ sự nghiệp đổi mới…[3]

Vì Nguyễn Phú Trọng là nhân vật quan trọng trong giới lãnh đạo Đảng CSVN, chúng ta cần giải mã và làm sáng tỏ khái niệm “Tổ quốc” mà Hồ Chí Minh đã rao truyền; đồng thời xét đến những hệ lụy từ việc định nghĩa “Tổ quốc” mà không có “ông cha, tổ tiên của mình” qua khái niệm “bảo vệ Tổ quốc” đã được “xác định đầy đủ hơn” của Nguyễn Phú Trọng.

Khái niệm “Tổ quốc” của người cộng sản

Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản Marx tuyên bố là “người vô sản không có tổ quốc”.[4] Nhưng sau Cách mạng tháng Mười năm 1917, dưới sự lãnh đạo của Lenin, Đảng Cộng sản thiết lập chính thể Sô-viết tại Nga, và Lenin đã bổ sung ý niệm “người vô sản không có tổ quốc” của Marx bằng khái niệm “tổ quốc xã hội chủ nghĩa”. Có nghĩa là từ khi có Cách mạng tháng Mười, người vô sản mới có được “Tổ quốc”, đó là Liên Xô.

Lenin giải thích khái niệm Tổ quốc như sau:

Tổ quốc là một sản phẩm cần thiết, và mô hình không tránh được, trong thời đại phát triển xã hội của giai cấp tư sản. Giai cấp công nhân không thể lớn mạnh, không thể trưởng thành, không thể tập trung sức mạnh, trừ khi “họ xây dựng họ thành một “Tổ quốc”, mà không trở thành dân tộc [national] (dù không phải theo ý nghĩa của giai cấp tư sản).[5]

Tổ quốc xã hội chủ nghĩa theo Lênin là tổ quốc của người vô sản ở khắp nơi trên thế giới, không gắn liền với đất đai của tổ tiên cha ông và không chấp nhận sự tồn tại của các giai cấp khác trong xã hội.

Theo trung tướng PGS, TS Nguyễn Tiến Bình thì:

Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười đã dẫn đến sự ra đời của Tổ quốc XHCN – một Tổ quốc kiểu mới trong lịch sử nhân loại được đặc trưng bởi chế độ xã hội XHCN, trong đó giai cấp công nhân và nhân dân lao động làm chủ xã hội đồng thời làm chủ Tổ quốc.[6]

Tổ quốc xã hội chủ nghĩa này đã phủ định khái niệm Tổ quốc kiểu cũ, là loại Tổ quốc của giai cấp tư sản luôn luôn gắn đất nước, gắn liền với bao thế hệ ông cha, tổ tiên của mình.

Mâu thuẫn về “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”

Trung thành với hai tổ quốc không phải là điều khó. Khó là khi quyền lợi của hai tổ quốc đó mâu thuẫn với nhau.

Trường hợp mâu thuẫn giữa Liên Xô và Trung Quốc là một bài học đáng để ý.

Sau khi cướp chính quyền ở lục địa Trung Hoa, Mao sớm hiểu rõ khái niệm “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” của Liên Xô chỉ là cái bánh vẽ. Mao thấy được âm mưu của Liên Xô dựa vào khối XHCN để trở thành một đế quốc mới. Do đó, Mao không ngần ngại vứt khái niệm “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” của Lenin vào sọt rác, quay ra chống lại Liên Xô và tố cáo Liên Xô theo chủ nghĩa Sô-vanh nước lớn để áp chế các nước nhỏ. Mâu thuẫn giữa hai nước đàn anh XHCN đã đưa đến những đụng độ biên giới đẫm máu từ 1959 và kéo dài cho đến ngày tàn của Liên Xô năm 1991.

Trường hợp của Đảng CSVN và Trung Quốc cũng là một bài học đáng để ý.

Trong thời gian tranh chấp giữa Trung Quốc và Liên Xô, do nhu cầu tiếp nhận viện trợ của cả Liên Xô và Trung Quốc để phục vụ chiến tranh nên Đảng CSVN phải cố gắng đi dây giữa hai lằn đạn, thân thiện với cả hai bên cho đến khi chiến tranh chấm dứt.

Sau năm 1975, Đảng CSVN quyết định đi hẳn vào quĩ đạo Liên Xô và quay mặt chống Trung Quốc. Hậu quả là Việt Nam bị sa lầy vào chiến trường Campuchia khi Trung Quốc gia tăng viện trợ cho Pol Pot để chống lại tập đoàn Hunsen do Việt Nam bảo hộ. Đồng thời Trung Quốc mở cuộc chiến biên giới Việt-Trung năm 1979, để dạy cho Đảng CSVN một bài học về thái độ phản trắc của Việt Nam.

Tái xây dựng “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” sau khi Liên Xô sụp đổ

Sự phá sản toàn diện của Liên Xô năm 1991 là một biến cố bất ngờ đối với Đảng CSVN.

Trong những giây phút hấp hối của Tổ quốc xã hội chủ nghĩa Liên Xô, Đảng CSVN đã tìm đến kẻ cựu thù là Trung Quốc để tìm cách bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Trong buổi họp của Bộ Chính trị ngày 10/4/1990 với sự hiện diện của Nguyễn Văn Linh, Lê Đức Anh, Đào Duy Tùng, Đồng Sĩ Nguyên, Đảng CSVN đã thấy rằng con đường duy nhất để cứu vãn tổ quốc xã hội chủ nghĩa là phải liên kết với Trung Quốc.[7]

Nhưng làm thế nào Đảng CSVN có thể liên kết với Trung Quốc với một hiến pháp ghi đích danh Trung Quốc là kẻ thù của dân tộc? Xin thưa, phải tự tạo ảo tưởng.

Cái ảo tưởng đó được Trần Quang Cơ, cựu Thứ trưởng Ngoại giao, giải thích như sau:

Ta đã tự tạo ra ảo tưởng là Trung Quốc sẽ giương cao ngọn cờ CNXH, thay thế cho Liên Xô làm chỗ dựa vững chắc cho cách mạng Việt Nam và chủ nghĩa xã hội thế giới.[8]

Nói theo ngôn ngữ của Hồ Chí Minh, chiến lược bảo vệ chủ nghĩa xã hội thế giới của Bộ Chính trị Đảng CSVN thời điểm 1990 là Trung Quốc sẽ thay thế Liên Xô để làm “Tổ quốc thứ hai” của người cộng sản Việt Nam. Nhưng từ năm 1950 Trung Quốc đã không còn tin vào “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” của Liên Xô. Và sau khi thành công với bốn hiện đại hoá, Trung Quốc trở thành một ác quỉ ở Á châu.

Hậu quả của cái ảo tưởng ôm lấy một con ác quỉ để làm chỗ dựa vững chắc cho cách mạng Việt Nam và chủ nghĩa xã hội thế giới đã đem lại bao nhiêu thảm hoạ cho dân tộc Việt Nam.  Với thái độ hèn nhát thần phục Bắc Kinh, Đảng CSVN đã mở đường cho Trung Quốc ào ạt chiếm đất chiếm biển của Việt Nam qua những hiệp định phân chia biên giới, hiệp định Vịnh Bắc Bộ năm 2000, và cuộc xâm lăng quân sự trên biển Đông Nam Á để chiếm Hoàng Sa và Trường Sa. Trung Quốc trắng trợn bắn giết ngư phủ Việt Nam ngoài khơi Quảng Nam, Quãng Ngãi, thiết lập tô giới Bauxite tại Tây Nguyên, khai thác hàng ngàn hécta rừng ở các tỉnh biên giới, và ngang nhiên thiết lập các làng mạc Trung Quốc tại Việt Nam.

Vài suy nghĩ

1. Từ “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” đến “Đề cương văn hoá” 1943

“Đề cương văn hoá” năm 1943 là văn kiện quan trọng đầu tiên của Đảng CSVN do Trường Chinh soạn thảo và được coi là kim chỉ nam định hướng cho cuộc cách mạng xã hội tại Việt Nam dưới “ánh sáng” của tư tưởng Mác-Lênin. Luận về Tính chất của nền văn hóa mới Việt-nam, Trường Chinh viết như sau:

Văn hóa mới V. N. do đảng C. S. Đ. D. lãnh đạo chủ trương chưa phải là văn hóa xã hội chủ nghĩa hay văn hóa Xô-viết (như văn hóa Liên xô chẳng hạn)[9]

Cụm từ chưa phải là phải được hiểu là tình trạng chưa thành hình của một cái gì sẽ thành trong tương lai. Văn hoá mới là khởi điểm và văn hoá Sô-viết là đích đến. Ở đây Trường Chinh xác định rằng nền văn hoá mới của Việt Nam do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo là sẽ trở thành văn hoá Sô-viết trong tương lai.

Để đảm bảo quá trình này, theo Trường Chinh, “Văn hóa mới V. N. là một thứ văn hóa có tính chất dân tộc về hình thức và tân dân chủ về nội dung.”[10]

Trong khi người Việt chưa biết hình dáng của văn hoá tân dân chủ như thế nào mà Đảng CSVN đã định hướng lấy văn hoá dân tộc làm bình phong cho một thứ văn hoá mới thì quả lả một cuộc phiêu lưu để xoá sổ văn hoá dân tộc. Tâm thức nô lệ văn hoá ngoại bang bắt nguồn từ đây.

Hậu quả của tâm thức nô lệ này là văn hoá dân tộc vốn đã bị xâm thực bởi văn hoá Liên Xô trước đây, đang bị bào mòn bởi văn hoá Trung Quốc dưới nhãn hiệu văn hoá xã hội chủ nghĩa hay tân dân chủ. Điều này giải thích tại sao kỷ niệm 1000 năm Thăng Long của dân Việt năm 2010 mang đậm tính chất văn hoá Trung Quốc.

2. Việt điểu sào nam chi

Khi bàn về câu chuyện “Không quên cái cũ”, Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc trong Cổ học tinh hoa viết như sau:

Ôi! Cáo chết ba năm quay đầu về núi, con người ta, dù cho lông bông xiêu bạt đến thế nào, còn có chút tâm tình cũng không sao quên được gốc tích xứ sở mình. “Hồ mã tê bắc phong, Việt điểu sào nam chi”. Con ngựa rợ Hồ (phía bắc nước Tàu) thấy gió bắc còn cất tiếng kêu, con chim đất Việt (phía nam nước Tàu) chọn cành nam mới chịu làm tổ, huống chi là người mà lại quên được nguồn gốc ư.[11]

Tổ quốc là gốc tích xứ sở mình, gắn liền với đất nước của ông bà tổ tiên mình. Chim Việt thì đậu cành nam. Nhà cách mạng Phan Bội Châu lấy hiệu là Sào Nam để nói lên tấm lòng suốt đời hướng về tổ quốc Việt Nam của ông. Cáo, ngựa, chim còn biết nhớ đến nguồn gốc huống chi là con người.

Thế nhưng trong bản di chúc để lại cho hậu thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết như sau:

Vì vậy tôi để sẵn mấy lời này, phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bầu bạn khắp nơi đều khỏi cảm thấy đột ngột.[12]

Ước muốn đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin khi chết là ước mơ chính đáng của người cộng sản.   Nhưng lịch sử dân tộc sẽ phán xét Hồ Chí Minh để xem ông coi Tổ quốc nào là quan trọng.  Đồng thời lịch sử sẽ xét xem mục đích cuộc đời cách mạng của ông là đem lại sự giàu có thịnh vượng và hạnh phúc cho Tổ quốc Việt Nam như Minh trị Thiên hoàng đã làm cho Nhật Bản, hay đem máu xương của thanh niên Việt Nam phục vụ cho Tổ quốc xã hội chủ nghĩa dưới ngọn cờ dân tộc.

Kết luận

Sau khi thoát ra khỏi chế độ thực dân của Pháp, dân tộc Việt lại bắt đầu một giai đoạn vong thân với những khái niệm mơ hồ về Tổ quốc và văn hoá dân tộc.

Đã đến lúc người yêu nước phải vứt bỏ khái niệm “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” để trở về với Tổ quốc Việt Nam và phục hoạt văn hoá dân tộc. Phải dứt khoát xác định không có Tổ quốc nào đứng trên Tổ quốc Việt Nam, và Tổ quốc Việt Nam phải trên hết.

Đã đến lúc người Việt Nam chân chính trong đảng hay ngoài đảng phải dứt khoát vứt “Đề cương văn hoá” của Trường Chinh vào sọt rác vì nó chính là nọc độc hủy hoại văn hoá Việt Nam, nô lệ hoá văn hoá Việt Nam suốt 65 năm nay bằng văn hoá ngoại bang. Không có thứ văn hoá tân dân chủ hay xã hội chủ nghĩa nào có thể thay thế được văn hoá ngàn đời của dân tộc Việt Nam.

Chỉ có một cuộc cách mạng chân chính duy nhất mà dân tộc Việt Nam ước mơ từ hơn một thế kỷ qua, đó là cuộc cách mạng phục hưng dân tộc và phục hoạt văn hoá để đưa dân tộc Việt Nam cất cánh ở thế kỷ 21.

Phải dứt khoát xác định, ngoài nhân dân Việt Nam, không có một ngoại bang nào là chỗ dựa vững chắc cho cách mạng Việt Nam. Chỉ có những cuộc cách mạng phản dân tộc mới phải dựa vào sức mạnh của ngoại bang và kẻ thù truyền kiếp của dân tộc.

Đối với người dân Việt Nam chỉ có một Tổ quốc duy nhất, đó là Tổ quốc Việt Nam. Không có cái gì gọi là “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”, “Tổ quốc Liên Xô”, “Tổ quốc phong kiến”, hay “Tổ quốc của giai cấp tư sản”. Tổ quốc Việt Nam là Tổ quốc của mọi giai cấp, kể cả giai cấp tư sản hay vô sản. Tất cả các khái niệm Tổ quốc khác đều là bịp bợm. Cái gọi là “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” hiện nay chỉ là vỏ bọc của “Đại Hán thiên triều chủ nghĩa” của Trung Quốc để cướp đất cướp biển và triệt tiêu văn hoá của Việt Nam.

Khi có mâu thuẫn với các nước khác, người Việt phải đứng trên lập trường của dân tộc Việt để giải quyết mọi vấn đề liên quan đến lợi ích và quyền lợi của dân tộc.

Chỉ có lúc đó, Việt Nam mới thực sự có độc lập chính trị và bảo toàn được đất nước và phục hưng được nền văn hoá của tổ tiên, cha ông để lại.

Chỉ có lúc đó, vấn đề Biển Đông, Hoàng Sa – Trường Sa mới được giải quyết thỏa đáng.

Dallas 1 tháng 10-2010

© 2010 Nguyễn Xuân Phước

© 2010 talawas

http://www.talawas.org/?p=25116


[1] Đi t đin tiếng Vit, Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hoá Việt Nam thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn thảo, Nhà Xuất bản Văn hoá Thông Tin ấn hành năm 1998, trang 1663

[2] H Chí Minh toàn tp, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 11, trang 166

[3] Nguyễn Phú Trọng: “Sự phát triển nhận thức của Đảng ta từ Cương lĩnh năm 1991 đến nay”, Sài Gòn Giải phóng ngày 4 tháng 5 năm 2010

[4] C. Mác và Ph. Ăng-ghen, toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 623

[5] Roman Rosdolsky, The Workers and the Fatherland, A Note on a Passage in the “Communist Manifesto

[6] TS Nguyễn Tiến Bình, “Cách mạng Tháng Mười và một số vấn đề chiến lược bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”, Tạp chí Cộng sản Số 19 (139) năm 2007

[7] Trần Quang Cơ: Hồi ức và suy nghĩ, trang 61

[8] Trần Quang Cơ, sách đã dẫn, trang 61

[9] Trường Chinh, “Đề cương văn hoá” 1943

[10] Trường Chinh, bài đã dẫn

[11] Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc: “Không quên cái cũ”, Cổ học tinh hoa

[12] Di chúc Hồ Chí Minh

 

http://vietnamnet.vn/chinhtri/201010/yeu-cau-Trung-Quoc-tha-vo-dieu-kien-tau-ca-Viet-Nam-939584/

Yêu cầu Trung Quốc thả vô điều kiện tàu cá Việt Nam

Cập nhật lúc 20:24, Thứ Ba, 05/10/2010 (GMT+7)
Tại cuộc gặp với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc hôm nay (5/10), đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam phản đối quyết định xử lý của phía Trung Quốc, khẳng định rõ tàu cá hoạt động bình thường tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam.  

Nhiều vụ tàu cá và ngư dân Việt Nam bị phía Trung Quốc bắt giữ trong năm nay.
Nhiều vụ tàu cá và ngư dân Việt Nam bị phía Trung Quốc bắt giữ trong năm nay

TTXVN cho biết hôm 11/9, phía Trung Quốc đã bắt giữ tàu cá số hiệu QNg 66478TS cùng 9 ngư dân Việt Nam tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa.Sau khi nhận được thông tin này, các cơ quan chức năng Việt Nam đã tiến hành xác minh và được biết tàu cá và 9 ngư dân nêu trên là của tỉnh Quảng Ngãi, đang hoạt động nghề cá bình thường tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Khi đi đánh bắt, tàu cá chỉ mang theo các ngư cụ đánh bắt thông thường như lưới, đèn soi cá v.v…

Từ đó đến nay, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp với phía Trung Quốc về vấn đề này ở nhiều cấp khác nhau tại Hà Nội và Bắc Kinh.

Trong đó, ngày 21/9, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao đã chính thức gửi công hàm đến Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, nhấn mạnh việc lực lượng ngư chính Trung Quốc bắt giữ tàu cá và ngư dân Việt Nam trong khi họ đang hoạt động nghề cá bình thường tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là “hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam”, yêu cầu phía Trung Quốc nhanh chóng thả vô điều kiện tàu cá và toàn bộ ngư dân nói trên.

Hôm nay (5/10), đại diện Đại sứ quán Trung Quốc gặp đại diện Bộ Ngoại giao nói: do tàu cá QNg 66478TS đã sử dụng thuốc nổ để đánh bắt cá nên các cơ quan chức năng của phía Trung Quốc quyết định xử phạt chủ tàu và đã thông báo cho gia đình những người bị bắt về quyết định nêu trên, sau khi nộp phạt, phía Trung Quốc sẽ thả tàu và ngư dân.

Đại diện Bộ Ngoại giao đã phản đối quyết định xử lý của phía Trung Quốc đối với chủ tàu QNg 66478TS, nhấn mạnh lý do bắt giữ và xử phạt của phía Trung Quốc đối với chủ tàu nêu trên là phi lý, khẳng định rõ tàu cá QNg 66478TS “hoạt động bình thường tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam”.

Trên tàu cá QNg 66478TS không có chất nổ, ngay trong thông báo ngày 15/9 vừa qua của Trung tâm chỉ huy ngư chính Trung Quốc gửi Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cũng không đề cập đến việc tàu cá có mang theo chất nổ.

Bộ Ngoại giao một lần nữa yêu cầu phía Trung Quốc xuất phát từ quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước và nhận thức chung của lãnh đạo hai nước về việc xử lý vấn đề ngư dân, thả ngay và vô điều kiện các ngư dân và tàu cá QNg 66478TS.

  • PV

Posted in Chinh Tri Viet Nam, Chinh Tri Xa Hoi | Leave a Comment »

Luật sư Lê Thị Công Nhân trả lời phỏng vấn (tiếp theo)

Posted by hoangtran204 trên 06/10/2010

Bonbon hỏi
1- Từ quan điểm của Comparative Political Science, một mô hình xã hội muốn đạt được sự ổn định và phát triển thì cần phải bảo đảm được sự tương thích chặt chẽ giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng. Tiền đề của một xã hội Dân Chủ là phải dựa trên cả một nền tảng kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội, khoa học tương thích và phù hợp với nó.
Đài Loan đã cố gắng dân chủ hóa từ rất lâu, nhưng không thành công cho đến khi hội đủ các tiêu chuẩn này cách đây tầm 20 năm.
Vậy, khi chị cố gắng đứng lên thực hiện đòi Dân Chủ Hóa, chị đã thực sự nghiên cứu một cách kĩ càng và khoa học, dựa trên các bằng chứng, số liệu và luận điểm đáng tin cậy hay mới chỉ nghe nói rằng “Dân Chủ là rất tốt” nhưng thực sự chưa từng nghiên cứu kĩ về các yêu cầu cần có về xã hội Dân Chủ này? Chị đã thực sự nghiên cứu comparative Political Sciences hay mới chỉ lờ mờ phỏng đoán?

Luật sư Lê Thị Công Nhân trả lời Bonbon

Khi đọc câu hỏi của anh tôi có cảm giác mình đang làm một bài thi viết với một ông giáo khó tính, tự tin (Cũng tốt !) nhưng cũng không phải là quá ư tài giỏi hay thú vị.

Trước hết, xin đính chính Giáo sư Nguyễn Hoàng Phương là cha dượng của tôi. Tôi sống cùng cha dượng 19 năm từ khi còn rất nhỏ nên tình cảm của tôi đối với ông thật sự là tự nhiên như cha con ruột thịt, thậm chí đến giờ tôi cũng chưa bao giờ đặt ra vấn đề sự khác nhau giữa cha dượng và cha ruột là gì. Nhưng từ khi chính quyền cộng sản bắt tôi đi tù thì họ luôn dùng các phương tiện truyền thông tay sai của họ (nhưng lại trấn lột tiền thuế của nhân dân để hoạt động !?) để thường xuyên nhắc nhở gia đình tôi nói chung cũng như tôi nói riêng rằng ba Nguyễn Hoàng Phương chỉ là cha dượng của tôi mà thôi và “ả nhận vơ một ông bố nổi tiếng vì thấy sang bắt quàng làm họ”. Thật khủng khiếp là con người mà lại có thể làm tổn thương con người đến như vậy, tiếc là tôi đã được đọc những bài báo đó bằng chính đôi mắt của mình. Tôi ghê tởm tất cả những tội ác xuất phát từ một văn hóa thấp kém, a dua và tiểu nhân. Nếu có mâu thuẫn đến mức đối đầu thì hãy “choảng nhau” một cách tương xứng. Tay bo đánh tay bo, vũ trang chống vũ trang, lý luận đối lý luận chứ, sao lại lôi đời tư người khác ra để mỉa mai sỉ nhục. Không thấy ngượng với chính mình ư ? Không sợ chẳng may sau này có đứa con tử tế nhân hậu đầy lòng trắc ẩn, nó lại đau khổ nhục nhã vì những việc làm trước đây của mình sao ?
Tôi chưa bao giờ là người có tấm lòng nuôi dưỡng thù hằn, nhưng riêng sự việc này lại khiến tôi luôn nghĩ đến khi Việt nam có dân chủ và những hồ sơ về việc chính quyền độc tài cộng sản đàn áp những người đấu tranh dân chủ, được bạch hóa thì tôi sẽ tìm bằng được cá nhân người nào chịu trách nhiệm chỉ đạo những việc làm đê tiện ác độc là bới móc và xúc phạm đời tư người khác. Và, tôi sẽ chỉ nói với người đó một câu duy nhất là “Ông/bà thật là may mắn khi được sống trong một gia đình hạnh phúc không có chuyện cha mẹ ly hôn, tôi thì không được như vậy, nhưng ơn Chúa tôi đã có một người cha dượng mà tôi kính yêu và thân thiết như cha ruột.”
Bây giờ tôi xin trả lời câu hỏi của anh:
Anh đã hỏi tôi rất cụ thể và nhấn mạnh “Chị đã thực sự nghiên cứu comparative Political Sciences hay mới chỉ lờ mờ phỏng đoán?”, tôi cũng xin trả lời một cách rõ ràng và hoàn toàn trung thực là tôi đã được học về học thuyết này, chứ chưa “thật sự nghiên cứu” và hoàn toàn không “lờ mờ phỏng đoán” gì cả.
Comparative Political Sciences cũng chỉ là một học thuyết trong rất nhiều các học thuyết chính trị mà con người đã nghĩ ra trong chính trị học mà thôi. Tôi đã được học qua về thuyết này và nhiều thuyết khác nữa trong lĩnh vực chính trị được giảng ở trong trường Đại học Luật Hà nội trong 2 môn học chính là Lý luận về nhà nước và pháp luật và Lịch sử các học thuyết chính trị và nhà nước. Những thuyết này đã được giảng cho sinh viên một cách méo mó phiến diện, ngây ngô và thô thiển, mục đích không gì hơn là để bôi nhọ hạ thấp làm cho sinh viên hiểu nhầm, hoặc có thể nói nhẹ nhàng hơn là hiểu thiếu, rồi từ đó cảm thấy không có học thuyết nào hay hơn, không có mô hình xã hội nào tốt hơn là cộng sản chủ nghĩa và một nhà nước độc tài chuyên chính bạo lực vô sản.
Buồn thay, từ khi ấy cho đến tận bây giờ tôi vẫn có ý nghĩ rằng, các giáo sư của tôi là không đến nỗi tồi tệ về mặt tư cách để cố tình dạy sai, dạy dối chúng tôi về mặt nội dung. Vì thế, tôi không còn cách nào khác, buộc phải nghĩ rằng trong quá trình họ là sinh viên, nghiên cứu sinh gì gì đó thì họ cũng được dạy và phải học theo cái cách mà họ đang dạy và chúng tôi đang học như vậy. Đó là nói dối, bôi nhọ, xuyên tạc, bóp méo, cắt xén, tất cả để tạo nên một comparation rằng Communism is the best in the world. Nhưng thực tế cũng có một số giáo sư giảng dạy trực tiếp cho chúng tôi là những người đi du học ở trời Tây về (Tây tư bản và Tây Liên Xô – nơi đã trân trọng vứt bỏ chủ nghĩa cộng sản vào thùng rác lịch sử cách đây hơi bị lâu rồi !), tiếc rằng cũng dạy như vậy. Chẳng hiểu đi du học để làm gì nữa. Nghĩ lại mà buồn ghê lắm đó ! Tôi tự biết thân biết phận mình cũng không phải người thông minh xuất chúng hay chăm chỉ cần cù bù thông mình gì cả, nhưng giá mà được học thật với những người biết sự thật và dám dạy sự thật thì có lẽ tình hình cũng không đến nỗi phải lọ mò tự tìm đọc và học về những điều cơ bản nhất của pháp luật và văn hóa đạo đức nói chung của con người đó là: sự trung thực, sự can đảm nói lên sự thật, và can đảm hơn nữa để bảo vệ quyền nói lên sự thật, là nhân phẩm – nền tảng của nhân quyền, là tự do – dân chủ – nhân quyền 6 chữ vàng quyết định cuộc đời và vận mệnh của một con người cũng như của một đất nước. Vì theo tôi, điều gì đúng với một con người thì cũng đúng với một quốc gia, một dân tộc.
Dân chủ tức là dân là chủ, tức là dân làm chủ. Tôi đảm bảo trên thế gian này không ai có thể định nghĩa khác đi được, trừ các thể chế độc tài dùng bạo lực để cưỡng bức người khác phải nói dối suy nghĩ thật của mình. Vì vậy cách anh đặt vấn đề cho thấy anh đã tự làm cho mình rơi vào một sự bế tắc, vì anh đã áp đặt ngay cho chính bản thân anh khi cho rằng “Tiền đề của một xã hội Dân Chủ là phải dựa trên cả một nền tảng kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội, khoa học tương thích và phù hợp với nó” chẳng khác nào ngồi đó và khăng khăng rằng phải có quả trứng thì mới có con gà.
Tôi khẳng định dân chủ là quyền làm chủ của người dân. Quyền làm chủ đó là một quyền thiêng liêng và tự nhiên, không ai ban cho, không ai cầu xin, tự nhiên là con người trong xã hội ai cũng có, thậm chí cư dân vãng lai trong một xã hội bản xứ cũng có những quyền dân chủ của họ, đôi khi còn hơn nhiều cả những quyền dân chủ tối thiểu. Còn việc quyền dân chủ đó sẽ được người dân thực hiện như thế nào là câu chuyện khác, vì nó phụ thuộc vào năng lực của từng cá nhân cũng như tính cách và các tố chất đặc biệt của cả dân tộc đó.
Trong các quyền dân chủ cơ bản nhất của con người thì quyền tự do ngôn luận, theo tôi là quyền cơ bản, quyền tiên quyết, quyền có tính phương tiện để thực hiện tất cả những nhân quyền khác. Và xin thưa với anh là ở đất nước Việt nam xinh đẹp rừng vàng biển bạc của chúng ta (trước đây ! ?) hiện nay không hề có quyền tự do ngôn luận. Trước đây dân ta đã có những quyền dân chủ cơ bản này, mặc dù còn bị hạn chế ở một mức độ nào đó. Nhưng, kể từ khi Hồ Chí Minh và các đồng đảng của ông ta lên nắm quyền, thì tất cả những quyền dân chủ cơ bản nhất đã bị xóa bỏ thậm chí bị cho là thù địch với nhà nước, trong khi cuộc đấu tranh cách mạng bất chấp mọi thủ đoạn của ông ta trước đó lại luôn đưa các quyền dân chủ đó ra làm mục tiêu để kêu gọi tập hợp dân chúng, và không ít nhà trí thức, quý tộc, đại gia thời đó đã bị mắc lừa. Hồ Chí Minh quả là một kẻ lừa đảo nói dối thành thần !
Nếu như không có quyền tự do ngôn luận, mà điều quan trọng nhất và trước tiên của quyền này là “tự nhiên cất lên lời chân thật” chứ không phải ngồi đó lấm lét nghó nghiêng xin quan trên cho chúng con nói thì chúng con mới được nói. Do vậy, kinh tế, văn hóa, khoa học, chính trị ..v..v.. sẽ phát triển bằng cách nào đây, nếu con người không được nói lên suy nghĩ của mình về cái mình cần, điều mình muốn, điều mình có thể làm để đóng góp vào đó. Thưa anh, quá trình người dân được nói lên suy nghĩ của mình như vậy chính là dân chủ tối thiểu, tự nhiên, đơn giản, thiêng liêng và dễ hiểu. Vì vậy, xã hội Việt nam hiện nay người dân chỉ thích và cũng chỉ quen sống bon chen ích kỷ, vô trách nhiệm là bởi vì họ thấy họ không được tham gia hoạch định các thỏa ước cùng chung sống (tôi diễn dịch khái niệm pháp luật, khế ước xã hội nói chung). Họ bị áp đặt, họ không chủ động trong việc đó, do vậy họ không quan tâm và không chịu trách nhiệm. Tất nhiên vẫn có một số ít người sẽ suy nghĩ và sống tích cực hơn mặc dù cũng trong những hoàn cảnh như vậy. Tôi là một người như thế. Tôi thấy mình cần phải lên tiếng, nếu không thì sau này tôi sẽ hối tiếc vì mình đã sống thờ ơ, vô cảm, đạo đức giả, kiêu căng, ảo tưởng, hoang đường đợi chờ người khác làm việc tốt cho mình hưởng. Còn việc tôi lên tiếng như vậy sẽ được gì thì quả thực là không thể nói chắc 100% được. Nhưng đó cũng là điều bình thường vì trước hết là năng lực tôi có hạn, thứ 2 tôi là thiểu số trong xã hội, thứ 3 là tương lai là điều bí ẩn, chính vì thế mà chúng ta tiếp tục sống.
Anh nói “Đài Loan đã cố gắng dân chủ hóa từ rất lâu, nhưng không thành công cho đến khi hội đủ các tiêu chuẩn này cách đây tầm 20 năm” anh lại sai rồi. Nói anh sai là vì “ dân chủ không phải là một thời điểm, và 20 năm đó chính là quá trình người dân Đài Loan thực hiện quyền dân chủ của mình để đất nước của họ được như ngày hôm nay. Quá trình này được thực hiện một cách khó khăn trên nền tảng một đất nước còn thiếu dân chủ và luôn trong tình trạng căng thẳng về xung đột vũ trang với Trung cộng Mao it, nên thành quả của họ có thể đến chậm so với họ mong đợi, hoặc đến nhanh quá so với kẻ thù của họ đợi mong. Đó là do năng lực của họ và vận mệnh dân tộc của họ.
Việt Nam hiện nay ư, còn triệu lần thua kém nền dân chủ của Đài Loan cách đây 20 năm. Thậm chí người dân Việt nam hiện nay vẫn tiếp tục bị chính quyền độc tài cộng sản lừa đảo bằng thủ đoạn tẩy não nhồi sọ tinh vi, rằng cứ lo làm ăn kiếm tiền (phát triển kinh tế), cứ hoạt động văn học nghệ thuật và vui chơi giải trí theo như nhà nước cho phép và cả bị nhà nước cưỡng bức nữa(văn hóa), cứ an tâm mà phục tùng chế độ độc tài công an đảng trị (chính trị), ai như thế nào cứ tiếp tục như thế (ổn định xã hội), nghiên cứu khoa học theo đường lối và mục tiêu nhà nước đã đặt ra từ trước (thế thì còn gọi gì là khoa học?), rồi thì sẽ có dân chủ. Có lẽ phải gọi tên nền dân chủ cộng sản hão huyền này là “Nền dân chủ hãy đợi đấy !”.
Chính quyền Việt nam coi dân chủ là miếng mồi ve vẩy từ đằng xa, coi dân chủ là phần thưởng để người dân thiếu hiểu biết và dại dột cứ thế mà lầm lũi đi theo từng đàn với tốc độ của loài rùa, trong tâm trạng yên tâm phấn khởi là quyền dân chủ của mình đã có nhưng mình chưa xứng đáng được hưởng cần phải phấn đấu để chính quyền ban tặng hoặc có thế nói là bố thí xin-cho đối với người dân. Tự dưng trong đoàn người lầm lũi ấy, có một số kẻ hùng hổ nhảy ra nhất quyết không đi xin, mà chuyển sang vị thế đi đòi “ Cộng sản đốn mạt lừa đảo lưu manh kia, mày cướp quyền dân chủ của tao mà giờ lại bảo tao đi xin mày rủ lòng thương trả lại à. Không có đâu, tao đòi quyền dân chủ đương nhiên của tao, mày liệu hồn trả lại mau, nếu không sẽ phải trả giá đắt, thậm chí là rất đắt đấy.” Trong số đó có tôi, hơi trẻ một tí, hơi bé một tí, hơi ngố một tí, nhưng chẳng may lại nhận ra rằng nếu mình đi cầu xin bọn cướp cái thứ vốn là của mình đã bị chúng cướp đi thì nghe chả đúng đạo và lý tẹo nào, lại còn hèn hèn thế quái nào ý !
Nhưng nếu tôi không nhầm thì anh vẫn ở trong đoàn người kia, đi mãi, đi mãi, cầu xin lòng thương xót của đảng cộng sản trộm cướp lưu manh trả lại quyền dân chủ cho anh vào một ngày đẹp trời nào đó khi anh đã “tiến hóa và phát triển” đến mức xứng đáng! Nhưng biết thế nào là xứng đáng đây khi anh vẫn không hiểu được rằng-là con người- anh đương nhiên có các quyền dân chủ đó. Ok, vậy thì khi nào anh cảm thấy mình đã hội đủ các tiêu chuẩn xứng đáng để được đảng cướp trao trả quyền dân chủ ( mà chúng vẫn “đang khóa cất trong hòm” – lời Hồ Chí Minh) thì báo cho tôi với nhé. Vì tôi e rằng cộng sản đợi lâu quá mà vẫn không thấy anh có chút biểu hiện nào là xứng đáng được có quyền dân chủ (theo tiêu chí chúng ban ra) nên quên mất tên anh trong danh sách chủ nhân tài sản có tên gọi “quyền dân chủ” mà chúng đang cất trong hòm, thì tôi sẽ giúp anh đi kiện để đòi lại, tôi vốn là luật sư mà, chắc chắn sẽ helpful trong việc này.

BonBon hỏi: 2-Tôi cũng được biết rằng, có những quốc gia độc đảng nhưng có nền KT rất phát triển như là Singapore, cũng như có những quốc gia mà sự Dân Chủ Hóa, Đa Đảng đều dẫn tới sự khủng hoảng, thiếu ổn định về KT,CT… như là nhiều quốc gia ở châu Phi..
Vậy tôi xin hỏi, chị phân tích như thế nào về các mô hình xã hội được áp dụng một cách thất bại và thành công mà tôi đã nêu ra? Chị hướng tới sự dân chủ kiểu các nước châu Phi hay hướng tới sự độc đảng kiểu Singapore? Và được dựa trên luận chứng khoa học gì?
Tôi nói anh là ông thầy không tài giỏi và thú vị chính là ở ý hỏi thứ 2 này. Và phần trả lời này của tôi hoàn toàn liên quan đến phần trên, một số ý miễn nhắc lại.

Luật sư Lê Thị Công Nhân trả lời Bonbon

Trước hết Singapore không phải quốc gia độc đảng. Tôi không biết kẻ nào và động cơ đê hèn gì mà chúng lại nhồi sọ anh một sự dối trá trắng trợn như vậy. Singapore là quốc gia dân chủ và đa đảng, còn việc đa phần người dân cứ bầu một đảng lên cầm quyền (được bầu lên cầm quyền chứ không phải trơ trẽn tự phong mình là đảng cầm quyền như đảng cộng sản Viêt nam tự ghi trong hiến pháp đâu nhé) là do người dân họ muốn thế. Vì, đảng của ông Lý Hiến Long đó đã chiếm được cảm tình và niềm tin của họ so với các đảng khác. Anh hoàn toàn có thể kiểm tra điều này trên báo chí.
Còn các quốc gia có dân chủ và đa đảng mà vẫn có khủng hoảng, thiếu ổn định … như các quôc gia ở châu Phi là vì năng lực, tính cách của họ, và thậm chí có thể nói là do vận mệnh dân tộc của họ nữa (Tôi là người hữu thần mà – Ki tô hữu Tin Lành). Chứ hoàn toàn không phải vì có dân chủ đa đảng mà họ trở nên khủng hoảng, thiếu ổn định. Và lại càng không phải là vì có dân chủ đa đảng mà vẫn khủng hoảng, thiếu ổn định nên họ cần/nên thiết lập một chế độ độc tài – theo kiểu Việt nam chẳng hạn, nghe cho đỡ ghê so với “gã lùn Bắc Hàn” hay “Trungcộng Mao it”.
Ngoài ra tôi cũng muốn lưu ý anh về các khái niệm ổn định, bất ổn định, khủng hoảng ..v..v.. trong lĩnh vực chính trị xã hội, vì có vẻ như anh đã nhầm lẫn một cách cố ý hoặc bị ai đó cố ý làm cho nhầm lẫn (!?) giữa: ổn định với trì trệ và bất động; bất ổn định với chuyển động, vận động và thay đổi; khủng hoảng với sự rối ren tất yếu đương nhiên có để thay đổi ..v..v..
Chính trị là lĩnh vực quan trọng nhất của một con người trong xã hội nói chung và cả trong đời sống riêng tư nữa, tôi thật sự nghĩ như vậy. Vì ai cũng có thông tin để nói và muốn người khác lắng nghe mình, ai cũng làm việc kiếm sống, ai cũng tham gia giao thông, ai cũng cần/phải được học hành/chữa bệnh, ai cũng phải dạy bảo con em mình hành vi ứng xử đạo đức tối thiểu ..v..v.. nhưng làm tất cả những việc đó cùng nhau chúng ta sẽ làm thế nào đây để không ảnh hưởng xấu đến cái chung cũng như cá nhân nào khác, việc này chính là chính trị. Chính trị tốt sẽ làm những điều đó được thực hiện đúng, thật, tốt, đẹp, tiết kiệm, gọn, nhẹ, nhanh, minh bạch, và vui. Chính trị Việt nam hiện nay không có những điều này.
Chúng ta cần phải trao đổi để có những thỏa thuận quy ước với nhau để cùng chung sống được nhịp nhàng, hài hòa cho chúng ta hiện tại cũng như cho tương lai con em chúng ta. Vậy sự ổn định phải hiểu thế nào đây trong khi cuộc sống tự nhiên của từng cá nhân và toàn xã hội thay đổi hàng ngày, hàng giờ. Sự ổn định phải là điều mang tính bản chất tốt và đẹp của con người, để cho con người có một cuộc sống cộng đồng tốt và đẹp hơn. Chứ, ổn định hoàn toàn không phải là một hình thái, một cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước mãi không thay đổi, cứ như vậy hoài. Cơ cấu tổ chức chính trị của một quốc gia không phải là sự cân đối tương xứng về màu sắc bố cục một cách thô thiển ngây ngô, mà nó phải và chỉ được dựa trên nền tảng và mục tiêu vì sự phát triển tự do của con người để con người có thể phát huy tất cả những khả năng tốt đẹp của mình, và đồng thời không ngăn cản người khác làm việc tương tự.
Đức Chúa Trời là Đấng Tạo hóa không sinh ra chúng ta một mình, và Ngài muốn nhìn xem chúng ta sẽ sống với nhau như thế nào. Nhưng chúng ta sẽ sống với nhau như thế nào đây nếu như ngay điều tối thiểu nhất là lắng nghe tiếng nói khác biệt của người khác mà chúng ta cũng không làm nổi, thậm chí không chịu nổi. Chúng ta quá kiêu căng vì thế mà chúng ta ngu dốt, nên chúng ta thụt lùi trong thế gian. Chúng ta ngu dốt chúng ta lại càng kiêu căng, nên chúng ta lố bịch bởi sự kiêu căng của mình trong nhân gian. Nói vậy không có nghĩa là chúng ta không có cách thoát khỏi cái vòng lẩn quẩn này. Cách duy nhất là chúng ta phải đối diện với chính mình, vượt lên những sai lầm, tội lỗi của chính mình, và do vậy theo tôi, đức khiêm nhường mà tôn giáo dạy chúng ta thật sự là một điều rất tự nhiên và là nền tảng của dân chủ. Khiêm nhường khiến ta biết rằng người khác cũng tài giỏi không kém gì ta thậm chí hơn ta, vậy thì trước hết phải lắng nghe tiếng nói khác biệt với tất cả sự bình tĩnh, thậm chí là tôn trọng, còn nghe xong mà cảm thấy không đồng ý thì nó lại là câu chuyện khác.

BonBon hỏi: 3-Tôi được biết, học giả Hồ Chí Minh đã khẳng định về Độc Lập, Tự Do, Dân Chủ trong tuyên bố thành lập nước VNDCCH năm 1945. Theo ông, Dân Chủ chính là “Con người ta sinh ra là có quyền bình đẳng, ai cũng có quyền được sống, được học hành, được mưu cầu hành phúc” và đã được hiện thực hóa bằng việc đưa VN từ một đất nước nô lệ trở thành một đất nước độc lập.
Tôi cũng được biết, khái niệm về tự do và Nhân Quyền được hiểu rất khác nhau, và chỉ có sự tự do tương đối nằm trong một khuôn khổ nào đó. Tùy vào cách hiểu khác nhau mà dẫn tới sự hình thành những thể chế chính trị, kinh tế, xã hội khác nhau.
Ví dụ, chắc là sự tự do mà chị hướng tới khác với sự tự do cướp của giết người, tự do vu khống, tự do chửi bới, tự do tấn công cá nhân, tự do xịt hơi cay. Trong xã hội Hồi Giáo thì tự do QHTD ngoài hôn nhân lại là một tội ác. Và đặc biệt, sự tự do mà rơi và tay những người ngu dốt thì sẽ trở thành tự do đua xe, tự do dắt trâu bò trên đường quốc lộ. Ở VN hiện nay có những quyền tự do mà ở Mỹ hoàn toàn không có, ví dụ như tự do dùng windows lậu, mà nếu áp dụng đúng luật pháp US, cứ download một bài nhạc phạt 25000$ thì sẽ chắc chắn trở thành thảm họa. Hay ở US có sự tự do xem phim khiêu dâm mà VN không có.
Vậy tôi muốn hỏi chị Nhân rằng:”Sự tự do của chị hướng đến có sự khác biệt gì so với sự tự do của tác giả Hồ Chí Minh, và có tốt hơn hay không? Và chị nghĩ sao nếu dân trí VN không thể đủ để điều khiển sự tự do “mới mẻ” này để trở thành tự do đua xe bò trên đường quốc lộ?
Chúc chị sức khỏe và thành công.

Luật sư Lê Thị Công Nhân trả lời Bonbon

Một lần nữa lại lấy làm tiếc mà nói rằng anh là một thấy giáo không những tồi mà là rất tồi. Vì anh đã tồi ngay cả với chính mình thì lấy đâu ra anh tốt với tôi cho được.
Nói vậy là vì anh đã nhầm lần (chẳng biết cố ý hay vô tình, nhưng tôi nghiêng về khả năng cố ý !) các khái niệm tự do và tùy tiện.
Tôi định nghĩa Tự do là không có ràng buộc hoặc chỉ có ràng buộc ở mức tối thiểu để đảm bảo tự do của người khác. Và tôi hiểu tùy tiện là thích làm gì thì làm không cần quan tâm đến người khác nghĩ gì và hậu quả việc làm đó ra sao.
Xin kể cho anh chuyện thật trong đời tôi:
Hồi ấy là khoảng tháng 11 năm 2006, tôi bị mật vụ A42 mặc thường phục (tất cả !?) đến nhà cưỡng chế bắt đi thẩm vấn. Tôi vẫn nhớ hôm đó là ở cơ quan điều tra phản gián, một ngôi nhà có sân rộng, không biển hiệu, trong ngõ 34 đường Âu Cơ Hà nội. Nữ Đại úy mật vụ Doãn Anh Thủy, người có thân hình cao lớn và gương mặt của một người đàn ông không đẹp trai, nhưng cũng không xấu trai lắm (tóm lại là không cần nhiều công sức để hóa trang thành đàn ông !?), đã nói với tôi nhấn mạnh rõ ràng từng lời, với tất cả sự tự tin khoái chí, nguyên văn “Kêu gọi tự do cái gì, hở ? Xã hội đang ổn định như thế này mà định phá rối à ? Tự do đi lại thì ai thích lao xe máy ô tô vào nhà người khác cũng được à, rồi bảo là tôi có quyền tự do đi lại tức là thích đi đâu thì đi. Tự do cư trú thì ai thích vào chiếm nhà người khác ở cũng được à, rồi nói là tôi có quyền tự do cư trú nên thích ở đâu thì ở à?” Tôi tức cười gần chết nhưng vẫn cố đợi chị ta nói xong để đối đáp. Chị này nói xong thì có vẻ đắc thắng sung sướng ghê ghớm. Tôi đáp “Chị đã nhầm giữa tự do và tùy tiện rồi đó. Chị hình như đang nói về những người điên thì phải?” Chị ta im lặng và có vẻ uất ức biển ta ơi lắm !
Chúa chứng giám việc kể trên. Và, hôm ấy tôi nhớ chính xác là họ còn để sẵn một máy ghi âm hiệu Sony trên mặt bàn ngay trước mặt tôi. Khi tôi định cầm cái máy lên xem thì họ quát tôi vừa nặng lời vừa vô lý, rằng “Người có học lịch sự mà tự động cầm đồ người khác thế à?” Tôi buồn cười quá, suýt nữa thì tưởng rằng mình viết đơn xin bị thẩm vấn và rất hân hạnh được đến đấy. Sau này khi bạch hóa hồ sơ các bạn sẽ được nghe cái đoạn cực hay ngoài sức tưởng tượng này, để biết thế nào là tự do dưới chế độ độc tài.
Sau này khi bị bắt tù, Trung tá Ngô Quang Du (giờ đã thăng quan tiến chức làm Thượng tá), là người hiện nay “đặc trách” bác Nguyễn Thanh Giang (2 bác cháu duyên thế cơ chứ, cùng có chung một “đồng chí công an đảng-còn đảng còn mình đặc trách !) cũng có lần nói với tôi như vậy. Anh này nói y hệt chị kia, cũng 2 cái ví dụ đó. Anh này được cái tử tế hơn là dũng cảm thể hiện sự phát ớn của mình khi phải tua lại cái băng rè của Hội đồng lý luận nhà nước trung ương bằng cách: 2 tay vòng ôm trước ngực, mắt nhắm nghiền, cái đầu hói lắc lư làm ve tóc xoăn chạy xung quanh đầu rung lên như chó bông, một răng sún, một răng bọc vàng, đều ở hàng tiền đạo, đùi cũng rung loạn xạ làm cái ghế cũng lập cập run theo. Tôi thì hí hửng vì trong tù nói riêng cũng như trong hàng ngũ công an nói chung, chẳng mấy ai có được bộ dạng hài hước như vậy. Lúc đó tôi ngắm nghía anh ta và thầm nghĩ giá mà có giấy mầu và cái kéo mình sẽ cắt một cái nón hình chóp nhọn cho anh ta đội thì sure là anh ta sẽ đủ tiêu chuẩn làm chú hề kiểu cổ trang châu Âu. Nói chung là tôi thích cái sự gồng mình lên để tua cho hết cái băng rè của anh Ngô Quang Du này hơn vì hình như sự chất phác vẫn còn rơi rớt lại tí ti ! ! !
Họ tua băng rè của họ, tôi cũng tua băng rè đối đáp của tôi, vì sự thật và chân lý cũng chỉ vậy thôi, chẳng hơn chẳng kém được, chẳng phát minh cũng chẳng bôi xóa đi được. Và, anh Du này khi nghe tôi đối đáp cũng trả lời bằng sự im lặng, đi kèm là sự thở phào vì cuối cùng cũng đã nói xong những gì buộc phải nói dù trong lòng chán còn hơn ăn trứng rán 1 tuần! Nếu vậy, tại sao họ không nói khác đi nhỉ ? Mất công ăn việc làm này ta lại làm việc khác còn hay hơn. Nó đàn áp mình mình lại tố cáo nó. Bây giờ mình làm những việc này chưa được gì trước mắt nhưng chắc chắn 10 năm, 20 năm sau, thậm chí có thể là 5 năm nữa thôi, mình sẽ tự hào vì quá khứ sôi động, chính nghĩa, hồi hộp thú vị mà mình đã sống.
Àh, ngoài ra xin nhắc lại với anh là cái câu mà anh cho là ông Hồ Chí Minh nói trong bản Tuyên ngôn đọc ngày 2-9-1945 đó, thiên hạ nói nhiều nhiều lắm rồi, lâu lâu lắm rồi. Ông Hồ Chí Minh nói lại thôi, cũng tốt, vì lại càng có thêm bằng chứng ông ta là kẻ đại bịp siêu lừa khi nói một đằng làm một nẻo, không những thế khi bị người khác phát hiện thì lại dùng bạo lực và thủ đoạn đê hèn bỉ ổi để bịt mồm người ta.
Tự do mà tôi mơ ước không khác nhiều so với tự do mà ông Hồ Chí Minh đã nhắc lại lời cổ nhân. Cho nên chúng ta quay lại câu nói bất hủ của Tổng thống Việt nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu “Đừng nghe những gì cộng sản nói mà hãy nhìn những gì cộng sản làm”.
Nhớ nhé, tự do chứ không phải tùy tiện.
Làm ơn nhớ nhé, nếu không là lại tự làm mồi cho trò mỵ dân của cộng sản thì tội nghiệp chúng mình lắm đó, đám dân ngu khu đen hóng hớt học hỏi khái niệm tự do thì bị cộng sản chụp cho ngay cái mũ tùy tiện vào đầu, thế là lại hoa mày chóng mày, tối tăm mặt mũi không biết đường nào mà lần, thậm chí còn nghĩ rằng “Tự do mà cũng như tùy tiện thế này thì em vái cả nón, cứ “Vũ như cẩn” còn hơn !” Thì chết, chết thật đó !
Hy vọng là anh hài lòng với câu trả lời của tôi. Mà anh có không hài lòng tôi cũng đành chịu thôi, vì năng lực có hạn. Nhưng tôi thề trước bàn dân thiên hạ là sẽ không làm gì anh cả khi anh thể hiện sự không hài lòng đó một cách tối đa và thoải mái nhất mà anh có thể, vì đó là dân chủ mà. Nhớ đừng có nói tục chửi bậy và vu khống xuyên tạc như cộng sản nhé. Kiểu đó là tui nghỉ chơi, mà diễn đàn cũng cho anh nghỉ chơi luôn đó.

Posted in Chinh Tri Viet Nam, Chinh Tri Xa Hoi, Nhan Vat Chinh tri | Leave a Comment »