Trần Hoàng Blog

Archive for Tháng Mười 18th, 2014

►Người ‘đẹp’ nhất trong Đèn Cù

Posted by hoangtran204 trên 18/10/2014

Người ‘đẹp’ nhất trong Đèn Cù

Bùi Tín | VOA   17-10-2014
.

Cuốn Đèn Cù của Trần Đĩnh đang được phổ biến ngày càng rộng trong và ngoài nước.

Với tôi cuốn sách giúp nhớ lại biết bao cảnh cũ người xưa. Do hoàn cảnh lịch sử tôi đã có một số cuộc gặp Hồ Chí Minh, khá nhiều lần gặp làm việc với Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Lương Bằng, Đỗ Mười, Nguyễn Cơ Thạch, Tố Hữu…, cũng rất nhiều lần làm việc với các tướng Võ Nguyên Giáp, Chu Huy Mân, Văn Tiến Dũng, Lê Trọng Tấn, Lê Đức Anh, Nguyễn Hữu An, Vũ Lăng…

Tôi cũng từng ở trong tòa soạn báo Nhân Dân 2 lần, lần đầu trong cả năm 1972, lần sau trong hơn 8 năm (tháng 2/1982 – 8/1990), cùng một cơ quan với nhà báo Trần Đĩnh, khi Trần Đĩnh đã bị kỷ luật khai trừ khỏi đảng rồi đi lao động cải tạo ở nhà in báo Nhân Dân, hàng ngày khuân các cuốn giấy in từ ngoài đường lên tầng 3 nhà in và đúc lại các chữ chì cho máy in. Trong 8 năm sau, tôi tham gia đảng ủy Ban biên tập, dự họp các buổi giao ban hằng tuần, họp Biên ủy hàng tháng, hằng năm, bàn bạc đủ chuyện – xem xét khen thưởng, kỷ luật, đảng viên tiên tiến, lên cấp, lên lương, xét đi học nước ngoài, đi họp quốc tế, cấp nhà mới, tuyển phóng viên…Tôi thận trọng, ngồi nghe, suy ngẫm, vì vẫn còn xa lạ, nhưng vẫn hiểu ra sự thật.

Tôi có thể chứng thực những điều Trần Đĩnh viết ra là chân thực, 2 tuyến nhân vật, một bên là bầy nịnh thần, bầy đàn «ngu trung» của chế độ độc đảng sùng bái Mao, sùng bái bạo lực, một bên là những người có tư duy độc lập, có tư duy đòi xét lại chủ nghĩa Mác – Lênin, xây dựng một kiểu chủ nghĩa xã hội có bộ mặt Người, chủ trương tranh đua hòa bình giữa các chế độ xã hội khác nhau. Số này bị lên án, bị vu cáo tay sai đế quốc, sợ gian khổ, sợ hy sinh. Phần lớn bị khai trừ ra khỏi đảng, bị tù không có án, bị đưa đi cải tạo lao động, chăn dê, chăn bò, đi lao động ở nhà in, mỏ than, con cái bị phân biệt đối xử.

Có một vài người lúc đầu hăng hái theo Xét lại, chống sùng bái cá nhân, ca ngợi con đường đấu tranh không bạo động, cổ vũ biện pháp đấu tranh của Mahatma Gandhi, của Nelson Mandela, nhưng về sau chuyển hẳn sang thành đồ đệ trung thành của Mao-ít. Nổi bật nhất là 2 anh em nhà báo, anh ruột là Thép Mới nhà báo cột trụ của báo Sự Thật và báo Nhân Dân. Trong loạt bài “Thời thắng Mỹ”, Thép Mới từng ca ngợi hết mức ông Lê Duẩn, rằng “anh Ba đã sáng láng hơn cả bác Hồ, bản lĩnh hơn bác Hồ”. Ông em Hồng Hà còn hơn ông anh nữa, xoay lập trường 180 độ, được lọt vào mắt nâu của cả 2 ông họ Lê, còn kế thừa ông Hoàng Tùng làm tổng biên tập báo Nhân Dân, từ đó lên chức Trưởng Ban đối ngoại trung ương. Hồng Hà là nhân vật trung tâm cùng tướng Lê Đức Anh mẫn cán thu xếp cuộc gặp lịch sử ở Thành Đô tháng 9/1990, “đánh dấu thời kỳ Bắc thuộc mới cực kỳ nguy hiểm”, như ông Nguyễn Cơ Thạch cảnh báo ngay lúc ấy. (Hội Nghị Thành Đô ngày 3 và 4-9-1990- Những sự thật cầnbiết)

Khuôn mặt thứ 3 đáng nhớ là nhà báo Hữu Thọ, một nhân vật thâm hiểm của phái “Mao-nhều” (theo cách gọi của Trần Đĩnh) ở báo Nhân Dân. Trần Đĩnh đã nhiều lần dùng ngòi bút trào lộng khắc họa lại nhân cách đáng thương của ông này, một tay cơ hội lắm mẹo vặt, leo lên đến chức tổng biên tập báo Nhân Dân, rồi Trưởng ban tư tưởng và văn hóa – để dạy bảo đạo đức bác Hồ cho toàn đảng vào dịp “45 năm học Bác” tháng 9 /2014 mới đây, khi ông đã về hưu hơn 10 năm nay.

Bên cạnh vài ba nhân vật “Mao-nhều” khá lý thú có thể nhận rõ mặt trên đây có một nhân vật đứng giữa, không theo Mao mà cũng không chống Mao, nhưng nổi bật, được tác giả Trần Đĩnh nói đến rất nhiều trong Đèn Cù với lòng quý mến đặc biệt. Tôi muốn nói riêng về ông trong bài báo này. Đó là ông Nguyễn Trung Thành (NTT), một thời là cánh tay phải của Lê Đức Thọ, nắm chức vụ then chốt về nhân sự – Vụ trưởng Vụ bảo vệ chính trị trong Ban Tổ chức trung ương do ông Thọ làm trưởng ban.

Ông NTT là nhân vật nắm trọn hồ sơ của 36 người dính vào vụ án “Xét lại chống đảng” mà danh sách có khá đầy đủ trong Đèn Cù, cùng với tất cả các vụ án chính trị khác. Sau khi đã về hưu vào năm 1990, ông NTT đọc lại toàn bộ hồ sơ của các vụ án, xem kỹ các lời phản cung, kêu oan, đặc biệt là các lời trần tình của các ông Hoàng Minh Chính, Hoàng Thế Dũng, Vũ Đình Huỳnh, Lê Liêm (khi 2 ông này còn sống), gặp và lắng nghe ông Lê Hồng Hà, từng là Chánh văn phòng bộ Công an, cũng bị bắt giam trong vụ án «Xét lại chống đảng làm gián điệp cho nước ngoài» .

Theo Trần Đĩnh thuật lại trong Đèn Cù, với lòng ngay thẳng NTT bắt đầu hoài nghi về kết luận vũ đoán của toàn vụ án, nhận ra bản thân đã mù quáng a dua theo định kiến của cấp trên là Lê Duẩn và Lê Đức Thọ, gây nên quá nhiều bất công.

Thức tỉnh, hối hận sâu sắc, năm 1993 ông thảo ra thư gửi cho Tổng bí thư Đỗ Mười và thường trực ban bí thư Phan Diễn, trình bày rành rọt những sai lầm của vụ án làm hàm oan 36 đảng viên cấp cao của đảng, những người không hề làm gián điệp cho nước ngoài, họ chỉ sử dụng quyền có ý kiến khác với lãnh đạo do có tư duy độc lập. Tất cả những lời kết tội đều mang tính chất định kiến, suy diễn, và khiên cưỡng. Nhưng Đảng vẫn một mực im lặng.

Năm 1996, NTT lại đến gặp Tổng bí thư Đỗ Mười, trình bày rõ ý kiến về vụ án do ông thụ lý và nói rõ chính kiến của mình là minh oan, xóa án cho người ngay là việc đúng đắn, nên làm, sẽ được lòng đông đảo đảng viên và toàn dân. NTT đề nghị lập một tiểu ban thẩm tra để đi đến kết luận lại vụ án. Đỗ Mười trừng mắt, lắc đầu buông ra một câu: «về hưu rồi sắp đi chơi với giun rồi, sao còn viết kiến nghị gửi vung lên?».

Vẫn theo Trần Đĩnh, NTT biết là hỏng rồi, nhưng vẫn cưỡng lại. Ông nói với Đỗ Mười: “Anh đã 78 tuổi, hơn tôi 6 tuổi còn làm việc mà. Tôi thấy đồng chí mình bị oan, không thể bỏ mặc được”. Ngay sau đó, NTT bị khai trừ, bị trả thù cay độc, bị đuổi ra khỏi đảng, tước mọi khen thưởng cũ, không còn lương, phụ cấp ngang cấp thứ trưởng, sống trong cô đơn đạm bạc đến tận nay. Không rõ nay NTT còn sống hay đã đi xa.

Điều quan trọng là NTT được Trần Đĩnh nói đến khá nhiều trong Đèn Cù. Thật rất hiếm trong đảng CS có một con người như vậy. Giữa một hồ đầy bùn vẫn giữ mình trong sạch. Con người có lương tri, không a dua theo quyền lực, danh vị, có lòng nhân ái sâu đậm, sống ngay thật, biết nhận ra sai lầm, hối hận và có ý chí sửa chữa sai lầm. Tôi mong rằng với cuốn Đèn Cù, vụ án “Xét lại chống đảng làm gián điệp cho nước ngoài” sẽ không bị dìm chết trong quên lãng. Nó sẽ bật dậy sống lại trong dư luận xã hội, trong lương tâm của đông đảo đảng viên CS bình thường khi Đại hội XII đang đến gần. Không thể để chậm nữa. Cho dù phần lớn nạn nhân đã chết uất ức oan uổng. Chậm vẫn còn hơn không.

Mong rằng trong đảng CS sẽ vang lên nhiều tiếng nói yêu cầu đảng CS thực hiện mong muốn cao đẹp của NTT, xem xét lại vụ án «Xét lại chống đảng» đã tồn tại quá lâu. Tuy thật đáng buồn là có tin NTT đã không còn nữa, nhưng cũng may là một số nhân vật khác vẫn còn sống, còn nhân chứng Lê Hồng Hà, và theo tôi được biết, còn các ông Lê Trọng Nghĩa, Phan Thế Văn, Phùng Mỹ đang sống ở Hà Nội. Ở nước ngoài còn có các ông Nguyễn Minh Cần, nguyên phó chủ tịch Ủy ban nhân dân Hà Nội, sống ở Nga; còn nhà văn Vũ Thư Hiên sống ở Pháp…Và vẫn còn những người lãnh đạo chịu trách nhiệm kế tiếp về vụ án cực lớn ấy như: Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng… Họ không thể phủi trách nhiệm. Chính họ đã mù quáng theo đường lối của Mao, dẫn dắt đất nước vào thảm họa huynh đệ tương tàn, cố tình chà đạp “quyền tự quyết thiêng liêng của nhân dân miền Nam VN” được ghi rõ trên 2 Hiệp định Genève và Paris, mà họ đã long trọng ký kết. Để dẫn đến đất nước lạc hậu, tan hoang, không pháp luật ngày nay.

Vợ con, gia đình, con cháu, chắt, bạn bè của 36 nạn nhân vụ án chắc chắn sẽ cảm thấy vui lòng, được an ủi, xoa dịu niềm đau đã kéo dài hơn nửa thế kỷ, một khi vụ án được minh oan một cách công khai, theo «một nền pháp quyền nghiêm minh» mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hứa hẹn từ đầu năm, nhưng đến nay vẫn chưa thấy tăm hơi. Đây có thể là dịp tốt.

Bùi Tín

 

Nhận định của ông Bùi Tín về việc một số lãnh đạo VN bị tố giác cộng tác với CIA, (22-7-2004),

(khám xét và bắt ông Lê Hồng Hà)

http://www.rfa.org/vietnamese/programs/VietnamPolitics/141853-20040722.html

 

Phỏng vấn Lê Hồng Hà – Đảng chỉ còn vai trò kìm hãm xã hội (3-6-2012)

http://www.procontra.asia/?author=11

————-

Đỗ Mười liên can đến chuyện Nhân Văn và Giai Phẩm…

LY RƯỢU TRƯA CHỦ NHẬT

28-9-2014

NGUYỄN TRỌNG TẠO

Sáng nay Chủ nhật, ông bạn là Lê Doãn Hợp (cựu Bộ trưởng) gọi điện muốn đến thăm mình ở nhà sàn, uống rượu và đàm đạo. Lâu lâu không gặp nhau, nay thấy bạn bảo thế thì mình OK và sang nhà sàn sớm, dọc đường ghé chợ mua mấy quả cà tím và bó rau muống, gọi là bữa nhậu có rau.

Ảnh, từ phải sang: Lê Doãn Hợp, Tám, Mai, Thiên Sơn, Hồng Đăng, Thu Hà, NTT, Khang Nguyễn _ Photo Hiếu

Gần trưa, chú Khang chở sếp cũ cùng 2 nhà báo Tám, Mai đến đúng hẹn, lại còn xách theo rượu Nhật, rượu tây. Nhóm Hà Đăng, Thiên Sơn đi taxi bị lạc đường đến muộn, nhưng cũng kịp vào bếp chung tay làm mấy món nhậu. Thế là bữa trưa rôm rả với những câu chuyện mà nếu không kể ra chắc là chẳng mấy ai biết.

Nhân thấy bức tượng thi sĩ Hoàng Cầm, Văn Cao… ngoài vườn, ông Hợp nhớ thời đang đương nhiệm, có lần làm Chủ tịch hội đồng Giải thưởng Nhà nước (GTNN), phải đi “kêu” cho Hoàng Cầm, Phùng Quán, Lê Đạt, Trần Dần… Chả là trong lúc đang xét GTNN, có điện thoại của cựu TBT Đỗ Mười và bà Thanh vợ ông Tố Hữu phản đối. Sau đó lại thêm lá thư của GS Hà Minh Đức không đồng tình. Thế là ông Hợp phải đi gặp từng người để giải thích, đại ý: Đây không phải là khơi lại câu chuyện Nhân văn – Giai phẩm, mà là ghi nhận những đóng góp xuất sắc về văn học nghệ thuật của các tác giả này đối với đất nước. Cuối cùng thì các vị “phản đối” cũng đồng ý. Và việc trao giải thưởng cho một số nhà văn trong nhóm NVGP đã ghi nhận một cách nhìn mới đối với tài năng và sự đóng góp của họ. Trong việc này, ông Hợp có ý tiếc là lúc đó không thông qua được Giải thưởng Nhà nước cho nhà thơ Hữu Loan, tác giả bài thơ “Màu tím hoa sim” và nhiều bài thơ nổi tiếng khác.

Có nhiều câu chuyện vui, nhưng riêng chuyện đó đã làm tôi thêm thán phục sự can đảm của ông Bộ trưởng trước những tình thế khó khăn cho anh em văn nghệ sĩ.

Nếu ai cũng vì những giá trị thực sự của trí thức văn nghệ sĩ như thế, thì cuộc đời của họ đâu phải khổ đau kéo dài trong những ngày hoạn nạn.

Và ly rượu vui trưa Chủ nhật bỗng thấm chút đắng chát về những phận người thua thiệt trong oan trái. Nhưng rồi vẫn phải cười, chứ sao, cười cũng là thang thuốc để sống vui với đời.

 

SÔNG CÓ THỂ CẠN

Thái Bá Tân

Trong “Đèn Cù” có đoạn
Nói về Chu Văn Biên,
Trùm cải cách Nghệ Tĩnh,
Bắc ghế ngồi trên thềm.

Hắn chỉ vào mặt mẹ
Chắp tay đứng dưới sân:
“Mày là đứa bóc lột,
Kẻ thù của nhân dân.

Không mẹ con gì hết.
Tao phải tiêu diệt mày.”
Vì cái thành tích ấy
Chu Văn Biên sau này

Được đề bạt thứ trưởng
Bộ nông nghiệp nước nhà.
Mẹ cắn lưỡi tự tử.
Thật tội nghiệp bà già.

*
Một chính quyền xúi giục
Con cái đấu mẹ cha,
Người ở đấu ông chủ,
Cháu chắt đấu ông bà,

Thử hỏi chính quyền ấy
Là thứ chính quyền gì?
Một tội ác man rợ
Thuộc vào hàng tru di.

Và sông có thể cạn,
Và núi có thể mòn,
Tội ác man rợ ấy
Sẽ được nhớ, trường tồn.

Posted in Nhan Vat Chinh tri, Sách-Hồi Ký-Bài Báo..., Đảng CSVN | Leave a Comment »

►Chuyến đi của TT Nguyễn Tấn Dũng tới Âu châu cùng lúc với Phùng Quang Thanh dẫn bầy 13 tướng lãnh qua chầu TQ vào tháng 10-2014 có mục đích gì?

Posted by hoangtran204 trên 18/10/2014

Nguyễn Tấn Dũng tới Âu Châu chủ yếu là để xin trợ giúp tiền bạc, nhưng ngoài mặt giả vờ tìm kiếm sự ủng hộ của EU với VN trong vấn đề Biển Đông bởi vậy mới nói lắc léo rằng:  VN mong muốn đón nhận sự quan tâm của EU, nhưng sự giúp đỡ phải  phù hợp với “thể chế” khu vực và không xâm phạm vào nội bộ. Việt Nam không liên minh với nước này để chống nước khác…đây là hành động của Dũng muốn làm đẹp lòng Tập Cận Bình, vì bà Thủ tướng Angela Merkel đã từng công khai tặng Tập Cận Bình tờ bản đồ cổ thế kỷ 18, trong đó, lãnh thổ cực nam  của TQ là đảo Hải Nam. Hành động này của bà Merkel đã làm cho khuôn mặt của Tập Cận Bình tức giận đanh lại Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc Phòng Phùng Quang Thanh đang  dẫn một bầy 13 tướng lãnh bộ đội qua diện kiến Trung Quốc  (từ ngày 16 cho đến 18-10-2014 theo tin của đài BBC) như một dấu hiệu đầu hàng, TQ muốn làm gì ngoài bể Đông thì cứ làm, VN sẽ không đem quân đội ra can thiệp. Hai tháng trước,  26/8/2014, Cựu Bộ trưởng công an Lê Hồng Anh, Đặc Phái viên của Tổng Bí thư , Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã sang thăm Trung Quốc. 

Màn đu dây hay hành động đâm sau lưng đồng đội

16-10-2014

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiến hành một loạt biện pháp ngoại giao tại Châu Âu, những thông tin chính cho đến giờ phút này đã khẳng định mục đích chính chuyến đi này của thủ tướng NTD là tìm kiếm sự ủng hộ của EU với VN trong vấn đề Biển Đông.

Gặp gỡ các chính khách và tổ chức EU, thủ tướng NTD thẳng thắn đưa chuyện nguy cơ bất ổn tại biển Đông ra cảnh báo quốc tế, cũng như đưa thông điệp VN sẽ làm hết sức mình để giữ hoà bình khu vực cũng như giữ chủ quyền đất nước. Phát biểu có đoạn nói VN mong muốn đón nhận sự quan tâm của EU, nhưng gài thêm đoạn là phù hợp với “thể chế” khu vực và không xâm phạm vào nội bộ. Việt Nam không liên minh với nước này để chống nước khác.

Hàm ý không liên minh với nước này chống nước khác là thế nào?

Là có thể không liên minh chống, nhưng có thể liên minh bảo vệ mình? Hoặc không liên minh chống, nhưng có thể nhận giúp đỡ để một mình chống lại nước khác?

Chắc không phải là vậy, vì thế giới ngày nay mọi sự liên minh đều dưới danh nghĩa bảo vệ nhau. Các hiệp ước liên minh quân sự Âu Mỹ, Hàn Mỹ, Nhật Mỹ, Mỹ Phi… đều mang danh nghĩa bảo vệ nhau hoặc bảo vệ hoà bình khu vực. Chả ai tuyên bố đi liên minh chống nước khác, vậy câu nói của thủ tướng ở ý này là thừa?

Lẽ nào câu nói được VN nhai đi nhai lại nhiều lần từ các cấp cao nhất lại thừa. Không, nó chẳng thừa. Đó là một câu mệnh lệnh thống nhất trong nội bộ ĐCSVN khi giải quyết vấn đề biển Đông. Khi bất cứ lãnh đạo nào tiếp xúc với quốc tế để trả lời quan điểm của VN về việc này đều phải đưa câu nói này vào. Hàm ý của nó là VN không bao giờ hợp tác quân sự với nước nào để tranh chấp với TQ trong vấn đề biển Đông.

Ngay lập tức để bổ sung cho hàm ý này, bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh dẫn một đoàn hùng hậu gần hết tướng lãnh quan trọng của VN sang TQ để diện kiến bộ quốc phòng TQ.

Ý nghĩa hành động của phái đoàn Phùng Quang Thanh là gì. Tác động của nó ra sao?

Ý nghĩa là chúng tôi không bao giờ dám dùng quân sự với các Ông (TQ). Bằng chứng là đây, tất cả quan quân tướng lĩnh trụ cột tội đều mang cả đến đây. Lich sử chưa có nước nào sắp giao tranh mà mang tất cả tướng lĩnh quan trọng đi sứ sang nước địch như thế. Đi sứ kiểu thế là đi sứ kiểu con tin hèn mọn, yếu thế bày tỏ sự thần phục hoàn toàn. Một lòng một dạ không có ý dám cưỡng lại. Nhằm xoa dịu TQ không vì chuyện thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói ở EU mà có hành động gia tăng trên biển Đông.

Đến đây thì vấn đề mới thực sự là phức tạp. Nếu hành động của Nguyễn Tấn Dũng và Phùng Thanh Quang là một sự phối hợp thống nhất có bàn bạc. Thì đây lại là một sự đu dây nữa, mà nghiêng về phía TQ nhiều hơn. Buồn là nếu vậy, sự đu dây này được thống nhất triệt để trong toàn nôi bộ ĐCSVN.

Sở dĩ nói nghiêng về TQ nhiều hơn vì nó diễn ra ngay sau khi thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặt vấn đề biển Đông với những tiềm ẩn xung đột an ninh khu vực ra để kêu gọi EU giúp đỡ. Đặt địa vị EU hay người Đức, chúng ta thử nghĩ sao khi có người đến cậy nhờ họ bị bắt nạt, họ bị đe doạ bằng vũ lực quân sự… rồi ngay sau đó toàn bộ tướng lính cốt cán của họ lại bầu đoàn kéo sang nước đối thủ để bày tỏ chí tình, chí hữu. Nếu thế có giúp họ bằng vũ khí, tiền bạc để nâng cao sức chiến đấu của quân đội họ là có ích hay không?

Tất nhiên là chả giúp về mặt nâng cao khả năng chiến đấu làm gì. Vì họ cho thấy không có tinh thần chiến đấu, họ còn muốn giữ “thể chế” khu vực, giữ hoà bình khu vực. Nếu họ muốn thế rồi, chỉ giúp về phương diện ngoại giao, lên tiếng ủng hộ mà thôi.

Đây là cái bẫy mà TQ đã đưa VN chui vào. TQ sẽ dùng vũ lực như họ vẫn dùng để tiếp tục chiếm biển Đông. VN không phản kháng bằng quân sự, VN kêu gọi quốc tế ủng hộ, quốc tế ủng hộ bằng mồm. Không có hành động nào thiết thực vì những nguyên nhân đã nói trên. Cuối cùng TQ sẽ chiếm biển Đông ngon lành, và còn huênh hoang nói rằng. TQ có chính nghĩa, bởi vì TQ làm như vậy các nước kia chỉ phản đối mồm thôi. Chứ họ có bênh thực bụng đâu.

Nước cờ VN đu dây tưởng là cao, tự hào với cái gọi là ngoại giao khéo léo. Thực ra là đang đi vào thế trận mà TQ đang bày ra. Những chính khách của VN không phải là không hiểu. Nhưng họ cần nước cờ đu dây để đối phó với dư luận nhân dân VN, dư luận quốc tế là họ có hành động bảo vệ chủ quyền. Cái vỏ ốc “thể chế khu vực” hay “ổn định chính trị” người TQ đã gieo sâu vào trong đầu lãnh đạo VN, khiến lãnh đạo VN không có cách nào khác là phải đu dây như vậy. Nói một cách dân giã là giữ “cái bình” mà họ sợ khi vỡ không biết ra ngoài sẽ thế nào. Cứ giữ cái bình ở yên trong đó cho an toàn.

Chiến lược “vừa hợp tác, vừa đấu tranh” giữa kẻ mạnh và kẻ yếu không bao giờ có lợi với kẻ yếu, nó chỉ cho kẻ yếu sự tồn tại nhất định trong vòng cương toả để mang lại lợi ích lớn cho kẻ mạnh. Không bao giờ kẻ yếu có chiến thắng như mong muốn trong một chiến lược như vậy. Kẻ yếu chỉ chiến thắng bằng sự dứt khoát tuyệt giao như Trương Lương đốt sạn đạo hay bằng chính lòng quả cảm quyết chiến như Hàn Tín bày trận Bối Thuỷ, hay sự can trường như Alexander Đai Đế dẫn quân xông thẳng vào đại quân địch mà quân số gấp 4 lần mình.

Chiến lược “vừa hợp tác, vừa đấu tranh” chỉ có mang lại kết quả, khi kẻ mạnh bất ngờ bị một sự kiện nào đó khiến suy yếu. Nhưng đó là sự trông chờ may rủi, sự thụ động hay còn gọi là “há miệng chờ sung” đợi “trâu bò húc nhau ruồi muỗi lợi”. Cái đáng sợ trước mắt thấy ngay là khi thực hiện chiến lược này, sung rụng hay trâu bò húc nhau chưa thấy đâu. Mà mình cứ thiệt hại dần mòn, tê liệt từ ý chí đến năng lực, có khi bị thâu tóm trước khi sung rụng hay trâu bò húc nhau.

Trong chính sách đối ngoại với TQ, Việt Nam đang áp dụng chiến lược này.

Ngoại giao đu dây, hợp tác đấu tranh để giữ chủ quyền là tư tưởng cốt lõi của ĐCSVN. Một hành vi thụ động chờ sung rụng, chờ vào biến cố ngẫu nhiên tác động… vì thế lãnh đạo ĐCSVN thường nói “hy vọng đời còn cháu sẽ đòi lại”. Từ giờ cho đến đời cháu là quãng thời gian dài (ít nhất là đến 4 nhiệm kỳ) biết đâu có sung rụng hay ruồi muỗi húc nhau. Hy vọng là thế, để hậu thế thấy các lãnh đạo ĐCSVN toàn là thiên tài có tầm nhìn rất xa.

Một khả năng ít hơn nhưng có thể xảy ra, đây không phải là sự phối hợp của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với Phùng Quang Thanh trong kịch bản đu dây ngoại giao để giữ chủ quyền. Mà nó là sự mâu thuẫn nội bộ, hành động của Phùng Quang Thanh là đâm sau lưng đồng đội. Làm mất uy tín của Nguyễn Tấn Dũng trên chính trường quốc tế?

Điều này không phải là không có khả năng. Dự định đi Hoa Kỳ của Phạm Bình Minh đã bị gác lại không thời hạn. Phải đợi sau khi uỷ viên Bộ chính trị Phạm Quang Nghị cắt ngang đi trước, sau đó Phạm Bình Minh mới được phép đi. Lần này khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặt vấn đề an ninh đe doạ ở biển Đông ra EU, thì bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh dẫn hết tướng lĩnh sang TQ, khác gì nói chúng tôi chả có gì bị nghiêm trong hay đe doạ cả. Một hành động sổ toẹt vào lời thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng như nguyên thủ nào đã nghe lời ông ta. Một góc nào đó thì hành động của Phùng Quang Thanh còn đáp trả lời ủng hộ của bà thủ tướng Đức, báo thù hộ TQ khi bà tặng bản đồ không có quần đảo mà TQ tự nhận. Biến bà thủ tướng Đức thành người hồ đồ khi hấp tấp lên tiếng đáp lời thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Trong trường hợp kịch bản đâm sau lưng đồng đội này là có thật. Thì kẻ đạo diễn đằng sau là ai? Là thế lực nào? Ông giáo làng không đủ tầm để vạch lên kịch bản như vậy chỉ đạo. Có lẽ ông ta cũng chỉ là một vai diễn mà thế lực này bố trí đảm nhiệm.

Trường hợp kịch bản này có thật, chắc tới đây, chính trường VN sẽ còn nhiều khốc liệt.

Tuy nhiên riêng về phần “đâm sau lưng đồng đội” này là sự suy diễn chưa đủ cơ sở. Còn phần “đu dây ngoai giao” có thể là hợp lý hơn vì những hàng động phù hợp với tuyên bố chung của toàn lãnh đạo ĐCSVN. Cũng như bọn DLV vẫn khẳng định lãnh đạo ta đoàn kết, không có chuyện chia rẽ như các thế lực thù địch, phản động xuyên tạc.

* * *Kết luận thì vẫn như thường lệ, đây là những lời chém gió của một thằng thất học. Nhằm mục đích câu viu và mua vui, giải trí. Hoàn toàn không có cơ sở khoa học hay bằng chứng nào. ĐCSVN đời đời quang vinh, đời đời là thiên tài, là cha mẹ cuả nhân dân, nơi hội tụ những tinh hoa nhất của dân tộc. Là ngôi sao sáng nhất trong các vì sao. Là mặt trời chân lý chói qua tim. Bà con đọc giải trí, còn đâu mọi việc đã có đảng lo, hãy yên ổn làm ăn lo cho gia đình của mình.

Bài liên quan

Thủ tướng Viễn Chinh  (14-10-2014)

———–

Ếch ngồi đáy giếng

Lâm Bình Duy Nhiên
16-10-2014

Lời tác giả: Ngày 25/6/2006, ông Nguyễn Tấn Dũng đã được Quốc hội CHXHCNVN bầu làm Thủ tướng với hơn 92% số phiếu. Vào tháng 9/2007, ông đi thăm chính thức các quốc gia Châu Âu.

Bảy năm sau (10/2014), cũng chính ông Dũng (đã tái đắc cử Thủ tướng nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2011) lại dẫn đầu phái đoàn nhà nước CHXHCNVN công du Châu Âu và Tòa Thánh Vatican. Là một vị Thủ tướng trẻ tuổi nhất trong lịch sử nhà nước CSVN, được giới chính khách quốc tế kỳ vọng nhiều cũng như từng được bình chọn là một trong 20 nhân vật cải cách của Châu Á (tạp chí World Business vào tháng 5/2007), nhưng ông đã không đưa ra được một chính sách cải tổ đáng kể nào cả. Kinh tế đất nước vẫn bị trì trệ, thể chế chính trị vẫn hà khắc, quyền tự do, ngôn luận vẫn bị xâm phạm một cách trắng trợn, mối quan hệ song phương hèn nhát với Trung Quốc bị công luận lên án và chỉ trích ngày một nặng nề…

Bài dưới đây được viết vào năm 2007 nhân chuyến công du chính thức đầu tiên tại Châu Âu của ông Dũng. Thấm thoát bảy năm trôi qua, nhưng những nhận xét khi ấy vẫn còn có giá trị. Mục đích của chuyến đi lần này cũng như thực trạng đáng buồn của một chế độ độc tài vẫn không hề thay đổi!

Thấy ông Thủ tướng Đảng cộng sản đang đi công du châu Âu. Tôi lại nhớ đến một câu nói, mà theo thiển ý của riêng mình, là bất hủ. Đó là vào giữa thập niên 90, ông tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh (cựu phó thủ tướng kiêm thống đốc ngân hàng Việt Nam cộng hòa), khi ấy là cố vấn kinh tế cho nguyên thủ tướng cộng sản Võ Văn Kiệt, đã nói với người viết rằng: « Tôi dẫn họ đi để cho họ biết thế giới bên ngoài, chứ họ cứ như là con ếch ngồi đáy giếng! ».

Dạo đó, ông Nguyễn Xuân Oánh cũng đã dẫn một phái đoàn của chính phủ cộng sản, do ông thủ tướng Võ Văn Kiệt cầm đầu để đi thăm các nước Châu Âu. Nói là đi thăm chính thức nhưng mục đích cốt yếu là để xin tiền viện trợ, để hòng thay đổi chút ít hình ảnh của một Việt Nam nghèo nàn lạc hậu và độc tài. Đó cũng là những năm sau thời kỳ « Đổi mới » (1986), chính sách mà ông Nguyễn Xuân Oánh là một trong những người chủ chốt đã giúp nhà cầm quyền cộng sản soạn thảo (dưới thời ông cố tổng bí thư đảng cộng sản Nguyễn Văn Linh).

Ông Oánh so sánh những người lãnh đạo đảng CSVN như những con ếch !

Con ếch ngồi đáy giếng ngày ấy, cứ tưởng mình là ông trời, là cái rốn của nhân loại trong cái giếng bé tí bé teo. Nhưng khi thấy mấy con ếch khác dần dần nhảy ra khỏi miệng giếng, chỉ để lại nó một mình thì lại bắt đầu cuống cuồng, tìm đường sống. Khổ thay, có ai dẫn dắt nó đi ra ngoài để tận mắt thấy rõ thế giới ! Thành phần lãnh đạo thì quá kém cỏi, già cả, ít học làm sao mở miệng nói chuyện với người khác ! Muốn xin tiền thì cũng phải biết nơi, biết chỗ có tiền để đi xin. Thế là ông cố tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh, một trong những trí thức có tiếng trên bình diện quốc tế, đã đảm nhận vai trò làm cầu nối cho chính quyền cộng sản với các nhà lãnh đạo châu Âu.

Là một trí thức của VNCH và chấp nhận làm cố vấn kinh tế cho những người cộng sản. Nhưng ông thừa hiểu rằng họ vẫn chỉ là những con ếch, chẳng biết gì về thế giới, về tự do. Họ chỉ nghĩ rằng chuyên chính vô sản là siêu việt, là đỉnh cao trí tuệ!

Tôi cũng còn nhớ hình ảnh ông cán bộ lão thành trong xóm, mấy chục năm tuổi đảng, có lẽ vì ngồi giếng quá lâu nên cứ nghĩ mình là số một. Đó là cái thời mà cộng sản Việt Nam cứ tối ngày gọi Trung cộng là « bọn bành trướng Bắc Kinh » từ trên truyền hình đến báo chí. Ông ta, có lẽ một hôm quá cao hứng, nên tuyên bố với lũ thanh niên chúng tôi là: « Bọn bành trướng mà láo luế thì đánh bỏ m… chúng. Quân đội ta anh hùng, Mỹ còn đại bại huống chi bọn Tàu! ». Tội nghiệp cho ông ta là quân đội Việt Nam anh hùng của ông đã bị Tàu cộng đánh tơi tả, chiếm đất, chiếm núi… thế mà chính ông và toàn thể đồng bào của ông trong nước không hề hay biết! Và có lẽ đến giờ ông cán bộ cách mạng lão thành ấy vẫn đinh ninh tin rằng Đảng là sự chọn lựa tất yếu trong sứ mệnh lèo lái dân tộc đi đến « dân giàu, nước mạnh ». Đáng sợ thay con ếch ngồi đáy giếng hay cái chính sách ngu dân, bưng bít thông tin, và bộ máy tuyên truyền của đảng cộng sản!

image002_0.jpg

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh

Con ếch – những người lãnh đạo đảng CSVN – mặt dù sau đó đã nhảy ra được khỏi miệng giếng rồi, nhưng có lẽ nó vẫn còn ì ra, chai lì ra, dẫu biết rằng mình chẳng là gì trong cái thế giới rộng lớn kia. Thế giới mà nó khám phá thực tế lớn hơn nhiều so với cái khung trời nhỏ mà nó thấy qua đáy giếng. Ấy thế mà nó lại cứ quay về cái chốn cũ !

Ngày nay, cứ mỗi khi muốn cải thiện hình ảnh của mình, muốn làm ăn, buôn bán, xin xỏ với thế giới, hay thậm chí tìm kẻ bảo vệ mình thì những người cộng sản lại công du. Hết Chủ tịch nước, Tổng bí thư đảng lại đến Thủ tướng chính phủ cứ rầm rộ kéo phái đoàn đi. Lạ thay là đại đa số những nơi đặt chân đến đều là thế giới của tự do, của nhân quyền, thế nhưng họ vẫn cố tình « làm ngơ ». Như anh chàng vừa mù, vừa điếc lại vừa câm để không thấy rõ cái quyền căn bản của một xã hội văn minh, dân chủ!

Đấy chỉ là một sự cố tình vì họ thừa biết rằng chủ nghĩa cộng sản đã lỗi thời trên thế giới. Họ cũng biết rằng muốn sống và tồn tại thì phải làm ăn với « bọn tư bản hút máu, bóc lột ». Họ thừa hiểu thế nào là khái niệm dân chủ mà nhân loại đã vật lộn để vươn tới và ngày nay đã trở thành một giá trị không thể chối từ của một dân tộc tiến bộ. Hiểu nhưng không chấp nhận vì nếu chấp nhận là đồng nghĩa với việc sẽ đương đầu với bao sóng gió. Là sự đối mặt với bao tội ác mà họ gây ra cho dân tộc. Là bao sự thật sẽ bị vạch trần trước công luận, là sự chà đạp lên lòng yêu nước của bao thế hệ, là sự hèn nhát đối với tổ tiên đã dày công gìn giữ non sông, là một tòa án do nhân dân phán xét…Và kết quả mà không mấy khó khăn để tiên đoán là ngày tàn (nếu không tàn thì cũng hấp hối như đảng cộng sản Pháp) của bộ máy cầm quyền vì chẳng có người dân nào còn tin tưởng để bỏ lá phiếu cho họ trong một xã hội dân chủ, đa đảng.

Thế nên con ếch ngày nào dẫu đã có dịp nhảy ra khỏi giếng, chu du thiên hạ, « đi một ngày đàng, học một sàng khôn… vặt» nhưng rồi vẫn quay về cái giếng cũ. Bây giờ, họ đã học ăn, học nói đôi chút nhờ vào thế hệ « trí thức » mà đảng gởi đi đào tạo tại các trường đại học nổi tiếng trên thế giới. Học cái mới chỉ để hòng củng cố sự cầm quyền của đảng. Phải « đổi mới, hội nhập với thế giới » cũng chỉ để tồn tại và đánh lạc hướng dư luận « thơ ngây » trong và ngoài nước.

Ông Oánh đã mãi mãi ra đi, và con ếch mà ông nói đến vẫn còn đó!

Thế mới biết, ngày nào con ếch cộng sản vẫn còn ngồi đáy giếng thì ngày ấy vẫn còn là đại họa cho dân tộc Việt!

Lâm Bình Duy Nhiên, 16/09/2007

Posted in Uncategorized | Leave a Comment »